Tổ chức ICOMOS cho rằng: “Bảo tàng là một tổ chức (cơ quan) không có lợi nhuận, tồn tại lâu dài để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, mở rộng đón công chúng. Bảo tàng thu nhận, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền, nhằm mục đích giáo dục, học tập và thưởng thức. Bảo tàng là một bằng chứng vật chất xác thực về con người và môi trường xung quanh con người”.
|
Bảo tàng Bình Định.
|
Trên thế giới hiện nay, bảo tàng đã phát triển không ngừng, theo số liệu của UNESCO, hiện có gần 49.000 bảo tàng. Bảo tàng phát triển không những cả về số lượng mà còn đa dạng, phong phú về loại hình. Hàng năm khắp các nước trên thế giới có hàng triệu triệu người đến tham quan nghiên cứu ở bảo tàng. Điều này đã khẳng định tính phổ biến và vai trò của bảo tàng trong đời sống xã hội, trong hệ thống các lĩnh vực khoa học - văn hóa và giáo dục. Trong hệ thống giáo dục thì bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, các câu lạc bộ... đều được coi như những thiết chế văn hóa, những cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, nhưng mỗi cơ quan này lại có ngôn ngữ riêng để thực hiện chức năng giáo dục của mình. Các thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, dùng các hình thức trực quan, sách, nói chuyện, âm nhạc, sân khấu...; còn bảo tàng là việc trưng bày hiện vật gốc- đối tượng trực tiếp của nhận thức cảm tính, qua đó, mọi tầng lớp quần chúng có thể nhận thức được quy luật của tự nhiên và xã hội.
Xuất phát từ nhận thức đó, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thông tin, hệ thống các bảo tàng khảo cứu địa phương ở các tỉnh lần lượt được thành lập. Bảo tàng Bình Định (BTBĐ) ra đời từ năm 1980. Với những ngày đầu mới thành lập, số lượng hiện vật của BTBĐ rất ít ỏi. Để có được số lượng gần 20.000 hiện vật như hiện nay, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của BTBĐ đã dày công sưu tầm trong gần 30 năm qua. Đến nay, BTBĐ đã có những bộ sưu tập hiện vật quý – hiếm, giúp cho việc chỉnh lý trưng bày, nội thất bảo tàng ngày càng hấp dẫn hơn.
Hiện vật ở BTBĐ phần lớn là từ các cuộc khai quật khảo cổ học như bộ sưu tập hiện vật về Văn hóa Sa Huỳnh- thời kỳ tiền sử. Để có bộ sưu tập này, năm 1977-1978 Bảo tàng đã phối hợp với Viện Khoa học - Xã hội TP Hồ Chí Minh khai quật tại các di chỉ Truông Xe, Gò Lồi, Thuận Đạo, Chánh Trạch (Phù Mỹ); năm 2001-2002 phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật di chỉ Động Cườm (Tam Quan Nam - Hoài Nhơn). Từ năm 1990-1994 và năm 2002, BTBĐ đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, các đoàn chuyên gia của Nhật Bản và Bảo tàng Hoàng gia Bỉ, khai quật các lò gốm cổ Chăm ở Bình Định. Ngoài những cuộc khai quật nghiên cứu, sưu tầm theo định hướng, Bảo tàng còn có những cuộc khai quật để phục vụ cho Dự án tu bổ các di tích lịch sử, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích như các tháp Chăm Bình Định; di tích lịch sử Thành Hoàng Đế… Nhìn chung, việc sưu tầm hiện vật bảo tàng thời gian này chủ yếu thông qua việc hiến tặng của nhân dân, khai quật khảo cổ học... Những hình thức này tuy có hiệu quả, nhưng ít phát hiện được những hiện vật - cổ vật có giá trị. Từ khi Luật Di sản ra đời, cơ chế cởi mở hơn, Bảo tàng mua được những cổ vật, hiện vật phục vụ cho việc nghiên cứu, trưng bày, tuy nhiên con số còn khiêm tốn. Rất nhiều cổ vật cần được sưu tầm nhưng lại bỏ qua hoặc khó sưu tầm được bởi người dân không hiến tặng như trước, mà mua thì không có khả năng tài chính, hoặc phải họp thông qua hội đồng với nhiều thủ tục, thời gian lâu. Đó là một trong những nguyên nhân khiến công tác sưu tầm hiện vật gặp khó khăn và những hiện vật quý hiếm ít có cơ hội có mặt ở các bảo tàng cấp Nhà nước.
Về công tác nghiên cứu, trong những năm qua, BTBĐ đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên các mặt: Khảo cổ học, Sử học, Bảo tàng học,... đã nghiên cứu tư liệu, khảo sát điền dã, lập hồ sơ xếp hạng 139 di tích. Đây cũng là những cơ sở bước đầu cho việc trùng tu, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích. Việc nghiên cứu các làng nghề truyền thống ở Bình Định, ngoài những ghi chép tỉ mỉ về làng nghề, còn sưu tầm những bộ sưu tập hiện vật như: nghề gốm; nghề làm nón; nghề rèn; nghề đúc đồng; nghề dệt vải.... Có những đề tài được in thành sách như: Di tích - danh lam thắng cảnh Bình Định; Điêu khắc Chăm Bình Định; Gốm Chăm Bình Định. Nhiều đề tài của tỉnh được lãnh đạo Bảo tàng phối hợp thực hiện như: Địa chí Bình Định; Danh nhân Bình Định; Bác Hồ với Bình Định...
