Những năm qua, Chính phủ đã quan tâm giúp đỡ xóa một phần tiền nợ mà người dân thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa (Tuy Phước) đã vay các tổ chức tín dụng để đầu tư nuôi tôm, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất. Tuy vậy, đời sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trong khi vụ nuôi tôm đã đến gần, nhưng nhiều hộ vẫn chưa xoay xở được vốn để đầu tư sản xuất.
|
Gia đình anh Huỳnh Thanh Tùng, ở xóm Huỳnh Tây, cải tạo ao nuôi tôm, chuẩn bị cho vụ nuôi mới.
|
* Niềm vui chưa trọn
Nguồn thu nhập chính của 336 hộ dân thôn Huỳnh Giản đều nhìn từ cây lúa và con tôm. Nhưng diện tích sản xuất lúa thường xuyên bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, bị lũ lụt tàn phá, năm được năm mất. Còn tôm nuôi thì liên tiếp bị dịch bệnh, gây thất thu. Nhiều năm làm ăn thất bát, cuộc sống của nhiều người dân nơi đây ngày càng khó khăn hơn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương giải quyết khó khăn trước mắt, phát triển sản xuất, năm 2007-2008, Chính phủ đã đồng ý xóa nợ 10 tỉ đồng mà người dân Huỳnh Giản đã vay của các tổ chức tín dụng để đầu tư nuôi tôm.
Việc xóa tiền nợ vay thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân Huỳnh Giản, tạo điều kiện cho người dân địa phương khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất. Người dân địa phương rất đỗi vui mừng vì đã giảm bớt được gánh nặng và nỗi lo nợ nần đeo bám bao năm qua. Tuy nhiên, năm 2008, trong khi người nuôi tôm ở nhiều địa phương trong tỉnh vui với niềm vui được mùa, được giá thì người dân Huỳnh Giản lại đứng ngồi không yên vì tôm nuôi lại tiếp tục bị dịch bệnh hoành hành; tiền của, công sức của bà con lại “đội nón ra đi” cùng con tôm. Đã thế, đợt lũ lụt cuối năm đã làm hư hỏng hầu như toàn bộ ao nuôi, đẩy người dân vào tình thế cực kỳ khó khăn.
Ông Đỗ Văn Tàu, ở xóm Huỳnh Bắc, dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa gần nhà và dừng lại bên đám ruộng nhấp nhô những đụn đất cát rồi nói: “Đây là 3 sào ruộng khoán của gia đình tôi. Mấy năm nay, ruộng đất không bị nhiễm mặn thì bị mưa lũ tàn phá, không khôi phục được để sản xuất lúa. Ngoài 3 sào ruộng này, gia đình tôi còn có 7.200 m2 mặt nước nuôi tôm, nhưng nuôi tôm liên tiếp bị thất bát. Riêng năm 2008, tôi xoay xở mua 10.000 con tôm giống về thả nuôi. Tôm ăn rất bạo, nhưng lại không chịu lớn, đến kỳ thu hoạch giá tôm lại rớt thảm. Đợt đầu tôi chỉ thu được 3 tạ tôm cỡ 40 con/kg bán với giá 58.000 đồng/kg; đợt 2 thu thêm khoảng 3 tạ nữa loại 70 con/kg bán với giá 30.000 đồng/kg, tính ra lỗ gần 20 triệu đồng. Làm ăn thất bát, tiền nợ ngân hàng 10 triệu đồng và 30 triệu đồng vay nóng bên ngoài để đầu tư nuôi tôm vẫn chưa hoàn trả được”.
Anh Huỳnh Thanh Tùng, ở xóm Huỳnh Tây, cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ao nuôi tôm của anh đã bị lũ lụt hồi cuối năm 2008 làm hư hỏng nặng. Ngôi nhà trên bờ ao cũng bị mưa lũ làm sập, đất gạch vẫn còn ngổn ngang. Trên nền đất cũ, anh dựng một túp lều nhỏ để trú ngụ. Anh Tùng tâm sự: “Để vợ con sống trong ngôi nhà èo uột giữa cánh đồng như thế này tôi không an tâm chút nào, nhưng tôi đã hết cách rồi. Bây giờ lo cho cái ăn hàng ngày, lo tiền học cho 2 đứa con đã là quá sức với tôi, nói gì đến chuyện mua đất xây nhà”.
