Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, khu Đông Tuy Phước (KĐTP) là một trong những căn cứ cách mạng của tỉnh ta. Đất và người khu Đông đã kiên cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm, chịu nhiều gian khổ hy sinh, từng bao phen làm bạt vía kinh hồn kẻ thù. Nhà nước đã ghi công, phong tặng 4 xã KĐTP (Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng) danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khu Đông anh hùng đã vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và đang thay da đổi thịt từng ngày.
|
Một góc thị tứ Gò Bồi (Phước Hòa) hôm nay.
|
Nằm dọc theo tỉnh lộ 640, KĐTP có diện tích tự nhiên hơn 8.125 ha, với gần 6,8 vạn dân. Vùng đất này tiếp giáp với đông nam Phù Cát, gắn liền với căn cứ địa cách mạng Núi Bà; phía tây giáp An Nhơn, phía đông giáp đầm Thị Nại, nằm cuối 2 con sông lớn là sông Côn và sông Hà Thanh. KĐTP là một trong những cửa ngõ ra vào TP Quy Nhơn cả đường bộ lẫn đường thủy, nên KĐTP có tầm quan trọng về phát triển kinh tế cũng như an ninh - quốc phòng.
Nhớ lại những năm đầu mới giải phóng, người dân nơi vùng quê “chín áo, một quần” phải đối mặt với bao vất vả, khó khăn, nhà cửa tan hoang trên đống tro tàn; ruộng vườn lỗ chỗ hố bom; sình lầy, đầy sú vẹt, cỏ hoang mọc ngập đầu người… ai thấy đều ngao ngán. Con đê ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ đồng lúa cho 4 xã đã bị bom đạn san phẳng hoàn toàn. Tuy nhiên, sau 34 năm chung sức xây dựng quê hương từ hoang tàn đổ nát, với tất cả sức lực và lòng quyết tâm đã làm nên một khu Đông trù phú hôm nay.
* Xây dựng và phát triển kinh tế
Trong phát triển kinh tế, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, các xã KĐTP đã tập trung sức lực xây dựng hệ thống đê Đông nhằm ngăn mặn, giữ ngọt và chống lũ. Từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, kiên cố hóa đập dâng, kênh mương tưới tiêu nội đồng; áp dụng các tiến bộ KHKT thâm canh tăng năng suất cây lúa và chuyển sang sản xuất 2 vụ trên diện tích 3.185 ha, bình quân năng suất đạt 70 - 80tạ/ha/vụ; sản lượng hàng năm đạt gần 43.000 tấn thóc, chiếm 43% sản lượng lương thực cả huyện, bình quân lương thực đầu người đạt từ 750 - 1.000kg/năm.
Tận dụng lợi thế nằm ven đầm Thị Nại, người dân khu Đông còn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đưa hơn 1.000 ha mặt nước vào nuôi tôm, sản lượng thu hoạch đạt giá trị hàng tỉ đồng/năm. Riêng năm 2008, sau nhiều năm tôm nuôi bị dịch bệnh hoành hành, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi tôm thân thiện với môi trường nên đã hạn chế dịch tôm, năng suất đạt 650kg tôm sú và 200kg cua, cá/ha. Về chăn nuôi, hiện tổng đàn gia cầm có 255.544 con; đàn trâu- bò 4.445 con, đàn heo 29.000 con, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân.
|
Nông dân khu Đông dùng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa.
|
Đi đôi với phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, các ngành nghề, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp ở KĐTP đã có sự khởi sắc đáng kể. Cụm kinh tế kỹ thuật Kỳ Sơn (Phước Sơn), Gò Bồi (Phước Hòa) được huyện quy hoạch và xây dựng, thu hút đông lượng người đến mua bán, trao đổi hàng hóa và cũng là nơi giao lưu buôn bán giữa các xã đông nam Phù Cát, đông An Nhơn và Tuy Phước; giá trị mua-bán lên hàng trăm tỉ đồng/năm.
KĐTP có 2 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận (làng nghề bánh tráng Kim Tây - Phước Hòa và làng nghề dệt chiếu cói Phước Thắng) hiện giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho cả ngàn lao động. Ngoài ra, hàng ngàn lao động khác được xe đưa đón vào làm việc hàng ngày tại Cụm công nghiệp Phước An và Khu công nghiệp Phú Tài - Long Mỹ, góp phần nâng thu nhập bình quân lên 7 - 9 triệu đồng/người/năm. Số hộ đói không còn, hộ nghèo các xã khu Đông từ 15% năm 2005, đến nay giảm xuống còn 8% theo tiêu chí mới. Số hộ có nhà xây chiếm 97%, 100% số hộ dân sử dụng điện, 82% số hộ dân có xe máy, 99% có phương tiện nghe nhìn...
* Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn
34 năm qua, hạ tầng nông thôn với hệ thống điện, đường, trường, trạm... ngày càng được xây dựng hoàn thiện trên đất khu Đông, tạo điều kiện cho người dân nơi đây làm ăn phát triển kinh tế. Từ chỗ giao thông đi lại khó khăn bởi cách trở đò giang, hôm nay những con đường chằng chịt như bàn cờ, những cây cầu vững chãi đã xóa đi nhiều bến đò ngang, nối liền khu Đông với các địa phương lân cận.
Để tạo điều kiện đi lại cho nhân dân vùng “rốn lũ”, trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và huyện, các xã KĐTP đã đầu tư hàng chục tỉ đồng bê tông hóa gần 70 km đường giao thông nông thôn. Vào mùa mưa lũ, cảnh “chín áo, một quần” đã đi vào ký ức, giao thông đi lại thuận tiện, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét.
|
Nuôi tôm thân thiện môi trường ở Phước Sơn.
|
Các công trình cấp nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư xây dựng, mở rộng đường ống dẫn nước sạch đến các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, cơ bản giải quyết cho 70% số hộ có nước sạch dùng hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 30% số hộ nằm trong vùng “trắng” nước sạch, như: Cồn Chim (Phước Sơn), Huỳnh Giản Nam - Bắc (Phước Hòa), An Lợi - Đông Điền (Phước Thắng) đang cần sự giúp đỡ của Nhà nước…
Về các xã KĐTP hôm nay, những người xa quê lâu ngày không khỏi ngỡ ngàng với sự đổi thay nhanh chóng đến kỳ diệu, từ những con đường, những ngôi nhà, những cây cầu mới… minh chứng cho sự nỗ lực vượt bậc của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nơi đây. KĐTP đang vững bước trên con đường xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn giàu mạnh.
|