Dấu xưa An Thái
20:41', 5/5/ 2009 (GMT+7)

* Bút ký của Chính Đức

Nói đến An Thái giàu đẹp từ vài thế kỷ trước, là nói đến dòng sông Kôn từ chân dãy Trường Sơn đổ xuống đến khúc sông chảy qua phố cổ này cũng rộng nhất và đẹp nhất, từ ngàn đời “lưu thông tích thủy” tưới tắm, vun đắp phù sa cho An Thái hưng thịnh và cả lưu vực ấm no. Bến An Thái ngày xưa nước sâu, quanh năm tấp nập trên bến dưới thuyền, từng là bến chờ bến đợi của bao thương khách, bao nam thanh nữ tú: “Trai An Thái, gái An Vinh” của vùng đất thượng võ vào mỗi dịp mở Lễ hội Đổ Giàn.

 

Truyền thống thượng võ vẫn còn lưu giữ nơi làng quê An Thái. - Trong ảnh: Võ sư Lâm Ngọc Phú (biểu diễn song đao) là người còn tiếp tục truyền dạy võ thuật tại An Thái. Ảnh: T.X

 

Vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc từ thuở còn là anh Hai Trầu đi buôn trầu trên sông Kôn đã từng neo đậu dừng chân ở bến An Thái, rồi nghe danh, tìm đến thọ giáo thầy giáo Trương Văn Hiến – một hiền tài từ xứ Hoan Châu (Nghệ An) vào Nam mai danh ẩn tích để tránh bọn loạn thần hãm hại. Ông đã đi khắp nơi trên đất phủ Quy Nhơn, cuối cùng theo dòng sông Kôn tìm đến An Thái – Tuy Viễn, nơi giao hòa phong-thủy-thổ và con người nghĩa khí, nhân hậu để chọn đất dụng võ, nuôi chí lớn cứu dân, giúp nước. Thầy giáo Hiến định cư bên bến An Thái và mở trường dạy học cả văn lẫn võ. Ba anh em nhà Tây Sơn từ làng Kiên Mỹ thuộc xã Bình Thành, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) xuống học võ luyện văn, trong đó Nguyễn Huệ là người học trò thành tài nhất. Khi tiễn những người học trò yêu dấu trở về Tây Sơn Thượng đạo lập căn cứ chuẩn bị khởi binh, thầy giáo Hiến đã căn dặn bằng lời tiên đoán: “Tây tụ nghĩa, Bắc thu công”. Thầy Trương Văn Hiến đã gắn bó trọn đời với sự nghiệp nhà Tây Sơn từ thuở khởi nghiệp đến lúc khải hoàn, minh chứng hùng hồn cho lời tiên tri xuất phát từ An Thái hơn hai thế kỷ trước. Một người đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp vẻ vang của triều Tây Sơn và làm rạng danh quê hương An Thái – Bình Định bằng cách khai sáng cho một thế hệ về đạo làm người giữa thời ly loạn, đạp đổ ách thống trị thối nát, thắng giặc ngoài dẹp thù trong để cho quốc thái – dân an là nhờ giữ được 4 chữ: “Thương dân, chuộng đức”.

Chưa có tư liệu sử tích nào nói địa danh An Thái có từ lúc nào, phải chăng cái tên mang hàm ý: Quốc thái, dân an được thai nghén sinh nở từ thời Tây Sơn khởi nghĩa. Hẳn là cũng chỉ suy đoán thôi. Thời có tổng Nhơn Nghĩa là đã có tên làng An Thái rồi, chứ còn tên xã Nhơn Phúc thì mãi sau Cách mạng Tháng Tám mới có.

Từ hạt giống thế quyền “Võ đạo kinh thư” của thầy giáo Hiến gieo mầm, bén rễ trên đất An Thái và các vùng lân cận, rồi đâm chồi cho dòng võ cổ truyền Bình Định. An Thái cũng là một trong những nơi “đất lành chim đậu” cho bao lớp người Hoa ly hương sang tị nạn giặc Mãn Thanh, mở mang ngành nghề, xây dựng phố chợ. Thời Gia Long cho lập làng Minh Hương tại An Thái và quy tụ thành Ngũ ban hội quán.

Từ đó, môn phái võ Thiếu Lâm của người Hoa đã du nhập sang, càng về sau các thế võ cổ truyền Tây Sơn – Bình Định càng kết hợp, pha trộn với võ Tàu một cách sáng tạo, điêu luyện. Nhất là từ thời võ sư Diệp Trường Phát, tức Tàu Sáu, một cao thủ Thiếu Lâm đã có công nghiên cứu làm cho hai phái võ quyện lại, nâng lên đỉnh cao của võ chân truyền. Võ sư Hồ Ngạnh, tương truyền là hậu duệ của nhà Tây Sơn, lừng danh đường roi ở Thuận Truyền (Tây Sơn) đã tìm đến An Thái để diện kiến võ sư Tàu Sáu. Hai cao thủ đã bái phục nhau và tặng nhau hai câu đối: “Côn đoản Thuận Truyền duy hữu nhất”, “Thủ quyền An Thái quảng vô song”. Nghĩa là roi Thuận Truyền chỉ có một và đường quyền An Thái cũng không hai. Từ ấy, dân gian Bình Định có câu: “Roi Thuận Truyền, Quyền An Thái”.

