KỶ NIỆM 34 NĂM GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30.4.1975 - 30.4.2009)
Không thể lãng quên…
21:10', 5/5/ 2009 (GMT+7)

Những năm chiến tranh, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) đã có những đóng góp không nhỏ trong từng chiến thắng. Sau ngày đất nước im tiếng súng, họ âm thầm trở về với cuộc sống thường nhật.

 

Ông Trần Đạo bên tấm Huân chương Kháng chiến.

 

1. Bây giờ, ở Hoài Sơn, nhắc đến cái tên Trần Đạo chẳng còn được mấy người nhớ. Nhưng, trong ký ức của những người cùng sát cánh với ông trong những năm dài ngút ngàn lửa khói, ông vẫn hiện hữu như là một tấm gương sáng về lòng quả cảm và sự hy sinh cho sự nghiệp cách mạng.

Năm nay ông Trần Đạo đã 87 tuổi. Đầu óc không còn minh mẫn, ký ức trong ông rời rạc, không thể kể rành rẽ chuyện ngày xưa. Tôi tìm đến bà Hai Bảng (tên thật là Lê Thị The, 73 tuổi), là người biết khá rõ về cuộc đời ông. Bà Hai Bảng kể: cuối những năm 60 của thế kỷ trước, địch càn quét, bắn phá dữ dội, Hoài Sơn là một chiến trường ác liệt. Xóm 1, thôn Hy Văn khi ấy là vùng giáp ranh của ta và địch, nơi thường xuyên xảy ra nhiều cuộc giao tranh đẫm máu để giành giật từng thước đất. Cả xóm tản cư gần hết, chỉ còn 4 gia đình bám trụ lại, trong đó có gia đình bà và gia đình ông Đạo. 4 hộ dân ấy vẫn nương tựa vào nhau, cùng đóng góp lương thực, thực phẩm để nuôi bộ đội, đào hầm cho bộ đội ở.

Ông Trần Đạo là một người có lòng nhiệt tình cách mạng, từng tham gia lực lượng chuyển thương, tải đạn từ thời kháng Pháp. Nhận thấy ông là một đầu mối quan trọng, từ đó có thể khai thác thông tin về lực lượng của ta, địch từng nhiều lần bắt bớ, tra tấn ông rất dã man. Đầu năm 1969, sau khi bắt ông, chúng đổ nước vôi vào miệng, khi bụng đã đầy nước vôi, trương phình lên, bọn ác ôn đứng lên bụng, đạp cho nước trào ra. Chúng treo ngược ông lên trần nhà, bắt ông chỉ điểm các đồng chí của mình. Ông kiên quyết không nói, chúng liền dùng dây điện siết cổ ông. Chúng đem ông ra chôn, chỉ chừa phần đầu trên mặt đất, nửa đêm sương xuống ông tỉnh lại. Ông tiếp tục bị nhốt, ba tháng sau chuyển đi Quy Nhơn rồi đày ra Côn Đảo.

Cuối năm 1971, ông được phóng thích. Vừa về địa phương, dù không còn trẻ, ông lại tiếp tục tham gia lực lượng TNXP của thế hệ trẻ Hoài Sơn làm công tác chuyển thương. Ông từng khiêng thương binh chạy bộ cả vài chục cây số từ Hoài Hảo (Hoài Nhơn) lên đến Gò Loi (Hoài Ân).

Giờ đây, tuổi già cộng với những vết thương ngày xưa làm ông thường xuyên đau yếu. Nhưng khi tôi hỏi lại những tháng ngày oanh liệt, mắt ông lại sáng lên, môi mấp máy. Nhìn bàn tay ông run rẩy mân mê cái Huân chương Kháng chiến, thấy thương thương lạ…

2. Khi đi tìm thế hệ TNXP Hoài Sơn ngày ấy, tôi đã gặp không ít người nhiều lần tham gia lực lượng. Bà Nguyễn Thị Tỵ ở xóm 2, thôn Trường Sơn là một người như thế.

