Cũng là thư viện cơ sở, nhưng trong khi các thư viện xã (thuộc hệ thống thư viện công cộng) đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, thì mô hình thư viện phối hợp lại hoạt động rất hiệu quả và ngày càng phát triển. Tại sao lại như vậy?
|
Phòng đọc sách Thư viện Đồn biên phòng 332 ở xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn).
|
1.
Ở Bình Định, hiện có hai thư viện thuộc dạng phối hợp. Đó là Tủ sách Hội Nông dân (Thư viện tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh) và Thư viện, Tủ sách Bộ đội Biên phòng (Thư viện tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh). Qua 5 năm phối hợp, cho đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được 27 tủ sách ở 11 huyện, thành phố, trong đó có 3 tủ sách cấp thôn, 24 tủ sách cấp xã. Trong 3 năm (2006-2008), các tủ sách này đã phục vụ hơn 10 ngàn lượt bạn đọc. Đầu năm 2008, Hội Nông dân tỉnh phát phiếu thăm dò ý kiến bạn đọc và 100% số người được hỏi nói rằng đọc sách giúp họ mở mang kiến thức, đặc biệt, họ cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống.
Năm 2009 Hội Nông dân tỉnh phấn đấu phục vụ 500 lượt người/tủ sách/năm; xây dựng mới ít nhất 3 tủ sách, đồng thời nâng cấp 1-2 tủ sách lên Thư viện sách nông dân. Các chỉ tiêu này đã được đưa vào Nghị quyết công tác Hội năm 2009.
Trong khi đó, sau gần 9 năm phối hợp với Thư viện tỉnh, 100% các đơn vị của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có tủ sách, phục vụ hàng chục ngàn lượt bạn đọc. Bình quân mỗi tủ sách có từ 600-1.400 bản sách và 25 đầu báo các loại. Đến nay, 5/6 tủ sách đồn biên phòng được nâng cấp thành thư viện cơ sở. Điều đáng nói là ngoài lực lượng cán bộ, chiến sĩ, những thư viện, tủ sách này còn phục vụ người dân vùng biển, đảo của tỉnh - những nơi hệ thống thư viện công cộng không thể vươn tới. Trong thời gian tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục phối hợp với Thư viện tỉnh khắc phục những khó khăn để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ bạn đọc.
2.
Sẽ có người tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của những thông tin trên, trong đó có người viết bài này. Nhưng khi thực chứng tôi đã được thuyết phục. Ông Đỗ Thiện Chế, cán bộ của Hội Nông dân tỉnh, người khởi xướng việc xây dựng Tủ sách Hội Nông dân, cho biết người dân ở xã Nhơn Khánh (huyện An Nhơn) đang đề nghị UBND xã trợ cấp cho thủ thư thêm 200.000 đồng để người này làm việc 6 buổi/tuần. Huyện Vĩnh Thạnh đang đề nghị được nâng cấp Tủ sách Vĩnh Hảo lên thành Thư viện sách nông dân. Một số xã ở các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước thậm chí đã đóng sẵn tủ để “tạo áp lực” buộc Hội phải cung cấp sách (theo quy định, xã lo cơ sở vật chất, Hội lo sách. Và chỉ những xã, qua khảo sát cho thấy người dân có nhu cầu đọc sách báo mới được Hội cấp sách). Điều này chứng tỏ nông dân cần sách và muốn đọc thường xuyên. Vậy bằng cách nào mà các thư viện, tủ sách trên hoạt động mang lại hiệu quả?
|
Cán bộ Thư viện Hội Nông dân tỉnh đang hướng dẫn nghiệp vụ cho thủ thư xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh).
|
Điều trước tiên và cũng là quan trọng nhất, là họ đã đưa được sách đến tận tay bạn đọc. Ở các vùng nông thôn và miền núi, khái niệm “đi thư viện đọc sách, mượn sách” khá xa lạ với nhiều người. Vì vậy, phần lớn người dân thường kết hợp giữa chuyện đi công việc, họp hành với chuyện mượn sách, đọc sách. Chẳng hạn người dân đến xã chờ làm thủ tục xin vay vốn hay đi họp sớm, thường được cán bộ cho mượn sách đọc. Trong nội dung các cuộc họp, cán bộ Chi hội Nông dân dành thời gian nói đến hiệu quả của việc đọc sách và hướng dẫn người dân áp dụng vào thực tế những thông tin đọc được từ sách. Tất nhiên, đó trước tiên là những cuốn sách cung cấp những thông tin, kiến thức mà nông dân cần.
Khi có sách mới luân chuyển về, Đài phát thanh xã giới thiệu danh mục và một số chủ đề sách đáng quan tâm. Để tiếp cận với người dân nhằm tìm hiểu tình hình sản xuất của họ, các cán bộ cầm cuốn sách đến nhà, coi như là “miếng trầu đầu câu chuyện”, trước là nói chuyện sách, sau đề cập đến việc làm ăn… Riêng với lực lượng Bộ đội Biên phòng, để sách đến tay dân, các đơn vị xây dựng mô hình túi sách, ba lô sách ở các tổ, đội công tác. Hàng tuần, hàng tháng, tổ trưởng các tổ, đội về đồn mượn sách, rồi mang đến cho dân mượn. Anh Nguyễn Ngọc Đông, cán bộ của Trạm Biên phòng Bãi Xép cho biết: “Các em học sinh là đối tượng đọc sách nhiều nhất ở đây. Vì vậy, lần nào lên đồn nhận sách, chúng tôi cũng cố ý chọn nhiều sách thiếu nhi rồi đem đến nhà cho các em mượn. Lâu lâu, không thấy có sách mới là các em lên trạm hỏi thăm chúng tôi ngay”.
Ngoài việc đưa sách đến tận tay bạn đọc, để duy trì hoạt động lâu dài, Hội Nông dân tỉnh và lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động của các thư viện, tủ sách cơ sở. Ông Chế cho biết, định kỳ 6 tháng một lần, Hội tiến hành đi kiểm tra, nhắc nhở những nơi làm không tốt. Khi đã bị nhắc nhở nhiều lần và thấy nơi đó hoạt động không hiệu quả, Hội sẽ thu hồi sách. Năm 2008, cũng vì lý do này mà Hội đã thu hồi sách ở xã Hoài Xuân (huyện Hoài Nhơn). Việc bảo quản, cho mượn sách được tiến hành rất chặt chẽ. Hiện 27/27 tủ sách của Hội Nông dân đều mở sổ theo dõi, ghi chép quá trình mượn, đọc.
Tham quan Tủ sách thôn Mỹ Cang (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), chúng tôi thấy sách trong tủ được đánh số thứ tự, sắp xếp theo chuyên mục rất bài bản. Chị Huỳnh Thị Mai, thủ thư tủ sách này, đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ theo dõi bạn đọc, bên trong chia làm 9 cột, gồm: số thứ tự, ngày tháng, họ tên người mượn, mã số sách, tên sách, giá tiền, ký mượn, ký trả và ghi chú. Chị Mai cho biết: “Ghi chép cẩn thận như vậy rất có ích, vừa dễ theo dõi, nhất là khi xảy ra mất mát, biết được ai mượn, giá tiền bao nhiêu để bồi thường”. Với các thư viện, tủ sách của Bộ đội Biên phòng tỉnh, việc quản lý, bảo quản sách được thực hiện rất nghiêm túc, theo đúng chất “lính”, thủ thư phải luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.
|