Người ghép mai dưới chân núi Đá Lăn
19:8', 5/5/ 2009 (GMT+7)

Trong khu vườn rộng 2.000m2 dưới chân núi Đá Lăn, gần 20 năm qua có một người miệt mài gắn bó với công việc ghép mai. Đó là anh Lê Văn Năng, 46 tuổi, ở tổ 9, khu vực 8, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn…

 

Vườn mai của anh Năng là nơi gặp gỡ của những người yêu thích ghép mai.

 

* “Duyên nghiệp” với cây mai

Xuất thân từ nhà nông, khi cây lúa không đủ nuôi sống gia đình nghèo khó, anh Năng theo bạn bè lên núi đào cây cảnh. Được một thời gian, việc đào cây cảnh bị cấm, anh chuyển sang mua bán cây con, trồng và chăm sóc cây cảnh, chủ yếu là mai. Những ngày mới tập tành bước vào nghề, anh mày mò tìm đến những người có kinh nghiệm để học hỏi. Trong những lần tiếp xúc với dân trong nghề, anh đặc biệt ấn tượng với kỹ thuật ghép mai. Một cây mai có gốc cổ thụ, thế độc đáo nhưng phần cành, ngọn cho hoa không đẹp; ngược lại một cây mai có hoa đẹp nhưng dáng bình thường. Sự đáng tiếc ấy, qua bàn tay kết hợp khéo léo của người ghép mai, sẽ cho ra một cây mai mới, đẹp, không còn khiếm khuyết. Say mê vẻ đẹp của mai ghép, anh tự mày mò học ghép, gắn bó với cây mai.

Những ngày đầu thử nghiệm, để có được những mắt ghép thành công, anh phải trả giá rất đắt từ những lần thất bại. “Bài học hay nào cũng trả bằng học phí tương xứng. Ghép mai là một môn học khó, nên học phí cũng cao hơn. Đôi khi, để thử một mắt ghép, phải đánh đổi cả cây mai hàng triệu đồng là bình thường”, anh Năng chia sẻ. Qua gần 20 năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh Năng đã có những bí quyết ghép mai của riêng mình. Trước đây, mọi người thường nghĩ, thời điểm ghép mai tốt nhất là sau Tết. Anh thì cho rằng, sau Tết là lúc cây mai vừa dồn toàn lực để nuôi hoa, nên chẳng đủ sức để nuôi mắt ghép, do đó tỉ lệ thành công chỉ khoảng 70%. Theo kinh nghiệm của anh Năng, thời điểm ghép mai tốt nhất là từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch, lúc cây mai “sung” nhất.

 

Một sản phẩm của anh Năng.

 

Để có nguồn mai, anh cùng bạn bè lùng sục khắp nơi, từ Hội An, đến Tuy Hòa, Ninh Thuận để mua “mai hư” về… sửa. “Mai hư là những gốc mai mà người trồng không nắm rõ cách thức, kỹ thuật tạo dáng cho mai, làm cho chậu mai nhìn chẳng ra hình thù gì, không có giá trị”, anh Năng giải thích. Đối với những chậu mai loại này, người mua phải có con mắt thật tinh, phác thảo ngay ý tưởng về cách phá thế cũ để tạo thế mới, có thể cắt ghép như thế nào để tạo giá trị cho cây mai, từ đó mới quyết định giá mua hợp lý. Mai mua về được cắt tỉa gọi là cây phôi. Từ những cây phôi này, anh tiến hành ghép. Có hai kiểu ghép mai: ghép mắt và ghép chồi (kiểu ghép mắt phổ biến hơn).

Gần 20 năm trong nghề, mai ghép của anh Năng đã trở thành một “thương hiệu”. Đặc trưng mai ghép của anh Năng là những nhát cắt mạnh mẽ, rành rọt, người chơi không phải sửa sang gì thêm, những chỗ ghép liền da, không chủ ý quan sát thì khó phát hiện ra. Dù chậu có thể nhỏ, nhưng đế luôn vững chãi, hoa bung nở đầy đặn, khỏe khoắn.

