Chương trình (CT) 134 đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, việc thực hiện CT 134 ở tỉnh ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
|
Được Trung ương và tỉnh hỗ trợ kinh phí, thông qua CT 134, nhiều hộ gia đình ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh đã xây được nhà ở mới.
|
* Kết quả bước đầu
Tỉnh ta có 8 xã và 52 thôn ở các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Phù Mỹ… thuộc diện ĐBKK được Nhà nước đầu tư 4 dự án thuộc CT 134 bao gồm: Cấp đất ở; Đất sản xuất; Hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở; Xây dựng công trình nước sinh hoạt. Theo quy định của Chính phủ, mỗi hộ thuộc diện khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nhà ở sẽ được cấp 500 m2 đất ở, 0,5 ha đất sản xuất; hỗ trợ 10 triệu đồng (Trung ương hỗ trợ 6 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng) để xây dựng nhà ở mới. Đối với dự án xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, nếu đầu tư xây dựng công trình tập trung phục vụ nước sinh hoạt cho người dân ở một làng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư theo dự án. Trường hợp người dân đào, khoan giếng lấy nước ngầm để sử dụng, Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 400 ngàn đồng.
Để thực hiện CT 134 đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện CT 134, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành: NN-PTNT, Kế hoạch-Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh... phối hợp tổ chức triển khai thực hiện, giám sát, kiểm tra. Các huyện, xã được đầu tư CT 134 thông báo rộng rãi cho người dân biết về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bình xét những hộ thuộc diện cần được hỗ trợ, tạo sự thống nhất trong quần chúng nhân dân để việc thực hiện CT 134 thuận lợi và có hiệu quả.
Có thể nói, CT 134 có sự tham gia của rất nhiều sở, ban, ngành trong tỉnh, khâu tổ chức thực hiện được quán triệt từ tỉnh xuống cơ sở. Mục đích của CT là đáp ứng nguyện vọng nâng cao cuộc sống của đồng bào ở các xã ĐBKK nên được ủng hộ nhiệt tình. Nhờ đó, việc triển khai thực hiện CT 134 có nhiều thuận lợi. Kết quả qua 4 năm thực hiện CT 134 (2004-2008), có 1.743 hộ được Trung ương và tỉnh hỗ trợ 13,763 tỉ đồng để xây nhà ở mới, đạt 80,3% so với yêu cầu của dự án. Cùng thời gian, các Ban quản lý CT 134 ở các địa phương trong tỉnh cũng đã khai hoang 78,2 ha đất sản xuất cấp cho 208 hộ gia đình. Đối với dự án Hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung, các địa phương cũng đã xây dựng và nâng cấp 71 công trình với tổng số tiền 27,851 tỉ đồng, đạt 66,12%. Các công trình nói trên đã phát huy hiệu quả, cung cấp nước sinh hoạt cho 3.900 hộ dân ở các xã ĐBKK.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, các công trình dự án đều được đầu tư đúng đối tượng và mục tiêu nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào miền núi, vùng cao phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân. Cơ cấu kinh tế ở các xã ĐBKK đã bắt đầu hình thành và có sự chuyển dịch theo hướng lâm - nông kết hợp, nhiều vùng đã đi vào sản xuất hàng hóa. CT 134 đã góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo ở các xã ĐBKK.
|
Công trình cấp nước sinh hoạt ở làng Hà Văn Trên (Vân Canh) được xây dựng bằng nguồn vốn của CT 134 đã phát huy tác dụng.
|
* Còn nhiều hạn chế
CT 134 đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã ĐBKK, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi, vùng cao phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện CT 134 ở tỉnh ta trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
CT 134 được triển khai từ năm 2004 nhưng đến nay hiệu quả của các dự án đều chưa tương xứng với nguồn vốn do Nhà nước đầu tư. CT 134 có 4 dự án, nhưng chỉ thực hiện được 3 dự án (cấp đất sản xuất, hỗ trợ tiền xây nhà ở, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt). Tuy vậy, cả 3 dự án nói trên cũng chưa đảm bảo được yêu cầu của dự án. Còn dự án Hỗ trợ đất ở, đến nay vẫn chưa thực hiện được do kinh phí khai hoang đất ở thấp so với thực tế ở địa phương.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Đinh Y Nam, Phó Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện CT 134 của Chính phủ ở một số nơi chưa kịp thời, chỉ đạo chưa sâu sát, nên việc thực hiện các dự án của CT gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhân dân ở các xã ĐBKK còn ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước, chưa thực hiện tốt phương châm “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”. Công tác khảo sát điều tra, lập kế hoạch ban đầu ở một số địa phương chưa chặt chẽ, đối tượng và nhu cầu hỗ trợ chưa chính xác nên phải điều chỉnh nhiều lần, đã làm tiến độ thực hiện các dự án chậm trễ. Sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương để thực hiện CT 134 chưa chặt chẽ. Trong khi đó, thành viên Ban chỉ đạo thực hiện CT 134 các địa phương chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, khối lượng công việc nhiều, nhưng thiếu kinh phí hoạt động nên hiệu quả của Ban chỉ đạo là không cao…”.
Có thể nói,việc đầu tư xây dựng, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội cho các xã ĐBKK thông qua các dự án của CT 134 là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, để thực hiện một cách có hiệu quả CT này, Ban chỉ đạo thực hiện CT 134 của tỉnh và các địa phương cần tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu.
|