Võ thuật nói chung, trong đó có võ An Thái – Bình Định góp phần không nhỏ vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Miền đất võ An Thái đã đóng góp biết bao người con ưu tú cho quê hương, đất nước để có được phần thưởng cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, mà Đảng và Nhà nước tặng cho cán bộ và nhân dân xã Nhơn Phúc vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nằm đối diện với làng võ An Vinh bên kia sông, An Thái được chọn làm nơi tổ chức Lễ hội Đổ Giàn, biểu trưng của tinh thần thượng võ của Bình Định, là Lễ hội Văn hóa – Thể thao có quy mô lớn, được tổ chức vào dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âl). Lễ hội kéo dài ba ngày đêm theo chu kỳ tam hạp: Tỵ – Dậu – Sửu, tức 4 năm tổ chức một lần. Sau 60 năm gián đoạn do nhiều nguyên nhân, năm Ất Dậu – 2005, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, con cháu của Ngũ bang hội quán đã khôi phục lại Lễ hội truyền thống đặc sắc này. Và, năm nay – Kỷ Sửu, đúng chu kỳ, bà con quê hương An Thái dù đang ở quê nhà hay làm ăn xa đều mong muốn Lễ hội Đổ Giàn được tiếp tục tổ chức. Sau Tết Kỷ Sửu tôi có dịp gặp Diệp Lệ Bích, cháu nội của cố võ sư Tàu Sáu từ Anh quốc về quê giỗ tổ dòng võ họ Diệp và xin cơ quan chức năng giúp đỡ để phục hồi môn phái võ Bình Thái Đạo của họ Diệp tại An Thái mà cô Bích hiện đang là Chưởng môn của trường phái này ở nước ngoài. Đồng thời, Lệ Bích, hậu duệ họ Diệp, cũng thiết tha muốn được tham gia để Lễ hội Đổ Giàn được khôi phục, duy trì.

Nơi đây không những là đất võ, mà còn là trời văn, bởi người xưa đã chọn đất này lập Văn chỉ An – Bình để thờ đức Khổng Tử và lưu danh các vị khoa bảng của hai huyện An Nhơn – Bình Khê (nay là Tây Sơn). Và, thời ấy, đây không chỉ là vùng đất phù sa màu mỡ cho lúa ngô xanh tốt trĩu hạt, mà còn là đất nghề nổi tiếng với 4 hãng dệt nhuộm lớn của người Hoa với trên một ngàn thợ thủ công, làm ra nhiều mặt hàng vải sợi, tơ lụa đã từng đưa đi đấu xảo ở các hội chợ trong và ngoài nước. Tiếng âm vang của cồng chiêng ở Tây Nguyên cũng từ những bàn tay các nghệ nhân ở làng đúc đồng An Thái, rồi bao nhiêu cơ sở làm giấy, chế biến bún, bánh… Đặc biệt là bún Song Thằn, chỉ có nghệ nhân và nguồn nước tại bến An Thái mới làm ngon được. Dẫu rằng đang có một số ngành nghề truyền thống bị mai một, làng nghề và chợ cũ An Thái với những dãy phố mái lợp ngói âm dương không còn được như xưa, nhưng dấu xưa An Thái vẫn còn mãi với thời gian và đang dần được khôi phục, phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi chính những cơ sở sản xuất gạch ngói truyền thống tại An Thái đã làm được ngói âm dương, ngói vảy. Hôm tôi đến thăm anh Năm Thôi, một nghệ nhân gạch ngói của xưởng Đồng Lợi xưa nổi tiếng, vốn là võ sinh của cố võ sư Tàu Sáu, gặp lúc anh đang ký hợp đồng với một số khách hàng ở tận Đà Nẵng, Huế và trong tỉnh đặt mấy vạn viên ngói âm dương để trùng tu các ngôi chùa cổ.

Đất nghề nơi phố thị An Thái  sớm xuất hiện cũng có nghĩa là giai cấp công nhân, thợ thủ công, tiểu thương, tiểu thủ sớm ra đời, cùng với giai cấp công nhân tạo thành lực lượng cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo. Chi bộ Hồng Lĩnh - tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên của các huyện phía Nam tỉnh ra đời tháng 10.1936 tại Nhơn Mỹ, bên kia sông, thì năm sau – 1937, ở An Thái đã kết nạp 3 đảng viên trong công nhân hãng dệt Thái Phát và phát triển lực lượng Công hội đỏ lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân, thợ thủ công. Cách đây mấy năm tôi được gặp cụ Nguyễn Tuyển lúc sinh thời – một trong 3 đảng viên được kết nạp năm ấy và cũng là một trong những người trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 500 thợ dệt nhuộm hãng Thái Phát tháng 8.1938, lôi cuốn hàng ngàn công nhân các hãng dệt khác ở An Thái tham gia, đòi chủ hãng không được đánh đập, sa thải công nhân và đòi tăng lương, giảm giờ làm, châm ngòi cho phong trào đấu tranh của nhân dân lao động trong tổng, trong phủ những năm tiếp theo, cùng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền mùa Thu – 1945. Và, tiếp tục 30 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành toàn thắng.

