* Tản văn của Huỳnh Kim Bửu
Có lẽ câu ca dao, câu hát ru: “Đêm nằm võng rách còng queo / Bá hộ tới nói chê nghèo không ưng” đã cực tả cái tính ưa thích nằm võng của bao người.
Người ta thích nằm võng từ lúc nào? - Hình như từ lúc mấy thằng nhóc con ra vườn, tét cái bẹ chuối xanh, treo giữa hai gốc ổi, rồi thay phiên nhau ngồi lên đu đưa? Hình như từ lúc mấy anh câu sông, câu mương, ngồi ôm cần lâu mỏi lưng mỏi gối, bèn đổi tư thế, leo nằm trên chùm rễ phụ của bụi rù rì bên bờ nước để vừa nghỉ ngơi vừa nhắp cần câu?
Bao nhiêu đó, nghĩ cũng đủ nẩy sinh ra cái ý tưởng làm chiếc võng đu đưa. Ở vùng quê Phủ An, đi vào các làng, người ta dễ gặp những hộ gia đình làm võng. Đàn ông đi thu gom nguyên liệu (thơm tàu, xơ dừa…), phụ nữ chế biến (ngâm nguyên liệu, kéo, xe, đánh sợi) rồi đan thoăn thoắt chiếc võng mới, giống như người đan len ta thường thấy. Đan chừng một ngày rưỡi thì xong một cái võng 20 tao, 2 ngày xong một cái võng 30 tao, hơn 2 ngày xong chiếc võng 40 tao. Người thợ khéo tay nghề làm nên chiếc võng đẹp, mắt võng đều, võng cân bằng, nằm lên không nghiêng, không đổ.
Các làng võng nổi tiếng là An Ngãi, Phò An (An Nhơn), Bồng Sơn, Tam Quan (Hoài Nhơn)… Có câu ca dao lưu truyền: “Anh đi chợ võng Tam Quan / Mua võng thơm tàu chỉ mất ba quan / Nhà em ở xóm Cây Bàng / Sang chơi ngó hướng ngọn bàng mà sang”. Chợ Tam Quan bán nhiều võng dừa (vì đây là xứ dừa: Công đâu công uổng công thừa / Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan - Ca dao) nhưng cũng nổi tiếng võng thơm tàu, con gái Tam Quan nổi tiếng giọng nói ngọt lịm như nước dừa lửa Tam Quan. Từ chợ Phủ, đến các chợ quê, chợ nào chẳng có hàng võng. Mặt hàng võng khá phong phú. Phân loại theo nguyên liệu, có võng thơm tàu, võng trân, võng xơ dừa…; theo kích thước, phải kể võng đơn (20 - 30 tao), võng đôi (40 tao); theo màu sắc có võng nhuộm điều, võng nhuộm tía. Nghề làm võng là nghề phụ của nông dân và bao đời họ vẫn nghèo. Nhưng nghề buôn bán võng cũng làm nên phát đạt cho nhiều người, như các ông Tàu Bằng, Tàu Hữu ở chợ Đập Đá; Bảy Ngon, Tám Ngót ở chợ Cây Bông…
Từ chiếc võng đan sợi dây thơm tàu, sợi dây xơ dừa có thể đã kéo dài ngàn năm, ngày nay người ta tiến lên võng dây cước, võng dây dù, võng dây nhợ, võng vải … Cái võng từ trước đến giờ có xu hướng ngày càng gọn nhẹ, càng tiện lợi. Thời chiến tranh, bộ đội ngủ rừng trên võng, võng cũng là hành trang người lính Trường Sơn. Hiện nay, võng tiện lợi là loại võng có bộ khung riêng, cơ động và đang được người thành phố ưa chuộng. Nhưng khi nó được cái tiện lợi thì cái thú đu đưa thỏa thích cũng giảm đi nhiều. Một hôm, má tôi soạn mấy bao cát cũ, rồi bà ngồi lại may ráp các tấm bao cát thành cái võng, và bà đã cấp cho mấy con bà (tôi và con Thảo) mỗi đứa một võng bao cát, “để bay tha hồ đu đưa” (lời má tôi).
Muốn nằm võng êm mà thoáng thì sắm võng thơm tàu. Nằm võng trân, võng dây nhợ để lằn trên da thịt; võng vải, không thoáng; nằm võng xơ dừa bị xót. Hồi nhỏ, mỗi lần ngứa lưng, tôi vẫn chạy tới võng (gặp võng xơ dừa càng tốt) hai tay túm lấy tao võng mà xát lưng lia lịa, liền được đã ngứa. Nằm võng phải đu đưa, đu đưa là thú nằm võng. Tuổi ấu thơ, ai chẳng từng nằm võng và từng nghe tiếng võng đưa kẽo kẹt và câu hát ầu ơ của mẹ ru giấc ngủ. Người già nằm võng đơn. Cặp vợ chồng trẻ nhiều khi nhân lúc nhà vắng người, chất hết lên võng đôi, đu đưa cái ước mơ hạnh phúc đôi lứa của mình. Có ai ngờ đâu, cái võng đo được sự xứng đôi vừa lứa của một cặp vợ chồng: “Chồng còng lấy phải vợ còng / Nằm võng thì chật nằm nong thì vừa” (Ca dao)?
Võng cũng là một loại phương tiện giao thông của thời xưa, như con ngựa cưỡi, cỗ xe ngựa, chiếc xe kéo… Ở các làng quê, quan hưu trí, thầy thư lại, tổng lý, bá hộ… khi đi đâu, ngồi cáng cho người khiêng. Cáng là võng, nhưng có mái che giống như sõng úp để che mưa nắng, có treo rèm, màn ở xung quanh, có đòn khiêng sơn son, hai đầu chạm rồng rắn thếp vàng… Đi theo sau cáng của các ông, thường có võng điều, võng tía của các bà, các tiểu thư. Nhờ giàu trí tưởng tượng, thi sĩ còn có võng gió nữa: “Hồn trong võng gió mát như ôm” (Xuân Diệu - Tâm sự với Quy Nhơn). Bởi cứ quan niệm được đi võng là sang là trọng, cho nên người ta mới đem võng rước thầy thuốc, thầy giáo, rước bậc trên mình… Dân gian Bình Định vẫn có câu nói: “Có đem võng mà rước, ông chưa thèm đi” được áp dụng trong một số trường hợp. Bà tôi vẫn kể cho con cháu nghe: “Hồi xưa, anh nho sinh Nghi đi ra kinh dự thi, rồi đỗ Tiến sĩ. Hôm anh trở về được làng mang cờ quạt lên tận trên Phủ rước, còn vợ chồng Tân khoa thì: ngựa anh đi trước võng nàng theo sau, hiển vang lắm”. Hình như bà tôi muốn “khuyến học” lũ con cháu của bà.
Trong mỗi gia đình, võng thường cột ở nhà trên, nhà cầu nối, nơi hứng ngọn gió mát. Võng mới, võng lành thì mắc trong nhà, võng rách đem cột ngoài hiên, ngoài vườn để có lúc ra nằm chơi. Võng được ưu tiên cho chủ nhà, người cao tuổi, em thơ, bà ru cháu. Chị vú ru em, bõ già dỗ con chủ, có võng ở nhà dưới. Khách qúy đến chơi, thường được chủ nhà mời nằm võng…
|