THAY ĐỔI TRONG CÁCH XEM BÓNG ĐÁ Ở VIỆT NAM:
Thực trạng đáng lo ngại
17:35', 6/7/ 2009 (GMT+7)

Mới đây, Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ra quyết định cấm CĐV Hải Phòng đến sân khách vô thời hạn. Quyết định này được đưa ra sau khi các CĐV đội bóng thành phố hoa phượng đỏ nhiều lần gây mất an ninh trật tự ở một số sân có đội Hải Phòng thi đấu. Nhưng đây chưa phải là cách làm căn cơ để giải quyết tình trạng CĐV quá khích gây rối ngày càng gia tăng.

 

Lực lượng cảnh sát vất vả trấn áp những hành vi gây rối của CĐV Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: VNN

 

1.

Ở trận đấu đầu tiên sau án phạt này, vẫn có khoảng 2.000 CĐV Hải Phòng đến sân Thiên Trường để cổ vũ cho đội nhà trong trận đấu với Nam Định. Không có bất kỳ sự cố nào xảy ra, do hầu hết những CĐV này tự túc phương tiện đến sân chứ không đi theo đoàn như trước đây. Bên cạnh đó, các biện pháp an ninh đã được tỉnh Nam Định triển khai rầm rộ. Theo những người chứng kiến trận đấu trên, CĐV Hải Phòng được nhân viên an ninh trên sân “chăm sóc” rất chu đáo. Ban Tổ chức giải và Ban Tổ chức sân Thiên Trường đều rất hài lòng với tình hình an ninh trước, trong và sau trận đấu đó.

Tuy nhiên, dư luận lại không đồng tình với cách xử lý này. Bởi huy động gần như tất cả lực lượng an ninh ở địa phương chỉ để bảo vệ một trận bóng đá là chuyện không thể chấp nhận, những tốn kém về nhân lực, vật lực như vậy là không cần thiết. Ở 10 vòng đấu còn lại của V-League 2009, nếu địa phương nào cũng áp dụng những biện pháp như Nam Định đã làm trong trận đấu có đội Hải Phòng thì liệu sân bóng có còn là nơi mọi người đến để giải trí?

Và nếu các CĐV của những đội bóng khác cũng “quậy” như CĐV Hải Phòng, thì nhiệm vụ chính của ngành Công an chỉ để bảo vệ các trận bóng đá? Rõ ràng, những biện pháp đang được áp dụng chưa phải là căn cơ mà chỉ mang tính chất đối phó. Phải xử phạt thật nặng tay với những CĐV quá khích, những kẻ cầm đầu thì mới mong triệt tận gốc nạn hooligan đang manh nha bùng phát ở các sân bóng.

2.

Trước đây, vào những buổi chiều khi đội Bình Định thi đấu trên sân khách, khá đông người hâm mộ tụ tập trước cổng SVĐ Quy Nhơn, chờ nghe kết quả từ radio rồi bàn tán, bình luận. Không ít trận đấu trên sân nhà trở nên nóng thật sự cả trên khán đài lẫn bên ngoài sân. Tình trạng đập phá phương tiện, đe dọa cầu thủ đội khách cũng đã xảy ra. Khi đó, sân Quy Nhơn chính là một trong những “điểm nóng” mà bất cứ đội bóng nào đặt chân đến cũng phải e ngại. Sân nhà biến thành một trong những ưu thế lớn của đội Bình Định, ngay cả khi họ đối đầu với những đối thủ được đánh giá mạnh hơn.

Nhưng trong thời gian gần đây, trong khi hầu hết sân bóng cả nước đều có số lượng khán giả tăng vọt, sân Quy Nhơn lại khá… lạnh lẽo. Mỗi trận đấu trên sân nhà, các cầu thủ Bình Định chỉ nhận được sự cổ vũ hời hợt của vài ngàn khán giả, một con số “bọt bèo” so với trước đây. Mặc dù một số hội CĐV có tổ chức bài bản (nhưng chưa được chính thức công nhận) đã lập hẳn trang web, kêu gọi sự ủng hộ của những thành viên từ khắp mọi miền, lên kế hoạch cổ vũ cho từng trận đấu, phân công nhiệm vụ cho các thành viên…, nhưng khán đài B (vốn là nơi tập trung của những CĐV nhiệt huyết) ngày càng vắng lặng. Khán giả xem xong trận đấu mạnh ai nấy về, thắng thì nét mặt mọi người thư thái ra một chút, nhược bằng thua, thì cùng lắm cũng buông vài câu nhận xét vu vơ rồi về… Rõ ràng, nhiệt huyết trong mỗi CĐV đất võ giờ đây đang ngày càng nguội lạnh. Vì vậy, sân Quy Nhơn không còn là nơi đi dễ khó về của các đội bóng khác.

Không ai mong CĐV Bình Định trở lại với hình ảnh “dữ dằn” ngày trước, cũng không ai mong muốn sân Hải Phòng đìu hiu mỗi khi đội bóng đất cảng thi đấu. Làm sao để việc cổ vũ vẫn sôi động nhưng đảm bảo trật tự vẫn là một bài toán chưa có lời giải. Vì vậy, chưa biết bao giờ bóng đá Việt Nam mới thoát khỏi thực trạng buồn từ các khán đài như hiện nay.

  • Vũ Lê
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/07/2009)
Nhớ mãi lời Bác dạy  (04/06/2009)
Đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo TTATGT  (04/06/2009)
Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”  (04/06/2009)
Bài học từ lẽ sống của Người  (04/06/2009)
Đình làng  (04/06/2009)
Kết quả bước đầu và những tồn tại cần khắc phục  (04/06/2009)
Hội chứng… siêu nhân  (04/06/2009)
“Xì trét” vì… công việc  (04/06/2009)
Dịch vụ 3G khách hàng lợi gì?  (04/06/2009)
Thơ  (04/06/2009)
Chùm truyện mini của Nguyễn Văn Trang  (04/06/2009)
Gieo chữ ở vùng cao  (04/06/2009)
Rau xanh trên đảo  (04/06/2009)
Internet và tội phạm trong thanh thiếu niên chậm tiến  (04/06/2009)