Gieo chữ ở vùng cao
11:22', 4/6/ 2009 (GMT+7)

Dẫu điều kiện sống, giảng dạy, cống hiến của những giáo viên xã vùng cao Bok Tới (Hoài Ân) còn nhiều điều trăn trở, song vượt qua mọi gian khổ, họ vẫn đến lớp với lòng yêu nghề say mê.

 

Để gieo được cái chữ ở vùng cao, thầy Khuyên phải vất vả và tâm huyết với nghề.

 

* Chuyện ăn, chuyện ở

Trên đường đi công tác ở Bok Tới, tôi ghé vào ngôi trường tiểu học nằm sát chân núi ở thôn T1 để nghỉ chân. Mới 12 giờ trưa, các em đã đến lớp khá đông, đang giỡn đùa tíu tít trong sân trường, lớp học. Cạnh hai phòng học là căn phòng rộng chừng 20 m2, kê chiếc giường con nhỏ và chiếc bàn tiếp khách. Thầy giáo Lê Văn Huy (sinh năm 1972) quê ở thôn Phước Bình, xã Ân Hảo Đông, thoáng chút bối rối tiếp tôi bởi cuộc gặp gỡ đường đột. Trò chuyện đến quá bữa, thầy Huy giở nồi cơm còn được lưng chén, dĩa rau muống luộc, bối rối phân bua: “Do sáng nay bận chấm bài thi nên tôi quên gởi người đi chợ giúp. Bữa cơm chỉ có thế chị ăn đỡ”. Nói rồi, thầy vội vã quảy đôi thùng ra bể nước sạch ở đầu thôn xách nước về để khách rửa chân tay. Quãng đường gánh nước không xa chừng 500m, nhưng vì cái nắng đầu hè oi ả, lưng thầy đẫm mồ hôi.

Trò chuyện với thầy, tôi được biết cuộc đời làm “người đưa đò” của thầy bắt đầu từ năm 2002. Trước đây, thầy dạy ở xã Đăk Mang, một xã miền núi ở Hoài Ân. Quen cuộc sống dưới xuôi nên lên đây thầy lạ lẫm với mọi thứ. Già làng cùng mọi người rủ nhau góp công, góp vật liệu dựng ngôi nhà sàn nhỏ nằm cạnh nhà Rông để thầy ở tạm. Sau 5 năm sống trong nhà sàn, ăn, ở cùng đồng bào, thầy được luân chuyển về dạy học ở Bok Tới. Lần này may mắn hơn, thầy được bố trí ở trong căn phòng học còn trống. Chợ búa không có, thầy thường nhờ các chị bán “chợ di động” mua giúp được thứ gì ăn thứ nấy. Bữa cơm của thầy thường qua quít, thất thường. Dù làng đã có điện nhưng chuyện thầy phải soạn giáo án dưới ngọn đèn dầu tù mù vẫn diễn ra thường xuyên.

Làm việc ở vùng cao, chuyện phải một mình đối mặt với tai ương như rắn, rết vào phòng, chui cả vào chăn màn... là thường. “Ở một mình riết rồi cũng quen cô à. Đau ốm phải tự mình lo liệu. Khổ mấy cũng chịu được, tôi chỉ thương cảnh vợ và đứa con gái 15 tuổi côi cút ở quê nhà. Cả tuần mới về nhà thăm vợ con được một lần, chẳng đỡ đần được nhiều” - thầy Huy tâm sự.

 

Sau giờ học, thầy Huy tất bật chuẩn bị bữa cơm một mình.

 

* Cái chữ tình người

Bok Tới là một xã vùng cao còn nghèo, mấy năm qua chính quyền địa phương đã dành một phần kinh phí của Chương trình 135 để đầu tư xây dựng trường tiểu học ở hai điểm là thôn T1 và T5 để 150 học sinh tiểu học không phải đi học xa. Thuận lợi về mặt cơ sở hạ tầng nhưng chuyện gieo chữ ở đây vẫn còn lắm khó nhọc do cuộc sống khó khăn ảnh hưởng nhiều đến việc đi học của các em.

Thầy Lê Công Khuyên, quê ở thôn Nghĩa Nhơn, xã Ân Nghĩa, có 20 năm kinh nghiệm trong nghề, cho biết: “Học sinh người dân tộc thiểu số đi học được Nhà nước cấp vở, cấp bút, cấp sách giáo khoa và hầu như không phải đóng một khoản phí nào. Thế mà, dạy được cho chúng cái chữ thật không phải dễ”. Chuyện bỏ học nửa chừng diễn ra như “cơm bữa” vì nhiều lý do. Không tuần nào, các thầy không phải tìm đến nhà học sinh vận động phụ huynh cho con đi học lại. Thầy hướng cánh tay chỉ về phía cuối lớp: “Đây là em Đinh Thị Hằng, ở thôn T1, vừa đi học lại sau hơn 1 tuần bỏ học vì tiếp thu chậm và bận việc nhà. Tôi đã phải cất công tìm đến nhà nhiều lần thuyết phục phụ huynh, vận động em đến lớp”. Để giúp các em học sinh có học lực yếu và trung bình vươn lên, chấm dứt tình trạng học sinh lớp 3, lớp 4 vẫn chưa đọc thông viết thạo, thầy Huy và thầy Khuyên đã tổ chức dạy phụ đạo thêm mỗi tuần 2 buổi.

Được trò chuyện, tham quan lớp học cũng như nơi ăn chốn ở của các thầy, tôi mới thấu hiểu những gian khó mà các thầy phải gánh chịu và cảm phục tấm lòng yêu nghề mến trẻ của họ.

  • Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rau xanh trên đảo  (04/06/2009)
Internet và tội phạm trong thanh thiếu niên chậm tiến  (04/06/2009)
Bảo tàng Bình Định - 30 năm nhìn lại  (04/06/2009)
Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Bình Định  (04/06/2009)
Quảng bá văn hóa truyền thống Bình Định đến du khách  (03/06/2009)
Diễn viên trẻ Thùy Dung: Sao Mai đang sáng  (03/06/2009)
Cuộc chơi khốc liệt  (03/06/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/06/2009)
Ghi nhận trên đất khu Đông anh hùng  (05/05/2009)
Nghĩa tình một vùng đất  (05/05/2009)
Không thể lãng quên…  (05/05/2009)
Bất cập ở thư viện huyện, cơ sở  (05/05/2009)
Sức sống của những thư viện phối hợp  (05/05/2009)
Dấu xưa An Thái  (05/05/2009)
Phù Cát hôm nay  (05/05/2009)