Hai trường hợp nói trên chỉ là tiêu biểu cho rất nhiều hộ nuôi tôm ở Huỳnh Giản đang gặp khó khăn. Ngoài số tiền mà Chính phủ đã xóa nợ, người dân còn nợ ở Quỹ tín dụng Phước Hòa và vay nóng bên ngoài để nuôi tôm nhưng không có khả năng hoàn trả.
* Trước vụ nuôi tôm mới, lại lo thủ tục... “đầu tiên”
Vụ nuôi tôm năm 2009 có nhiều yếu tố thuận lợi, đợt lũ lớn kéo dài xảy ra vào cuối năm 2008 đã làm sạch môi trường, nguồn nước ngọt dồi dào nên người dân hy vọng nuôi tôm thắng lợi, có thêm điều kiện giải quyết khó khăn và hoàn trả nợ vay. Tuy vậy, bờ bao bảo vệ diện tích sản xuất lúa và bờ bao ngăn mặn phục vụ nuôi tôm đã bị lũ làm vỡ đứt nhiều đoạn, đồng ruộng đều bị nhiễm mặn, ao nuôi tôm bị hư hỏng nặng. Thời vụ thả tôm đến gần, nhưng phần lớn bà con đều “đói” vốn, nên ngay khâu đầu tiên là khôi phục, cải tạo ao nuôi cũng đã gặp khó khăn.
Thời điểm này, quan sát vùng nuôi tôm ở Huỳnh Giản, chúng tôi thấy có rất ít hộ khôi phục và cải tạo ao nuôi tôm. Bà Nguyễn Thị Bốn, ở xóm Huỳnh Đông, cho biết: “Ra Tết, trai tráng trong làng đã lên Tây Nguyên, vào TP Hồ Chí Minh… làm thuê kiếm tiền về trả nợ. Trong làng còn toàn người lớn tuổi nên việc cải tạo ao nuôi tôm chậm lắm”. Một người nuôi tôm khác, ông Võ Hữu Nghĩa, cho biết: “Tôi đã huy động nhân lực trong gia đình để tu bổ lại bờ bao nuôi tôm, vừa lo tìm nguồn vốn để mua tôm giống đến… vã mồ hôi, nhưng vẫn chưa đủ tiền. Vụ tôm này, xoay xở được bao nhiêu, tôi đầu tư bấy nhiêu. Năm vừa rồi có lũ lớn làm sạch môi trường nước nên bà con rất hy vọng”.
Nói đến vụ nuôi tôm mới, ông Huỳnh Ngọc Châu - trưởng thôn Huỳnh Giản - lo lắng: “Thôn có 336 hộ dân, hầu như hộ nào cũng đều đã cầm cố, thế chấp nhà cửa để đầu tư nuôi tôm. Nợ cũ các năm trước chưa trả hết, nên các tổ chức tín dụng rất ngại cho bà con vay vốn. Nhiều hộ đã vay nóng với lãi suất cao với hy vọng vụ nuôi tôm năm 2009 thắng lợi sẽ trả được nợ. Nhưng làm nghề nuôi tôm hiện nay như… “đánh bạc với trời”, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Thắng thì không nói gì, lỡ thất bại thì nhà đâu để bà con ở, biết làm gì để sinh sống”.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: “Xã sẽ hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra, và sẽ phối hợp với ngành chức năng của tỉnh, huyện vận động, hướng dẫn người dân Huỳnh Giản đầu tư nuôi tôm theo phương pháp quảng canh cải tiến, nuôi tôm xen canh với các loại thủy sản khác, nhằm giảm chi phí đầu tư, hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất. Còn nguồn vốn đầu tư nuôi tôm thì bà con phải tự xoay xở chứ xã không lo thay được”.
|