Năm 1982, chúng tôi tổ chức đoàn cán bộ về Cát Tiên (Lâm Đồng), nghiên cứu mở vùng kinh tế mới. Nghe nói ở Cát Tiên có tê giác, chúng tôi vào làng đồng bào dân tộc thiểu số hỏi thăm và được biết một số thợ săn đã từng nhìn thấy tê giác trong rừng.
|
Một trong số ít những con tê giác cuối cùng ở Việt Nam (ảnh chụp tại vườn Quốc gia Phước Cát - Lâm Đồng). Ảnh: Internet
|
Biết loài thú quý hiếm này có thực ở Cát Tiên, chúng tôi rất mừng. Tôi nghĩ phải làm sao chụp được ảnh một con tê giác, thì mới có bằng chứng để “ăn nói” với thiên hạ. Vậy là sau đó, chúng tôi tổ chức một nhóm anh em chuyên môn phối hợp với bốn thợ săn người dân tộc thiểu số đã từng thấy tê giác, quyết phục, chụp cho được hình ảnh tê giác để làm tài liệu tuyên truyền.
Nhóm quay phim, chụp hình này đã chú tâm nghiên cứu kỹ về quy luật ăn, ở của tê giác, nắm được mùa đi ăn của nó; biết nó thường nằm ở vùng ao hồ, đầm lầy, ăn loại cây gì… rồi mới làm chòi cao, đặt máy quay phim, nằm phục tại nơi cho là đắc địa nhất.
Một tháng trôi qua mà chẳng thấy tăm hơi tê giác đâu. Có anh đã nản.
Tê giác là loài thú rất nhạy, nghe tiếng động rất nhanh. Anh em động viên nhau, kiên trì chờ đợi. Qua hai tháng mai phục cũng không thấy động tĩnh gì, anh em đã tính cuốn gói ra về. Nhưng rồi lại tiếc công bấy lâu, chẳng lẽ về tay trắng? chẳng lẽ ta thua nó? Cũng vừa vì nhiệm vụ vừa vì tự ái, chín chày đã chịu được, nên anh em lại quyết bám “chày thứ mười”, trót thì trét.
Quả nhiên, phục mười ngày nữa, anh em mừng run khi phát hiện có tiếng động tê giác về. Nghe bước chân nó đi rất nhẹ. Mọi người cùng như nín thở chờ đợi giây phút hiếm hoi quý báu này. Khi thấy nó ló đầu sau một vòm lá, anh em bấm máy tức thì. Và cũng tức thì nó đánh hơi được nên đã bỏ chạy ngay. Anh em tiếc hùi hụi, cố gắng phục thêm mười ngày nữa. Cuối cùng đành thu quân, ra về. Khi rọi ảnh, ai nấy cười lăn cười bò, vì sau gần ba tháng mai phục, các tay săn ảnh chỉ chụp được cái mũi của một chú tê giác mà thôi.
Mãi về sau, có đoàn nghiên cứu thuộc Tổ chức Môi trường thế giới của Hà Lan đến Lâm Đồng, họ mới chụp ảnh và quay phim được loại tê giác ở đây. Họ đã phát hiện có năm con, nhưng rồi cũng chỉ quay phim được ba con… Họ nói đây là loại tê giác một sừng quý hiếm, chỉ còn ở châu Á, và đặc biệt có ở Lâm Đồng.
Sau thời gian mấy nhà nhiếp ảnh chỉ chụp được “chiếc mũi của tê giác” ít tháng, có một sự kiện xảy ra. Không biết ai đó báo cáo với Chính phủ: Lâm Đồng bắn tê giác, lấy sừng bán ở TP Hồ Chí Minh, được mấy ký vàng (!?).
Đoàn kiểm tra của Trung ương đến Lâm Đồng báo lại tin này. Chúng tôi hoàn toàn không hay biết nên cho cán bộ kiểm tra ngay:
- Bảo Lộc có biết không?
- Có nghe phong phanh. - Cán bộ Văn phòng UBND huyện Bảo Lộc trả lời. - Nếu có, chỉ có ở xã Lộc Bắc, giáp giới Cát Tiên. Vùng này tê giác thường qua lại.
