Tùy vào người sử dụng, Internet là kho tàng tri thức nhân loại hay chỉ là phương tiện giải trí đơn thuần. Vì vậy, Internet góp phần làm giàu kiến thức cho người này nhưng với người khác lại là nguyên nhân làm phát sinh những tội ác khó lường. Khai thác ở khía cạnh thứ hai, nhiều người không khỏi giật mình khi biết rằng Internet đã biến không ít thanh thiếu niên ngoan, hiền trở thành đối tượng chậm tiến và dẫn đường cho nhiều đối tượng chậm tiến trở thành tội phạm.
|
Tiệm “nét” luôn có mặt “khách hàng” là trẻ em. Ảnh: A.N
|
* Trộm cắp kiếm tiền để thỏa cơn nghiền Internet
Những năm gần đây, nạn trộm cắp vặt làm cho bà con một số xã thuộc huyện Phù Cát lo lắng không ít. Tài sản bị mất giá trị không lớn nhưng nhiều vụ xảy ra liên tục đã khiến họ không an tâm khi vắng nhà. Theo Công an (CA) huyện, đối tượng gây ra những vụ trộm đó phần lớn là thanh thiếu niên chậm tiến (TTNCT), trong đó có nhiều em còn đang đi học. Đa số số thanh thiếu niên này đều nghiện Internet, không ít em cả tuần trốn học chơi game, “chát” nhưng gia đình không hay biết, nhà trường không hay. Việc mê game đã dẫn đến nhiều hệ quả, trong đó có nhiều em biến thành kẻ trộm. Đầu năm 2009 này, CA Phù Cát đấu tranh triệt phá băng trộm chuyên trộm xe đạp gồm 6 học sinh THCS, làm rõ, thu hồi 8 xe đạp, trị giá 5,8 triệu đồng do số học sinh này trộm cắp đang thế chấp tại các tiệm cầm đồ. Các em khai, để có tiền vào tiệm “nét”, các em đã rủ nhau trộm cắp và từ đó càng ngày càng dấn sâu vào con đường phạm pháp.
Nguyễn Tấn Tài (SN 1990, ở KV7 phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) là một “game thủ” thường xuyên có mặt tại các tiệm “nét” trên địa bàn phường. Để có tiền chơi game, lúc đầu Tài trộm cắp của gia đình, sau đó trộm của người khác và khi bị phát hiện đã bỏ nhà đi bụi. Trong thời gian sống lang thang tại Quy Nhơn, Nguyễn Tấn Tài cùng một số đối tượng-cũng là những “game thủ” có hạng – cấu kết nhau trộm cắp để có tiền vào tiệm “nét”. Một lần, trong lúc đang lẻn vào hàng trái cây của người khác, Tài bị bà con phát hiện nên bỏ chạy, nhưng ngay sau đó đã rủ đồng bọn mang dao, rựa, cây, gậy quay lại tìm đánh trả thù. Trước những vi phạm có hệ thống của Nguyễn Tấn Tài, UBND phường Lê Lợi đã lập hồ sơ đề nghị cấp trên ra quyết định đưa vào Trại A1 Phú Yên để giáo dục lao động.
Hiện tượng nghiện “nét” trở thành tội phạm cũng đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. CA các huyện An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước… đã từng khởi tố điều tra và đề nghị xử lý trước pháp luật nhiều bị can phạm tội trộm cắp để kiếm tiền vào quán “nét”.
|
Lê Viết Đệ - kẻ thách đấu qua mạng Internet - đã bị CA TP. Quy Nhơn bắt giữ. Ảnh: Vũ Quốc Hùng
|
* “Chát”, hẹn hò và thách đấu
Một vụ án đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra tại TP Quy Nhơn vào giữa tháng 3 vừa qua, đến nay dư luận vẫn chưa hết bất bình và lo lắng. Thủ phạm là Đinh Thế Phú – thường gọi Phú heo- (SN 1992, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) thông qua “chát” đã làm quen với nhiều cô gái mới lớn và hẹn hò họ đi chơi, sau đó đưa đến khu vực vắng người dụ dỗ, ép buộc hoặc dùng vũ lực khống chế để thực hiện hành vi giao cấu. Đêm 16.3, cũng bằng thủ đoạn đó, Phú heo đã cùng Hiếu rem (đồng phạm trong vụ án này) thông qua “chát” đã hẹn với N. - một cô gái mới 15 tuổi, ở phường Hải Cảng - chở lên dốc Quy Hòa cưỡng hiếp. Nạn nhân sau khi bị Phú heo hiếp dâm đã bỏ chạy vào núi, đến gần 1 giờ sáng 17.3 mới đến được Trường Dạy nghề Bình Định nằm trên đường Quy Nhơn – Sông Cầu nhờ gọi điện báo cho gia đình biết đón về. Gia đình nạn nhân báo cáo, Công an TP Quy Nhơn lần tìm trong số gần 10 người đã “chát” với N., thấy Phú heo có đặc điểm nhân dạng giống với thủ phạm, đã đi sâu xác minh, thu thập chứng cứ và bắt khẩn cấp, đấu tranh làm rõ vụ án sau hơn một ngày điều tra.
