Hiện nay, dân số tỉnh ta gần 1,6 triệu người, trong đó có hơn 1,2 triệu dân sống và làm việc ở nông thôn. Với một tỉnh có đông dân số lao động trên lĩnh vực nông nghiệp, nhưng công tác an toàn lao động (ATLĐ) cho nông dân vẫn chưa được đảm bảo. Hằng ngày, nông dân vẫn phải đối mặt với nhiều hiểm họa…
|
Bà Phạm Thị Thanh sử dụng thuốc Alfatin song không hề đọc hướng dẫn trên bao bì.
|
* Nỗi ám ảnh từ thuốc bảo vệ thực vật
Bà Phạm Thị Thanh, 46 tuổi, ở khu vực 7, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), cho biết: “Khi mua thuốc trừ sâu, tôi chỉ nghe người bán hướng dẫn sao thì làm vậy, chứ không biết trên bao bì thuốc ghi gì”. Bà Thanh cho tôi xem một vỏ thuốc Alfatin lượm ở bụi tre gần đó; với loại thuốc này, bà chỉ biết mang về pha cho ba lần phun trừ sâu trên rau cải, chứ hoàn toàn không biết thành phần của thuốc, độ độc hại, hạn sử dụng… Bà Thanh cho biết, có không ít người cùng trong tình trạng mù tịt về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như bà.
Khi được hỏi, nhiều nông dân vẫn biết khi pha chế và phun thuốc trừ sâu phải sử dụng bảo hộ lao động, nhưng không phải ai cũng tìm cách tự bảo hộ cho mình. “Đeo bao tay, khẩu trang vào thấy vướng víu thế nào. Vả lại, đi phun loáng cái là xong, chuẩn bị mấy thứ đó mất công lắm!”, một lão nông thật thà tâm sự. Sau khi phun thuốc xong, người nông dân thường rửa tay bằng nước muối, sau đó rửa bằng xà phòng. Đối với dụng cụ phun, phổ biến nhất là đem rửa ở kênh, mương, bến sông (sau khi hái rau, họ lại mang ra đây rửa lại!). Cá biệt, có trường hợp không cần rửa, mang luôn bình xịt thuốc về để trong nhà.
Một lần đi thực tế ở huyện An Nhơn, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh một người nông dân phun thuốc trừ sâu cho lúa. Người nông dân ấy không dùng bất cứ phương tiện bảo hộ nào, từ cái khẩu trang, găng tay đến kính bảo vệ, áo mưa… Khi được hỏi, ông cho biết: “Từ trước đến nay vẫn làm vậy, quen rồi!”.
Chủ quan, bất cẩn trong việc sử dụng thuốc BVTV, nhiều nông dân phải trả giá. Bà Thanh kể, mới đây, ở khu vực 7 phường Nhơn Phú, có một người phun thuốc diệt cỏ bị nhiễm độc, toàn thân phồng rộp, lở loét phải điều trị ở Bệnh viện da liễu tỉnh. Hay có trường hợp, người cha vừa phun thuốc trừ sâu cho rau muống xong, con trai và con dâu không biết, hái vào luộc ăn. Ăn xong, cả hai vợ chồng đều bị ngộ độc, nôn dữ dội, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Người dân thôn Thái Phú, xã Cát Tài, huyện Phù Cát vẫn còn nhắc chuyện chị H., trong lúc mang thai vẫn ra đồng phun thuốc trừ sâu. Hậu quả, chị phải mang một quái thai; không lâu sau, đứa bé tử ngay trong bụng mẹ. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, một nông dân ở thôn Thái Phú cho biết: “Nhiều phụ nữ nông thôn chưa có nhận thức đúng đắn về tác hại của thuốc trừ sâu. Nhiều người trong thời gian có kinh, có thai vẫn ra đồng phun thuốc. Vì bát cơm mà nhiều người làm liều!”.
|
Người đàn ông này phun thuốc trừ sâu cho lúa mà không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào.
