Mùa xuân đầu tiên
20:39', 3/3/ 2009 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Lê Hoài Lương

Sáng ấy là buổi tập dã ngoại đầu tiên sau Tết. Nhà liên miên khách, hôm trước mấy chị em phải giúp mẹ làm bổ sung mấy thứ bánh cúng rằm. Chẳng đi tới đâu, cái đám đàn ông mặc yếm ấy. Đã bao lần khi bưng trầu, nước lên chào khách, mẹ cứ nhắc chừng phải từ tốn, dịu dàng; nàng đã không thể e ấp cúi đầu thục nữ mà cứ nhìn thẳng vị nam khách có thể sẽ là đức phu quân. Thì phải biết mặt mũi tướng tá ra sao để tí nữa còn trả lời mấy chục chị em đang hồi hộp chụm đầu nhỏ to sau vườn chứ! Chẳng hiểu sao hết con cụ Chánh Tề xã dưới đến cháu nội Tuần San… các cậu ấm “con nhà” này hễ chạm ánh mắt của nàng là rúm ró. Có kẻ mới vào sân, nhìn chéo qua vườn thấy nàng luyện kiếm cho chị em là xà lui. Cha ca cẩm mầy cứ côn kiếm kiểu này thì chẳng đứa nào dám rước! Nhưng thương chiều con ông cũng không cấm. Gần đây con Nhạn lại về hùa với nó, tập tập luyện luyện, đàn bà con gái cái xã này nữa, đúng là thời loạn!

Sáng nay dặn chừng chị em ở nhà luyện kiếm, nàng cùng Nhạn, Lan cưỡi ngựa qua trảng Sim. Nhạn mới mười sáu, vai cô ruột nhưng cũng là học trò nàng, cô út mới được ông bà lì xì con tía khá đẹp; Lan được ông anh rể biện Nhạc tặng con ô trước Tết. Nhưng con bạch mã của nàng vẫn trội hơn. Cả ba chạy kiệu vài dặm là biết ngay. Lý Văn Bưu dạy nàng khá kỹ cách nhìn ngựa, cưỡi ngựa bắn cung. Chàng trai bên Đại Khoang, Phù Cát chuyên nghề chăn nuôi bò ngựa và săn bắn này quả là trang hảo hán, cung kiếm đều giỏi. Gặp nhau vài lần săn ở Thuận Ninh là thân quý nhau. Nghe Lan kể anh em biện Nhạc học thầy Hiến là những trang kiệt hiệt, có chí lớn. Chà, đàn ông trên đời vẫn còn đấy chớ giẻ rách cả đâu mà mẹ sợ mình ế chồng. Mẹ bảo ế chồng già một mình bò ra vò nước. Bất giác nàng cười vang. Nhạn, Lan chạy rướn tới hỏi, nàng chỉ cười thúc ngựa phi nhanh hơn về phía cây cầy trên đồi, nơi luyện tập.

Mặt trời đã lên cao nhưng tiết xuân trong lành và mát mẻ. Cỏ non mượt trải rộng khắp trập trùng đồi lan xa với miên man lùm bụi chà là, sim, ổi… Và vô vàn hoa dại đang khoe sắc. Nàng hít căng lồng ngực làn gió xuân dìu dịu hương rừng hòa quyện từ nhựa cây, lá ủ, và cả những búi cỏ bật ra từ vó ngựa. Nàng thích thú thúc mạnh chân, con bạch mã hí vang thỏa mãn và phi nước đại, bỏ lại sau lưng tiếng kêu ơi ới, tiếng cười trong trẻo của hai cô gái. Nàng vòng qua cây cầy vẫy tay ra hiệu cho hai người luyện bắn cung còn mình thì cứ phóng nhanh về phía núi trong một phấn khích kỳ lạ.

