Mùa giải 2009 đi qua chưa được nửa chặng đường, đã có không ít bất ngờ tạo nên sự hào hứng cho các giải đấu, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều điều khiến Ban Tổ chức và cả các CĐV chân chính phải lo âu.
|
Rất nhiều cảnh sát được huy động để bảo vệ các CĐV Hải Phòng khi họ đến sân Vinh cổ vũ cho đội nhà. Ảnh: VNN
|
Điểm tích cực dễ nhận thấy nhất ngay trước khi mùa giải khởi tranh là việc hầu hết các đội bóng đều có sự chuẩn bị khá chu đáo, những hợp đồng chuyển nhượng “nặng ký” được ký kết, những chuyến tập huấn, thi đấu cọ xát liên tục giữa các đội tạo nên không khí sôi động. Ngay từ những lượt trận đầu tiên, đã có không ít bất ngờ được tạo ra. Tại V-League, những đội bóng thuộc hàng “chiếu dưới”, bị điểm mặt là ứng cử viên của suất xuống hạng như Đồng Tháp, Quân khu 4… đã thi đấu tưng bừng, quật ngã những “ông lớn” lắm tiền nhiều của. Cùng lúc đó, ở giải hạng Nhất, Quảng Nam, Tây Ninh… cũng tạo nên những bất ngờ không kém. Hầu như chưa có trận đấu nào bị liệt vào dạng… “có mùi”, không còn dấu hiệu của “những cái bắt tay” nơi hậu trường hay tình trạng cho-nhận điểm như những mùa giải trước.
Chính điều đó cộng với hiệu ứng tích cực từ chức vô địch AFF Cup 2008 của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam đã kéo khán giả đến sân ngày một đông hơn. Đồng Tháp đã biến sân nhà Cao Lãnh thành một chảo lửa thực sự, với sự hiện diện thường xuyên của hơn 10.000 khán giả cuồng nhiệt, sẵn sàng “thiêu cháy” bất kỳ đội bóng nào. Chiến thắng 5-0 trước Thể Công ở vòng 8 V-League cho thấy “cầu thủ thứ 12” của Đồng Tháp đáng để bất kỳ đối thủ nào cũng phải e ngại. Cũng ở vòng đấu đó, sân Chi Lăng đã phải… trưng dụng đường piste để dành cho các CĐV theo dõi trận đấu giữa Đà Nẵng và Bình Dương…
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu đáng mừng do số lượng CĐV đến sân ngày càng đông, việc xuất hiện nhiều khán giả quá khích cũng làm ảnh hưởng không tốt đến công tác an ninh của trận đấu và bộ mặt của bóng đá Việt Nam. Dù không để xảy ra sự cố trên sân Vinh trong trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An và Hải Phòng như năm ngoái, nhưng lực lượng công an Nghệ An cũng phải rất vất vả trong việc trấn áp những CĐV khách, khi họ gây nên tình trạng lộn xộn tại huyện Diễn Châu. Không gây mất trật tự như các CĐV đất cảng, nhưng những khán giả Hà Nội ACB lại “du nhập” hình thức cổ vũ thiếu văn hóa bằng cách ném “đầu chó thui” vào sân. Rõ ràng, văn hóa cổ vũ của các khán giả Việt Nam đang “xuống cấp” một cách trầm trọng.
|
Ngay cả “Quả bóng vàng” Dương Hồng Sơn cũng đang bị xét lại tư cách đạo đức vì xúi giục đồng đội đánh nhau. Ảnh: VNN
|
Trong khi đó, vấn đề đạo đức của cầu thủ cũng đang là đề tài nóng trên các diễn đàn bóng đá. Thủ môn tuyển Quốc gia Hồng Sơn (CLB T&T Hà Nội) vừa nhận danh hiệu Quả bóng vàng cao quý lại dính ngay đến việc xúi giục cầu thủ đánh nhau; một tuyển thủ Quốc gia khác là Tấn Tài (Khánh Hòa) cũng “nhờ” giang hồ xử đồng đội chỉ vì vài câu nói đùa; tài năng trẻ Danh Ngọc (Nam Định) lại tự bôi xấu hình ảnh của mình khi ra chiêu “ngón tay thối” với các CĐV… Điều này cho thấy, hầu hết các CLB hiện nay chỉ chăm chăm tìm kiếm cầu thủ giỏi để phục vụ thành tích của đội, còn vấn đề đạo đức đang bị thả nổi. Trong những năm qua, thu nhập của các VĐV bóng đá tăng lên vùn vụt. Từ đó, không ít cầu thủ đã tự dành cho mình những kiểu hành xử khác biệt với các quy ước của xã hội.
Đối với trách nhiệm của mình, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nghiêm khắc. Nhưng chắc chắn những tồn tại nêu trên không thể “biến mất” trong ngày một ngày hai, nếu không có sự chung tay và nâng cao ý thức của tất cả các bên liên quan. Không thể phủ nhận bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng để trở thành một sân chơi lành mạnh, có văn hóa, phục vụ nhu cầu cho những người yêu bóng đá chân chính, vẫn cần rất nhiều thời gian chấn chỉnh và hoàn thiện.
|