|
* Và những hiểm họa khác
Có một thực tế là hiện nay, việc sử dụng các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh. Các loại máy này có thể là hàng chính phẩm, do các cơ sở cơ khí tư nhân tự thiết kế, sản xuất; hoặc do chính người nông dân tự mày mò chế tạo nên… Đây là nét mới đáng phấn khởi trong hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ở góc độ an toàn lao động và bảo vệ môi trường thì có nhiều vấn đề đáng bàn. Bởi một mặt, hầu như nông dân khi vận hành máy móc đều không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động tối thiểu. Những dụng cụ như găng tay, khẩu trang (chưa nói đến quần áo bảo hộ hợp chuẩn) còn khá xa lạ với nông dân, nhất là những người đàn ông- người trực tiếp đứng máy. Cạnh đó, nhiều người khi tiếp thêm xăng, dầu và thay nhớt cho các loại động cơ, vẫn vô tư đổ chất thải ra môi trường.
Số lao động được đào tạo nghề tại các trường chuyên nghiệp cực kỳ hạn chế, nhiều người không hiểu biết về sử dụng điện sinh hoạt; không nắm được cách sử dụng máy nông nghiệp... Trong khi đó, phần lớn các loại máy móc như máy bơm, máy xay xát, máy cày, tuốt lúa, máy nổ... và các máy tự chế đều không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, nhiều thiết bị không có cơ cấu an toàn. Một số máy nhập ngoại có chức năng dùng cho nhiều công việc (như gặt đập liên hợp), nhưng lại không có tài liệu hướng dẫn vận hành an toàn; nếu có, nhiều nông dân cũng không đủ trình độ để hiểu hết. Cộng thêm vào đó là sự thiếu ý thức, thiếu tự giác, thiếu tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của từng cá nhân. Lối làm ăn tư duy manh mún, tản mạn, mạnh ai nấy làm vốn dĩ là một tâm lý tiểu nông cố hữu cũng góp phần quan trọng làm nên tình trạng tai nạn và mất an toàn vệ sinh lao động nông thôn hiện nay. Ví như chuyện dùng điện làm hàng rào chống trộm, ngăn chuột không cắn phá lúa, dùng xung điện bắt cá… đã gây nên không ít cái chết oan uổng thương tâm ở nông thôn…
Đầu năm 2009, trên địa bàn huyện Phù Cát liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Ông Đỗ Nguyên Vũ, sinh năm 1964, ở thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh, trong lúc chặt dừa do sơ ý đã bị ngã chết. Ông Nguyễn Xuân Cần, sinh năm 1950, ở thôn Thắng Kiên, xã Cát Khánh, trong lúc cuốc ruộng bị điện giật chết. Cách đây không lâu, ở phường Trần Quang Diệu cũng có một nông dân bị chết bởi chính bẫy chuột bằng điện của mình. Chưa hết, những người trực tiếp sử dụng máy tuốt lúa, máy ngốn lúa… chuyện trầy xước tay chân là chuyện thường, nhiều người còn bị gãy tay, tháo khớp, mang thương tật suốt đời.
Cho đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính xác số vụ tai nạn lao động của nông dân trong tỉnh. Và, ATLĐ cho nông dân vẫn là vấn đề nhức nhối, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và sự chung tay của cả xã hội.
ÔNG NGUYỄN CÔNG TÁNH, CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN TỈNH:
Hội Nông dân tỉnh luôn chú trọng công tác bảo đảm an toàn lao động cho nông dân
Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều động thái tích cực nhằm tăng cường an toàn lao động (ATLĐ) cho nông dân. Nhân tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động- Phòng chống cháy nổ lần thứ 11 năm 2009 tại Bình Định, ông Nguyễn Công Tánh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã có cuộc trao đổi với PV báo Bình Định về tình hình ATLĐ của nông dân hiện nay.
+ Xin ông cho biết quan điểm của Hội về vấn đề ATLĐ cho nông dân?
- Ở tỉnh ta, mỗi năm sử dụng đến hàng trăm ngàn tấn phân bón hóa học, hóa chất, thuốc trừ sâu, xăng dầu, thuốc thú y và thức ăn gia súc, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người lao động. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy móc trong nông nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với người nông dân. Từ xưa đến nay, ATLĐ cho nông dân luôn là một vấn đề nóng bỏng. Nhận thức được vấn đề quan trọng này, Hội nông dân tỉnh luôn chú trọng công tác bảo đảm ATLĐ cho nông dân.
