Bất cập ở thư viện huyện, cơ sở
20:59', 5/5/ 2009 (GMT+7)

Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 27/2005/CT-UB của UBND tỉnh về việc “Tăng cường công tác quản lý, đầu tư xây dựng phát triển thiết chế thư viện cấp huyện và cơ sở trong tỉnh”, ngoài những mặt đạt được, thư viện tuyến huyện, cơ sở nằm trong hệ thống thư viện công cộng còn tồn tại những bất cập rất đáng lo ngại.

 

Nom hoành tráng thế này nhưng Thư viện huyện An Nhơn còn thiếu nhiều trang thiết bị để có thể hoạt động tốt.

 

* Điệp khúc khó

Bình Định hiện có 1 thư viện tỉnh, 10 thư viện huyện và 70 thư viện - phòng đọc sách cơ sở, kể cả thư viện - phòng đọc sách Đồn Biên phòng và Hội Nông dân. Nhưng trừ những cơ sở do Hội Nông dân tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp triển khai, quản lý ra, hầu hết đều hoạt động ít hiệu quả, khó khăn…

Cái khó nhất là thiếu sách phục vụ bạn đọc. Anh Hồ Văn Ánh, ở xã Nhơn An, huyện An Nhơn cho biết: “Tôi mê nhất là truyện dịch và truyện dã sử. Tập truyện nào có trong thư viện huyện tôi đều đã mượn đọc qua. Hễ nghe thư viện có cuốn nào mới, tôi liền đến mượn ngay…”. Những người thích đọc sách như anh Ánh khá nhiều, nhưng thư viện huyện ít khi có đủ sách mới để đáp ứng nhu cầu của họ. Theo thống kê của Thư viện tỉnh, mỗi thư viện huyện có khoảng 4.000 bản đến 16.000 bản sách, nhưng phần lớn là sách cũ. Lượng sách mới phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí huyện cấp hàng năm. Thư viện huyện Hoài Nhơn và An Nhơn được cấp kinh phí khá lớn (khoảng 30 triệu đồng/năm), nhưng chừng ấy cũng chỉ mua được khoảng 400 cuốn sách và vài chục loại báo, vì giá sách báo đang ngày càng tăng cao. Không có nhiều kinh phí, thư viện một số huyện hoạt động cầm chừng, làm bạn đọc thất vọng. Cá biệt, hai huyện Vĩnh Thạnh và An Lão, những năm qua, không cấp kinh phí cho thư viện hoạt động.

Cấp huyện đã vậy, với cấp cơ sở, tình hình “khan” sách càng trầm trọng hơn. Lượng sách bổ sung dựa hẳn vào nguồn sách luân chuyển của Thư viện tỉnh và các nguồn hỗ trợ khác. Bình quân lượng sách ở các thư viện cơ sở khoảng từ vài trăm đến hơn 1.000 cuốn, nhưng có đến hơn 80% là sách cũ.

Một cái khó khác là thiếu người phụ trách. Lâu nay, thư viện huyện chỉ có một thủ thư. Chị Bùi Thị Ánh Tuyết, thủ thư Thư viện huyện An Nhơn, cho biết: “Công việc của tôi là đi mua sách, sắp xếp, phân loại, bảo quản sách; tổ chức luân chuyển sách; kiểm tra theo dõi hoạt động các thư viện - phòng đọc - tủ sách cơ sở; hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn thủ tục thành lập thư viện; giới thiệu, triển lãm sách… Sắp tới, tôi cũng đảm nhận luôn dàn máy vi tính được trang bị cho thư viện để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sách. Làm nhiều việc như vậy, nên công tác phục vụ bạn đọc đôi khi không được chu đáo, nhất là lúc có nhiều bạn đọc đến thư viện. Thế nhưng, ngại nhất là những lần tôi đi công tác cơ sở, đi tập huấn hay dự hội họp, buộc phải đóng cửa thư viện. Biết là làm phiền bạn đọc, nhưng không còn cách nào khác”.