Nhiều năm qua, quá nhiều biến động khiến bà hầu như không có chút cơ hội để lý giải khoảnh khắc định mệnh ấy như bây giờ…

Đã vào thung lũng Thuận Ninh. Ba bề bốn bên trập trùng núi. Nàng ghìm ngựa cho nó đi thong thả. Con bạch mã lựng khựng có vẻ không vừa ý. Dẫu sao, những trảng tranh cũng hẹp dần, đồi núi nhiều cây cối và đá. Một con mang chạy tắt qua hoảng hốt. Cung tên đeo sau lưng - nàng không chuẩn bị săn. Vùng núi này nàng từng bắn được nhiều nai và heo rừng về đãi chị em. Con tuấn mã chợt khựng lại, dỏng tai nghe ngóng. Nàng trong tư thế sẵn sàng thận trọng cho ngựa tiến bước. Con vật khựng lại lần nữa và lần này chính nàng nghe rõ tiếng cọp gầm! Không phải tiếng gầm nhàn rỗi thị uy muôn loài mà là một cuộc ác đấu. Thợ săn chuyên nghiệp Đại Khoang Lý Văn Bưu đã dạy nàng cách phân biệt chuẩn xác. Cũng chính anh bày nàng tập cho ngựa quen dần mùi cọp. Nàng cho ngựa tiến về phía ấy trong một thôi thúc khôn tả…

Quả là một cuộc ác đấu. Giữa cọp và người. Một tráng sĩ tay không, người loang lổ vết máu đang chật vật tránh những miếng vồ sở trường của chúa sơn lâm và vung quyền cước phản đòn. Nhìn đất cày cỏ nát nàng hiểu cuộc chiến đã kéo dài đến vài giờ. Nàng nhảy xuống ngựa, quát lên một tiếng, tuốt kiếm xông vào…

Chiếc xe phía trước xóc mạnh. Gương mặt nằng nặng vì phù thũng của chồng thoáng chau lại nhưng bắt gặp ánh mắt bà, ông mỉm cười. Cũng như năm Quang Trung thứ 2, Ai Lao không chịu nạp cống lễ, hoàng đế sai chồng đem một vạn quân đi vấn tội, bà xin tiên phong, chỉ một trận là hạ thành Vạn Tượng. Ông cũng chỉ khen tặng bà nụ cười chứa chan yêu mến…

Bị nhát kiếm hiểm, cọp dữ rống lên một tiếng rồi phóng vào rừng. Nàng quay lại: người tráng sĩ đã kiệt sức chống tay ngồi trên đất, ánh mắt ngạc nhiên thoáng nét sửng sốt. Anh chợt mỉm cười rồi cất lời điềm tĩnh và tán thưởng: “Bạch Hạc Triều Dương của cô đẹp quá!”. Con người vừa đối diện với cái chết, kẻ hàm ơn cứu mạng bỗng làm nàng bối rối. Anh đã thay chữ “phượng hoàng” thành “bạch hạc” chỉ y phục màu trắng của nàng. Thấy vết máu nơi vai anh còn chảy, nàng ra hiệu anh ngồi chờ rồi quay đi, một phần muốn giấu gương mặt đang đỏ lên của mình. Dù đã khuất, sau khi hái được nắm lá cầm máu, nàng vẫn ngoái nhìn rồi mới luồn tay cởi dải yếm xé nhiều mảnh…

Biện Nhạc mừng rỡ đón Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Diệu là môn khách của ông mấy tháng nay còn nàng và ông đã biết tiếng nhau từ lâu.

Mấy ngày sau, nhận thiếp mời chủ Trại Trầu, nàng sang trong tâm trạng vui vui và có chút hồi hộp. Khách khứa vẫn đông như mấy hôm trước. Ba người chờ nàng trong một phòng riêng: biện Nhạc, Diệu và một người nàng đoán là Huệ, em ông Nhạc. Quanh chén trà, biện Nhạc hỏi thăm việc học võ của cô em vợ, về chí hướng của nàng. Ông nói nhiều về thời cuộc. Về lòng mến phục của anh em ông đối với những người như Diệu, như nàng. Cũng như Diệu, từ đầu chí cuối Huệ chỉ ngồi nghe, vẻ mặt hai người cởi mở thân tình… Rồi cũng tới lúc họ cùng nâng chén rượu thanh khí tương phùng. Giây phút thiêng nghiêm đến nghẹn thở.

Ông mai Nhạc sau đó qua Bùi gia và làm chủ hôn cho đôi lứa Trần - Bùi. Trong đêm tân hôn, nàng ngạc nhiên rồi đỏ mặt sung sướng khi Diệu lấy từ ngực áo ra những mảnh yếm đã giặt sạch bong… Hai tháng sau, Tây Sơn khởi nghĩa. Ông Nhạc được tôn là Tây Sơn Vương.

