CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG:
Tạo đà cho làng nghề phát triển
13:7', 4/3/ 2009 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, từ nhiều nguồn kinh phí, Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh đã triển khai nhiều chương trình khuyến công nhằm hỗ trợ các làng nghề truyền thống (LNTT) trên địa bàn tỉnh tìm hướng đi mới. Qua đó, nhiều LNTT đã từng bước khôi phục và phát triển trở lại, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận lao động ở khu vực nông thôn.

 

Lễ bế giảng lớp đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói tại xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn).

 

* Thực trạng làng nghề

Trong thời buổi cơ chế thị trường, đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của các LNTT không còn nằm trong phạm vi một vùng, một khu vực mà phải là thị trường trong nước, và quan trọng hơn là hướng ra thị trường quốc tế thì mới có thể phát triển sản xuất ổn định được. Muốn vậy, sản phẩm của LNTT cũng cần phải có thương hiệu, nhãn mác; nhất là sản phẩm của các ngành nghề có tiềm năng, thế mạnh. Các mặt hàng thực phẩm từ các LNTT phải đạt các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt là mẫu mã phải đẹp, giá cả phù hợp và có sức cạnh tranh…

Thế nhưng, trong thời gian qua các LNTT trên địa bàn tỉnh ta còn quá nhiều tồn tại, phần lớn là không đáp ứng được các điều kiện này. Hầu như các cơ sở sản xuất ở các LNTT trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, vốn ít, lại làm ăn riêng biệt, không có sự phối hợp để tạo sự chuyên môn hóa và hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, nên khó xây dựng được thương hiệu hàng hóa và hạ giá thành sản phẩm. Đã vậy, đa số LNTT ở tỉnh ta lại nằm ở khu vực nông thôn, điều kiện để nắm bắt các thông tin về giá cả thị trường, mẫu mã hàng hóa cũng rất hạn chế; sản phẩm làm ra muốn tiêu thụ phải thông qua khâu trung gian, nên sức cạnh tranh không cao. Đơn cử như các LNTT dệt thổ cẩm của đồng bào Bana ở 2 huyện miền núi Vân Canh và Vĩnh Thạnh. Sản phẩm thổ cẩm Bana ở đây vốn nổi tiếng với đường chỉ sắc sảo, những nét hoa văn độc đáo, nhưng do nhu cầu dùng hàng thổ cẩm trong đồng bào Bana ngày một ít dần, trong khi đó sản phẩm của làng nghề chưa vươn đến thị trường bên ngoài, nên nhiều nghệ nhân bỏ nghề, làng nghề dần dần mai một. Hay như làng nghề dệt chiếu cói Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn), vốn rất nổi tiếng nhưng một thời gian dài cũng không có đầu ra do không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ngay cả một số LNTT có sản phẩm đặc sắc riêng có của tỉnh, đã đi vào lòng khách hàng gần xa, như nem chợ Huyện (Tuy Phước), rượu Bàu Đá (An Nhơn), nón ngựa Phú Gia (Phù Cát), thảm xơ dừa Tam Quan (Hoài Nhơn), gạch ngói Phú Phong (Tây Sơn)… cũng rất trầy trật trong việc phát triển.

 

Làng nghề rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc - An Nhơn) - một trong 5 làng nghề được quy hoạch gắn với phục vụ phát triển du lịch. - Trong ảnh: Đóng chai sản phẩm rượu Bàu Đá tại cơ sở chế biến rượu Bàu Đá Thành Tâm.

 

