Cần phát huy tối đa tác dụng chốt đèn tín hiệu giao thông
Những năm qua, hệ thống chốt đèn tín hiệu giao thông (ĐTHGT) ở tỉnh ta đã phát huy tốt vai trò của nó trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và kiềm chế hiệu quả tai nạn giao thông ở những giao lộ có mật độ tham gia giao thông cao. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều chốt ĐTHGT lộ ra nhiều bất cập, phần nào hạn chế hiệu quả của nó, chỉ vì các cơ quan chức năng thiếu sự chăm sóc, bảo quản và khảo sát thực tế khi lắp đặt.
|
Tại chốt ĐTHGT ở ngã ba Nguyễn Thái Học - Võ Văn Dũng thi thoảng bị ùn tắc do xe tải lớn đi qua.
|
* Hiệu quả của ĐTHGT
Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Ở tỉnh ta, hàng năm TNGT không chỉ cướp đi hàng trăm sinh mạng, mà còn gây thiệt hại tài sản hàng chục tỉ đồng. Trước thực trạng trên, công tác đảm bảo TTATGT và mục tiêu kiềm chế TNGT trong những năm qua đã được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm đặc biệt. Bên cạnh nhiều giải pháp khác, một trong những giải pháp nhằm lập lại TTATGT và kiềm chế TNGT được thực hiện hiệu quả là việc đẩy mạnh lắp đặt hệ thống chốt ĐTHGT.
Nếu như 5 năm trước đây, toàn tỉnh chỉ có khoảng 10 chốt ĐTHGT thì nay toàn tỉnh có đến 44 chốt ĐTHGT. Trong đó, TP. Quy Nhơn có 26 chốt ĐTHGT, sáu huyện nằm trên hai trục quốc lộ 1A và 19 có 18 chốt ĐTHGT. Để có được hệ thống chốt ĐTHGT khá dày như trên, những năm qua tỉnh ta đã đầu tư hàng chục tỉ đồng. Thời gian qua, hệ thống chốt ĐTHGT đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc lập lại TTATGT và mục tiêu kiềm chế TNGT ở tỉnh ta.
Một trong những chốt ĐTHGT đã phát huy hiệu quả cao ngay từ khi đi vào hoạt động là chốt ĐTHGT ở ngã ba Nguyễn Thái Học – Võ Văn Dũng (TP. Quy Nhơn). Trước khi lắp đặt chốt ĐTHGT, ngã ba Nguyễn Thái Học – Võ Văn Dũng là một trong những điểm đen về TNGT. Do lòng đường hẹp, tầm nhìn từ đường Võ Văn Dũng ra Nguyễn Thái Học bị che khuất, nên khu vực này thường xuyên xảy ra TNGT. Theo thống kê vào thời điểm chưa lắp đặt chốt ĐTHGT, bình quân mỗi tháng, ngã ba Nguyễn Thái Học – Võ Văn Dũng xảy ra khoảng 20 vụ TNGT do va quẹt. Không chỉ vậy, trước đây khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Kể từ khi chốt ĐTHGT ở ngã ba này đi vào hoạt động, tình hình TTATGT ở khu vực đã được lập lại, TNGT do va quẹt giảm đến hơn 90%, tình hình ùn tắc giao thông cũng được cải thiện đáng kể.
Tương tự như vậy, từ sau khi chốt ĐTHGT ở ngã 5 Cầu Gành (Tuy Phước) đi vào hoạt động, tình hình TTATGT và TNGT khu vực này đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Do lưu lượng tham gia giao thông cao, nên trước đây, khu vực ngã 5 Cầu Gành thường xuyên xảy ra TNGT và ùn tắc giao thông. Thế nhưng, từ sau khi chốt ĐTHGT ở khu vực này đi vào hoạt động, số vụ TNGT đã được hạn chế hơn 80%, tình trạng ùn tắc giao thông gần như không còn xảy ra nữa.
