HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Bài học từ lẽ sống của Người
16:47', 4/6/ 2009 (GMT+7)

Có một nhà văn đã viết “Một con người vĩ đại, nhiều khi vĩ đại ngay cả trong những công việc bình thường”. Câu nói đó làm chúng ta liên tưởng đến đôi dép cao su của Bác Hồ.

 

Bác Hồ tham gia lao động - sự vĩ đại ngay cả trong công việc bình thường. Ảnh tư liệu

 

Với những người dân Việt Nam chúng ta, đôi dép đó đã trở nên quen thuộc và rất bình thường. Nhưng với những người nước ngoài, một vị Chủ tịch nước nổi tiếng như Bác Hồ, lại đi một đôi dép cao su đen là một điều rất lạ. Không phải chỉ những người lớn mà ngay cả trẻ em cũng băn khoăn điều đó. Hồi Bác Hồ sang thăm Liên Xô, một cháu thiếu nhi đã viết thư cho Bác: “Sao Bác không đi giầy? Mỗi thiếu nhi Liên Xô chúng cháu chỉ cần góp một cô- pếch thì Bác đi giầy suốt đời không hết”.

Những đồng chí bảo vệ của Bác kể lại: Trong những năm tháng được vinh dự ở gần Người, tất cả đã chứng kiến  nhiều câu chuyện sâu sắc và cảm động về đôi dép cao su của Người. Năm 1958, khi sang thăm Ấn Độ, Người vẫn dùng đôi dép cao su ấy. Các đồng chí trong đoàn đều rất ái ngại, nhưng không dám nói ra. Bác là Chủ tịch một nước được cả thế giới ca ngợi, thế mà đi thăm nước ngoài, Người vẫn dùng đôi dép cao su ấy e nhân dân nước bạn sẽ không hiểu và suy nghĩ. Nhưng một điều thật lạ kỳ, những ngày Bác thăm Ấn Độ, những tờ báo lớn đều có bài và in riêng ảnh đôi dép của Bác, như một huyền thoại về con người tuyệt vời của thế kỷ. Có nhà báo đã gọi đôi dép của Bác Hồ là “đôi dép hải, lục, không quân”. Vì với đôi dép ấy, cụ Hồ Chí Minh đã từng đi lên máy bay, xuống thăm các tàu hải quân và hành quân trên đường đi chiến dịch.

Trong đoạn cuối của bài thơ Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu có viết:

“Còn đôi dép cũ mòn quai gót

Bác vẫn thường đi khắp thế gian”

Ngày nay, “Đôi dép Bác Hồ” ấy đã trở thành một kỷ vật thiêng liêng và vô giá của dân tộc ta. Hàng triệu người trong và ngoài nước thuộc nhiều dân tộc, nhiều màu da, khi vào Lăng viếng Bác tại Hà Nội đã nhìn thấy đôi dép ấy được đặt trong lồng kính, dưới chân Người!.

Nhưng vì sao Bác Hồ của chúng ta lại đi đôi dép ấy?. Tính giản dị, ưa sự thoải mái, tiện dụng thì ai cũng biết. Nhưng các đồng chí phục vụ được ở gần Bác nói: “Ở gần Bác lâu ngày chúng tôi mới nhận ra một điều, không phải Bác có thêm một bộ quần áo, một đôi giày thì đất nước nghèo đi, mà vì một lẽ, Bác muốn chia sẻ với cuộc sống còn nhiều thiếu thốn của hàng triệu nhân dân!. Và điều đó là một sự thật!”. Ngay những năm 1946, sang thăm Pháp, là khách mời của nước Pháp, Bác Hồ vẫn ăn mặc giản dị. Thấy Bác ăn mặc đơn sơ quá, các nhà báo đã ngạc nhiên. Nhưng Bác nói: “Tôi ăn mặc thế này, chứ nhân dân tôi vừa ra khỏi cảnh mất nước, đời sống còn thiếu thốn hơn nhiều”.

Chúng ta đều biết, đời sống của Bác Hồ rất thanh đạm và giản dị. Bác Phạm Văn Đồng đã từng kể lại: “Bữa ăn của Bác chỉ có vài ba món giản đơn. Lúc ăn Bác không để rơi vãi một hạt cơm. Ăn xong cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người, và tôn trọng thế nào những người phục vụ”. Ngay cả nơi ở Bác cũng chọn cho mình một căn phòng nhỏ của người thợ điện cũ ở phủ toàn quyền. Sau này căn nhà chật và nóng, vả lại Bác cũng nhiều tuổi rồi, Bộ Chính trị quyết định làm ngôi nhà sàn để Bác ở và làm việc.

Một lần nói chuyện với cán bộ trung, cao cấp, Bác Hồ nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn, mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp như vậy là không có đạo đức”.

Đã gần ba mươi chín năm trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ đi xa, song trong mỗi trái tim của người Việt Nam chúng ta không thấy lúc nào vắng Bác. Những người được gần Bác, những người chưa một lần gặp Bác, vẫn thấy Bác Hồ kính yêu gần gũi và thân thương. Câu nói “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” không phải chỉ là một khẩu hiệu, mà đó chính là tấm lòng, là tình cảm sâu nặng, thắm thiết của toàn Đảng và toàn dân ta đối với Bác Hồ kính yêu!

  • Phan Vũ Anh Thư
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đình làng  (04/06/2009)
Kết quả bước đầu và những tồn tại cần khắc phục  (04/06/2009)
Hội chứng… siêu nhân  (04/06/2009)
“Xì trét” vì… công việc  (04/06/2009)
Dịch vụ 3G khách hàng lợi gì?  (04/06/2009)
Thơ  (04/06/2009)
Chùm truyện mini của Nguyễn Văn Trang  (04/06/2009)
Gieo chữ ở vùng cao  (04/06/2009)
Rau xanh trên đảo  (04/06/2009)
Internet và tội phạm trong thanh thiếu niên chậm tiến  (04/06/2009)
Bảo tàng Bình Định - 30 năm nhìn lại  (04/06/2009)
Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Bình Định  (04/06/2009)
Quảng bá văn hóa truyền thống Bình Định đến du khách  (03/06/2009)
Diễn viên trẻ Thùy Dung: Sao Mai đang sáng  (03/06/2009)
Cuộc chơi khốc liệt  (03/06/2009)