Diện tích đất ở của nhà phố thường khá khiêm tốn. Tuy vậy, không ít gia chủ đã tận dụng khoảng không trên sân thượng hoặc chút đất vườn ít ỏi để tự “tăng gia sản xuất” rau xanh…
|
Chị Cháu chăm sóc những chậu rau thơm của mình.
|
Nhân nói đến cái sự đắt - rẻ của rau mầm - loại rau hiện khá “hút khách” và có mặt trong một số thực đơn ăn khách của nhà hàng, khách sạn ở TP Quy Nhơn, anh bạn đồng nghiệp lớn tuổi trong phòng hứng khởi khoe: “Lâu nay nhà tớ tự trồng rau mầm. Hôm nào thích thì làm món rau mầm trộn thịt bò, hoặc đơn giản chỉ thêm vào món rau sống, vừa rẻ lại vừa ngon”. Vườn nhà anh còn có các loại lá vừng, lá cóc non, lá sung… đủ chế thành món rau sống đủ vị chua- cay- chát- đắng đều hái từ vườn nhà, duy chỉ có rau mầm là phải mua hạt giống, rồi về ngâm, ủ…
Cũng có đất vườn nên nhà anh Hoàng Phước (đường Biên Cương) trồng hầm bà lằng đủ thứ rau quả: từ giàn mướp, mồng tơi, rau cải đến bụi lá giang cất công đem từ ngoài quê ngoại vào. Thứ cho leo giàn, thứ trồng dưới đất. Nhà anh Phước có con nhỏ nên trồng được rau siêu sạch thế này rất an tâm. Sớ lỡ bữa chợ, cũng có thể ra vườn kiếm nồi canh rau tập tàng cho cả gia đình. Nhưng, theo anh, quan trọng hơn là tạo được khoảng không gian xanh nơi góc vườn nhà.
Đã vài năm nay, gia đình chị Phạm Thị Cháu (45 Bà Triệu) không biết đến mùi rau chợ vì nhà trồng được rau, từ rau muống, mồng tơi, rau ngót đến các loại rau thơm như: quế, răm, hành… “Ban đầu gia đình tôi chỉ trồng cây cảnh trên sân thượng, sau có người bạn của gia đình đến chơi gợi ý trồng thêm rau xanh, nghe cũng có lý. Nay thì, ông già “quen” rau nhà đến mức không thể ăn rau chợ, bởi hễ ăn vào là bị đau bụng” - chị Cháu kể. Trừ các loại củ, quả phải mua như cà rốt, bí đỏ, bí đao…, còn rau thì cứ mùa nào chị lại trồng thức nấy, túc tắc đủ cho hai cha con ăn quanh năm.
|
Rau muống và diếp cá được trồng trong những hộp xốp.
|
Anh Thành, nhân viên bán hàng của Công ty TNHH Dịch vụ giống cây trồng Quy Nhơn (27 Nguyễn Thái Học) nhận xét: “Thời gian gần đây khách đến mua hạt giống tự trồng rau sạch tăng hơn trước khá nhiều. Đa phần hỏi mua hạt giống rau cải, thứ đến mới là hạt rau muống, khổ qua, bầu, bí…”. Mỗi bì hạt giống tùy theo khối lượng mà giá dao động từ 4.000 - 7.000 đồng; giá phân vi sinh cũng rất rẻ. Khách ở độ tuổi trung niên đến mua nhiều hơn. Tuy vậy, cũng có một số khách trẻ độ trên dưới 30 tuổi với mục đích “phục vụ” cho con nhỏ. Chị Thanh T., 33 tuổi, giáo viên Trường ĐH Quy Nhơn, đang mua hạt giống tại cửa hàng, tâm sự: “Từ ngày con biết ăn dặm, vợ chồng tôi cũng học cách tự trồng rau xanh, lấy rau cho bé ăn vì sợ rau bán ngoài chợ phun quá nhiều hóa chất độc hại. Mình là người lớn ăn rau nào cũng chịu được nhưng với bé thì phải cẩn thận”.
Không ít gia chủ cho rằng trồng rau sạch ở nhà, ngoài việc tiết kiệm và an toàn, còn đem lại cảm giác thoải mái, thư giãn khi được tự tay chăm bón và thu hoạch “thành quả lao động” của mình. Với người già xuất thân từ “đồng ruộng” thì tự trồng rau gợi nhớ đến “thú điền viên” như thời còn ở quê nhà cũng như “nhúc nhắc tay chân” cho khỏe gân cốt. Chính vì vậy mà vợ chồng ông bác nhà tôi, khi xây nhà dù con cái có cản bao nhiêu, vẫn kiên quyết giữ lại một khoảnh đất trống để sáng sáng lại thay nhau ra “vườn” chăm sóc giàn khổ qua, bụi lá lốt hay khóm cà chua đang lên xanh mơn mởn.
|
Một góc vườn đủ loại rau: cải rổ, khoai lang, bồ ngót… được trồng ở nhà phố.
|
Nhà ở phố diện tích đất thường khiêm tốn. Tuy vậy, không ít người cũng đã cố tận dụng những khoảng không nhỏ nhoi, tranh thủ nắng, gió trời để tạo lấy một khoảng không gian xanh cho mình. Theo các gia chủ thì trồng rau cũng không khó lắm, chỉ cần đủ ánh sáng, gió và bón phân đều đặn. Rau có thể sẽ chẳng mát mắt như rau bán ở chợ, nhưng đảm bảo 100% là rau siêu sạch. Và thực ra, cũng chỉ có thể trồng một số loại rau mà nhà thích ăn hoặc có nhu cầu dùng thường xuyên nhưng với số lượng ít (như cho bé chẳng hạn).
Sau khi tham quan một số vườn rau tại gia của bạn bè, đồng nghiệp, bỗng dưng tôi cũng có ý định thử trồng rau xem sao, nhất là trong thời gian đến tôi cũng phải nuôi con nhỏ. Nghe vậy, anh bạn đồng nghiệp trong phòng đã phổ biến kinh nghiệm ươm rau mầm của mình như sau: “Hạt cải mua về ngâm với nước theo tỉ lệ “hai sôi, ba lạnh”, ủ cho đến khi nảy mầm thì đem trồng trong các chậu cát sạch. Chỉ vài ngày là đã có rau mầm, nếu để thêm vài ngày nữa thì thành cải non, có thể nấu canh hoặc trộn rau sống”.
|