Hội chứng… siêu nhân
16:33', 4/6/ 2009 (GMT+7)

Hiện nay, đa số trẻ em từ 4 đến 13 tuổi đều thích xem phim hoạt hình, đặc biệt là các bé trai đang có xu hướng “nghiện” phim siêu nhân. Rất nhiều phụ huynh chiều theo ý thích của con mà không biết rằng, xem phim siêu nhân nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tính cách và sức khỏe của trẻ.

 

Trẻ em thường mê mẩn trước những bộ đồ chơi siêu nhân. (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: N.V.T

 

* “Ăn siêu nhân, ngủ siêu nhân”

Ngày xưa, trẻ em thường hay chơi trò bắn bi, đánh trận giả, chọi dế… Đó là những trò chơi dân gian lành mạnh, giúp hình thành ở trẻ sự nhanh nhẹn, hoạt bát. Nhưng gần đây, trẻ không còn hứng thú với những trò chơi đó nữa. Thay vào đó, trẻ suốt ngày ngồi trước tivi để xem phim hoạt hình hoặc chơi game, nhất là các đĩa phim hoạt hình siêu nhân bạo lực. Khi trẻ xem phim siêu nhân quá nhiều, rất dễ dẫn đến tình trạng “nghiện” siêu nhân.

Hằng ngày, mọi người thường thấy hình ảnh các cậu bé học sinh lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học mang cặp, giày dép, mặc quần áo... có in hình 5 anh em siêu nhân đến trường, vừa đi vừa múa máy chân tay bắt chước động tác sử dụng phép thuật để chiến đấu của những nhân vật trong các bộ phim siêu nhân của Nhật Bản.

Cu Bi, con trai duy nhất của anh họ tôi là “tín đồ siêu hạng” của phim siêu nhân. Cu cậu biết rõ giờ chiếu phim siêu nhân trên truyền hình cáp và phải canh xem cho bằng được, vừa xem cu cậu vừa múa may, đánh đấm theo các nhân vật. Chưa đủ, Bi còn bắt ba mẹ thuê đĩa phim siêu nhân về coi. Bi mê siêu nhân đến mức từ quần áo, giày dép, tập sách đi học, chăn gối... đều phải chọn thứ có in hình siêu nhân thì cu cậu mới chịu. Lúc ăn, cháu cũng không rời màn hình. Mẹ cháu còn kể: “Nhiều đêm, đang ngủ cu Bi bật dậy, hét to “Ta là siêu nhân đỏ đây” rồi lại nằm xuống ngủ tiếp”.

Bình thường anh tôi vẫn chiều theo sở thích của con mà không hề nghĩ rằng có những mối nguy hại đang tiềm ẩn. Đến khi anh tình cờ thấy con mình cùng mấy đứa bạn mặc bộ đồ siêu nhân, múa kiếm lia lịa, mặt đằng đằng sát khí; có mấy đứa bị va quẹt, trầy xước… thì anh phát hoảng. Anh bắt đầu kiểm soát và hạn chế ảnh hưởng của các nhân vật siêu tưởng này đối với cháu bằng cách cắt giảm giờ xem phim siêu nhân; không cho cháu chơi những thứ đồ chơi gợi tính bạo lực là các loại vũ khí mà các nhân vật này sử dụng trong phim.

Truyền hình và điện ảnh ngày càng khai thác mạnh mẽ hình tượng siêu nhân. Ngoài các bộ phim siêu nhân của Nhật Bản, còn có “Bộ tứ siêu đẳng”, “Người dơi”, “Người nhện”… Các nhân vật trong phim siêu nhân có năng lực siêu phàm (với khả năng biến hóa, ghép hình và dùng phép thuật), chiến đấu chống lại thế giới ma lực, đang ngày có chiều hướng gây nghiện cho trẻ. Nắm bắt được tâm lý “thần tượng” siêu nhân của trẻ em, người kinh doanh tạo ra đủ thứ sản phẩm có in hình siêu nhân, càng góp phần làm gia tăng “hội chứng” này.

Không riêng gì thành phố mà ở nông thôn, trẻ cũng được tiếp xúc với công nghệ hiện đại rất sớm. Hầu như nhà nào cũng có tivi, đầu đĩa DVD. Bố mẹ thấy con thích thì cứ mua đĩa phim về mà không hề hay biết rằng xem nhiều phim siêu nhân sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sức khỏe của trẻ.

