Bảo tàng Bình Định hiện đang trưng bày một chiếc áo quan văn mang số đăng ký 255/V28 . Chiếc áo này được sưu tầm tại gia đình - dòng họ của ông Võ Kỳ Công ở xã Bình Hiệp - huyện Tây Sơn.
|
Chiếc áo quan văn triều Nguyễn - thế kỷ XIX - trưng bày tại Bảo tàng Bình Định.
|
Khi sưu tầm, chiếc áo được cất trong một chiếc tráp bằng gỗ lim cùng với một chiếc “mũ cánh chuồn” nhưng phần “cánh chuồn” đã bị mất, chỉ còn cốt mũ bằng gỗ và vải bao cốt mũ màu đen. Chiếc áo được may từ chất liệu lụa tơ tằm, có kích thước 1,5m x 1,4m, phần trên nhỏ, phần dưới xòe ra như chiếc quạt. Vạt trước và vạt sau nối với nhau bởi 2 đường chỉ hông; áo xả hông đến thắt lưng. Áo được may 2 lớp, lớp trong vải may mỏng hơn lớp ngoài, lớp trong vải lót màu đỏ, lớp ngoài vải màu xanh lục. Hai ống tay áo dài và rộng, cổ áo may tròn kiểu cổ trụ; cúc cài áo phía bên phải; trước ngực áo có một miếng mãng bào hình chữ nhật thêu hình con chim hạc đang bay trong mây. Chiếc áo được lưu truyền qua nhiều đời, người giữ chiếc áo là dòng họ nhưng không biết chủ nhân của chiếc áo là vị quan nào. Qua tìm hiểu sắc phục quan lại thời phong kiến, chúng tôi cho rằng đây là chiếc áo thuộc loại trang phục đại triều của quan văn triều Nguyễn - thế kỷ XIX.
Vương triều Nguyễn tồn tại trong vòng 143 năm (1802 - 1945), cai trị đất nước theo tư tưởng Nho giáo chính thống. Do vậy, trang phục cung đình là một bộ phận quan trọng, không chỉ được quy định theo chức năng, quan ban (quan ban Văn và quan ban Võ) mà còn theo phẩm hàm, chức tước.
Cũng như trang phục của đế và hậu, trang phục của các quan bao gồm mũ, áo, đai, xiêm và hia... được phân loại: trang phục đại triều, trang phục thường triều, trang phục tế, lễ.... Bài viết này chỉ đi sâu tìm hiểu trang phục đại triều của các quan văn, võ dưới triều Nguyễn
Lễ đại triều của triều Nguyễn là một lễ quan trọng, diễn ra tại sân chầu điện Thái Hòa vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch hàng tháng từ khi Gia Long lên ngôi. Các quan chức chính dưới triều Nguyễn được chia làm hai ban: ban Văn và ban Võ; mỗi ban được chia làm 9 hàm: từ nhất phẩm đến cửu phẩm, mỗi hàm lại được chia làm 2 bậc: chánh phẩm và tòng phẩm.
Một trong những chi tiết đầu tiên để phân biệt quan ban Văn và quan ban Võ là chiếc mũ. Quan văn từ hàm nhất phẩm đến chánh thất phẩm dùng kiểu mũ phốc đầu tròn (mũ cánh chuồn), trong khi đó mũ của quan võ ở phẩm cấp này lại là kiểu mũ phốc đầu vuông. Về mặt trang trí mũ của quan văn lẫn quan võ đều được trang trí quả cầu, bông hoa, rồng vờn ngọc. Tuy nhiên, cách thức trang trí này lại chịu sự quy định chặt chẽ theo bậc hàm của phẩm trật quan chế. Ví dụ, mũ của quan văn, võ từ hàm trên nhất phẩm đến chánh nhất phẩm được trang trí cầu vàng, hai cái hất hàm cao 6 phân, dưới ngạch thân mũ cũng được làm bằng vàng, mặt trước và sau đều có một hoa bằng vàng, viền mũ cũng bằng vàng, mặt trước của mũ có đính hai con rồng vờn ngọc châu... Trong khi đó, mũ của quan văn, võ bậc tòng của hàm nhất phẩm tuy cũng được trang trí tương tự nhưng cặp hất hàm chỉ cao 5 phân. Đối với mũ quan văn, võ từ bậc chánh của hàm nhị phẩm đến tòng tam phẩm lại không có hai cái hất hàm; hay mũ của quan bậc chánh hàm tứ phẩm xuống tòng ngũ phẩm được trang trí hoa vàng, hai cánh viền bọc vàng nhưng không được chạm nổi và quả cầu là phải bằng bạc. Mũ của quan hàm ngũ phẩm đều được trang trí bằng bạc nhưng mũ của quan văn, võ làm lục phẩm, chỉ có cánh viền bọc bạc, hoa bạc mà không có cầu bạc. Mũ của quan văn chánh thất phẩm trước và sau có bông hoa bạc nhưng không viền bạc hai bên...