* Chút trăn trở với cây mai Bình Định

Đã từ lâu, quán cà phê Vườn Hoa của anh Năng là “tao đàn” của những người mê mai. Nhất là vào những ngày cuối tuần, từ những cán bộ viên chức đến người buôn bán, lao động tự do lại đến đây để được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Anh Tám Đi (ở khu vực 6, phường Nhơn Phú) cho biết: “Nhìn vườn mai với hơn 1.000 gốc mai, hơn 200 cây phôi đang chuẩn bị ghép của anh Năng, ai cũng nể. Đối với chúng tôi, anh Năng là bậc “đàn anh” trong lĩnh vực ghép mai. Anh luôn sẵn sàng chỉ bảo cho những người chưa biết, chứ không giấu nghề như nhiều người khác”. Ngoài ra, anh Năng còn được nể phục bởi cách bán mai. Đối với những người hoàn cảnh kinh tế hạn hẹp nhưng có lòng yêu hoa, yêu mai, anh sẵn sàng để lại với giá rẻ hơn vài triệu đồng, còn tận tình chỉ cho cách chơi mai.

 

Anh Năng đang xử lý một cây phôi chuẩn bị ghép.

 

Trong những buổi họp mặt, trao đổi với bạn bè, ngoài chuyện chăm sóc mai, ghép mai, anh Năng còn chia sẻ với bạn bè những trăn trở về cây mai Bình Định. Mấy năm gần đây, dân chơi mai chủ yếu chuộng mai lấy về từ Tuy Hòa (Phú Yên). Bởi mai ở đây được trồng tự nhiên nhỏ lẻ, ít có sự can thiệp của bàn tay con người. Gốc to, vững, khi mang về chỉ cần “tân trang” lại phần thân là chơi được lâu dài. Nhiều gốc mai mới mang về đã có người đến mua ngay.

Dân trong nghề thường truyền nhau câu: “Nhất đế, nhì thân” để khẳng định vai trò quan trọng của “đế” (gốc mai) và “thân” (thân mai). Thế nhưng, mai An Nhơn phần lớn trồng đại trà theo thời vụ, gốc mai nhỏ, thân mai thường uốn theo vòng xoắn, không chú trọng thế mai nên rất khó để trở thành những chậu mai độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao. Hơn nữa, dân tỉnh ta có thói quen trồng mai bằng đất thịt, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng nên mai thiếu sức sống. Để khắc phục nhược điểm này, người trồng mai ở ta cần phải thay đổi đất trồng, chú ý trồng bằng đất cát mịn trộn xơ dừa hoặc tro trấu để thoát nước tốt, rễ mai không bị đen, thối. “Biết là vậy, nhưng phải có sự cộng sức của nhiều người trồng mai, phải xuất phát từ cái tâm của người chơi hoa. Trồng mai, chăm mai bắt đầu từ tình yêu với cây, với hoa, đừng chỉ vì lợi nhuận mà trồng, chăm bón hối thúc một cách “ăn xổi ở thì”, kết quả là giá trị của mai chẳng vững bền”, anh Năng tâm sự.

  • Việt Quân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vui ít lo nhiều  (05/05/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/05/2009)
Tuổi trẻ hành động vì an sinh xã hội  (04/04/2009)
Lá thư ân nghĩa từ An Nhơn  (04/04/2009)
Nông dân đang đối mặt với nhiều hiểm họa  (04/04/2009)
Đời canh lửa  (04/04/2009)
Cạnh tranh bằng chất lượng phương tiện và dịch vụ  (03/04/2009)
Niềm vui trên đồng muối Phù Mỹ  (04/04/2009)
Bạo hành gia đình, thực trạng và giải pháp ngăn chặn  (03/04/2009)
Đổi thay ở vùng cao An Nghĩa  (03/04/2009)
Chuyện săn tê giác ở Lâm Đồng  (03/04/2009)
Thơ  (03/04/2009)
Những đoạn văn ngắn thời đánh giặc  (03/04/2009)
Một giấc mơ hoa  (04/04/2009)
Nằm võng thì phải đu đưa  (03/04/2009)