Tôi nối liền tôi với thân cây qua làn vỏ sù sì
12:44', 4/4/ 2009 (GMT+7)

Nhà thơ nữ Trần Thị Huyền Trang hiện công tác tại Bình Định. Gặp chị tại cuộc họp mới đây của Hội Nhà văn Việt Nam, mới biết chị đến Yên Tử trong dịp hội xuân, tháng 2.2008, và để lại cho kho tàng thơ ca về danh sơn Yên Tử thêm một bài hay, bút pháp già dặn, điêu luyện. Tôi chép lại bài thơ này từ Tạp chí “Thơ” (Hội Nhà văn Việt Nam) số tháng 9.2008.

 

Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm.

 

Năm 1983, tôi viết bài thơ “Chiều Yên Tử”, toàn bài không dùng bất cứ một địa danh hay sản vật gì của Yên Tử, không nhắc đến bất cứ trường hợp nào, chỉ mô tả tiếng chuông, mà tiếng chuông thì chùa nào cũng giống chùa nào, nhưng tôi cố viết để làm sao bạn đọc nhận ra là Yên Tử. Lần này, tôi thấy Trần Thị Huyền Trang cũng dùng bút pháp ấy, chỉ ghi làm đề từ hai câu thơ của Vua Trần Nhân Tông viết ở núi Bảo Đài Yên Tử (dịch: “Vạn sự nước chảy theo nước/ Trăm năm lòng nói với lòng”), để bạn đọc dễ nhận ra là chị viết về Yên Tử mà linh hồn là thơ Trần Nhân Tông với vẻ thâm u muôn xưa của di sản thi ca Trần Nhân Tông và của núi rừng Yên Tử. Bài thơ vô cùng Yên Tử, ở trong hồn vía của từng câu thơ, cho thấy tác giả là một thi sĩ có thực tài, dù tác giả không nhắc một chữ nào về Yên Tử.

Thăm thẳm tùng thăm thẳm trúc. Câu thơ rất thực về Yên Tử mà như được viết bằng hồn. Bây giờ thì tôi biết chắc rằng, đoạn thơ rất hay này chị viết về pho tượng đá Trần Nhân Tông đặt trong tháp Huệ Quang: “Ai nhìn ai trầm tĩnh nụ cười/ Như vạn kiếp chưa từng là ngăn cách/ Thì vẫn núi trong dáng ngồi thao thức/ Thì vẫn mây vời vợi cuộc mong chờ/ Đâu chỉ trăm năm đâu chỉ một giờ/ Viên cuội dưới bàn chân tiếng chim sau vòm lá/ Nước theo nước mà sao người hóa đá…”.

Bằng cách thẩm thấu cái linh diệu của Yên Tử, nữ thi sĩ đã nhận ra rằng, chị đã nối được tâm hồn mình với rừng, với đất đai, sông núi.

Bài thơ có kết cấu từng cặp hai câu thơ một, chặt chẽ cân đối, câu nọ mở ra cho câu kia, toàn bài tư duy bằng hình ảnh, có vẻ đẹp cổ điển của thơ hiện đại Việt Nam.

  • Trần Nhuận Minh

Tôi nối liền tôi với thân cây qua làn vỏ sù sì

“Vạn sự thủy lưu thủy

Bách niên tâm ngữ tâm”

           (thơ Trần Nhân Tông)

Thâm u muôn xưa phút tôi về

Bàn cờ đá dấu tay tiên chỗ ngồi bỏ vắng

Một quân cờ nghiêng nghiêng

                       suốt đêm người không ngủ?

Thăm thẳm tùng thăm thẳm trúc

                                         Rừng ơi!

Ai nhìn ai trầm tĩnh nụ cười

Như vạn kiếp chưa từng là ngăn cách

Thì vẫn núi trong dáng ngồi thao thức

Thì vẫn mây vời vợi cuộc mong chờ

Đâu chỉ trăm năm đâu chỉ một giờ

Viên cuội dưới bàn chân tiếng chim sau vòm lá

Nước theo nước mà sao người hóa đá

Lòng hỏi lòng kinh sử có còn ghi?

Tôi nối liền tôi với thân cây qua làn vỏ sù sì

Bằng cách ấy nối với rừng, với đất đai, sông núi

Nghe cuộn chảy những mạch ngầm vang dội

Ngửa lòng tay xuân tở mở bung chồi.

  • Trần Thị Huyền Trang

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tin vào trực giác trái tim mình (*)  (03/04/2009)
Có một nhà thơ cầm… búa  (03/04/2009)
Một yếu tố Hán trong di chỉ văn hóa Chămpa Thị Nại  (03/04/2009)
Làm gì để cờ Bình Định qua cơn bĩ cực  (03/04/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/04/2009)
Du xuân ở Xuân Hòa  (03/03/2009)
Tạo đà cho làng nghề phát triển  (04/03/2009)
Xã Tây Vinh anh hùng hôm nay  (04/03/2009)
Còn đó nhiều khó khăn  (03/03/2009)
Nghề nước mắm Tam Quan  (03/03/2009)
Hiểm họa từ đồ chơi trẻ em  (03/03/2009)
Bữa ăn của trẻ  (03/03/2009)
Thiết kế web: Xu hướng chọn nghề của giới trẻ  (03/03/2009)
Thơ  (04/03/2009)
Mùa xuân đầu tiên  (03/03/2009)