Nghe tin quân cứu viện của chồng, Trần Thái Phó và Đại Tư Đồ Võ Văn Dũng tan tác ở Hương Sơn, bà đem đội nữ binh đến cứu. Đến Giáp Sơn thì cứu được. Nhưng rồi lại bị vây khổn ở Thành Chương. Đoàn nữ binh vốn chỉ còn vài phần sau các trận ác đấu ở Đâu Mâu, hộ giá ở bến Linh Giang, liều chết trả nghĩa chủ cho tới người cuối cùng. Bà gạt lệ dìu chồng đang bệnh nặng và cùng rơi vào tay giặc. Võ Văn Dũng chạy đến Nông Cống cũng sa cơ rồi cùng bị áp giải về Nghệ An. Nhận tín hiệu nhưng bà lắc đầu, chỉ mình Võ Đại Tư Đồ phá cũi thoát thân. Bà muốn kết thúc cùng chồng!

Nhiều năm tháng sau, nàng cũng cứ mãi ngạc nhiên về những chuyển động đầy bão táp của một thời kỳ, của những số phận thân thiết quanh mình. Năm chị em, trừ Huỳnh Thị Cúc không lập gia đình, luôn sát cánh bên nàng và đã chiến đấu đến cùng trên lũy Đâu Mâu, Lan kết duyên cùng Nguyễn Văn Tuyết, Dung làm vợ Tú Đức Hầu Nguyễn Đăng Đô, đều là những danh tướng. Riêng cô Nhạn thành hoàng hậu. Bùi hoàng hậu, vợ chồng đô đốc Tuyết, vợ chồng Tú Đức Hầu đều đã tự sát để giữ tròn khí tiết khi vua Bảo Hưng bị bắt. Chao ôi, Bảo Hưng hay Cảnh Thịnh cũng không thể níu kéo được sự suy vong, triều Tây Sơn đã rối ren ngay sau khi tiên đế băng hà.

Nàng và Bùi hoàng hậu thân nhau không hẳn chỉ vì tình máu thịt. Cô Nhạn vừa là học trò cung kiếm vừa là bậc nữ lưu thời loạn. Nhưng sau này thành hoàng hậu và những toan tính quyền lợi riêng, chung, nhất là khi vua Quang Trung đột ngột qua đời, hoàng hậu cũng không đủ tỉnh táo, trong trẻo như trước. Ít nhiều nàng cũng đã cố gắng trong việc dàn xếp chuyện Bắc Cung hoàng hậu mấy năm sau tiên đế băng. Bùi chánh cung dù đã có thái tử và sau là vua Cảnh Thịnh, vẫn còn một nỗi lặng thầm hờn ghen với Bắc Cung Ngọc Hân. Vài lần tiếp xúc với Ngọc Hân, nàng hiểu nỗi hờn ghen kia là có cơ sở. Vua không hề bạc đãi Bùi hoàng hậu nhưng ông thực sự tâm đầu ý hợp với nàng công chúa tài sắc của triều Lê.

Cả mấy lần gặp nhau, Ngọc Hân đều chủ động. Bắc Cung quá hiểu mối quan hệ huyết thống và sự thân thiết của nàng và Bùi hoàng hậu. Cuộc yên bình nơi hậu cung đương nhiên chỉ là bề ngoài, nhất là thời của minh quân…

Lần đầu hai người ngồi với nhau như sự tình cờ. Ấy là lúc Bắc Bình Vương ra bắc lần thứ hai để bắt giết phò mã Vũ Văn Nhậm lộng quyền và tham vọng cát cứ. Chắc hẳn Ngọc Hân đã nghe Nguyễn Huệ nói nhiều về vợ chồng nàng.

- Ta đi dạo, tình cờ ngang đây, vào thăm đô đốc- Ngọc Hân giữ khách lễ nói.

- Cung thỉnh hoàng hậu, thật vinh hạnh cho tệ phủ- nàng khách khí đáp.