+ Thời gian qua, Hội đã có những biện pháp gì để hạn chế tai nạn, tăng cường ATLĐ cho nông dân, thưa ông?
- Mấy năm gần đây, công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục của Hội và phong trào nông dân đã có những đóng góp tích cực và có hiệu quả trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng tránh tai nạn cho người lao động, đã giảm thiểu thiệt hại đáng kể về tài sản và tính mạng cho người lao động và cho cộng đồng. Hội đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, lồng ghép nội dung vào các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, kiến thức về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng máy nông nghiệp, kiến thức về sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, về phòng chống dịch bệnh. Trong năm 2008, Hội đã tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT cho 115.000 lượt người, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 121.000 lượt người. Hội cũng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gắn với an toàn vệ sinh lao động như hội thi “Kiến thức nhà nông”, “Cán bộ cơ sở giỏi”…
+ Công bằng mà nói, những biện pháp mà Hội thực hiện đã góp phần mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong vấn đề đảm bảo ATLĐ cho nông dân. Tuy vậy, thực trạng mất ATLĐ đối với nông dân ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn ở mức báo động…
- Đúng vậy, ở tỉnh ta hiện nay, hằng năm khu vực sản xuất nông nghiệp và nông thôn vẫn có hàng chục, thậm chí hằng trăm lao động nông nghiệp, lao động nghề nghiệp trên các lĩnh vực đã xảy ra tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp, nhất là trong việc sử dụng các loại hóa chất, vận hành máy móc, thiết bị cơ giới trong sản xuất, đánh bắt hải sản trên biển. Những tai nạn đó đã gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, dẫn đến hậu quả nhiều lao động bị tai nạn thương tật vĩnh viễn, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, thậm chí nhiều người thiệt mạng, có trường hợp mất tích trên biển khơi.
+ Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên?
- Vấn đề mất ATLĐ cho người nông dân có nhiều nguyên nhân. Người chủ sử dụng lao động có tư tưởng thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Người nông dân thì chủ quan, không sử dụng bảo hộ lao động khi lao động, như: khi phun thuốc sâu, sử dụng hóa chất không mặc đồ bảo hộ, không mang khẩu trang; thiếu thận trọng khi vận hành máy cơ giới (máy tuốt lúa, máy ép gạch ngói, sử dụng điện trong bơm nước), sử dụng các biện pháp không an toàn (dùng bẫy điện để diệt chuột)… Và, cũng phải thừa nhận rằng, có lúc có nơi, việc tuyên truyền của ngành chức năng chưa đến được với tất cả người nông dân.
+ Nhân Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động- Phòng chống cháy nổ lần thứ 11, xin ông cho biết những hoạt động của Hội nhằm tăng cường ATLĐ cho người nông dân?
- Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với chủ đề “Nông dân Việt Nam với An toàn vệ sinh lao động- Phòng chống cháy nổ trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp”, để tăng cường ATLĐ cho nông dân, Hội sẽ tiếp tục kiên trì tuyên truyền, giáo dục, vận động nông dân và người lao động nghiêm túc thực hiện các quy định bắt buộc về ATLĐ; cam kết khi lao động phải thực hiện các quy định về trang bị bảo hộ tuyệt đối an toàn trong lao động; chủ động phối hợp với các cơ quan hướng dẫn nông dân sử dụng máy nông nghiệp, sử dụng hóa chất nông nghiệp; kịp thời sơ cấp cứu khi có người bị tai nạn lao động hoặc nhiễm hóa chất nông nghiệp; gắn ATLĐ với xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”… Trong năm 2009, Hội sẽ tổ chức tập huấn KHKT cho 110.000 lượt người, bồi dưỡng và tập huấn nghề ngắn hạn cho 4.000 người; qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng sẽ lồng ghép nội dung ATLĐ cho nông dân…
+ Xin cảm ơn ông.
| |