Tiếng trống chầu trong những đêm hát bội
11:31', 7/7/ 2009 (GMT+7)

Không có tiếng trống chầu thì hát bội không còn là hát bội. Từng âm thanh roi chầu phát ra đều có quy tắc hẳn hoi, cứ thế tiếng trống chầu vang lên trong những đêm hát bội, như một chiếc cầu nối đặc biệt giữa khán giả và diễn viên.

 

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Tuồng Vũ Ngọc Liễn cầm chầu trong đêm lưu diễn của Nhà hát Tuồng Đào Tấn tại TP Munchen - Đức. Ảnh: L.X

 

1.

Một tiếng “thùng” gõ vào giữa mặt trống là lời khen hay. Hai tiếng “thùng… thùng” liền nhau là lời khen rất hay, như một tràng pháo tay giòn giã biểu hiện sự tán thưởng của khán giả đối với diễn viên. Một tiếng “rụp”, “cắc” hay “cắc… cắc” là lời chê trách diễn viên hát không hay hoặc múa không đẹp.

Người cầm chầu, điều khiển tiếng trống chầu hát bội được xếp trong bốn cái ngu của người đời: “Trên đời có bốn thứ ngu/Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”. Vậy nhưng, để được chọn là người cầm chầu, đâu phải dễ dàng, tùy thích mà chọn. Người cầm chầu là những người có uy tín, đạo đức và hiểu biết nội dung, bài bản của nghệ thuật hát bội, hơn hết là mộ tuồng. Đó có thể là một vị chức sắc trong xã hội ngày xưa hay là một người có uy tín cao, am hiểu. Bởi đặc điểm của phê bình nghệ thuật hát bội được thực hiện tại chỗ, tức thì và trực tiếp qua tiếng trống khiến người cầm chầu trở thành người đại diện cho khán giả để thưởng thức, bình giá, khen - chê, thưởng  -phạt với vở diễn, với diễn viên. Thưởng phạt không đúng, không công minh chẳng những bạn hát coi thường mà công chúng cũng chê bai, không tin cẩn vào tài “cầm cân nảy mực”.

2.

Theo các tài liệu về quy tắc đánh trống chầu trong nghệ thuật hát bội, có ghi: Người cầm chầu ăn mặc nghiêm chỉnh với áo thụng xanh, khăn chít đầu màu đen, ngồi trước hàng khán giả, gần sân khấu để xem, nhìn thấu tận “cửa sanh”- cánh gà bên trái, chỗ đào kép ra; “cửa tử”- cánh gà bên phải, chỗ đào kép đi vô.

Tới giờ hát, chấp sự hai tay cầm hai dùi trống quay mặt hướng về đình “xá thần” và chào khán giả. Quay mặt trở lại sân khấu, ngồi xuống nghiêm trang cầm chầu. Khi người diễn viên xuất hiện trước khán giả phải đi từ sau màn hậu bước ra, sửa soạn tư thế nhìn ra khán giả trình diện, người đánh trống chầu sẽ đánh điểm 1 tiếng như chấp nhận. Tiếp đến, người diễn viên tiến hành một động tác báo hiệu với khán giả là bắt đầu nhập trò (giáo tuồng), trống chầu điểm một tiếng chấp nhận khai khẩu (mở miệng). Suốt buổi hát, chấp sự cầm chầu túc trực xem để điều khiển tiếng trống. Đào kép nếu ai hết vai không ra sân khấu nữa, người cầm chầu cũng phải biết để đánh hai tiếng ý giữ lại chào từ biệt khán giả. Lúc vãn hát, nếu đêm mai còn hát tiếp thì đánh 9 tiếng, 3 chập, mỗi chập 3 tiếng như lúc khai chầu, nếu là đêm chót thì chỉ đánh một chầu 3 tiếng.