Ở thư viện cơ sở, chuyện đóng cửa diễn ra thường xuyên hơn, vì thủ thư thường là chức danh kiêm nhiệm. Họ là cán bộ thôn, xã, vừa không có nghiệp vụ thư viện, vừa bận rộn với công việc chính của mình, làm thêm việc không được hưởng phụ cấp và thường được luân chuyển, nên không mấy ai tỏ ra nhiệt tình với công việc. Một số địa phương tâm huyết với hoạt động thư viện, đã hợp đồng với một người phụ trách, như thư viện xã Tây Bình (Tây Sơn). Thế nhưng, thủ thư chỉ được trả 350.000 đồng/tháng vì ngân sách xã hạn hẹp, nên cũng không thể an tâm công tác tốt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số xã của các huyện thậm chí không thể trả lương cho cán bộ xã thì nói chi đến việc trả phụ cấp hay lương cho cán bộ hợp đồng như thủ thư.

Mặc dù một số huyện như Hoài Nhơn, An Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh đã đầu tư xây dựng mới trụ sở thư viện huyện. Thế nhưng, trừ An Nhơn và Vân Canh xây dựng trụ sở ở những địa điểm riêng biệt, bốn huyện còn lại đều bố trí thư viện trong khuôn viên của trụ sở UBND hay Trung tâm VH-TT và TT huyện. Điều này làm bạn đọc mang tâm lý ái ngại khi muốn đến đọc hay mượn sách. Tương tự như vậy, các thư viện xã cũng thường nằm xa khu dân cư, bất tiện khi ra vào.

 

Bạn đọc đến thư viện thưa dần vì những “điệp khúc khó”.

 

* Cần những bước đi tích cực hơn

Sau 3 năm triển khai Chỉ thị 27/2005/CT-UB, bộ mặt hệ thống thư viện trong tỉnh có những chuyển biến đáng khích lệ. Tuy nhiên, “điệp khúc khó” vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ, làm lượng bạn đọc đến thư viện huyện, cơ sở thưa dần. Tuy quản lý theo ngành dọc, nhưng Thư viện tỉnh chỉ có nhiệm vụ luân chuyển sách đến cơ sở, tổ chức tập huấn nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ quản lý sách. Quyết định duy trì và phát triển thư viện tuyến huyện và cơ sở thuộc về chính quyền địa phương và sự nỗ lực của chính các thư viện ấy. Phải làm sao để tháo gỡ những khó khăn hiện nay?

Có lẽ không nên mãi trông chờ vào nguồn ngân sách ngày càng nhỏ giọt của huyện, xã, mà đã đến lúc các thư viện huyện, cơ sở phải có những bước đi tích cực hơn, năng động hơn, đẩy mạnh xã hội hóa thư viện. Trung tâm VH-TT và TT huyện Tây Sơn đã đưa ra đề xuất xây dựng cơ chế xã hội hóa hoạt động thư viện theo phương thức kích cầu, theo đó các thư viện Nhà nước và tư nhân cùng hợp tác thành lập những thư viện cơ sở tại trung tâm những cụm xã. Ngoài hoạt động chính của mình, các thư viện này có thể bán sách báo, dịch vụ văn phòng phẩm hoặc photo sách, báo… để tăng nguồn thu. Công tác tin học hóa thư viện huyện và cơ sở cũng cần sớm thực hiện để khai thác hiệu quả nguồn tư liệu, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bạn đọc. Một số mô hình thư viện cơ sở ngoài hệ thống thư viện công cộng đang hoạt động hiệu quả, cũng rất đáng để tham khảo, học hỏi. Chẳng hạn, Thư viện tư nhân xã Nhơn Phúc của anh Võ Duy Nam hay các hình thức phối hợp giữa Thư viện tỉnh với các cơ quan, ban ngành như Tủ sách Nông dân và Tủ sách Bộ đội Biên phòng…

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sức sống của những thư viện phối hợp  (05/05/2009)
Dấu xưa An Thái  (05/05/2009)
Phù Cát hôm nay  (05/05/2009)
Đắk Đâm - niềm vui và ước vọng  (05/05/2009)
Nắm cơm và sợi chỉ đỏ - Nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Hrê An Lão  (05/05/2009)
Tự trồng rau sạch ở nhà phố  (05/05/2009)
Thơ  (05/05/2009)
Kết thúc không có hậu  (05/05/2009)
23 ngày tuyệt thực để đấu tranh  (05/05/2009)
Chống mại dâm - cuộc chiến còn lắm gian nan  (05/05/2009)
Nhiều, rộng nhưng chưa sâu  (05/05/2009)
Người ghép mai dưới chân núi Đá Lăn  (05/05/2009)
Vui ít lo nhiều  (05/05/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/05/2009)
Tuổi trẻ hành động vì an sinh xã hội  (04/04/2009)