Đổi thay ở vùng cao An Nghĩa
18:19', 3/4/ 2009 (GMT+7)

Nhiều năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với những chương trình đầu tư, hỗ trợ ưu ái đặc biệt, xã vùng cao An Nghĩa đang từng ngày có những đổi thay đáng mừng. Người dân địa phương phấn khởi xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, đầu tư làm kinh tế gia đình để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc...

 

Nhà văn hóa thôn là nơi sinh hoạt, hội họp của người dân ở xã An Nghĩa.

 

An Nghĩa là một trong những xã vùng cao của huyện An Lão, cách trung tâm thị trấn An Lão gần 30km về hướng tây nam. Từ bao đời, người dân Bana, Hrê ở vùng đất này luôn bị cái đói nghèo, lạc hậu đeo đẳng. Các hủ tục cưới xin, ma chay, cúng bói diễn ra từ ngày này sang ngày kia. Toàn xã có 132 hộ, 568 nhân khẩu thì đã có đến 91% số hộ nghèo, bình quân lương thực đầu người 2,5 tạ/năm, là xã nghèo nhất của huyện An Lão. Cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, thất học, nghèo đói là cái vòng luẩn quẩn cứ đeo bám cuộc sống của người dân... Nhưng đó chỉ là thời trước đây, còn bây giờ...

Vượt chặng đường dài trơn trợt, quanh co đèo dốc, dưới cơn mưa nhẹ, chúng tôi đã đến được với xã vùng cao An Nghĩa. Từ đầu làng Hòn Chiêng (làng đầu tiên của xã An Nghĩa) đã hiện lên một màu xanh ngắt của những nương lúa, rẫy mì, đồi keo lai trải dài tít tắp. Con đường rẽ từ Ba Ghế đến trung tâm xã dài 7 km bây giờ được trải bê tông xi măng phẳng lì. Những ngôi nhà xây, nhà sàn mái ngói đỏ tươi mọc lên san sát trông thật đẹp mắt. Những cột nước sinh hoạt tự chảy được nối đường ống đến tận hộ gia đình; trụ sở xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn được xây dựng kiên cố, khang trang. Màn đêm buông xuống, ánh điện bừng sáng từ mỗi góc nhà, núi rừng An Nghĩa bị đánh thức bởi tiếng loa công cộng của đài truyền thanh, tiếng ti vi, video, tiếng trẻ học bài hòa quyện với tiếng thú rừng... tạo thành một thứ âm thanh nhộn nhịp đến kỳ lạ...

Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Trường cho biết: Để có được một diện mạo An Nghĩa như hôm nay, ngoài việc đầu tư, hỗ trợ kinh phí của Nhà nước từ Chương trình 134, 135, cả tỉnh, cả huyện hàng năm còn vun vén đầu tư cho An Nghĩa hàng trăm triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bao nhiêu đó cũng chưa đủ, Huyện ủy và UBND huyện An Lão xác định, để sớm đưa xã An Nghĩa ra khỏi đói nghèo, lạc hậu, cần trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở xã, chọn những cán bộ có trình độ và năng lực thật sự, đề bạt giữ các chức vụ chủ chốt của xã. Mặt khác, huyện tăng cường cho xã một cán bộ có năng lực giúp địa phương làm công tác xóa đói giảm nghèo... Nhờ đó, nhân dân trong xã đã được hướng dẫn sử dụng các loại giống cây trồng có năng suất cao, lai tạo đàn bò, áp dụng các quy trình kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm nhân dân trong xã đã gieo sạ 65 ha lúa nước, 100% diện tích được sử dụng giống lúa cấp 1. Nhờ gieo sạ đúng lịch thời vụ, chăm sóc bón phân, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu nên năng suất lúa bình quân đạt 42 tạ/ha. Nhân dân trong xã còn trồng được 110 ha mì cao sản, trỉa 18 ha bắp và 3 ha mè đen. Đàn gia súc mỗi năm một phát triển với tổng đàn hiện có 1.141 con. Ở An Nghĩa hiện nay phong trào xây dựng vườn rau, ao cá, trồng rừng kinh tế, nhận khoán quản lý bảo vệ rừng đang được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ... Bình quân lương thực đầu người trong xã đạt 465kg/năm, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm 15% so với trước. Nhiều hộ dân đã sắm được tivi, xe máy, 100% số trẻ em trong độ tuổi đã được đến trường; người dân đau ốm đã được đưa đến trạm y tế để điều trị.

Năm 2008, xã An Nghĩa không còn hộ đói nhưng tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tỉ lệ khá cao; 2/5 thôn vẫn chưa có đường giao thông; các hủ tục lạc hậu đâu đó vẫn còn...

Ông Trương Đình Mẫn, Phó chủ tịch UBND xã An Nghĩa, cho biết: Trong những năm đến xã An Nghĩa còn nhiều việc phải làm. Trước mắt phải tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao dân trí, thay đổi mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm của người dân; khai thác tốt tiềm năng sẵn có của địa phương, tăng cường hướng dẫn các biện pháp khoa học kỹ thuật giúp người dân biết làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất mình đang sinh sống; tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước các cấp để đẩy nhanh chương trình xóa nghèo ở địa phương...

Tín hiệu vui đã đến với người dân xã An Nghĩa là hiện nay Nhà nước đã và đang thực hiện bê tông hóa tuyến đường từ trung tâm huyện lỵ đến xã, theo đó là điện lưới quốc gia sẽ về với bản làng An Nghĩa trong nay mai. Dự án trồng 500ha cây cao su tại xã An Nghĩa của Công ty TNHH Thịnh Phú đã được phê duyệt, mở ra cho người dân địa phương cơ hội tạo việc làm, mở rộng ngành nghề, phát triển sản xuất, ổn định đời sống và vươn lên làm giàu chính đáng.

  • Hoàng Nam Quốc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện săn tê giác ở Lâm Đồng  (03/04/2009)
Thơ  (03/04/2009)
Những đoạn văn ngắn thời đánh giặc  (03/04/2009)
Một giấc mơ hoa  (03/04/2009)
Nằm võng thì phải đu đưa  (03/04/2009)
Vì đâu nên nỗi ?  (03/04/2009)
Tôi nối liền tôi với thân cây qua làn vỏ sù sì  (03/04/2009)
Tin vào trực giác trái tim mình (*)  (03/04/2009)
Có một nhà thơ cầm… búa  (03/04/2009)
Một yếu tố Hán trong di chỉ văn hóa Chămpa Thị Nại  (03/04/2009)
Làm gì để cờ Bình Định qua cơn bĩ cực  (03/04/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/04/2009)
Du xuân ở Xuân Hòa  (03/03/2009)
Tạo đà cho làng nghề phát triển  (04/03/2009)
Xã Tây Vinh anh hùng hôm nay  (04/03/2009)