Trong những năm qua, nghiên cứu, hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng các hoạt động này vẫn còn thiếu “chiều sâu” để đạt được hiệu quả thiết thực trong đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số.
|
Cho đến nay, việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh và ở địa phương chỉ mới tạo được “bề nổi”.
|
* Nhiều hoạt động tích cực
Trong gần mười năm qua, có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được hoàn thành nhờ tâm huyết, công sức của các hội viên Chi hội Văn nghệ Dân gian Bình Định. Ông Đoàn Măng Téo (Rechơlan Măng Téo) có các tác phẩm: Văn hóa văn nghệ Chăm H’roi Vân Canh, Núi Chúa hòn Ông, Văn hóa cổ truyền gia đình Chăm H’roi, Tục ngữ – ca dao – nhạc cụ dân gian Chăm H’roi, Trang phục của người Chăm H’roi. Ngay trước khi qua đời, ông Téo cũng kịp để lại công trình nghiên cứu về Văn hóa cổ truyền Chăm H’roi huyện Vân Canh. Công trình này có nhiều ý nghĩa và giá trị thực tiễn bởi đây là lần đầu tiên đời sống văn hóa cổ truyền của người Chăm H’roi Vân Canh được mổ xẻ với cái nhìn tương đối toàn diện và xác thực.
Ông Yang Danh có các tác phẩm: Văn hóa rượu ghè người Bơhnar Kriêm Bình Định, Sinh hoạt văn hóa nương rẫy người Bơhnar Kriêm, Tập tục truyền thống trong gia đình người Bơhnar Kriêm, Nhà sàn cổ của người Bơhnar Kriêm, Hơmon nàng Bya – Jít… Nhưng đầy đủ và đặc sắc nhất chính là công trình nghiên cứu khoa học Văn hóa làng Bơhnar Kriêm, đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ chuyên ngành của tỉnh đánh giá xuất sắc.
Nhà nghiên cứu Hà Giao có các tác phẩm: Sử thi Bơhnar Konkded, Sử thi Dăn Pen, Hơmon Bơhnar Konkded… Hiện tại, công trình nghiên cứu khoa học Văn hóa palài người H’rê Bình Định cũng đang được nhà nghiên cứu Đinh Văn Thành (Nguyễn Xuân Nhân cộng tác) tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo vào cuối năm tới.
Sở VH-TT-DL đã nỗ lực thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc ít người như lễ Cầu mưa và lễ Đổ đầu của người Chăm H’roi huyện Vân Canh, lễ Ăn mừng lúa mới và lễ Ăn trâu tạ ơn của người Bơhnar Kriêm, đám cưới và sinh hoạt âm nhạc dân gian của người H’rê… để lưu trữ trong ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể bằng phương pháp số hóa. Điều này không chỉ góp phần gìn giữ những di sản văn hóa phi vật thể quý báu của các dân tộc ít người, mà còn râát thuận lợi trong việc khai thác sử dụng dữ liệu một cách lâu dài.
Việc tổ chức định kỳ lễ hội văn hóa – thể thao miền núi tỉnh, các lễ hội và hội diễn nghệ thuật quần chúng ở các xã, huyện miền núi cũng đã có tác dụng tích cực trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
|
Nhiều nét sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Bình Định đã lặng lẽ mai một dần trước sự thờ ơ, vô cảm của chính chúng ta.
|
* Nhiều nhưng thiếu “chiều sâu”
Nhiều tác phẩm nghiên cứu về đời sống văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người ở Bình Định mới chỉ là dạng “cưỡi ngựa xem hoa” chứ chưa có sự chuyên sâu. Ông Nguyễn Xuân Nhân, Chi hộâi trưởng Văn nghệ dân gian Bình Định, nhận xét: “Hầu như chưa có tác phẩm nào đi sâu vào nghiên cứu riêng từng lĩnh vực trong đời sống văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số, chẳng hạn như nghiên cứu đời sống tâm linh hoặc nghiên cứu nề nếp xã hội. Quan trọng hơn, vẫn chưa có ai nghiên cứu một cách có hệ thống luật tục truyền thống của từng dân tộc ít người ở Bình Định, mà thiếu mảng này thì chưa thể đánh giá một cách toàn diện văn hóa truyền thống của họ…”. Giá trị ứng dụng của công trình nghiên cứu văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Bình Định hiện nay còn rất hạn chế vì phần lớn đều chưa được xuất bản. Hầu hết các tác phẩm nghiên cứu có giá trị, đã đạt được các giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam của Đoàn Măng Téo, Yang Danh cho đến nay vẫn còn nằm chờ do các tác giả không có kinh phí để in ấn.
Nhà nghiên cứu Yang Danh tâm sự: “Tôi có gần chục tác phẩm nghiên cứu về đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bơhnar Kriêm, nhưng không có kinh phí xuất bản tác phẩm, đành phải để đó. Xót cái bụng ghê lắm…”. Đội ngũ nghiên cứu văn hóa truyền thống các dân tộc ở Bình Định cũng thật đáng lo, bởi tính đi tính lại trước giờ cũng chỉ có vài người “chịu” gắn bó tâm huyết. Nên sau khi Đoàn Măng Téo mất đi, công tác nghiên cứu văn hóa truyền thống của người Chăm H’roi Vân Canh đã xuất hiện lỗ hổng rất lớn… Ở các lĩnh vực khác cũng diễn ra hiện tượng tương tự.
Cho đến nay, việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh và ở địa phương chỉ mới tạo được “bề nổi”. Thật ra, các lễ hội này được đầu tư tổ chức với ý nghĩa sâu xa là tạo “ngòi nổ” để gia tăng ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống một cách hiệu quả và có chiều sâu trong chính đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng nhiều năm qua mục tiêu chính vẫn chưa đạt kết quả khả quan và giải pháp hợp lý xem chừng vẫn chưa tìm thấy. Ngay cả trong Ngày hội Văn hóa – Thể thao miền núi tỉnh, có địa phương chỉ tham dự theo kiểu hội hè hình thức nên dàn dựng chương trình cách tân, sai lệch so với truyền thống. Lớp thanh niên dân tộc thiểu số thì vừa tham dự chương trình thi văn hóa - văn nghệ truyền thống xong, khi trở về trại ngay lập tức “tạm biệt” cồng chiêng để… mở nhạc pop-rock nhảy với nhau.
|
Ngay cả những tấm thổ cẩm như thế này, nhiều đồng bào đã chọn giải pháp mua về dùng chứ không còn dệt nữa và họ cũng đang quên dần cách dệt.
|
* Nếu mất đi sẽ không tìm lại được
Ông Yang Danh nói: “Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bahnar Kriêm chúng tôi ngày càng bị mai một. Cồng chiêng ngày càng mất dần, dựng nhà rông thì sai lệch hẳn kiến trúc truyền thống, các loại hình văn nghệ truyền thống như hát Hơmon, Roi… thì đang mất đi cùng với các nghệ nhân. Có bản làng lớp trẻ dân tộc đã không còn muốn mặc trang phục truyền thống, chỉ khi có những dịp lễ hội được vận động thì mới chịu mặc. Đây quả là điều rất đáng buồn…”. Sẽ đến một lúc nào đó chúng ta sẽ không chỉ buồn mà còn đau đớn khi vốn liếng văn hóa, những di sản – cội nguồn để mỗi dân tộc cắm rễ vào, neo mình vào đó để vươn lên bị mất đi. Mà đã mất đi là không phục dựng được, không tìm lại được.
|