Đắk Đâm - niềm vui và ước vọng
20:25', 5/5/ 2009 (GMT+7)

Cách trung tâm thị trấn vài ba cây số, chừng mươi năm trước, đời sống bà con dân tộc thiểu số làng Đắk Đâm (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) rất khó khăn. Đi từ đầu làng đến cuối làng, hộ nào có nhà sàn lợp mái tôn là người giàu lắm rồi. Còn bây giờ, Đắk Đâm là điển hình của thị trấn miền núi về phong trào làm kinh tế, từ đời sống đến nếp nghĩ của đồng bào cũng đã có nhiều thay đổi.

 

Đời sống khấm khá, nếp nghĩ của đồng bào cũng thay đổi nhiều.

 

* Người giàu nhất làng

Hôm chúng tôi đến nhà, chị Nguyễn Thị Hạnh đang sấp ngửa bận rộn với đàn bò. Vừa cột dây chiếc giày thể thao, đón khách vào nhà, chị vừa phân bua: “Mang giày để chạy cho nhanh, với lại cũng đỡ bị gai đâm vào chân. Chồng đi làm ăn xa rồi, con thì đang đi học, chỉ có một mình ở nhà lo mấy con bò với đám mì đám mía. Bây giờ thì đi chăn bò, rồi chút nữa xuống tổ 10 (ở xã Canh Thuận) chở ngọn mía về tranh thủ mấy hôm trời mưa để trồng”.

Cũng như bao gia đình người Bana khác, trước đây vợ chồng anh Mai Văn Yên và chị Nguyễn Thị Hạnh chỉ quen với việc phát rừng làm nương rẫy và mỗi năm luôn chịu thiếu ăn 3-5 tháng. Vậy mà, cùng với ý chí và lòng quyết tâm, anh chị đã trở thành người giàu nhất làng.

Sự đổi đời của gia đình chị được bắt đầu khi Nhà nước vận động đưa bà con về định canh định cư ở làng mới, hướng dẫn cách trồng lúa nước, làm vườn nhà để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao nhằm cải thiện đời sống. Anh chị đã mạnh dạn khai hoang ruộng để trồng lúa nước, chuyển 2 ha đất trồng lúa gieo khô sang trồng mì nhặt và bán mì thu lãi được 2 triệu đồng. Anh chị dùng số tiền này mua 2 con bò cái mở hướng chăn nuôi. Sau một thời gian, gia đình anh chị đã “gầy” được đàn bò với số lượng 30 con, bán dần để tạo vốn. Anh chị còn tận dụng đất vườn nhà lẫn đất vườn đồi để trồng mì, chuối, đu đủ, thơm, đậu các loại để vừa cải thiện bữa ăn gia đình vừa có thêm thu nhập. Chăm chỉ làm việc, cuộc sống gia đình anh chị dần khấm khá. Ngày anh chị làm nhà xây có gác lửng, lợp ngói với trị giá trên 20 triệu đồng, bà con xuýt xoa mãi vì đây là ngôi nhà ngói khang trang và đẹp nhất làng.

Chưa dừng ở đấy…

Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn trồng mía cao sản, anh chị tiếp tục đầu tư trồng 2 ha mía, tích cóp vốn liếng mở rộng diện tích. Đến nay, anh chị đã có gia sản khá lớn với 8 con bò, hơn 5 ha đất trồng mì và mía, 6 sào ruộng nước, 3 ha rừng cũ và đang khai thác trồng mới 2 ha rừng. Anh Mai Văn Yên - chồng chị, còn nhận thầu rừng của người khác. 

Nhờ có thu nhập khá, anh chị quyết tâm phải đầu tư chuyện học cho các con, đứa lớn đang học trung cấp nông lâm, đứa nhỏ học cấp ba. Có một điều thú vị, dù bận thế, nhưng chị Hạnh là một cán bộ rất tích cực, giữ nhiều chức vụ quan trọng của làng như: cán bộ Hội Phụ nữ, đại biểu Hội đồng nhân dân.

 

“Già làng” Lê Hùng Cường (bên trái) đang trao đổi công việc với một hộ dân trong làng.

 

* Ngày mới ở Đắk Đâm

Không chỉ có gia đình anh Yên - chị Hạnh, bây giờ, dân làng Đắk Đâm đã biết cách làm ăn và khấm khá dần lên nhờ chính đôi bàn tay của mình. Làng còn có nhiều người được tuyên dương sản xuất giỏi, như anh Lê Văn Ổi, Mai Văn Ươm…

Chị Trần Thị Hồng, cán bộ Phòng Thống kê của UBND thị trấn Vân Canh tự nhận mình đã gần như là người của làng nhưng cứ mỗi khi vào lại thấy làng có nhiều thay đổi bất ngờ.

