Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Bình Định
13:34', 4/6/ 2009 (GMT+7)

Vào đầu tháng 7 năm nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày tìm ra dấu tích Văn hóa Sa Huỳnh. Trong dịp này, Bình Định là một trong những tỉnh được mời tham dự hội thảo và trưng bày những cổ vật về Văn hóa Sa Huỳnh được khai quật và phát hiện trong những năm qua trên địa bàn tỉnh.

 

Đồ gốm tùy táng, khai quật tại Động Cườm.

 

Những dấu tích văn hóa thời tiền sử ở khu vực miền Trung lần đầu tiên được biết từ năm 1909 và đã được một học giả người Pháp thông báo sơ lược, với việc phát hiện khoảng trên 200 quan tài bằng gốm (gọi là mộ chum hay mộ vò) tại cồn cát ven biển vùng Sa Huỳnh (thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), từ đó những khu di tích mang yếu tố mộ chum này được gọi tên chung là Văn hóa Sa Huỳnh. Nhưng cuộc tìm kiếm lúc đó chỉ là những cuộc đào bới tìm đồ cổ, chứ không mang tính khoa học về khảo cổ học. Từ năm 1954 trở về trước, người ta chỉ biết được một cách tương đối về sự phân bố của Văn hóa Sa Huỳnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975, với nhiều phát hiện mới đã khẳng định thêm sự có mặt của những nhóm văn hóa này ở cả vùng Đông Nam bộ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giới khảo cổ học nước ta đã tiến hành phúc tra những địa điểm khảo cổ học cũ, đồng thời phát hiện, nghiên cứu và khai quật thêm nhiều địa điểm mới. Cho đến nay, giới nghiên cứu đã thống nhất cho rằng Văn hóa Sa Huỳnh là một tập hợp di tích khảo cổ học từ thời đại Đồng thau và Sắt sớm, phân bố trong một khu vực liền khoảnh từ Quảng Bình cho đến Đồng Nai và có những đặc trưng văn hóa giống nhau, phát triển theo từng thời gian.

Đối với Bình Định, việc nghiên cứu điều tra khảo cổ học, chỉ mới được tiến hành sau năm 1975, với nhiều di chỉ đào thám sát và khai quật trong những năm qua cũng đủ cứ liệu để khẳng định từ hậu kỳ Đồng thau và Sắt sớm cách ngày nay khoảng 2.000 đến 3.500 năm, vùng đất Bình Định đã có con người tiền sử đến định cư và sinh sống. Cho đến nay, trên vùng đất Bình Định đã phát hiện được khá nhiều các di tích thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, cũng như những nơi khác, con người Sa Huỳnh có một đặc điểm chung là họ sống ở những cồn cát và chết vùi trong cát, ven biển miền Duyên hải, các rìa cạnh đầm nước ngọt. Di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở Bình Định tập trung nhiều nhất ở hai huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ và thành phố Quy Nhơn.

Tại các di tích Truông Xe, Gò Lồi, Thuận Đạo, Chánh Trạch thuộc các xã Mỹ Thắng, Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ); Hội Lộc, Núi Ngang, Đồi Điệp (thuộc TP Quy Nhơn) (các di tích này đã được phát hiện năm 1977 – 1978), Viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát và đào thám sát. Trong các lần khảo sát và khai quật tại các di tích này, trong tầng văn hóa đã thu được hiện vật thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh, nhiều loại hình như: rìu đá hình răng trâu, rìu tứ giác, đục nhỏ hình lưỡi xòe, bàn mài, chày nghiền, vò táng bằng gốm chôn đứng có dáng hình trứng, và mộ vò có hình bầu dục có vò nhỏ khác úp lên trên. Hiện vật tìm thấy trong mộ gồm: bình gốm, nồi minh khí, rìu đá hình chữ nhật, rìu hình răng trâu, vòng tay đá, hòn kê, mảnh vòng đeo tay bằng gốm hoa văn hình sống trâu và nhiều mảnh gốm hoa văn trang trí trên gốm là các kiểu hoa văn như: khắc vạch, chấm đôi, văn chải, cắt chéo hình ô trám. Theo giới nghiên cứu, trong  các di tích trên, hai di tích Truông Xe và Gò Lồi thuộc giai đoạn sơ kỳ thời đại Đồng thau; các di tích Thuận Đạo, Chánh Trạch, Hội Lộc, Núi Ngang, Đồi Điệp có  niên đại muộn hơn - sơ kỳ đồ Sắt.