Tiếng trống chầu có sức kích thích, gợi mở, thông báo đặc biệt. Trước hết đó là dấu hiệu quảng cáo xuân tam, hạ cửu, thu nhất, đông nhị (mùa hè là tiếng trống rao mời hát bộ chín tiếng, mùa xuân giục ba tiếng một, mùa thu bảy tiếng, còn mùa đông thì hai tiếng thong thả). Sau đó đêm diễn bắt đầu từ hồi trống “khai trương”. Hồi trống khai trương báo hiệu cho nhạc công, diễn viên hoàn thành việc chuẩn bị cuối cùng để bước vào đêm diễn, tiếng trống nhắc nhở người ở xa mau nhịp bước, thúc giục người còn ở nhà mau đến kịp. Tiếng trống dạo, trống chầu đánh thức nếp sống trầm lặng thường ngày; gây niềm háo hức, phấn chấn lòng người; tạo không khí rộn rã, xóa tan cái lặng lẽ, se lạnh của những đêm sân khấu ngoài trời, giăng bạt ngoài đồng, giữa chợ. Tiếng trống chầu cũng là âm thanh đầu tiên được nói đến trong một bài ca dao nổi tiếng nói về niềm mộ tuồng của công chúng: Tiếng đồn con gái xóm ta/ Hữu thanh tân hề, hữu nguyệt hoa/ Trai chọc ghẹo mắng trả như quét tước/ Sợ cha mẹ như rắn mồng năm/ Đêm nằm luống những tủi thầm/ Những mong được đi xem hát bội/ Nghe trống đánh trong lòng bối rối/ Bắc cơm lên chẳng kịp cơm sôi/ Chổng mông thổi lửa hết hơi/ Giận, chắt nước phú cho ba ông táo/ Chạy vô buồng thay quần cùng áo/ Ăn cắp tiền mua thuốc cùng trầu/ Rủ nhau bảy chị em cùng nhau/ Đi sớm đặng mà giành chỗ…

 

Ông Nguyễn An Pha – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL - cầm chầu trong một buổi diễn.  Ảnh: S.L.X

 

Trong hát tuồng có nói lối, bạch, xướng, thán, oán, ngâm vịnh, hát nam, hát khách, hát tẩu mã... Người cầm chầu phải biết điểm tiếng trống của mình đúng lúc, đúng chỗ. Tiếng trống không được lấn dàn nhạc, hoặc át lời hát của diễn viên. Có thể ví tiếng trống chầu điểm vào sau câu hát như dấu chấm, dấu phẩy tài tình ngắt nhịp cho mỗi câu hát, khoảng nối giữa hai lời ca. Khi diễn viên hát hay thì đánh “khen”, đánh “thưởng” từ 3 đến 5 tiếng; khi diễn viên hát không hay thì đánh “chê” nhẹ nhàng; khi hát sai phạm thì đánh trống “phạt”. Trong đánh trống phạt cũng lại có hai cách đánh tùy theo mức độ sai phạm, nhẹ thì đánh vào gần vành tang 3 cái, đào kép hát vẫn tiếp tục hát; nặng thì đánh vào vành cắc 3 tiếng trở lên, đó là lúc diễn viên phạm sai lầm lớn trong diễn xuất, hay trong ngôn từ phải dừng diễn xuất ngay.

Tiếng trống chầu nhắc nhở khán giả chú ý theo dõi, thưởng thức mỗi câu hát hay hoặc những đoạn diễn xuất giỏi của diễn viên. Đồng hành với người cầm chầu là sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của khán giả. Nếu người đánh chầu kém, đôi lúc sẽ đánh “thọc họng”, tức là đánh lấp tiếng hát của diễn viên, hay lấn át cả tiếng nhạc. Tiếng trống lúc ấy có tác dụng ngược tai hại, không những không tạo được cảm hứng cho kép đàn đào hát mà lại “bịt miệng” diễn viên. Chắc hẳn, bộ phận khán giả mê tuồng, hiểu tuồng sẽ ồ lên chê bai, la ó, phản đối, thậm chí truất quyền cầm chầu. Thế nên, mới có giai thoại về một anh khán giả khó tính, tiếu lâm, sau tiếng chầu sai làm “tắc khẩu” diễn viên, bực quá anh ta liền chạy lên sân khấu, cầm ống loa nhạo đùa 2 câu rằng: Tổ cha con quạ đen đầu/ lâu lâu nó mổ da trâu cái “ thùng”!

3.