Cây chủ lực ở làng là cây mía và cây mì. Năm nay giá cả mì, mía gặp khó khăn nhưng bà con cũng tích cực làm mì, làm mía. Bây giờ thì nhiều hộ đã lấy lại đất trước đây cho người khác thuê trồng dưa để làm mía, làm mì với diện tích gần 100 ha. Ngoài ra, bà con còn tham gia phát rẫy trồng thêm cây chuối, lúa, thơm, rồi trỉa đu đủ. Bà con còn được tiếp thu từ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm những mô hình sản xuất mới, những tiến bộ khoa học nên năng suất sản phẩm ngày càng cao hơn, đời sống kinh tế có nhiều thay đổi.

Bây giờ, Đắk Đâm có 88 hộ với 342 khẩu thì đã có 37 chiếc xe máy, còn ti vi thì nhà nào cũng có, một số hộ còn trang bị được chảo parabol. Nhà xây trong làng cũng đã hơn 70 nóc, còn nhà khang trang có lát nền gạch hoa, tráng men, có nhà bếp thì có 38 cái. Nhiều hộ làm nhà bằng chính vốn liếng của mình chứ không phải bằng tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Có cái ăn, bà con biết nghĩ cách để làm cho đời sống tốt hơn. “Già làng” Lê Hùng Cường vui vẻ cho biết: “So với trước đây thì đời sống người dân trong làng đã có nhiều thay đổi. Nhận thức của bà con cũng đã khác hơn. Ngày trước, tình trạng trẻ mới học lớp 6, 7, 8 bỏ giữa chừng nhiều lắm nhưng nay thì đã giảm rồi. Bây giờ, trẻ em trong làng đều được đến trường. Làng có hơn 160 em đang học ở các cấp, 1 em học đại học và 3 em học trung cấp nông lâm. Từ ngày Nhà nước mở chiến dịch chăm sóc sức khỏe trẻ em, bà con hiểu hơn và chăm lo tốt hơn cho con cái. 3 năm nay làng không có người sinh con thứ 3 trở lên nữa. Các cặp vợ chồng trẻ cũng “sáng” ra nhiều rồi, cũng hiểu rằng sinh nhiều con thì không biết lấy gì ăn, rồi còn chuyện học hành nữa. Vấn đề vệ sinh môi trường cũng được tuyên truyền đến bà con qua các buổi họp dân. Mỗi tuần một lần, bà con tham gia làm vệ sinh chung cho làng sạch đẹp”. 

Năm 2005, Đắk Đâm được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh.

* Và “già làng” tuổi 30

“Già làng à? Không đâu, nó còn trẻ lắm”, “Nó nhiệt tình lắm, lại giỏi nữa, bà con trong làng nghe nó lắm, mấy đứa nhỏ trong làng cũng phải học nó đấy”… Đó là những nhận xét của bà con trong làng về “già làng” Lê Hùng Cường.

Năm 2007, anh Cường được bà con bầu làm “già làng”. Đến giờ, già làng mới 30 tuổi, là một trong những số rất ít trưởng làng trẻ của Vân Canh. Anh cũng là một trong số hiếm người trẻ làm giàu bằng chính sức lực và đôi bàn tay của mình. Cưới vợ, ra ở riêng, hai bên gia đình đều khó khăn không giúp gì được, hai vợ chồng lao vào làm việc. Sáng mang lon cơm ra ruộng, hai vợ chồng anh làm cho đến khi tối mịt mới về nhà. Rồi nuôi bò, làm rẫy. Sau vài năm, có chút vốn liếng cộng với sự hỗ trợ của cậu, anh cất nhà xây lát nền gạch hoa.

Từ ngày được bầu làm “già làng”, anh gần như khoán hết việc trồng mì, đu đủ… và 1 ha keo cho vợ để có thời gian lo việc cho làng, hướng dẫn cho lớp trẻ cùng làm giàu. “Mình phải học Bác Hồ, làm gì cũng phải minh bạch, dân chủ. Không làm thì thôi, chứ đã làm thì làm hết mình vì không phải dễ mà được bà con tin. Mình sẽ cố gắng để trên cương vị trưởng làng làm cho bà con mình giàu có hơn” - “già làng” tâm sự.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nắm cơm và sợi chỉ đỏ - Nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Hrê An Lão  (05/05/2009)
Tự trồng rau sạch ở nhà phố  (05/05/2009)
Thơ  (05/05/2009)
Kết thúc không có hậu  (05/05/2009)
23 ngày tuyệt thực để đấu tranh  (05/05/2009)
Chống mại dâm - cuộc chiến còn lắm gian nan  (05/05/2009)
Nhiều, rộng nhưng chưa sâu  (05/05/2009)
Người ghép mai dưới chân núi Đá Lăn  (05/05/2009)
Vui ít lo nhiều  (05/05/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/05/2009)
Tuổi trẻ hành động vì an sinh xã hội  (04/04/2009)
Lá thư ân nghĩa từ An Nhơn  (04/04/2009)
Nông dân đang đối mặt với nhiều hiểm họa  (04/04/2009)
Đời canh lửa  (04/04/2009)
Cạnh tranh bằng chất lượng phương tiện và dịch vụ  (03/04/2009)