 

Sản phẩm bún Song Thần, đặc trưng của An Thái. Ảnh: Trần Bình

 

Trải qua bao thăng trầm theo năm tháng và chiến tranh, nắng mưa sương gió, An Thái vẫn giữ vẻ đẹp đằm thắm, tiềm ẩn xưa và nay. Nơi phố cũ An Thái vẫn còn những ngôi nhà cổ mái ngói rêu phong, yên tĩnh, ẩn mình trong những vườn cây ăn quả, dưới những hàng tre bên bờ sông, ngày lễ hội đèn lồng sáng lung linh như phố cổ Hội An thu nhỏ. Chợ mới An Thái ngay trung tâm xã đang trên đà phát triển. Vẫn còn đó nơi từng ghi dấu cuộc khởi nghĩa của chàng Lía tuy ngắn ngủi, nhưng lại là buổi dạo đầu của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Và, cho đến nay vẫn còn lưu truyền di tích gò Súng Bắn- chiến tích của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng thời Cần Vương chống Pháp. Đến hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ, ở mỗi góc phố, bờ sông, bụi tre, con đường đều in dấu những chiến công oanh liệt của quân dân An Thái – Nhơn Phúc. Tại phủ đường An Thái tồn tại ở đây hàng trăm năm vẫn còn ngôi nhà Văn chỉ An - Bình và những ngôi chùa cổ như chùa Bửu Quang (1749), chùa Phổ Tĩnh (1848) và các ngôi chùa của người Hoa: chùa Hội Quán, chùa Ông, chùa Bà đã và đang được xúc tiến trùng tu, tôn tạo mang đậm nét văn hóa phố cổ An Thái.

 

***

Chuẩn bị kỷ niệm 34 năm giải phóng quê hương, tỉnh ta chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công công trình tuyến đường phía tây của tỉnh nối từ quốc lộ 19 phía nam tỉnh ra đến phía bắc tỉnh. Riêng cầu An Thái là phải hoàn thành trong năm 2009, đến nay công trình này đã đổ xong bê tông hệ thống trụ chịu lực. Thời gian hợp long, thông xe chiếc cầu vĩnh cửu dài hơn 400 mét bắc qua sông Kôn sẽ hoàn thành trong năm nay, mùa xuân năm sau chúng ta sẽ được đi trên chiếc cầu mới. Trong niềm vui tràn ngập tôi chợt nhớ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện An Nhơn và Đại hội Đảng bộ xã Nhơn Phúc nhiệm kỳ 2006-2010 phấn đấu đưa An Thái lên đô thị loại 5. Và An Thái đang chuyển mình lên thị trấn, mà chiếc cầu An Thái sẽ là điểm nhấn.

Những ngày giữa tháng Tư lịch sử, tôi có dịp về thăm An Thái, đứng bên bờ sông, nơi đang giải tỏa để làm mố cầu, nhìn hàng trụ cầu bê tông thẳng tắp băng qua lòng sông xa tít, không còn bao lâu nữa sẽ nối đôi bờ đất võ An Thái - An Vinh, nối khu di tích Gò Dài và cụm Tháp Dương Long bên bờ sông phía Bắc. Hơi gió ngọt lịm, mát dịu đung đưa những cành non mới thay lộc, lắng nghe thì thầm của vùng đất thấm đẫm, dày đặc dấu vết cổ xưa, tích chứa bề dày chiều sâu văn hóa - lịch sử; điểm tựa để An Thái vươn tới tương lai với sức vóc của miền đất võ.

  • C.Đ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phù Cát hôm nay  (05/05/2009)
Đắk Đâm - niềm vui và ước vọng  (05/05/2009)
Nắm cơm và sợi chỉ đỏ - Nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Hrê An Lão  (05/05/2009)
Tự trồng rau sạch ở nhà phố  (05/05/2009)
Thơ  (05/05/2009)
Kết thúc không có hậu  (05/05/2009)
23 ngày tuyệt thực để đấu tranh  (05/05/2009)
Chống mại dâm - cuộc chiến còn lắm gian nan  (05/05/2009)
Nhiều, rộng nhưng chưa sâu  (05/05/2009)
Người ghép mai dưới chân núi Đá Lăn  (05/05/2009)
Vui ít lo nhiều  (05/05/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/05/2009)
Tuổi trẻ hành động vì an sinh xã hội  (04/04/2009)
Lá thư ân nghĩa từ An Nhơn  (04/04/2009)
Nông dân đang đối mặt với nhiều hiểm họa  (04/04/2009)