CÁC ĐOÀN NGHỆ THUẬT CHUYÊN NGHIỆP BÌNH ĐỊNH:
Cần thêm những nỗ lực đổi mới
17:56', 6/7/ 2009 (GMT+7)

Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định là những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đã có thương hiệu trong làng sân khấu truyền thống cả nước. Nhưng vài năm gần đây, việc gìn giữ và phát triển có dấu hiệu bị chững lại.

 

Vở diễn “Thời con gái đã xa” đã gây được ấn tượng qua cách dàn dựng mới.

 

Trong những năm gần đây, việc thiếu hụt kịch bản mới có chất lượng đã khiến các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bình Định phải cậy nhờ vào những vở diễn cũ. Trong kế hoạch dựng vở hằng năm, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã phục dựng lại hàng loạt vở cũ như Thoại Khanh – Châu Tuấn (phục dựng năm 2006), Người tử tù mất tích (2007), Đồng tiền Vạn Lịch và Vụ án sau 20 năm (2008), Thời con gái đã xa và Cuộc đời tôi (2009). Đây là những vở đã được công diễn từ rất lâu, có vở đã được dựng từ hơn 20 năm trước. Mặc dù đã được dựng lại theo hướng đổi mới và nâng cao hơn, nhưng không tránh khỏi sự cũ kỹ về mặt đề tài.

Khách quan mà nói, trong những vở diễn nêu trên của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, chỉ có vở Thời con gái đã xa là ít nhiều gây ấn tượng mới lạ nhờ đan xen các màn múa đương đại góp phần chuyển tải nội dung vở diễn. Hay Cuộc đời tôi là một vở diễn tốt, đáp ứng được yêu cầu “cười mà cay”, qua đó chuyển tải một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc những bi kịch luôn mang tính thời sự của xã hội hiện đại. Còn lại những vở diễn khác cuốn hút phần lớn nhờ vào diễn xuất của diễn viên, chứ không phải từ nội dung hấp dẫn mới lạ.

Tương tự, tình hình dựng vở mới hằng năm của Nhà hát Tuồng Đào Tấn cũng không khá hơn gì, chủ yếu cũng là dồn sức vào việc phục dựng theo hướng hoàn thiện, nâng cao hơn các vở tuồng cổ, dân gian như Diễn võ đình, Ngũ hổ bình Liêu, Phạm Công- Cúc Hoa hay vở lịch sử như Tây Sơn tụ nghĩa... nên không có nhiều sự mới lạ, và chất lượng nghệ thuật của những vở phục dựng này đến đâu cũng cần được giới chuyên môn đánh giá kỹ lưỡng.

Đến đây lại nhớ ý kiến của  nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, ông cho rằng - đừng có lo khán giả quay lưng với nghệ thuật tuồng. Điều đáng lo là cứ phục dựng vở cũ mãi, trong khi không dàn dựng được các vở mới có phong cách và chất lượng cao, thì rất khó bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng một cách hiệu quả.  

Không có vở diễn có đề tài mới, chất lượng các vở diễn phục dựng lại không có nhiều vượt trội. Nên cũng dễ hiểu khi các vở diễn của hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Bình Định trong những năm gần đây đều “ở xa” những giải thưởng sân khấu quốc gia. Cụ thể trong năm 2008 vừa qua, các đoàn nghệ thuật truyền thống ở các địa phương khác đều có vở diễn đạt giải cao của Hội NSSK Việt Nam như  “Lời người - lời của nước non” của Nhà hát Dân ca Nghệ An (giải B), “Tử hình không án trạng” của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM (giải B). Trong khi Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã có “thương hiệu” trong làng sân khấu truyền thống Việt Nam, nhưng lại không có được giải thưởng nào.

Việc cần đổi mới nữa ở hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bình Định chính là lực lượng diễn viên. Đối với Nhà hát Tuồng Đào Tấn, lực lượng diễn viên gạo cội đã bắt đầu “xế chiều”, trong khi lực lượng diễn viên trẻ vừa hiếm vừa còn rất non nớt. Đã đến lúc cần phải thực sự “báo động” để có những biện pháp cấp bách, hiệu quả trong công tác đào tạo đội ngũ kế cận. Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định hiện đang gầy dựng được lứa diễn viên trẻ rất có triển vọng. Nhưng không nên để diễn viên trẻ chỉ diễn xuất theo “lối cũ”, trong những vở diễn mà thế hệ nghệ sĩ đi trước đã thành danh. Cần có những vở diễn mới mang tính thử thách cao, để tạo điều kiện thuận lợi cho diễn viên trẻ trưởng thành hơn trong sáng tạo nghệ thuật. .

Trong tương lai, Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định phải bắt đầu hoạt động theo phương thức xã hội hóa theo đề án đã đề ra của UBND tỉnh. Nên ngay từ lúc này, cần phải đổi mới từng bước trong việc chinh phục rộng rãi các đối tượng khán giả. Việc hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đóng trên địa bàn TP Quy Nhơn, lại dàn dựng các vở diễn để phục vụ chủ yếu cho đối tượng khán giả ở các huyện trong và ngoài tỉnh. Đây quả thật là vấn đềâ rất đáng suy ngẫm. Bởi nghệ thuật chuyên nghiệp “xa rời” môi trường nó cần phải phát triển, liệu có còn là nghệ thuật chuyên nghiệp ?

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếng trống chầu trong những đêm hát bội  (06/07/2009)
Ghi nhận từ một ngày giỗ Tổ  (06/07/2009)
Thực trạng đáng lo ngại  (06/07/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/07/2009)
Nhớ mãi lời Bác dạy  (04/06/2009)
Đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo TTATGT  (04/06/2009)
Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”  (04/06/2009)
Bài học từ lẽ sống của Người  (04/06/2009)
Đình làng  (04/06/2009)
Kết quả bước đầu và những tồn tại cần khắc phục  (04/06/2009)
Hội chứng… siêu nhân  (04/06/2009)
“Xì trét” vì… công việc  (04/06/2009)
Dịch vụ 3G khách hàng lợi gì?  (04/06/2009)
Thơ  (04/06/2009)
Chùm truyện mini của Nguyễn Văn Trang  (04/06/2009)