* Nỗ lực khôi phục

Trước thực trạng như vậy, bằng nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, từ năm 2005 đến nay, TTKC tỉnh đã đầu tư trên 4,3 tỉ đồng thực hiện gần 20 chương trình khuyến công nhằm hỗ trợ các LNTT trên địa bàn tỉnh khôi phục và phát triển trở lại. Trong đó, một số chương trình tiêu biểu như: Năm 2007 TTKC tỉnh đã hỗ trợ trên 45 triệu đồng để trang bị đồ nghề, mua nguyên vật liệu và hợp đồng với Xí nghiệp tư doanh thủ công mỹ nghệ Đổi Mới (ở tỉnh Ninh Bình) tiến hành đào tạo nghề làm các sản phẩm mới từ nguyên liệu cói, như thảm, các giỏ, làn, hộp hình vuông, hình tròn, hình lá và hình đĩa… cho các hộ dân làng nghề dệt chiếu cói ở xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn). Nhờ đã biết nghề dệt chiếu truyền thống, cộng với sự chịu khó, cần cù, tỉ mỉ nên chỉ trong thời gian 45 ngày, 30 học viên tham gia lớp học đã nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật làm các sản phẩm mới. Nhờ giá trị kinh tế cao hơn, lại tận dụng được các loại cói có kích thước ngắn mà lâu nay không dệt chiếu được để sản xuất, nên nhiều người dân đã sống được nhờ biết kết hợp giữa dệt chiếu và làm các sản phẩm mới. Hiện nay, không chỉ 30 học viên được đào tạo nghề ban đầu, mà nhiều người dân trong xã và các địa phương lân cận đã tìm đến học nghề. Tính đến nay, toàn xã Hoài Châu Bắc có khoảng 200 lao động biết đan các sản phẩm từ cây cói, với thu nhập bình quân trên 30.000 đồng/người/ngày. Từ kết quả thành công ở Hoài Châu Bắc, trong thời gian qua, TTKC tỉnh đã nhân rộng nghề này ra các địa phương có diện tích cói lớn trong tỉnh, như Cát Thắng (Phù Cát); Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước)…

Tiếp đến, trong năm 2008, TTKC tỉnh đã hỗ trợ gần 100 triệu đồng để mua vật tư, nguyên liệu và mời nghệ nhân có tay nghề cao ở các nơi về truyền nghề cho gần 100 người chưa biết nghề, hoặc đã bỏ nghề lâu, ở các làng dệt thổ cẩm Hà Văn Trên (Canh Thuận - Vân Canh) và Hà Rơn, Tà Điệk, Bana (Vĩnh Thạnh). Sau hơn một tháng tổ chức truyền nghề, bà con tham gia đã dệt được nhiều mặt hàng thổ cẩm như: váy, chăn, áo khoác nam, áo dài tay nữ, túi xách, chăn đắp, khăn quàng cổ... vừa mang nét truyền thống, vừa mang tính thị trường. Các sản phẩm này đã được TTKC tỉnh đưa đi giới thiệu và chào hàng tại TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Khánh Hòa…, được thị trường chấp nhận và khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Nhờ đó, trong thời gian qua các làng nghề này đã dần dần được khôi phục.

Nói về hiệu quả của các chương trình khuyến công, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, khẳng định: Nhờ thực hiện có hiệu quả các chương trình khuyến công trong thời gian qua mà nhiều LNTT trên địa bàn tỉnh đã được khôi phục và phát triển trở lại. Từ thành công này, hiện nay TTKC tỉnh đang phối hợp cùng chính quyền một số địa phương và các ngành chức năng triển khai tiếp các chương trình khuyến công mới, nhằm tiếp tục hỗ trợ các LNTT trong việc tìm hướng đi mới, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.

  • Ngọc Thái

Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 46 LNTT, thu hút khoảng 10.000 hộ với trên 46.000 lao động tham gia; thu nhập của lao động trong các LNTT từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng. Nhằm định hướng cho các LNTT phát triển, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển LNTT trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2010, tỉnh sẽ đầu tư phát triển 19 làng nghề đạt chuẩn. Trong đó có 5 làng nghề được quy hoạch gắn với phục vụ phát triển du lịch là làng nghề rượu Bàu Đá Nhơn Lộc, tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, rèn Tây Phương Danh (An Nhơn); nón ngựa Phú Gia (Phù Cát); dệt vải thổ cẩm Hà Ri (Vĩnh Thạnh).

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xã Tây Vinh anh hùng hôm nay  (04/03/2009)
Còn đó nhiều khó khăn  (03/03/2009)
Nghề nước mắm Tam Quan  (03/03/2009)
Hiểm họa từ đồ chơi trẻ em  (03/03/2009)
Bữa ăn của trẻ  (03/03/2009)
Thiết kế web: Xu hướng chọn nghề của giới trẻ  (03/03/2009)
Thơ  (03/03/2009)
Mùa xuân đầu tiên  (03/03/2009)
Gặp người lập kỷ lục Guiness Việt Nam: Bới tóc dạ hội chỉ 58 giây  (03/03/2009)
Những người sống bằng cả trái tim và khối óc  (03/03/2009)
Nhớ bánh tráng quê mình  (03/03/2009)
Vì sao họ bị cưỡng chế giáo dục lao động?  (03/03/2009)
Về bức tranh “giả vương” Phạm Công Trị  (03/03/2009)
Về những tượng Linga-Yony phát hiện ở Bình Định  (03/03/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/03/2009)