Ghi nhận từ một ngày giỗ Tổ
17:42', 6/7/ 2009 (GMT+7)

Giỗ Tổ đã thành nét văn hóa đẹp đẽ ở các làng võ Bình Định. Đó là ngày các môn sinh từ khắp nơi hành hương trở về nơi họ đã được truyền dạy những ngón võ đầu đời.

 

Võ sư Lê Xuân Cảnh (giữa) đảm nhận vai trò Chánh tế, đang hành lễ tại bàn thờ Tổ.

 

1.

Ngày 9.5 âm lịch vừa qua, võ đường Lê Xuân Cảnh (xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn) tổ chức giỗ Tổ. Các môn sinh “nhí” của võ đường tiết lộ, ngày thường sư phụ Cảnh tỉ mẩn dìu dắt các trò luyện võ bằng một phong thái điềm đạm, vậy mà hôm nay trông thầy cứ lúng túng, loay hoay trong bộ áo dài khăn đóng, hết dặn dò Ban hành lễ lại quay sang đón khách. Đôi mắt người võ sư trên 70 tuổi này thi thoảng lại hướng về đường quốc lộ. Hỏi ông chờ đợi ai, ông bảo: “Không biết năm nay vì bận rộn hay lý do gì mà các lớp học trò tôi còn thiếu nhiều quá. Mọi năm giờ này lũ chúng nó tề tựu gần như đông đủ”.

Võ sư Lê Xuân Cảnh bồi hồi nhớ lại thời học võ lúc xưa của mình, ông học võ từ năm 15 tuổi, với người thầy đầu tiên là Lý Tường (cha của võ sư Lý Xuân Hỷ), một trong những truyền nhân của môn phái dòng họ Lý lừng danh vùng Đập Đá - An Nhơn. Sau ba năm thọ giáo võ công sư phụ Lý Tường, Lê Xuân Cảnh quyết định tiếp tục rong ruổi “tầm sư học võ” liên tục 12 năm với các vị danh sư khác như ông Phạm Thế Giáo (xã Nhơn An, huyện An Nhơn), thầy Bửu Thắng (Tuy Phước)… Từ những gì đã hấp thụ được trong 15 năm lặn lội học võ, ông quyết định trở về quê nhà lập ra võ đường.

Năm nay, võ đường của võ sư Lê Xuân Cảnh vinh dự đón ông Nguyễn An Pha – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Minh Hùng – Tổng thư ký Liên đoàn võ thuật tỉnh… Một ngày giỗ Tổ thường niên ở một võ đường tại gia lại nhận được sự quan tâm như thế là rất đặc biệt. “Đó là niềm vinh dự, cảm động cho võ đường chúng tôi” – võ sư Lê Xuân Cảnh nói. Đặc biệt, giỗ Tổ năm nay võ đường được đón tiếp người bạn võ mới, vừa gặp nhau và kết nghĩa trong dịp Festival Tây Sơn – Bình Định 2008 vừa rồi: nữ võ sư Thu Vân và các môn sinh võ đường của bà từ TP Hồ Chí Minh về tham dự giỗ Tổ. Ngoài ra, còn có rất đông người dân đến chứng kiến.

Anh Đỗ Văn Tuấn, phó đội trưởng đội võ thuật Tây Sơn, MC của chương trình, cho biết: “Võ đường không ấn định ngày giỗ mà cứ theo thời tiết, chọn một ngày hè đẹp trời trong tháng 6 để võ sinh có thể tham gia đầy đủ. Võ sinh mầm non là đối tượng được “quan tâm” đặc biệt hơn trong ngày giỗ Tổ, ngày này các em được biểu diễn võ thuật trước đám đông quan khách, như một báo cáo thành tích học tập với thầy, thao diễn cùng bạn đồng môn, bạn võ... Việc giáo dục cho các em về truyền thống, văn hóa võ đạo tốt đẹp cũng nhân đây mà thấm nhuần vào các em tự nhiên hơn”.

Trước khán đài được dựng bằng những tấm bạt che cái nắng gay gắt tháng 6, lớp võ sinh mầm non đã tập hợp những hàng dọc ngay ngắn chờ đợi. Giỗ Tổ mở màn bằng chương trình biểu diễn võ thuật của môn sinh trong võ đường. Các gương mặt võ sinh “con cưng” của võ đường hôm nay cũng hòa vào không khí thiêng liêng, náo nức của ngày giỗ Tổ mà từng đường võ trông cũng linh hoạt, sắc bén, có thần thái hơn. Xuân Ngân biểu diễn “Tứ linh đao”, Xuân Lại biểu diễn “Địa đường đao”, Xuân Đại biểu diễn “Lão mai quyền”, các võ sinh Xuân Lại, Xuân Giáo, Xuân Khoa đồng diễn “Long môn kiếm”… Nhân đây, võ sư Lê Xuân Cảnh cũng giới thiệu với quan khách, học trò, khán giả về 3 bài Thiệu võ mà ông mới biên soạn trong thời gian gần đây, đó là các bài Ngũ hành thương, Song câu quá lão và Phụng hoàng sáo.