* Cần phát huy tốt hơn hiệu quả hệ thống chốt ĐTHGT
Về cơ bản, hệ thống chốt ĐTHGT đã phát huy tốt hiệu quả của nó trong việc lập lại TTATGT và mục tiêu kiềm chế TNGT ở những nơi có lưu lượng tham gia giao thông cao. Tuy nhiên, hệ thống chốt ĐTHGT sẽ phát huy tốt hơn chức năng của nó nếu như các cơ quan chức năng có sự chăm sóc, bảo quản và khảo sát thực tế tốt trước khi lắp đặt.
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc quản lý, lắp đặt hệ thống chốt ĐTHGT ở tỉnh ta hiện đang lộ ra nhiều vấn đề chưa hợp lý. Thí dụ, hệ thống chốt ĐTHGT trên các tuyến QL1A và 19 bị tán lá, cây xanh che khuất do thiếu sự quan tâm của cơ quan quản lý khiến người tham gia không thể thấy được đèn để chấp hành tín hiệu. Mãi đến khi có ý kiến của người dân hoặc có sự phản ánh của báo chí thì tầm nhìn về ĐTHGT mới được giải thoát. Việc khắc phục, sửa chữa hỏng hóc của hệ thống ĐTHGT trên các trục giao thông này cũng chưa được tiến hành kịp thời, nhiều ĐTHGT bị hỏng khá lâu mới được cơ quan quản lý sửa chữa.
Tại TP. Quy Nhơn, do các cơ quan chức năng thiếu quan tâm; sự phân tích, khảo sát điểm đặt chưa phù hợp với tình hình thực tế, nên nhiều chốt ĐTHGT đã không phát huy được tác dụng. Đơn cử như chốt ĐTHGT ở ngã ba Tây Sơn - Hoàng Văn Thụ. Nếu ai đã đi qua chốt ĐTHGT này từ hướng Hoàng Văn Thụ ra Tây Sơn đều không tránh khỏi khó chịu khi thấy một cây cổ thụ nằm giữa lòng đường, cách trụ đèn vài mét. Vậy mà từ khi lắp đặt chốt ĐTHGT đến nay, “chướng ngại vật” này vẫn chưa được cơ quan chức năng giải tỏa.
Hoặc như chốt ĐTHGT ở ngã ba đường Nguyễn Thái Học - Võ Văn Dũng, dù TNGT đã được hạn chế, nhưng ùn tắc giao thông thi thoảng vẫn xảy ra ở khu vực này. Nguyên nhân, do lòng đường Võ Văn Dũng gần ngã ba quá hẹp (khoảng 5 mét), vì vậy mỗi khi có một ôtô tải loại lớn dừng đèn đỏ ở phía đường Võ Văn Dũng, nếu gặp một chiếc xe tải lớn từ đường Nguyễn Thái Học quẹo qua đường Võ Văn Dũng thì chắc chắn khu vực này sẽ xảy ra ùn tắc giao thông…
Ông Đặng Văn Ái – Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh - cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức đợt kiểm tra toàn diện về hệ thống chốt ĐTHGT trên địa bàn tỉnh. Sau một tuần kiểm tra, chúng tôi phát hiện ra nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình hoạt động và quản lý hệ thống chốt ĐTHGT. Cụ thể, hệ thống ĐTHGT trên QL 1A và 19 thì thường xuyên bị cây cối, nhành cây che khuất tầm nhìn; còn ở TP. Quy Nhơn thì có ba chốt ĐTHGT cần phải được khắc phục cho hợp lý hơn, gồm ngã ba Tây Sơn - Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Huệ- Lê Hồng Phong và Nguyễn Thái Học – Võ Văn Dũng. Qua đó, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan quản lý các chốt đèn trên sớm có giải pháp để khắc phục nhằm nâng cao tối đa hiệu quả của ĐTHGT”.
|