Mạng Internet còn là nơi thách đấu để giải quyết mâu thuẫn giữa những băng nhóm TTNCT. Vụ án Lê Viết Đệ (SN 1993, ở KV1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) chém người xảy ra lúc 21 giờ ngày 16.2.2009, là một điển hình của loại tội phạm này. Vụ án nghiêm trọng được bắt đầu từ cuộc trò chuyện trên mạng vào trưa ngày 15.2.2009 giữa Lê Viết Đệ và Lê Quang Trình (SN 1989, ở KV6, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn). Hôm đó, Đệ đến tiệm Internet trên đường Võ Thị Sáu, TP Quy Nhơn và “cãi nhau” với nickname “Trinh lang tu” (của Lê Quang Trình). Khi biết Trình ở đường luồng Bảy Búa (KV6, phường Đống Đa, Quy Nhơn), Đệ đã hẹn gặp ở cầu Hà Thanh 1 trên đường dẫn ra cầu Thị Nại để cạch (chém) tay đôi. Đêm đó, hai nhóm thiếu niên, mỗi nhóm gần 10 người có mặt tại điểm hẹn. Nhóm Đệ đến trước, khi nhóm Lê Quang Trình xuất hiện, Đệ liền ném bao tải đựng 2 cái rựa xuống đất, nói: “Cho mầy chọn trước”. Thấy đối thủ đông hơn nhóm của mình và thái độ hung hăng, quyết đấu của Đệ đã khiến Trình nao núng nên tìm cách rút lui, sau đó kéo đồng bọn ra về.
Tuy cuộc “giao chiến” giữa Lê Viết Đệ và Lê Quang Trình bất thành, nhưng việc “thách đấu trên mạng” chưa kết thúc. Đêm 16.2, Đệ lại tập trung đồng bọn gồm 10 TTN, trong đó có 3 học sinh, 3 đối tượng chậm tiến đang bị quản lý giáo dục tại cộng đồng theo NĐ163/CP, mang theo dao, rựa, mã tấu, phảng phát bờ ruộng… đi tìm Trình. Khi qua “đường luồng Bảy Búa”, thấy một nhóm TTN đang ngồi chơi, trong đó thấp thoáng bóng dáng Trình nên Đệ bảo đồng bọn quay xe lại chém. Còn Trình, nhác thấy nhóm của Đệ, sợ bị chúng phát hiện tấn công nên đã lặng lẽ rút lui. Đệ cùng đồng bọn quay lại thì Trình không còn ngồi chỗ cũ, tuy vậy vừa dừng xe cả bọn đã cầm hung khí xông vào tấn công những người còn lại. Hậu quả, hai thanh niên ở phường Đống Đa là Dương Chí Tâm (SN 1991) bị chém trọng thương; Lê Hồng Liêm (SN 1992) bỏ chạy, bị vấp đường ray xe lửa té ngã, bị chém hơn 10 nhát dao vào người, làm đứt một ngón tay và bất tỉnh tại chỗ. Sau khi Lê Viết Đệ cùng đồng bọn kéo đi, Lê Hồng Liêm được bà con đưa đi cấp cứu, đến sáng ngày 18.2 mới hồi tỉnh.
Đêm đó, sau khi rời hiện trường, nhóm của Lê Viết Đệ tập trung tại bãi đất trống gần cụm công nghiệp phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn giấu hung khí xong kéo nhau đi ăn uống và sau đó bị CA phường Đống Đa truy lùng bắt giữ.
Một số vụ việc trên chưa thể phản ánh hết thực trạng TTN nghiện “nét” và lợi dụng “nét” để thực hiện tội phạm nhưng cũng đủ cho thấy việc phòng ngừa, ngăn chặn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để phòng ngừa hiệu quả, trước hết gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý giáo dục không để con em mình bị “nét” lôi kéo; mặt khác, các tiệm Internet không nên quá chạy theo lợi nhuận để các em “đóng đô” ở tiệm cả ngày, để các em “chát” qua đêm và ngủ luôn tại tiệm. Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc với những em vi phạm nhiều lần nhưng không chịu sửa chữa và kiên quyết rút giấy phép đối với những cơ sở cố tình vi phạm Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28.8.2008 của Chính phủ về quản lý Internet. Xã hội cùng chung tay mới mong đạt được yêu cầu về phòng ngừa TTN phạm tội do nghiện “nét”.
|