 

Những đĩa VCD phim siêu nhân Nhật Bản khiến nhiều trẻ em quên ăn, quên ngủ. Ảnh: N.V.T

 

* Hậu quả xấu

Các nhân vật hoạt hình trong phim luôn là thần tượng thu hút sự chú ý của trẻ. Ở độ tuổi này, các bé muốn học hỏi và có trí tưởng tượng phong phú. Các bé thích xem phim và bắt chước nhân vật trong phim, điều này một phần tốt cho trí tưởng tượng của bé. Tuy nhiên bên cạnh những phim siêu nhân giả tưởng tốt, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều bộ phim siêu nhân bạo lực. Những loại phim này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

Các nhà khoa học khuyến cáo rằng, không riêng gì xem phim siêu nhân, mà xem tivi từ 4 tiếng trở lên sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý, tính cách của trẻ. Xem nhiều sẽ dẫn đến “hội chứng tivi”, nghĩa là trẻ dễ bị chứng hoang tưởng, không thể phân biệt được cuộc sống trong phim và cuộc sống thực tế. Lâu dần trẻ có xu hướng tự thu hẹp mình trong thế giới riêng của chúng. Điều này không phù hợp với sự phát triển bình thường của trẻ em. Do đó khả năng giao tiếp với bên ngoài của trẻ sẽ bị hạn chế; việc thể hiện từ ngữ, văn phong vì thế cũng kém đi.

Mặt khác, “nghiện” siêu nhân còn khiến trẻ mất tập trung, giảm sự chú ý trong học hành và cả những việc khác. Bị nặng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ, bị cận thị, loạn thị… Nếu xem quá nhiều cảnh bạo lực, trẻ sẽ tưởng tượng mình là nhân vật trong phim và có hành động như những siêu nhân. Việc trẻ tiếp xúc với phim bạo lực quá sớm sẽ dẫn đến hình thành yếu tố thô bạo trong tính cách.

* Làm gì khi trẻ “nghiện” siêu nhân?

Chuyên gia tư vấn tâm lý khuyên các bậc phụ huynh không nên quá chiều con, ngay từ đầu phải biết cách nói không với những đòi hỏi quá mức của trẻ. Nên giảm dần số lượng giờ xem tivi cho các em. Việc này cần phải tiến hành từ từ, không nên đột ngột giảm ngay. Có thể từ 4 giờ xuống 3 giờ rồi 2 giờ và giảm dần đến mức tối thiểu.

Khi trẻ đã “nghiện”, việc cấm đoán các bé xem phim siêu nhân là chuyện không nên. Cần phải sắp xếp thời gian cho bé học và thời gian xem phim trong ngày. Việc lựa chọn đồ chơi hay các vật dụng của bé cũng vậy, cần quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ, tính giáo dục, chứ không nên chỉ mua những thứ có liên quan tới siêu nhân. Đồng thời, định hướng cho chúng tham gia các loại hình vui chơi, giải trí khác phù hợp hơn để nâng cao thể chất và tinh thần cho các em. Các bậc phụ huynh nên cân nhắc, cân đối thời gian giữa công việc và con cái. Hãy quan tâm đúng mức để trẻ không phát triển một cách lệch lạc. Nếu trẻ bị rối loạn tâm lý, cần đưa trẻ đến các nhà chuyên môn để có liệu pháp điều trị thích hợp.

Đã đến lúc các bậc phụ huynh nên điều chỉnh, hướng dẫn cho trẻ trong việc lựa chọn loại hình vui chơi, giải trí lành mạnh, phù hợp; giúp trẻ cân bằng tâm lý và hoàn thiện nhân cách…

  • An Nhiên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Xì trét” vì… công việc  (04/06/2009)
Dịch vụ 3G khách hàng lợi gì?  (04/06/2009)
Thơ  (04/06/2009)
Chùm truyện mini của Nguyễn Văn Trang  (04/06/2009)
Gieo chữ ở vùng cao  (04/06/2009)
Rau xanh trên đảo  (04/06/2009)
Internet và tội phạm trong thanh thiếu niên chậm tiến  (04/06/2009)
Bảo tàng Bình Định - 30 năm nhìn lại  (04/06/2009)
Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Bình Định  (04/06/2009)
Quảng bá văn hóa truyền thống Bình Định đến du khách  (03/06/2009)
Diễn viên trẻ Thùy Dung: Sao Mai đang sáng  (03/06/2009)
Cuộc chơi khốc liệt  (03/06/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/06/2009)
Ghi nhận trên đất khu Đông anh hùng  (05/05/2009)
Nghĩa tình một vùng đất  (05/05/2009)