* Truyện ngắn của Cát Miên
Anh tống đống quần áo của chị xuống nền nhà rồi dộng cây rựa thật mạnh, băm vằm. Những mảnh vải lìa ra từng mảng, từng mảng như hạnh phúc của anh chị. Con bé nép vào lòng mẹ, cặp mắt ngơ ngác sợ hãi. Nó chỉ biết là bố đang rất giận, chứ chưa đủ lớn để hiểu chuyện gì sắp xảy ra với gia đình nó. Mắt chị ráo hoảnh, duy chỉ gợn chút buồn ngủ vì đã say.
Rượu thường làm ta buồn ngủ.
Chị đẩy con bé sang một bên, định bỏ vào giường nằm. Anh kéo phắt lại, tát vào mặt chị:
- “Đồ con đĩ”.
Con bé ôm chầm lấy chân bố. Hét toáng lên.
Đó là lần đầu tiên cũng là duy nhất anh đánh vợ, chửi thậm tệ.
Gia đình anh sẽ êm ấm, hạnh phúc nếu chị không dở chứng đòi đi bán hàng ở chợ. Từ khi cưới về, anh không để chị làm bất cứ một việc gì, ngoài việc chăm mảnh vườn nhỏ, buôn bán lẹt xẹt ở nhà và cơm nước cho chồng con. Mọi chi phí sinh hoạt, đến các khoản đóng góp mình anh cáng đáng tất. Vì thế anh tất bật lắm. Ngoài tám giờ làm việc cơ quan, anh còn kiếm việc làm thêm. Mệt nhoài người nhưng nhìn thấy vợ con vui vẻ, đầy đủ là anh quên hết nhọc nhằn. Những bữa trưa, bữa chiều khói bếp bay nghi ngút. Những mâm cơn dọn sẵn chờ chồng trong niềm hân hoan con trẻ.
Rồi con bé đến tuổi đi mẫu giáo. Chị bảo ở nhà buồn. Muốn kiếm việc làm mới, muốn được quan hệ giao tiếp với mọi người cho khuây khỏa. Anh không muốn chị vất vả, mà bán hàng ở chợ đâu có sung sướng gì, lời lãi là bao? Nhưng sợ chị buồn, sợ chòm xóm cho anh không bình đẳng. Sáng chị đi chợ sớm. Tối nhọ mặt người mới về nhà. Công việc đưa đón con giao lại cho anh. Mà nhà có mỗi cái xe máy, anh đi làm. Thế cũng được.
Từ ngày chị đi chợ, tiền nong trong nhà rộïng rãi hơn. Nhưng cơm nước bữa đực bữa cái. Chị về nhà muộn hơn thường. Đến khi bóng mặt trời và bóng người đổ dồn làm một thì chị mới lóc cóc đạp xe về tới cổng. Chòm xóm ngủ trưa từ bao giờ. Xong bữa cơm ai nấy lại tất bật đi làm, hết thời gian nghỉ ngơi. Chị bảo anh ở lại cơ quan, trưa ăn cơm căng-tin cho tiện. Con bé ở bán trú. Còn chị ăn qua quýt ở chợ. Đỡ tốn thời gian, lại khoẻ. Căn nhà của anh chị chỉ ấm hơi người vào buổi tối. Vậy đó. Thì cũng được.
Nhưng càng ngày chị càng về nhà muộn. Anh đón con về, cắm nồi cơm, đợi. Mãi không thấy đâu trơn. Căn nhà thường ngày giờ này đã ấm áp tiếng vợ tiếng chồng, tiếng con bi bô. Giờ vắng ngắt, lạnh tanh. Anh gởi con, chạy ra chợ tìm. Chợ vắng như chùa bà đanh. Chín giờ tối. Anh ghé tiệm mua cho con bé tô phở, về đến nó đã nằm ngủ cheo ngheo bên hàng xóm. Chị đi đâu nhỉ? Mọi hôm chị cũng về muộn, nhưng chưa bao giờ muộn như hôm nay. Nội ngoại đều ở xa. Anh chạy qua nhà cô em vợ, bảo, không thấy mô trơn.
Mười rưỡi đêm, có tiếng xe máy ngoài cổng. Anh chạy ra thì chiếc xe có người phụ nữ ngồi trên vút vào đêm. Ánh sáng của đèn soi rõ từng viên sỏi nằm ngang ngửa giữa đường.
- Em đi đâu?
- Chơi
- Với ai?
- Bạn.
Nghe bảo, dạo này chị nhập hội “cụt đọt” ở chợ xép. Những người đàn bà chồng chết, chồng bỏ, hoặc bỏ chồng, hoặc những cô quá lứa lỡ thì họp lại thành lập nhóm cụt đọt. Người ta không chồng thì chớ, đằng này chị chồng con rành rành mà vẫn vô hội. Chịu hết nổi.
Rồi chị liên tục về nhà muộn. Mắt chị sáng long lanh. Ôi, sao mà lại có nhiều cuộc vui như thế mà xưa nay chị lại không biết. Nhiều khi ngồi bán hàng mà chị mơ màng, xa xăm, tự trách mình. Anh nói nhỏ có, to có, giận hờn trách móc thôi thì đủ cả. Chị đâu có nghe. Em gái khuyên nhủ, chị vẫn chứng nào tật nấy.
- Mấy ai làm chồng tốt như anh rể?
- Đầy. Chị mỉm cười tự tin. Chị làm ra tiền nhiều hơn anh rồi.
Ngao ngán.