Trong công tác trưng bày - tuyên truyền, từ những ngày đầu mới thành lập, hiện vật trưng bày ở Bảo tàng còn nghèo nàn. Hiện nay tuy cơ sở phòng ốc còn chật hẹp, nhưng lãnh đạo, cán bộ BTBĐ đã dần bổ sung hoàn thiện, chỉnh lý hệ thống trưng bày với diện tích gần 1.000m2, tạo diện mạo trưng bày của Bảo tàng có nhiều sắc thái mới. Qua đó đã thu hút được nhiều khách tham quan là sinh viên, học sinh đến nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng. Hiện tại, tuy hệ thống các phòng trưng bày còn chưa đáp ứng được về ánh sáng, về điều hòa không khí, về phương tiện trưng bày..., nhưng rất nhiều các giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp... coi Bảo tàng là giảng đường thứ hai để sinh viên nghiên cứu, thực tập. Các sinh viên thường lấy đề tài trưng bày ở Bảo tàng để làm tiểu luận - luận văn tốt nghiệp cuối khóa. Nhiều thầy - cô giáo coi đây là tư liệu lịch sử sống động phục vụ cho các buổi học tập ngoại khóa ở các cấp học phổ thông... Hiện nay, một khu trưng bày ngoài trời đã dần được hoàn thiện, với các nội dung lịch sử của thời Chăm pa, thời Tây Sơn, thời Nguyễn, thời kỳ chống Mỹ. Tuy chưa thật mỹ mãn như mong muốn của những người thực hiện, song trong tương lai nó sẽ được bổ sung dần.
|
Góc trưng bày về thời tiền sử ở BTBĐ.
|
Ngoài hoạt động chuyên môn tại chỗ, những năm qua, BTBĐ còn giúp các địa phương trong việc xây dựng các nhà truyền thống như: Nhà truyền thống chi bộ Hồng Lĩnh, Bảo tàng huyện Phù Cát; Nhà truyền thống huyện An Nhơn, Nhà truyền thống huyện Tuy Phước, Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, Phòng truyền thống Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn, Phòng truyền thống Bưu điện tỉnh... đáp ứng được yêu cầu, được giới chuyên môn và các cấp lãnh đạo đánh giá cao.
Trưng bày lưu động là hình thức đưa sản phẩm văn hóa đến với mọi người, BTBĐ đã xây dựng các bộ trưng bày lưu động với nhiều nội dung khác nhau, phục vụ rộng rãi các đối tượng công chúng chưa có dịp đến thăm bảo tàng, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Hoạt động này tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ văn hóa tinh thần và nâng cao trình độ dân trí. Trưng bày lưu động trong nhiều năm qua rất hiệu quả, hàng năm trong các dịp lễ hội đã phục vụ hơn 50% tổng số khách tham quan.
Bên cạnh những hoạt động phản ánh đặc trưng của bảo tàng, công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh như chương trình giới thiệu BTBĐ trên các kênh truyền hình VTV1, VTV2, VTV3, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định và thực hiện các Chương trình chuyên đề phục vụ thiếu nhi; Chuyên đề về Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7, Sinh nhật Bác Hồ 19.5... Năm 2009 này, BTBĐ sẽ xuất bản tập poscard về những hiện vật chọn lọc trong các sưu tập quý, hiếm hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng và hướng dẫn giới thiệu về nội dung - hệ thống trưng bày ở Bảo tàng.
Về hoạt động kiểm kê bảo quản, trong những năm qua, hệ thống kho tàng ở Bảo tàng được đầu tư nâng cấp về trang thiết bị, hiện vật trong kho được sắp xếp có hệ thống và khoa học hơn. Hệ thống phích phiếu, sổ sách ghi chép khoa học, được đánh số kiểm kê- phân loại chất liệu hiện vật, chế độ xuất nhập hiện vật đúng quy chế. Bảo tàng bắt đầu xây dựng những bộ sưu tập mang tính chuyên đề, đăng ký hiện vật trong phần mềm quản lý chống mất cắp những bảo vật. Trong thời gian đến, BTBĐ sẽ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phục hồi những mộ chum khai quật ở Động Cườm; phối hợp với tổ chức UNESCO tại Việt Nam phục hồi một số trống đồng Đông Sơn hiện đang trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng...
|
Một góc trưng bày ngoài trời ở BTBĐ.
|
Trong công tác đối ngoại, từ những năm 80 của thế kỷ XX, Bảo tàng đã hợp tác với các chuyên gia Ba Lan trong việc chống xuống cấp cấp thiết một số di tích tháp Chàm ở Bình Định; hợp tác với các chuyên gia nước ngoài trong việc nghiên cứu khai quật khảo cổ học như đã nêu trên. Đặc biệt, BTBĐ còn phối hợp với các bảo tàng trong cả nước, đưa 2 cổ vật của BTBĐ trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Áo và Bảo tàng Hoàng gia Bỉ. Đây là lần đầu tiên, cổ vật Bình Định được đưa ra nước ngoài trưng bày với mục đích giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. Năm 2008, BTBĐ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trưng bày chuyên đề Cổ vật Bình Định tại Hà Nội, giới thiệu cổ vật Bình Định với nhân dân thủ đô và bạn bè quốc tế, được dư luận đánh giá cao; Phối hợp với Trường đại học Nữ Chiêu Hòa của Nhật Bản nghiên cứu, đo vẽ, thống kê toàn bộ những nhà lá mái tiêu biểu hiện còn ở Bình Định. Với tinh thần đó, Bảo tàng đã tiếp cận với chuyên gia cổ tiền học của Trung Quốc (thuộc Bảo tàng Tiền tệ Quảng Tây) phân loại bộ sưu tập tiền đồng phát hiện ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Quy Nhơn...
Nhìn lại quãng đường gần 30 năm, BTBĐ đã thật sự lớn mạnh cả về chất và lượng. Đội ngũ làm công tác nghiên cứu ngày càng vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt kịp những yêu cầu ngày càng cao của khoa học chuyên ngành và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân.
|