|
Chiếc tráp bằng gỗ lim, đựng áo quan triều Nguyễn - thế kỷ XIX.
|
Sau mũ là áo. Áo của quan văn, võ đều có cổ tròn; sự khác nhau được quy định ở màu sắc. Áo của quan trên hàm nhất phẩm là màu tía, hàm nhất phẩm đều dùng màu xanh, lục, lam đen; từ bậc chánh hàm tứ phẩm đến bậc tòng hàm ngũ phẩm đều mặc áo sa đoạn với các màu xanh, lục, lam đen... tùy theo cách dùng. Sự khác nhau trong quan phục dưới triều Nguyễn còn được thể hiện trên đề tài trang trí. Áo của quan văn, võ từ hàm nhất phẩm đến hàm tam phẩm đều trang trí mãng bào. Nhưng áo quan hàm tứ phẩm xuống ngũ phẩm chỉ được thêu mây và chim nhạn đối với áo quan văn và thêu hình con báo vằn màu đỏ đối với quan võ. Áo quan văn hàm lục phẩm thêu chim nhạn trắng, áo quan võ thêu con gấu màu đỏ. Trang trí trên áo của quan văn chánh thất phẩm thêu con cò trên nền màu đỏ. Niên hiệu Tự Đức thứ 8 (1855), nhà vua còn quy định chặt chẽ về chất liệu dùng để may quan phục văn, võ.
Ngoài mũ, áo, quan phục còn có đai. Đai của quan văn, võ từ trên nhất phẩm và chánh phẩm đều được làm bằng vàng có chạm hình con mãng xà 4 móng ở phía trước, phía sau chạm hình tiên hạc đối với đai quan văn và hình kỳ lân đối với đai quan võ. Đai của quan văn, võ từ bậc tòng hàm nhất phẩm đến bậc tòng hàm nhị phẩm không chạm mãng xà mà chỉ chạm hoa lá, kỳ lân đối với đai quan võ và chạm tiên hạc đối với đai quan văn. Đai của quan văn, võ hàm tam phẩm đều làm bằng vàng nhưng lại không khắc chạm. Đai của quan văn, võ hàm tứ phẩm được làm bằng đồi mồi, hai bên được bọc vàng, phía sau bọc bạc. Đai của quan văn, võ hàm ngũ phẩm làm bằng đồi mồi bọc bạc; đai của quan văn, võ hàm lục phẩm thì có 3 miếng đồi mồi ở phía trước, hai bên và sau làm bằng sừng đen nhưng được bọc bạc. Đai của quan văn, võ hàm thất phẩm thì làm hoàn toàn bằng sừng đen, bọc bạc...
Xiêm là loại trang phục mặc ở dưới áo để che quần đằng trước. Xiêm của quan trên nhất phẩm xuống hàm nhất phẩm thêu tiên hạc lẫn hoa sắc đỏ đối với quan văn và thêu kỳ lân đối với quan võ. Hàm nhị phẩm, xiêm quan văn thêu tiên hạc nhưng xiêm quan võ thêu nghê lẫn hoa đỏ. Xiêm của quan văn hàm tam phẩm văn thêu cẩm kê, xiêm quan võ thêu sư tử lẫn hoa màu đỏ. Xiêm của quan hàm tứ phẩm may bằng sa đoạn màu xanh, màu lục... đều được viền gấm, xiêm quan văn thêu mây và chim nhạn, quan võ thêu hình con báo vằn. Xiêm quan hàm lục phẩm được làm bằng sa đoạn, màu thì tùy ý, được viền gấm, nếu quan văn thì hai bên thêu hoa màu đỏ và chim nhạn trắng, quan võ thì thêu con gấu. Xiêm của quan hàm thất phẩm được làm bằng sa đoạn, màu xanh hoặc lục, hai bên có thêu hoa tròn màu đỏ, xiêm quan văn thêu cò, viền lụa màu.
Cuối cùng là hia: hia của quan văn, võ từ trên nhất phẩm xuống chánh nhất phẩm đều theo quy định đầu vuông, màu đen; từ tòng nhất phẩm đều dùng theo kiểu thường. Bít tất được làm bằng sợi tơ và viền gấm...
Mũ, áo, đai, xiêm, hia là triều phục mà triều đình nhà Nguyễn ban cho các quan văn, võ, được may theo quy định của phẩm hàm. Qua đối chiếu nghiên cứu thì chiếc áo đang trưng bày tại Bảo tàng Bình Định là của một vị quan văn hàm tứ phẩm; phần đai, xiêm, hia hiện nay không còn. Đây là một trong những trang phục đại triều của các quan dưới triều Nguyễn, là một bộ phận của trang phục cung đình Việt Nam. Chiếc áo rất có giá trị về vật thể và phi vật thể. Hiện vật này đã được đăng ký là bảo vật quốc gia vào năm 2005.
|