***
Chị sa đà theo nhóm cụt đọt, không còn màng đến gia đình, chồng con. Lỗi tại ai? Đâu phải anh không đủ khả năng? Thừa. Anh không đảm bảo cuộc sống gia đình? Vậy chứ lâu nay khổ cực hơn mà có sao đâu. Nhiều người trong mơ còn mơ thấy được làm vợ anh nữa là… Vậy mà chị vẫn bỏ anh.
Bữa nay chị đi hai hôm liền mới về nhà. Sáng sớm một gã đàn ông đưa chị về. Cách nhà một quãng, xuống xe, cười cười nói nói gì đó rồi mới đi. Đến nước này thì anh không nhịn được nữa, anh quát:
- Đứng lại. Cô không coi ai ra gì nữa?
- Còn đòi chi cái thân này? Ngần ấy năm đẻ con cho anh, hầu anh vậy chưa đủ sao?
Im lặng.
- Giờ tôi tự do.
Nói rồi chị định đi vào nhưng anh kéo phắt lại. Bốp. Anh tát một cái như bổ vào mặt chị. Anh băm vằm quần áo như thể đang băm vằm chị. Quá tốt cho một cái cớ chia tay nhau. Chị đâm đơn ly dị. Mặc cho thiên hạ trách móc, khuyên nhủ, chị hăm hở chạy về phía niềm vui.
Ở tòa án, anh xin nuôi con nhưng chị không cho. Anh sợ chị sẽ không chăm con bé được rồi thì nó sẽ hỏng mất… Anh nơm nớp lo âu. Nhận nuôi con với tiền trợ cấp nhưng chị vứt nó cho cô em ruột. Phần tiền ít ỏi khi chia tài sản nhận được, chị trút luôn vào chiếc xe máy mới. Lo gì, chị sẽ vui, sẽ làm ra tiền. Chị được tự do hoàn toàn.
Ngôi nhà mà anh dành dụm tiền xây chưa ở ngày nào, vậy mà gia đình anh đã tan tác. Hôm nay người ta mới quét xong, vẫn mùi sơn nồng nồng. Anh trằn trọc không sao ngủ được. Anh ra ra vào vào như ngóng đợi điều gì từ nơi chị ở gần đó. Vắng. Lạnh. Căn nhà ấy giờ ít khi đỏ đèn lắm. Mà đến lúc đỏ đèn là y như rằng anh lại nghe tiếng hát hò, tiếng la hét chí choé, tiếng cấu véo. Tất cả hỗn loạn như lũ bò vừa sổng chuồng buổi sáng. Anh tức điếng người, muốn chạy sang đấm vào mặt từng đứa rồi tống tất cả ra khỏi nhà. Nhưng giờ đây anh đâu có quyền làm vậy. Anh có phải là chủ hộ đâu. Chịu không được, anh thường ở lại cơ quan cho khuất mắt.
Con bé mặc dù được dì chăm nhưng nó gầy rộc đi. Gặp anh, nó vít đầu, hôn má anh, hỏi: Ba mẹ đi chi lâu dễ sợ? Con chờ mòn con mắt. Tội nghiệp nó. Nó đâu biết tổ ấm của nó giờ như tổ chim sau cơn bão lớn. Anh quay mặt đi cố giấu nước mắt.
Anh bồng con về nhà mình, ngang qua ngôi nhà cũ. Căn nhà ấy giờ cỏ mọc um tùm. Đám bọ mắt bay nhặng xị bên đống rác trước cửa. Con bé hỏi:
- Sao mình không ở nhà mình hả ba?
- À ời…
***
Chị tỉnh dậy và cảm thấy hoang hoải, trống vắng. Sau những cơn say người ta thường bắt gặp cảm giác đó. Loạng choạng ra mở cửa. Ánh nắng hắt vào nhà làm chị nhăn mặt, rồi như bừng tỉnh khi thấy nhà cửa quang quẻ một cách lạ lùng. Chị đâu có dọn? Cô em gái chắc cũng không. Từ ngày nó mất anh rể, nó dường như từ mặt chị. Vì thương cháu, thương anh rể mà nó nuôi con bé giúp. Vậy thì ai? Cả lỗ thủng hôm nọ thằng hói say rượu làm đổ xe, nát nền xi măng, giờ đã vá lại. Ai tốt vậy? Chị lục trong chút trí nhớ của mình xem còn ai thân thích không. Chẳng ai cả. Mọi người dường như ghét chị. Bỗng nghe tiếng trẻ con cười, nụ cười giòn tan. Đúng rồi. Tiếng con gái chị. Hèn chi nghe quen quá.
Chị vịn theo tiếng cười đến bên khung cửa sổ ngôi nhà mới, ghé mắt nhìn. Anh đang bò trên nền gạch hoa, con gái chị đang cưỡi trên lưng. Nó lấy chân thúc vào hông anh, giục: Trâu ơi! Nhanh lên nào. Nhanh lên nào… Con trâu nghe vậy cuống cuồng bò nhanh…
Trong nhiều bộ phim mà tôi đã xem, anh thường giang tay đón chị, đứa bé đứng giữa hai người toét miệng cười hạnh phúc. Trong tiểu thuyết, truyện ngắn cũng thường có những kết thúc có hậu dễ chịu, dễ tha thứ vì lẽ đánh người chạy đi chứ ai đánh người chạy lại. Hối lỗi. Tha thứ. Nụ cười. Và hạnh phúc trở lại. Nhưng đó chỉ là trên phim, trên truyện, còn đời thực không đơn giản thế. Trong câu chuyện này cũng thế. Phải có một cái giá xứng đáng chứ, đúng không?
|