Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, quân và dân Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) luôn được coi là tấm gương sáng về tinh thần kiên cường đấu tranh cách mạng. Những ngày tháng Tư lịch sử, tôi về lại đây để tìm những người mẹ anh hùng, những người trong chiến tranh gian khổ đã bám trụ trên đất quê hương, giữ hầm, giữ đất nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng…
|
Bà Hai Hường cặm cụi trong căn bếp nhà mình.
|
* Ký ức ngày qua
Khi biết mục đích của tôi khi về lại Tam Quan Nam lần này, bà Ba Phương - cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã - vui mừng tình nguyện đưa tôi đi. Bà Ba Phương năm nay tuổi đã gần sáu mươi, là thương binh nặng, chân đi khập khiễng, nhưng rất nhiệt tình.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà bà Hai Hường ở thôn Trung Hóa. Bà Hai Hường tên thật là Nguyễn Thị Hường, 65 tuổi. Từ đầu năm 1968, trong khu vườn nhỏ của bà, luôn có vài căn hầm nuôi giấu cán bộ. Bà kể: “Hồi đó trong vườn nhà tôi có một cây vú sữa già, tán rộng, cạnh đó là một đống cám xơ dừa rất to, là địa điểm lý tưởng để làm hầm bí mật. Thời điểm ấy, tôi là du kích nên không dám ở nhà vào ban ngày, chuyện canh gác hầm do em gái tôi đảm nhận”. Bà Hai Hường ngồi nhẩm lại những cái tên như Nguyễn Văn Minh, Trần Nam Dương…, những cán bộ cách mạng từng được chị em bà nuôi dưỡng, bảo vệ.
Cùng thôn với bà Hai Hường có bà Đặng Thị Ni, mọi người hay gọi là cô Ba, là người nhiệt tình trong việc nuôi giấu cán bộ. Chồng mất từ năm 1967, phải nuôi một bầy con nhỏ, nhưng cô Ba vẫn hăng hái tham gia phong trào cách mạng. Nhà cô Ba ở trên một bãi đất trống giữa đồng. Nhiều lần, địch cho xe tăng càn quét, san ủi trong khu vực, cô phải đi lánh nạn. Cha chồng cô Ba dũng cảm ra đứng trước đầu xe tăng, bảo rừng tre, vườn dừa quanh nhà là nguồn sống của già trẻ lớn bé nhà ông, không được ủi phá. Địch nhượng bộ. Nhờ đó, suốt một thời gian dài, những căn hầm xung quanh nhà cô Ba là nơi trú ngụ an toàn của nhiều cán bộ cách mạng.
|
Bà Hai Chẩm (bên trái) xúc động nhớ lại những ngày tháng tham gia cách mạng.
|
Trong số những người mẹ có công với cách mạng ngày ấy, bà Hai Chẩm (tên thật là Nguyễn Thị Hâm, ở thôn Tăng Long 2) là người có thành tích đáng nể nhất. Năm 1967, lúc chồng đang bị địch bỏ tù, một mình phải nuôi 7 đứa con, nhưng bà vẫn đảm bảo an toàn cho 3 căn hầm trong vườn nhà. Mỗi lần có trận đánh dọc bờ biển, hầm nhà bà lại đón thêm nhiều thương binh. Khi ấy, bà phải kiêm thêm việc cơm nước, thuốc thang cho thương binh.
Hè năm 1968, do có người mật báo, bọn Ngụy biết trong vườn nhà bà Hai Chẩm có hầm bí mật nên đến quấy phá. Gần trưa, chúng đến bảo bà nấu cơm cho chúng ăn. Ăn xong, chúng hỏi nhà bà có hầm bí mật phải không, bà nói cứng: “Nhà tui gần biển, chỗ nào cũng toàn cát là cát, làm sao làm hầm được. Nhà tui mà có hầm, mấy ông cứ cắt cổ tui đi”. Không may cho bà, khi tên chỉ huy ăn xong, đi dạo ra sau vườn, bỗng thấy ở dưới ngón chân có hơi nóng bất thường. Hắn nhìn xuống tìm kiếm, biết là lỗ thông hơi, lập tức cho lính trói ngay bà lại. Biết đã bị lộ, bà la to lên. Cán bộ ta dưới hầm nghe thấy, tung hầm chạy lên. Cả ba hầm hơn chục người, nhưng chỉ có ba người sống sót. Lần ấy, bà bị bỏ tù 4 năm, chịu đủ mọi hình thức tra tấn dã man của kẻ thù…
* Thầm lặng đời thường
Hôm tôi đến thăm, bà Hai Hường đang cặm cụi nấu cháo heo trong căn bếp cũ kỹ. Chồng bà hy sinh từ năm 1972, từ đó đến nay bà sống một mình trong căn nhà nhỏ. Người em gái năm xưa giờ đang định cư ở TP Hồ Chí Minh, lâu lâu mới cho cháu về thăm dì. Trời vừa ngớt mưa, nhà bà nhiều chỗ còn loang lổ nước. Trên cái tivi cũ phủ một tấm bạt nhựa, trên bàn thờ chồng phải để mấy cái tô hứng nước. “Sống một mình riết cũng quen. Nhưng nhiều khi cũng thấy trống trải, cô đơn. Các cháu đều lo học hành, công việc, mình cũng không dám than thở, sợ tụi nó lo cho mình mà lỡ việc”- bà Hai tâm sự.
|
Gốc dừa trong vườn nhà bà Hai Chẩm xưa là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ.
|
Bà Hai kể, cũng có nhiều người hỏi sao em bà không báo công để được hưởng chế độ. Bà bảo với họ: “Ngày ấy, chúng tôi giúp đỡ cách mạng hoàn toàn tự nguyện, tự giác. Giải phóng rồi, ai còn nhớ công, đền đáp được chút nào hay chút ấy, chứ ai lại đi kể công”. Cũng chung suy nghĩ như bà Hai Hường, bà Hai Chẩm ngậm ngùi: “Nhiều người thấy tôi được hưởng chế độ thì nói ra nói vào, bảo sao mà sướng thế. Tôi chỉ muốn nói với mọi người rằng, những người có công với cách mạng như tôi, mấy ai đi tính toan hơn thiệt, cống hiến vì đất nước để mong được trả công”.
Năm nay đã hơn tám mươi, những vết thương cũ vẫn hành hạ, nhưng bà Hai Chẩm vẫn dọn dẹp nhà cửa, phụ cháu nuôi heo. Với bà, được sống đến ngày hôm nay đã là may mắn. Lâu lâu lại có người tìm về thăm, hỏi ra mới biết là những cán bộ cách mạng được bà che giấu năm xưa. Phút giây gặp gỡ làm sống lại trong bà ký ức một thời lửa đạn…
|