|
Ông Trần Ngọc Thạch. Ảnh: N.V.T |
Ở xóm 3, thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, có ông Trần Ngọc Thạch vừa chẻ đá vừa... làm thơ. Đến nay, thơ ông “xuất khẩu” rải rác khắp các hang cùng, ngõ xóm, nếu “tuyển” lại, ít ra cũng được một tập vài trăm trang…
Thợ chẻ đá kiêm... “nhà thơ” Trần Ngọc Thạch năm nay đã ngoài bốn mươi, nhưng nhìn ông lúc nào cũng vui vẻ, trẻ trung như thanh niên đôi mươi. Gọi “nhà thơ” cho oai vậy, chứ thực ra, ông Trần Ngọc Thạch chỉ học hết lớp 7, cũng không hề cầm bút mà chỉ quen cầm… búa - bởi ông sống bằng nghề chẻ đá và ngay cái tên ông cũng sặc mùi đá.
Ông Thạch bắt đầu “mần thơ” cách đây hơn năm năm. Ông có biệt tài “xuất khẩu thành thơ”, thơ có thể tuôn ra bất cứ lúc nào, bất kể nơi nào và bất kỳ một đề tài nào. Thơ ông tuy chưa hề được xuất bản, nhưng hễ nghe đọc qua một lần, ai cũng nhớ, cũng thuộc. Ông Cao Văn Hóa, người cùng xóm cho biết, anh em hay đem thơ ông ra đọc, xem như một hình thức giải trí mỗi khi làm việc mệt nhọc. Điều đặc biệt nữa là dù không hề ghi chép, ông Thạch vẫn thuộc nằm lòng, có thể đọc vanh vách “khi chén rượu, lúc cuộc cờ” với bạn bè hoặc khi có người “mến mộ” yêu cầu. Thơ của ông tập trung phê phán, lên án những thói hư tật xấu trong thôn xóm một cách cụ thể, sinh động. Tuy hay bông đùa, nhưng ông cũng rất cẩn thận, thường nhắc đi nhắc lại: “Bài nào do tôi “xuất khẩu” thì tôi chịu trách nhiệm, còn nếu ai “độ” hay thêm bớt gì đó thì tôi vô can à”.
Trăm nghe không bằng một thấy, hôm ấy, chúng tôi trực tiếp gặp nhà thơ “bút mồm” tại nơi làm việc. Vừa khuân đá, ông Thạch vừa đọc thơ. Ông trăn trở, bức xúc trước nạn say xỉn mỗi ngày một nhiều hơn ở các miền quê, hậu quả dẫn đến những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc:
“Uống chi cho nhiều vậy hả anh
Một mai thần xác chẳng còn lành
Say rồi đất đá không hề tránh
Quan tài mở nắp đợi chờ anh”
Ông Thạch có người cậu ruột vốn hay bia rượu. Một hôm, ông cậu nổi hứng bảo cháu làm tặng mình mấy câu thơ. “Nhà thơ” ứng khẩu đọc:
“Ông chưa cất tiếng “a lô”
Đã nghe mùi rượu xông vô tận nhà
Biết ngay thôn trưởng gọi loa
Kéo nhau đi họp dù xa hay gần”
Vào vụ mùa, ông Thạch thường “gác búa”, đi gặt lúa, trỉa đậu phộng, hoặc cày thuê cuốc mướn cho bà con thôn xóm. Thời điểm nạn cúm gia cầm H5N1 đang bùng phát, mà bữa cơm nào chủ nhà cũng bắt ăn chả trứng đến phát ngán, ông Thạch phản ứng:
“Vụ cá năm nay rất được mùa
Đàn bà đi chợ chẳng biết mua
Sáng chả, trưa chả, chiều cũng chả
Chả rồi, chả nữa, chả xoay tua”
Thấy trong thôn xóm có đám trẻ choai choai học đòi ăn chơi, học hành không đến nơi đến chốn, ông động viên nhắc nhở:
“Quê ta xóm dưới, làng trên
Tăng gia sản xuất, xây nên cuộc đời
Ai ơi chớ có ham chơi
Bỏ nhà, bỏ ruộng, bỏ đời thanh xuân”
Nghe ông Thạch có tài làm thơ, một hôm chị Tám Thơm, cán bộ phụ nữ thôn, năn nỉ ông Thạch: “Anh làm cho em một bài thơ kỷ niệm. Nếu nghe hay thì em thưởng xị rượu”. Được dịp, ông Thạch bật ngay một bài thơ dí dỏm:
“Xóm hai còn chút Tám Thơm
A lô khan cổ, rát cả mồm
Công việc cô làm đâu có dỏm
Nhiều lúc a lô quên cả… cơm”
Không những “lọt tai” mà khoái quá, chị Tám Thơm liền dốc túi đãi nhà thơ một tuần rượu say quắc cần câu.
|