Chúng tôi tiếp tục cho kiểm tra xã Lộc Bắc. Anh em Lộc Bắc thừa nhận có biết trường hợp người dân bắn tê giác.
Biết được tin chính xác như vậy, chúng tôi cử đoàn công tác xuống Lộc Bắc. Đảng ủy xã báo cáo:
- Anh xã đội trưởng, người dân tộc thiểu số ở đây đã bắn tê giác. Sự việc công khai, ai cũng biết. Anh dân tộc thiểu số bắn, người Kinh kiếm thịt đem xuống TP Hồ Chí Minh bán.
Chúng tôi kiểm điểm người bắn tê giác, nhưng anh ta không thừa nhận khuyết điểm mà kể lể:
- Hai đứa tôi đi trong rừng bắn heo phá hoại hoa màu, bị gặp nó, nên phải bắn mà thôi. Nếu lũ tui không bắn nó, lũ tui sẽ bị nó quật chết. Chẳng lẽ mình chịu chết sao?
Nghe anh ta nói vậy, bà con trong làng ầm ầm ó theo:
- Đúng rồi! Không bắn nó lũ tui chết! Chịu chết làm sao được!…
Theo lý lẽ và sự thật như vậy nên việc kiểm điểm không thực hiện được. Đối với bà con dân tộc thiểu số chỉ nhắc nhở cho rõ thêm pháp luật, chứ không thể làm căng hơn, không thể “‘truy” hay “trị’ gì được… Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu:
- Còn sừng tê giác, bà con phải nộp cho Nhà nước, không được để trong làng, vì đây là tài sản quốc gia.
- Không được! - Mấy anh dân tộc thiểu số cãi lại - Cái này là của làng. Trời khiến như vậy. Nó là của quý của làng.
- Xã Lộc Bắc là xã Anh hùng. Các đồng chí là đảng viên, là Đảng ủy xã, phải chấp hành luật Nhà nước. Không thể giành tài sản quốc gia cho riêng làng mình được.
Chúng tôi nói như vậy. Anh em hiểu và tự thấy mình bị đuối lý, nên làm thinh. Chúng tôi tiếp luôn:
- Dứt khoát các anh phải giao sừng cho Nhà nước quản lý!
Trong không khí im lặng, suy nghĩ một lúc, già làng cất tiếng :
- Các đồng chí lãnh đạo nói cũng đúng. Nguyên tắc của Đảng và Nhà nước thì dân phải chấp hành. Nhưng lấy “không” của chúng tôi là không được !.
- Hiện mấy anh còn giữ mấy cái sừng? Tôi hỏi.
- Một lớn một nhỏ.
- Như vậy là các anh đã bắn hai con ?.
- Các ông lấy không, không được! Ma quở, trời quở, bắt mấy ông chết đó!
- Nếu lấy, đổi gì?
- Hai trâu, hai heo, hai dê, mấy gà để cúng ông trời.
- Cúng trời cũng được. Nhưng cúng mỗi loại một con chứ sao phải cúng hai con? Chỉ cúng một trâu, một heo, một dê là được.
Già làng nghe tôi nói, biết tôi hiểu phong tục dân tộc mình, thấy mình thất lý nên cười ngượng nghiụ, gãi gãi tai. Tôi cũng cười xòa:
- Thôi được, nhất trí “đổi” cho một con trâu lớn.
Sau đó chúng tôi đưa tiền cho làng mua trâu, mua dê, mua heo để cúng, và họ vui vẻ trao cho chúng tôi hai chiếc sừng tê giác…
Trên cơ sở đó, chúng tôi báo cáo với Chính phủ sự thật đã xảy ra và cũng là để làm sáng tỏ vấn đề, không phải Tỉnh ủy Lâm Đồng bắn tê giác như lời đồn đại. Và được trên quyết định Lâm Đồng giữ sừng tê giác đưa vào danh mục thuộc tài sản quốc gia.
Chúng tôi rất tự hào vì vùng quê của mình có những loại động vậït quý hiếm được thế giới đưa vào Sách đỏ.
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Trung Tín, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định) |