 

Những bài biểu diễn trong ngày giỗ Tổ đặc biệt hơn thường nhật vì đây như một cách báo cáo thành tích, kết quả học tập với Tổ, trước sự chứng kiến của thầy, bạn đồng môn, bạn võ, quan khách...

 

2.

Mỗi võ đường, lò võ giỗ Tổ vào một ngày khác nhau tùy theo quy ước, ấn định riêng. Võ đường võ sư Phan Thọ (thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) được tổ chức thường niên vào ngày mồng 9 tháng Giêng. Ngày mồng 6 tháng Hai âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ sư Hồ Ngạnh, do ông Hồ Sừng chủ trì lễ giỗ. Riêng võ đường Thu Vân thì chọn ngày 9.3 dương lịch là ngày giỗ Tổ võ đường. Còn thờ Tổ sư, theo võ sư Phan Thọ, ngày xưa các lò võ đều thờ 3 vị Thánh tổ là Dương Thiên lão tổ, Đạt Ma tổ sư và Tiêu Diện lão tổ. Có nơi còn thờ chung Tổ sư võ với bà Cửu Thiên Huyền Nữ và Quan Công, Tây Sơn tam kiệt, vừa thờ Tổ sư vừa thờ thần linh, tiền hiền, thổ địa nhằm mục đích cầu an. Về sau, đối tượng được suy tôn Tổ sư ở mỗi lò võ khác nhau, có quan điểm riêng. Ví dụ võ đường Lê Xuân Cảnh vẫn thờ Tổ sư Đạt Ma, võ đường Phan Thọ thờ vua Quang Trung, lò võ Hồ Sừng thờ võ sư Hồ Ngạnh… Bởi vậy ngày giỗ Tổ võ đường mỗi nơi tổ chức mỗi khác, trong nghi lễ cũng có một vài nét khác.

Về các nghi thức trong phần tế lễ có sự giống nhau cơ bản ở hầu hết các lò võ. Ban hành lễ gồm có Chánh tế (các võ sư chủ nhân võ đường đảm nhiệm), cùng các vị cao niên, môn đệ, môn sinh tham gia tế lễ. Sau hồi khởi chinh, khởi nhạc (đánh chiêng, nổi nhạc), Ban tế lễ vào vị trí lạy, dâng rượu, đọc văn tế, đốt văn tế, dâng rượu, dâng trà, lạy Tổ. Ở võ đường Lê Xuân Cảnh còn có nghi thức “nghệ quán tẩy sở”, tức là chánh tế đến trước thau nước sạch để sẵn, rửa mặt, tay tinh tươm mới tiến hành các nghi thức tế lễ.

Nghiêm trang và cảm động nhất có lẽ là nghi thức lạy bàn thờ Tổ của từng lớp thế hệ võ sinh. Từ lớn đến bé, một cách thứ tự và nghiêm trang, các lớp võ sinh tiến đến bàn thờ Tổ hành lễ. Cùng với niềm vui được thấy trò tiến bộ trong khi trình diễn võ thuật ở phần hội, đây là giây phút các võ sư “vườn” mái đầu đã lốm đốm bạc cảm nhận niềm hạnh phúc lan tỏa khi nhìn những gương mặt búp măng nghiêm cẩn bên bàn thờ Tổ. Võ sư Hồ Sừng từng tâm sự: “Cảm nhận không khí trong ngày giỗ Tổ, nhìn các lớp võ sinh theo thời gian tuy có thưa dần, nhớ đến truyền thống mộ võ của nhân dân ta trong quá khứ, nhà giàu nhà nghèo cũng đều đến xin thầy cho con học võ phòng thân, giúp người, lại khiến niềm vui dâng lên. Ngày nay, việc gởi con học võ đã thông thoáng hơn, nhưng ý nghĩa “thưa gởi” vẫn nguyên vẹn, như đã thành quy tắc ứng xử ở đất võ”.

Nghề nào Tổ nấy, đôi lần đắm mình trong không khí ngày giỗ Tổ võ đường, lại thấy hiểu thêm về những vẻ đẹp đã thành đặc trưng của vùng đất võ…

  • Ly Nguyễn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thực trạng đáng lo ngại  (06/07/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/07/2009)
Nhớ mãi lời Bác dạy  (04/06/2009)
Đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo TTATGT  (04/06/2009)
Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”  (04/06/2009)
Bài học từ lẽ sống của Người  (04/06/2009)
Đình làng  (04/06/2009)
Kết quả bước đầu và những tồn tại cần khắc phục  (04/06/2009)
Hội chứng… siêu nhân  (04/06/2009)
“Xì trét” vì… công việc  (04/06/2009)
Dịch vụ 3G khách hàng lợi gì?  (04/06/2009)
Thơ  (04/06/2009)
Chùm truyện mini của Nguyễn Văn Trang  (04/06/2009)
Gieo chữ ở vùng cao  (04/06/2009)
Rau xanh trên đảo  (04/06/2009)