Cầm chầu do vậy là một nghệ thuật cao khiến nhiều người đam mê. Sử sách còn ghi lại, tả quân Lê Văn Duyệt thời làm Tổng trấn Gia Định được biết là người “cầm chầu” thuần thục, nghiêm khắc, công minh. Thuở đó, Lê Văn Duyệt thường cầm chầu với một cái trống lịnh, gọi là “Cổ lịnh”. Hình ảnh một ông quan võ mê hát bộ, tay trái ông cầm trống, tay phải cầm dùi, ngồi trên bộ ván gỗ, xếp hai chân qua một bên theo bộ con cọp một cách uy nghi. Ông theo dõi hát bội từ câu nói, câu hát đến điệu bộ, đến cả đám đông khán giả, xem cách họ xem, họ cảm nhận có trùng khớp với tiếng chầu đánh giá của mình hay không. Hát hay thì ông đánh “thùng… thùng” để khen thưởng; hát sai, hát cương thì ông gõ dùi trống vào thành phát ra âm thanh “cắc… cắc” ý khiển trách.

Ở đất Bình Định, ngày trước có nhà nho tên là Nguyễn Dật. Ông có một bài thơ nói về cái sự mê cầm chầu nghe thiệt ngộ và dí dỏm: Ông cha thuở trước tội gì đâu/ Con cháu sanh ra muốn đánh chầu/ Nghỉnh mặt lì lì ngồi phản ngựa/ Huơ tay lia lịa đập da trâu. Ông cha ngày trước vốn chẳng “ăn mặn”, chẳng ác đức mà con cháu đời sau phải “khát nước”, phải trả bằng cái nợ cầm chầu “làm dâu thiên hạ”. Tuy có vẻ ca thán vậy, nhưng xem ra bài thơ phảng phất cái lấp lánh, tự hào của người được cầm chầu và biết cầm chầu lắm!

Những người yêu hát bộ chắc không quên hình ảnh cựu Chủ tịch tỉnh Tô Đình Cơ, người cầm chầu quen thuộc trong những đêm sân khấu Đào Tấn sáng đèn. Có thể nói ông Tô Đình Cơ là vị Chủ tịch tỉnh hiểu tuồng và yêu tuồng hiếm có. Ông có công phục hồi sự nghiệp tuồng và thành lập Nhà hát Tuồng Đào Tấn cũng như xây dựng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Sau khi nghỉ hưu, ông được lãnh đạo tỉnh trao cho trọng trách là Chủ tịch Hội bảo trợ Tuồng và Dân ca tỉnh. Hình ảnh vị Chủ tịch UBND tỉnh ngồi cầm chầu suốt đêm diễn tuồng, đánh rất điệu nghệ, rất bài bản, lúc khoan, lúc nhặt, lúc rộn ràng thôi thúc còn in đậm trong lòng thế hệ yêu tuồng khi ấy.

Tiếng trống chầu trên sân khấu hát bội chính là tín hiệu về sự tham gia trực tiếp của công chúng nghệ thuật để định giá nghệ thuật. Vậy mà giờ đây nó lại ngày càng xa lạ với khán giả hát bội. Có một thực tế, người am hiểu tuồng giờ chẳng còn nhiều, và người biết cầm chầu giờ đã rơi rụng thành ra khan hiếm.

Khi những đêm hát bội ngày càng thưa vắng với khán giả thì sự im ắng của tiếng trống chầu cũng là điều dễ hiểu.

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ghi nhận từ một ngày giỗ Tổ  (06/07/2009)
Thực trạng đáng lo ngại  (06/07/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/07/2009)
Nhớ mãi lời Bác dạy  (04/06/2009)
Đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo TTATGT  (04/06/2009)
Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”  (04/06/2009)
Bài học từ lẽ sống của Người  (04/06/2009)
Đình làng  (04/06/2009)
Kết quả bước đầu và những tồn tại cần khắc phục  (04/06/2009)
Hội chứng… siêu nhân  (04/06/2009)
“Xì trét” vì… công việc  (04/06/2009)
Dịch vụ 3G khách hàng lợi gì?  (04/06/2009)
Thơ  (04/06/2009)
Chùm truyện mini của Nguyễn Văn Trang  (04/06/2009)
Gieo chữ ở vùng cao  (04/06/2009)