 

Đồ trang sức - vật tùy táng khai quật tại Động Cườm

Giai đoạn sơ kỳ đồ Sắt cách ngày nay từ 2.500 năm đến đầu Công nguyên, dấu tích Văn hóa Sa Huỳnh còn tìm thấy ở huyện Hoài Nhơn, địa điểm này đã được Colani (học giả Pháp) thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ khảo sát và khai quật năm 1934. Qua nhật ký của bà ghi chép, ở Hoài Nhơn có các điểm: Động Cườm (Tăng Long 2 - Tam Quan Nam), Phú Nhuận, động Bàu Năng ở làng Ca Công (Hoài Hương) và động Công Lương (Hoài Mỹ), Bà Ná, Đông Phù. Di chỉ Động Cườm đã được Bảo tàng Bình Định đào thám sát năm 2001 và năm 2002 -2003 phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng lịch sử Việt Nam tổ chức khai quật, với diện tích đào trên 300 m2, đã phát hiện được trên 50 mộ chum và mộ nồi chôn úp nhau, mật độ phân bố mộ chum khá dày, khoảng cách từ 20-35cm. Giới nghiên cứu cho rằng, sự táng tục thành cụm là sự thể hiện dấu vết của tôn giáo nguyên thủy và thể hiện tính cộng đồng của cư dân Sa Huỳnh trong khi sống và đến lúc chết. Mộ Động Cườm với hai kiểu dáng: dáng thân hình bầu tròn, miệng bẻ loe xiên; và một loại mộ thân hình trụ, đáy bầu tròn, vai hơi bóp vào, miệng bẻ loe xiên. Nắp đậy hình nón cụt, miệng bẻ loe, thành hơi bóp, vành vê tròn rồi bẻ loe ra ngoài, bên ngoài phía trên trang trí hoa văn khắc vạch, mô típ hình thoi cách điệu.

Hiện vật thu được tại Động Cườm là những đồ tùy táng chôn theo trong mộ, trong đó có nhiều hiện vật nguyên, bao gồm: nồi, bát bồng, dao găm, kiếm, dọi xe sợi. Hàng ngàn mảnh gốm bao gồm các loại hình như thân, nắp, mảnh nồi, mảnh miệng... Với những kết quả thu được đã khẳng định Động Cườm là một khu mộ táng và có thể là cả nơi cư trú của cư dân Sa Hùynh, một di tích rất có giá trị nghiên cứu về những cư dân tiền sử trên đất Bình Định nói riêng và cư dân Văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực miền Trung Việt Nam nói chung. Người ta chôn theo người chết đồ gốm, đồ trang sức, công cụ lao động, vũ khí như một hình thức chia của để người chết sử dụng trong “thế giới bên kia”. Nhiều đồ gốm được tìm thấy bên trong và quanh các mộ chum. Đồ gốm giai đoạn này có độ nung khá cao, hoa văn trang trí không còn được chú trọng như ở giai đoạn trước, gốm tô thổ hoàng và than chì, nhiều dọi xe sợi bằng đất nung được tìm thấy, đồng thời dấu vết của vải cũng in lại trên một số đồ gốm và sắt, cho thấy vào giai đoạn này người ta đã biết dệt vải. Đồ trang sức rất phong phú về loại hình lẫn số lượng gồm có: hạt chuỗi được làm bằng thủy tinh xanh, đá màu vàng, nâu, trắng, tím, nhiều hạt chuỗi được làm bằng mã não; khuyên tai 3 mấu bằng gốm, bằng đá; vòng đeo tay bằng thủy tinh. Ở Bình Định hiện nay chưa phát hiện được loại hình trang sức khuyên tai hai đầu thú - đây là loại trang sức rất phổ biến của cư dân Sa Huỳnh.

Qua các di vật tìm thấy cho ta những nhận thức về Văn hóa Sa Huỳnh ở Bình Định có hai giai đoạn: Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh muộn. Thời kỳ Tiền Sa Huỳnh, người ta còn sử dụng nhiều những công cụ bằng đá, đến giai đoạn Sa Huỳnh muộn, công cụ sản xuất bằng đá không còn, thay vào đó là những công cụ bằng sắt. Đồ sắt được chôn theo gồm các loại dao, rìu, kiếm, dáo... là những loại công cụ lao động và vũ khí phổ biến trong giai đoạn muộn của Văn hóa Sa Huỳnh. Đồ sắt được làm bằng phương pháp rèn nóng, người ta đã biết làm tăng độ cứng của sắt bằng phương pháp thấm than.

Trong các mộ chum ở Động Cườm có thể thấy sức sản xuất của người cổ Sa Huỳnh khá cao, họ là những cư dân nông nghiệp biết trồng lúa nước, biết khai thác những sản vật của rừng và biển, biết dệt vải, rèn sắt, nấu thủy tinh, làm đồ trang sức... Sức sản xuất phát triển, của cải vật chất ngày càng nhiều tất yếu dẫn đến sự phân hóa xã hội, điều này thể hiện qua các di vật được chôn theo, có chum chôn  nhiều đồ mã não, đồ sắt, đồ trang sức, có chum chỉ chôn vài món đồ gốm. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, ở giai đoạn muộn của Văn hóa Sa Huỳnh, khu vực này đã có những nhà nước sơ khai, vào những thế kỷ I-II trước Công nguyên, vùng Đông - Nam Á đã xuất hiện những cảng thị làm nơi giao dịch của cư dân lục địa với cư dân các hải đảo, những nhà nước sơ khai ấy đã chi phối mọi hoạt động của các cư dân trong một khu vực rộng lớn, từ khu vực vùng cửa sông đến vùng thượng nguồn, sản vật ở vùng thượng nguồn được vận chuyển xuống vùng hạ lưu để trao đổi với các nơi khác.