Nhưng rồi mọi khách khí nhanh chóng qua đi. Sắc và tài của cô công chúa Bắc hà nhanh chóng khiến nàng hiểu Ngọc Hân xứng đáng được yêu dù cuộc hôn nhân của cô với chủ tướng là một toan tính chính trị.

Lần thứ hai Bắc Cung tìm tới nàng trong nỗi bồn chồn không thể giấu được. Đó là mấy tháng sau, ngày mồng bảy Tết Kỷ Dậu. Vua cùng đại quân đã xuất chinh đánh giặc gần hai tháng. Ngọc Hân rủ nàng cùng đi dạo hoa viên Thượng uyển. Tết Thuận Hóa vàng rực, lộng lẫy sắc mai. Nàng vừa trò chuyện về nét xuân Nam vừa nhận thấu nỗi lo âu của hoàng hậu. Ngọc Hân hỏi nàng rất nhiều về chuyện binh tình, về những chiến trận vua đã trải… Lần đầu tiên nàng biết rằng cô công chúa tài sắc xứ Bắc đã quá yêu chúa công đất Tây Sơn của nàng.

“Chiến th…ắ…n…g!!! Hoàng thượng đã chiế…n thắ…n…g!!!”. Tiếng reo vui vỡ họng truyền như sấm từ quân hầu cận, các nữ hầu, nữ binh chung quanh khiến hai người nghẹn thở, bất giác ôm lấy nhau không còn lễ quân thần. Vừa lúc người lính trạm kịp tới, người đẫm mồ hôi, dâng cành đào vừa chớm nở, hụt hơi tấu rằng cành đào hoàng thượng lệnh cho chúng thần kịp về tặng hoàng hậu ngày xuân!

Nàng khóc cùng Ngọc Hân, hoàng hậu và là người bạn nhỏ tin yêu! Giọt nước mắt của hai người đàn bà vì đại cuộc của thời loạn!

Linh Giang rất thích Bắc Cung hoàng hậu. Đứa con gái duy nhất của bà và Trần Thái Phó ngay lập tức bị Ngọc Hân chinh phục. Tên Linh Giang là do bà đặt, Trần Quang Diệu thích lắm. Hai dòng sông lớn nhất Bình Định, sông Lại quê chồng và sông Côn của mình hợp thành linh giang. Lấy nhau mười mấy năm mới sinh con bé, đời chinh chiên yên ngựa, vợ chồng có mấy lúc gần nhau. Linh Giang lớn hơn công chúa Ngọc Bảo hai tuổi. Bắc Cung có lệnh bất cứ lúc nào Linh Giang cũng được quyền vào chơi với bà và Ngọc Bảo. Có lẽ từ ảnh hưởng của Ngọc Hân, mãi sau này khi lớn lên, Linh Giang cực chẳng đã múa kiếm luyện tập cùng mẹ chứ nó không hề thích nối nghiệp võ của cha mẹ. Ít nhiều thi thư, bát âm cung bậc khi gần Ngọc Hân đã biến con bé thành người khác. Sau này khi nghiến răng nhìn chồng bị xẻo từng miếng thịt, nhìn con gái chết xỉu thấy cha chết thảm, tới phần con được lính kéo dậy đẩy tới trước mặt voi, Linh Giang khóc thét lên vì sợ hãi, bà đã cố nỗ lực cuối cùng quát to: “Giang, nín ngay! Con nhà tướng không được sợ, không được khóc!”. Linh Giang đã trở lại với chính nó của máu thịt bà và Trần Thái Phó. Nó bình tĩnh từng bước tiến về phía voi, im lặng đến khi bị cuốn quẳng lên trời rồi nát bấy dưới chân dã tượng. Bà nở nụ cười bước lên nhận phần mình sau khi được “đặc cách” của Gia Long nhìn chồng con chết thảm!

Linh Giang rất buồn khi Bắc Cung hoàng hậu xin đi khỏi kinh thành sau mãn tang chồng. Nàng cũng không thể khác. Mấy lời nói khéo của nàng với Bùi chánh cung, Ngọc Hân mới đưa con vào đất Quảng yên bình. Mấy năm đầu, thỉnh thoảng Linh Giang có xin nàng vượt đèo vào thăm Ngọc Hân. Sau này khi Bắc Cung hoàng hậu dắt con về lại quê bắc, nàng và con gái mới hoàn toàn đứt liên lạc với người nữ tài sắc ấy. Khi nghe tin Bắc Cung hoàng hậu qua đời, Linh Giang khóc mấy ngày. Nàng cũng vừa an ủi con vừa lặng rơi nước mắt.

