|
Bị cáo Huỳnh Nùng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Vũ Quốc Hùng |
Bạo hành gia đình từ lâu đã bị xã hội tiến bộ lên án và kiên trì đấu tranh xóa bỏ. Tuy vậy, hiện nay nạn bạo hành gia đình vẫn còn tồn tại và không ít phụ nữ đang là nạn nhân của tệ nạn này.
* “Tan cửa nát nhà” vì... bạo hành
Theo nghiên cứu gần đây của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì 1/5 số cặp vợ chồng gặp phải vấn đề bạo lực gia đình (theo báo Pháp luật VN số ra ngày 9.3.2009). Ở Bình Định, bạo lực gia đình diễn ra và tồn tại phần lớn ở nông thôn và thường rơi vào những đối tượng là những người chồng có trình độ học vấn thấp, kiến thức xã hội hạn chế. Bên cạnh đó, nạn chè chén say sưa cũng đã góp phần làm gia tăng nạn bạo hành gia đình. Những vụ mâu thuẫn gia đình dẫn đến tình trạng chồng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ gây nên thương tích, tuy chưa thống kê đầy đủ, nhưng chỉ với những vụ chính quyền cơ sở can thiệp, xử lý bằng biện pháp hành chính thì con số hàng năm đã lên đến hàng chục vụ. Còn bao nhiêu người vợ - nạn nhân của nạn bạo hành gia đình - phải nuốt nước mắt, gượng cười để che mắt láng giềng, khó trả lời được một cách chính xác nhưng không thể nói là ít.
Bạo hành gia đình, ngoài việc làm xói mòn hạnh phúc của gia đình, để lại ấn tượng xấu cho con cái, gây ảnh hưởng đến ANTT ở địa phương… còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác. Đặc biệt có những gia đình tan nát, vợ chết, chồng vào tù, con cái bơ vơ do hành vi bạo hành của người chồng gây ra. Có thể chứng minh hậu quả đau lòng do nạn bạo hành gia đình gây ra từ những vụ án sau:
Đinh Văn Thây (SN 1966, ở thị trấn An Lão, huyện An Lão) và vợ là Đinh Thị Ghênh, sống với nhau trên 10 năm, con lớn đã 11 tuổi, con nhỏ 2 tuổi. Tối ngày 23.3.2008 là buổi tối định mệnh, đẩy gia đình họ vào con đường “tan đàn xẻ nghé”, vợ chết, chồng bị bắt và hai con họ trở nên bơ vơ phải nương nhờ vào ông bà ngoại già yếu. Hôm đó, chị Ghênh đi chơi trong làng về và xảy ra mâu thuẫn với chồng. Trong lúc lời qua tiếng lại, chị Ghênh đã có lời lẽ xúc phạm đến dòng họ phía chồng khiến Đinh Văn Thây tức giận dẫn đến đánh vợ. Sau nhiều cú đấm, đá vào người chị Ghênh, làm chị ngã ngửa xuống nền nhà, Thây đã dùng hai tay xốc nách vợ kéo đến cửa sổ khung sắt, nắm đầu đập vào tường nhiều lần. Khi thấy chị Ghênh bất tỉnh, Thây bỏ nằm dưới đất rồi đi ngủ. Nửa đêm Thây thức dậy thì chị Ghênh đã chết từ lúc nào.
Huỳnh Nùng (SN 1970, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) và chị Trần Thị Bé (SN 1976) có với nhau 3 người con, từ 5 tuổi đến 13 tuổi. Huỳnh Nùng vốn là một người đàn ông nát rượu nên trong thời gian chung sống với nhau, chị Bé đã nhiều lần bị chồng vô cớ gây chuyện, đánh đập. Tuy bị chồng ngược đãi và hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác, nhưng chị Bé cắn răng chịu đựng, cho đến đêm 18.9.2008, sự chịu đựng đó đã đưa chị đến cái chết thê thảm, đáng thương. Hôm đó, trong bữa cơm chiều, Huỳnh Nùng ngồi vào mâm nhưng không ăn cơm, chỉ uống bia tươi và sau khi nốc cạn hai lít bia thì đi ăn bún rồi về nhà ngủ một mình trong buồng. Đến khoảng 22 giờ, Huỳnh Nùng thức dậy gọi chị Bé phụ dọn đồ chuẩn bị đi biển đánh cá. Khi chị Bé dậy, Huỳnh Nùng hỏi với thái độ gây sự, sao chị Bé lấy mền, không để cho mình đắp. Khi nghe chị Bé trả lời: “Tôi có biết ông ngủ ở nhà hay ngủ ở ghe đâu” thì Huỳnh Nùng không nói gì nữa. Tuy nhiên, câu chuyện giữa vợ chồng họ chưa dừng lại ở đó, một lúc sau hai người tiếp tục lời qua tiếng lại. Trong lúc cãi vã, Huỳnh Nùng nói với vợ: “Mày nói nữa là tao đâm đó”. Nghe vậy, chị Bé đứng trước mặt chồng thách thức: “Ông có giỏi thì đâm đi”. Chị Bé không ngờ sau câu nói đó, chị vĩnh viễn lìa đời bởi nhát dao oan nghiệt của chồng mình. Huỳnh Nùng, sau khi đâm chết vợ đã dùng chính con dao đó tự sát, nhưng không thành.
Giết vợ chết, cả hai người chồng vũ phu trên đều đã trả giá về tội giết người với mức án: Đinh Văn Thây 14 năm tù, Huỳnh Nùng bị phạt chung thân. Hai gia đình tan nát vì nạn bạo hành đã làm cho 5 đứa trẻ chưa kịp khôn lớn trở nên bơ vơ…
* Làm gì để ngăn chặn bạo hành gia đình
Tháng 8.2008, Luật phòng chống bạo hành gia đình có hiệu lực, đây là cơ sở pháp lý để xã hội đấu tranh đòi lại công bằng cho người phụ nữ thường là nạn nhân của tệ nạn này. Tuy nhiên, để phòng ngừa hiệu quả nạn bạo hành gia đình, cần có sự đồng lòng của toàn xã hội, từng ngành, từng đoàn thể theo chức năng của mình triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn mọi người tham gia đấu tranh phòng chống bạo hành. Bà con từng khối phố, thôn, xóm cần phê phán nghiêm khắc tệ đánh vợ, ngược đãi vợ con. Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa và gia đình văn hóa gắn với xóa bỏ tệ nạn bạo hành gia đình. Với người phụ nữ, nạn nhân của những ông chồng vũ phu, không nên im lặng chịu đựng nữa, phải dựa vào sức mạnh của quần chúng để chống lại nạn bạo hành gia đình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai quán triệt và thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 351 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm uống rượu bia say. Đoàn thanh niên nên đưa việc bài trừ nạn say sưa trong thanh thiếu niên vào tiêu chí xây dựng Đoàn cơ sở vững mạnh. Các ngành pháp luật ở tỉnh và các huyện, TP cần gắn công tác điều tra, truy tố xét xử các vụ án liên quan đến bạo hành gia đình với việc tuyên truyền giáo dục và răn đe tội phạm; nên tổ chức phiên tòa lưu động xét xử những vụ án này nhằm góp phần phát huy hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Đẩy lùi và xóa bỏ nạn bạo hành gia đình, thực hiện bình đẳng giới là mục tiêu của xã hội tiến bộ, văn minh. Để đạt mục tiêu đó, cần có sự đồng tình và tham gia tích cực của cộng đồng trong việc thực hiện các giải pháp trên.
|