 

Mộ chum, mộ nồi - khai quật tại Động Cườm.

Nói về phong tục mai táng trong vò của cư dân Sa Huỳnh, hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa có đủ cứ liệu về tục cải táng hay hỏa táng, chôn nguyên hay chôn từng bộ phận xác. Tục mai táng trong vò của người Sa Huỳnh - chôn đứng có nắp đậy - là một trong những truyền thống mai táng nổi bật ở Đông - Nam Á trong thời đại Kim khí. Các vò táng Sa Huỳnh, kể cả chum lớn, cũng khó mà tin được là để dùng cho việc chôn nguyên thi thể người lớn. Việc bố trí đồ tùy táng, đặc biệt là đồ gốm, cho thấy không có tục chôn nguyên người lớn trong vò. Các bình gốm tùy táng được đặt trong vò với tư thế đứng ở đáy phần lớn còn nguyên dạng không bị vỡ nát, chứng tỏ không có trường hợp chôn người trên các bình gốm tùy táng và việc không có xương người lớn cũng nói lên điều này. Tuy nhiên, trong các khu mộ Sa Huỳnh không thấy khu mộ nào chôn nguyên xác, do vậy, nhiều khả năng cư dân Sa Huỳnh đã “trả” xác về với thần Biển. Đây là quan niệm và tập tục mai táng của cư dân vùng biển ở nhiều khu vực trên thế giới vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Cuộc sống của họ luôn gắn với biển, phụ thuộc vào biển, vì vậy họ tôn thờ thần Biển. Đưa người chết về với biển có thể hoàn thành một vòng luân hồi của tạo hóa: Con người từ tự nhiên sinh ra và trở về với tự nhiên (biển). Những ngôi mộ vò trên mặt đất có lẽ là những mái nhà hoặc các ngôi mộ tượng trưng để các linh hồn có chỗ trú ngụ trên quê quán. Vì vậy, không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà người ta tìm thấy các mộ Sa Huỳnh tập trung theo từng nhóm, nằm thẳng hàng trật tự trên cùng một bình diện địa tầng và đôi chiếc còn có lỗ thủng nhân tạo ở đáy vò như ô cửa để linh hồn ra vào; còn trẻ thơ thì được chôn nguyên trong vò vì chúng còn non dại cần được sự che chở của người lớn, do vậy chúng thường được chôn ngay trong nơi cư trú.

Cũng trong giai đoạn tiền sử, một loại hình di tích khác cũng được phát hiện trên đất Bình Định đó là những điểm phát hiện trống đồng Đông Sơn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định đã phát hiện được 14 chiếc trống đồng. Sự xuất hiện của trống đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn đã phản ánh một thực tế, từ sơ kỳ Đồng thau và Sắt sớm, cư dân Sa Huỳnh đã có mối giao lưu với các nền văn hóa đương đại ở Việt Nam và Đông - Nam Á. Sự tiếp biến văn hóa mạnh mẽ với các nền văn hóa rực rỡ trong khu vực kế cận như Đông Sơn (phía Bắc), Dốc Chùa (phía Nam) và cả với Thái Lan, đã cho đỉnh cao Sa Huỳnh một mô thức văn hóa đa dạng với sắc thái riêng. Rõ ràng trong mối quan hệ qua lại nhiều chiều của Văn hóa Sa Huỳnh, người ta đã thấy bóng dáng của Văn hóa Đông Sơn in đậm trên vùng đất Bình Định.

Tham gia Hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày tìm ra dấu tích Văn hóa Sa Huỳnh sẽ được UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào tháng 7 năm nay là dịp để Bảo tàng Bình Định mở rộng phạm vi hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc theo định hướng xã hội hóa các hoạt động bảo tàng trong giai đoạn hiện nay.

  • Hồ Thùy Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quảng bá văn hóa truyền thống Bình Định đến du khách  (03/06/2009)
Diễn viên trẻ Thùy Dung: Sao Mai đang sáng  (03/06/2009)
Cuộc chơi khốc liệt  (03/06/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/06/2009)
Ghi nhận trên đất khu Đông anh hùng  (05/05/2009)
Nghĩa tình một vùng đất  (05/05/2009)
Không thể lãng quên…  (05/05/2009)
Bất cập ở thư viện huyện, cơ sở  (05/05/2009)
Sức sống của những thư viện phối hợp  (05/05/2009)
Dấu xưa An Thái  (05/05/2009)
Phù Cát hôm nay  (05/05/2009)
Đắk Đâm - niềm vui và ước vọng  (05/05/2009)
Nắm cơm và sợi chỉ đỏ - Nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Hrê An Lão  (05/05/2009)
Tự trồng rau sạch ở nhà phố  (05/05/2009)
Thơ  (05/05/2009)