Cũng mười năm rồi còn gì. Vua Quang Trung băng đã để lại một lỗ hổng khủng khiếp. Đại thần trục lợi, nghi kỵ tàn sát nhau. Lòng người chán ngán. Vận nước nghiêng ngả. Lê Chất thù cha đã theo Nguyễn. Thù hận không làm con người lớn lên nhưng có thể biến anh ta thành vô địch...

Vợ chồng bà mấy năm qua chiến đấu vì sự nghiệp của tiên đế, tức cũng là vì lòng tự trọng, lòng tự trọng của kẻ sĩ muôn đời, sống chết với con đường mình đã lựa chọn. Có thể khác đi chăng?

Khi công kênh nhau nhảy lên thành Đâu Mâu, bà và đoàn nữ binh đã có thể chiến thắng nếu không có lệnh rút quân của vua Quang Toản, nhưng thực lòng, có vẻ bà muốn ngã xuống lúc ấy. Như Huỳnh Thị Cúc, người học trò và là nữ chiến tướng trung thành.

Cũng có thể không phải. Số phận còn chờ bà lần giải cứu cuối cùng này để có cơ hội nhớ lại một cách rõ rệt nhất nụ cười và dải yếm mùa xuân năm ấy…

Tiếng cười lanh lảnh trên đồi dìu dịu hương rừng từ nhựa cây, lá ủ và những búi cỏ non tơ bật lên từ cơn phấn khích diệu kỳ của mấy con tuấn mã trong nắng xuân. Cuộc thôi thúc bí ẩn vào giải cứu tiền định thung lũng năm xưa và nụ cười của chàng tráng sĩ người đẫm máu.

Có một mùa xuân tưng bừng Kỷ Dậu, mùa xuân của hoa đào hoa mai, của ngất trời hùng khí sự nghiệp và dân tộc. Tiên đế và tướng lĩnh, binh sĩ sạm người khói thuốc súng vào Thăng Long trong khản họng tiếng gào vui chiến thắng. Nhưng đó là mùa xuân chung bất diệt của dân tộc. Nàng quá hiểu điều này. Nàng cùng Ngọc Hân đã khóc mừng với cành đào chiến thắng ở Phú Xuân. Còn với riêng mình, cuộc thế thời ly loạn, nàng chỉ có một mùa xuân. Cái mùi cây lá, cỏ non tơ trên đồi và ánh nắng vàng như lọc. Tiếng cọp gầm. Tráng sĩ. Và thế kiếm giải nguy. Mảnh yếm thẹn thùng. Rồi nên duyên trong bão táp thời cuộc để chỉ có thể một lần được làm mẹ.

Phải, đó là mùa xuân đầu tiên. Và duy nhất. Của nàng.

  • L.H.L
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp người lập kỷ lục Guiness Việt Nam: Bới tóc dạ hội chỉ 58 giây  (03/03/2009)
Những người sống bằng cả trái tim và khối óc  (03/03/2009)
Nhớ bánh tráng quê mình  (03/03/2009)
Vì sao họ bị cưỡng chế giáo dục lao động?  (03/03/2009)
Về bức tranh “giả vương” Phạm Công Trị  (03/03/2009)
Về những tượng Linga-Yony phát hiện ở Bình Định  (03/03/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/03/2009)
“Cấp ủy và thủ trưởng các ngành, các cấp cần chuyển biến trong công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành…”  (19/01/2009)
Tư tưởng đoàn kết trong tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/01/2009)
Mùa xuân và hy vọng  (19/01/2009)
Tưng bừng sắc xuân trên quê hương người anh hùng áo vải  (19/01/2009)
Hình ảnh Vua Quang Trung vào Thăng Long  (19/01/2009)
Những phát hiện mới về Hoàng đế Quang Trung  (19/01/2009)
Quang Trung - Nguyễn Huệ, những mẩu rời  (19/01/2009)
Bức ảnh “Hoàng đế Quang Trung” của Đào Tiến Đạt  (18/01/2009)