Những yếu tố văn hóa Hán (thế kỷ I-III) bằng nhiều ngả đường đã có mặt ở miền Trung Việt Nam ngay từ giai đoạn muộn của văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ I-II) và lan tỏa rộng hơn, đậm hơn trong giai đoạn sau. Kết quả khai quật khảo cổ học tại tháp Bình Lâm vừa qua đã phát hiện ngói mặt hề - yếu tố Hán trong di chỉ văn hóa Chămpa Thị Nại là một bằng chứng.
|
Hình mặt hề được xem như một vị thiện thần xua đuổi tà ma, bảo vệ ngôi nhà.
|
Tháng 8 năm 2008, được sự cho phép của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ khai quật khảo cổ tháp Bình Lâm. Đợt khai quật do TS. Bùi Chí Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học - chủ trì tiến hành trên diện tích khoảng 600m2, gồm khu vực tiền sảnh, chung quanh chân tháp Bình Lâm và 4 hố thám sát quanh khu vực tháp nhằm phục vụ cho việc lập thiết kế dự án trùng tu, quy hoạch tôn tạo tháp cổ.
Tháp Bình Lâm thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước là kiến trúc duy nhất hiện còn trong tổng thể khu di tích thành cổ Chămpa Thị Nại. Nằm ở vị trí trọng yếu, là trung tâm của Chămpa (thời kỳ đầu), yết hầu của kinh đô Vijaya (thời kỳ sau), thành Thị Nại đảm nhiệm hai chức năng chính: quản lý vùng thương cảng quan trọng của Vương quốc Chămpa, một trung tâm kinh tế lớn ven biển giữ vai trò giao lưu buôn bán với nước ngoài, là tấm lá chắn cửa ngõ biển Đông bảo vệ kinh đô Vijaya suốt 5 thế kỷ (thế kỷ XI-XV). Kết quả khai quật đã giúp các nhà khoa học hoàn chỉnh nhận thức về tháp Bình Lâm và ngôi thành cổ Thị Nại.
Trong địa tầng hố thám sát mở cách chân tháp 7m về phía Bắc, ở độ sâu khoảng 0,5m, đã tìm thấy một số lượng lớn mảnh ngói ống, ngói lá, mảnh gốm in dập hoa văn hình ô vuông, đầu ngói ống trang trí hoa sen 8 cánh, và trang trí hình mặt hề. Ngói được làm bằng đất sét mịn pha cát, xương gốm dày, màu xám và màu nâu xám, độ nung cao, cứng chắc. Đầu ngói ống hình hoa sen và mặt hề dùng trang trí các bờ ngói. Hình mặt hề được xem như một vị thiện thần xua đuổi tà ma bảo vệ ngôi nhà. Loại hình ngói kiểu Hán này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở một số di tích văn hóa Champa khác như ở thành Trà Kiệu (Quảng Nam), thành Hồ (Phú Yên), thành Cha (Bình Định)… Ngoài ngói, gốm hoa văn ô vuông, còn có một số di vật kiểu Hán khác như tiền Ngũ thù, gương đồng, dao hình vành khăn, đồ nghi lễ… Sự xuất hiện gốm in ô vuông và đầu ngói hình cánh sen, hình mặt hề ở di chỉ khảo cổ học Thị Nại là sự kết hợp nghề gốm bản địa Chămpa và ảnh hưởng văn hóa ngoại sinh Hán.
Ngoài ra, trong hố thám sát mở cách chân tháp khoảng 60m về phía Nam ở độ sâu khoảng 1,5m, lớp dưới cùng của tầng văn hóa tìm thấy nhiều mảnh gốm dập hoa văn thừng, hoa văn chấm que nhiều răng và miệng nồi có dáng vai gãy, miệng hẹp. Đây là những loại đồ gốm mang tính chất trung gian Sa Huỳnh - Chămpa.
Từ những cứ liệu tìm thấy trong địa tầng và so sánh hiện vật, các nhà khảo cổ nhận định rằng: di chỉ khảo cổ học Thị Nại có sự tiếp nối truyền thống Sa Huỳnh - Chămpa trong loại hình chất liệu gốm gia dụng và ảnh hưởng sớm của văn hóa Hán trong chế tác gốm. Nơi đây không phải là điểm cư trú Sa Huỳnh muộn mà là di chỉ cư trú Chămpa cổ, phân bố trên khu vực văn hóa Sa Huỳnh và bảo lưu một số yếu tố văn hóa Sa Huỳnh. Địa điểm này, do vị thế của mình, cho thấy nhiều chiều kích văn hóa với những nguồn lực cấu thành: bản địa, ngoại sinh.
Theo một số nhà nghiên cứu, vào khoảng những thế kỷ đầu sau công nguyên, ở vùng Đông Nam Á đã xuất hiện các “cảng thị” và một loại “nhà nước” nhỏ được hình thành đó là các “Quốc gia cảng thị”. “Nhà nước” này chi phối mọi hoạt động của cư dân trong vùng đất dọc theo một con sông lớn, từ hạ lưu là “cảng thị” đến thượng nguồn là nơi cung cấp các loại lâm đặc sản như sừng tê giác, ngà voi, trầm hương, quế... để trao đổi cho các thương gia nước ngoài. Uy thế của các tiểu vương này dựa vào tư tưởng bên ngoài như đạo Hindu hoặc Islam. Vùng đất Thị Nại, nơi sông Côn - con sông lớn đổ ra biển, là cửa ngõ để người Chămpa giao thương với bên ngoài. Do vậy, “cảng thị” này không chỉ giữ vai trò trong lĩnh vực kinh tế, mà còn là nơi du nhập văn minh Ấn Độ, Trung Hoa.
Nằm ở vị trí trọng yếu trên tuyến đường hàng hải giữa hai nền văn minh lớn Ấn Độ và Trung Hoa, nên những yếu tố văn hóa Hoa, Ấn trực tiếp hay gián tiếp bằng nhiều ngã đường sông, biển, đường bộ, qua nhiều cách tiếp xúc kinh tế, chính trị, văn hóa… đã có mặt ở miền Trung Việt Nam ngay từ giai đoạn muộn của văn hóa Sa Huỳnh và lan tỏa rộng hơn, đậm hơn ở giai đoạn Chămpa… Văn hóa Ấn ảnh hưởng chủ yếu ở lĩnh vực tâm linh, tôn giáo; văn hóa Hán ảnh hưởng trong lĩnh vực văn hóa vật chất, đời sống thường ngày.
|