Chỉ trong 3 năm từ 1972 đến 1974, bà Tỵ đã 4 lần hòa vào dòng người xung phong đi làm đường, tải đạn. Bà kể, khi nhận được lời kêu gọi lực lượng TNXP làm đường Bình Gia, con đường hỏa tuyến từ dốc Bà Bưng (Hoài Ân) đến Kon Hà Nừng (Gia Lai), tất cả các cô gái khỏe mạnh của Hoài Sơn đều tình nguyện lên đường, cùng lực lượng TNXP khắp nơi mang sức trẻ để làm nên hình vóc con đường.

Những năm ấy, bà Tỵ chỉ độ 23 - 24 tuổi, cái tuổi thanh xuân phơi phới. Bà bảo, chỉ có những người trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết mới sống được trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn ấy. Canh chuối rừng, “cơm” củ môn là những món ăn hằng ngày của họ. Gian khổ là vậy, nhưng họ vẫn vui vẻ, ca hát trong những giờ giải lao, khi bom đạn của giặc tạm ngưng.

Năm 1972, bà Tỵ bị một cơn sốt rét, đồng đội phải đưa bà vượt rừng một ngày trời mới đến nơi điều trị. Bà ngậm ngùi: “So ra mình còn may mắn. Hồi ấy, hai cô bạn cùng xóm bị trúng đạn, hy sinh, chẳng được hưởng phút giây thanh bình”. Những con đường ra chiến trận được bồi đắp bởi tuổi thanh xuân của những người TNXP…

 

Di tích vụ thảm sát Ngã Ba Đình, nơi Mỹ - Diệm đã sát hại các chiến sĩ cách mạng xã Hoài Sơn đêm 25.9.1961.

 

3. Về Hoài Sơn những ngày đầu tháng 4, tôi cảm nhận được không khí rộn rịp, náo nức. Tại nhà của ông Trần Minh Sơn, Ủy viên Hội Cựu TNXP huyện Hoài Nhơn, phụ trách xã Hoài Sơn, từ chiều đến tối luôn đông khách. Ông Sơn vui mừng cho biết: “Được Hội Cựu TNXP tỉnh cho phép, tôi đang tiến hành làm hồ sơ khảo sát số anh chị em TNXP không tập trung có thời gian tham gia lực lượng từ 3 tháng trở lên, chưa được hưởng chế độ gì, làm căn cứ để Nhà nước có chế độ đãi ngộ phù hợp. Họ cũng là người có công với nước, cũng cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước, cần có một sự đền đáp cho họ”.

Có mặt tại nhà ông Sơn chiều 10.4, tôi được gặp gần chục người đang chờ đến lượt mình làm hồ sơ. Ông Lê Văn Bê ở thôn Hy Tường hồ hởi nói: “Nghe Đài phát thanh xã thông báo kế hoạch làm hồ sơ khảo sát, chúng tôi rất phấn khởi. Ngày trước, khi lên đường tham gia cách mạng, chẳng ai nghĩ đến chuyện sau này mình được đền đáp như thế nào. Nhưng giờ thấy được quan tâm, ai cũng vui”.

Đến chiều 10.4, đã có hơn 200 hồ sơ hoàn tất. Ông Sơn bảo, có khoảng 400 người thuộc diện khảo sát lần này. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ làm được một chút gì đó, để những người từng tham gia lực lượng TNXP không thấy mình bị lãng quên…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bất cập ở thư viện huyện, cơ sở  (05/05/2009)
Sức sống của những thư viện phối hợp  (05/05/2009)
Dấu xưa An Thái  (05/05/2009)
Phù Cát hôm nay  (05/05/2009)
Đắk Đâm - niềm vui và ước vọng  (05/05/2009)
Nắm cơm và sợi chỉ đỏ - Nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Hrê An Lão  (05/05/2009)
Tự trồng rau sạch ở nhà phố  (05/05/2009)
Thơ  (05/05/2009)
Kết thúc không có hậu  (05/05/2009)
23 ngày tuyệt thực để đấu tranh  (05/05/2009)
Chống mại dâm - cuộc chiến còn lắm gian nan  (05/05/2009)
Nhiều, rộng nhưng chưa sâu  (05/05/2009)
Người ghép mai dưới chân núi Đá Lăn  (05/05/2009)
Vui ít lo nhiều  (05/05/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/05/2009)