Ngàn dặm xa
8:32', 7/7/ 2009 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Lưu Cẩm Vân

Chúng tôi ngồi bên một cái bàn nhỏ đặt cạnh hai gốc dương sát nhau. Trên cao là trời xanh lồng lộng và phía trước là mặt biển cũng xanh như thế lấp lánh ánh nắng vàng. Bây giờ là giữa buổi sáng, chúng tôi vừa vượt qua một đoạn đường khá dài để đến đây. Lần đầu tiên sau 30 năm tôi mới quyết định cùng anh đi một chuyến ra khỏi cái thị xã nhỏ bé nằm trên núi cao. Ở đó có những con đường ngắn mới được trải nhựa sạch sẽ, rộng rãi nhưng quanh quẩn qua lại rồi cũng hướng về dãy núi vạm vỡ gần như bao quanh thị xã, nhiều năm rồi ở đó ít có thay đổi, những buổi sáng và những chiều chạng vạng đều giống nhau bởi lớp sương mù lãng đãng như sữa. Thoạt đầu tôi không chịu được cái lạnh buốt gay gắt khi đêm về nhưng lúc đã quen với phố núi thì tôi dần quên hơi gió nồng nàn của biển.

Giờ đây ngồi giữa lồng lộng biển khơi tôi lại nhận ra rằng tôi không hề quên điều gì. Biển và cát và cả những ký ức buồn bã ngày xưa bỗng nhiên xô dạt đến, ồ ạt và mạnh mẽ làm nhói cả tim tôi. Tôi bồi hồi nhặt những trái dương nhỏ, đã khô nằm đầy trên cát, tôi nói với anh: “Biển quê em đẹp đẽ và sạch hơn nhiều”. Anh cả cười, quơ tay một vòng: “Em sai rồi, cứ nhìn lại xem”. Ngoài kia, mặt biển vẽ thành một vòng cung xanh biếc rất đẹp, lẫn trong những rừng dương và cả những ngọn dừa đang lả lơi trong gió là hàng hàng những mái ngói màu xanh, màu đỏ của những khu resort sang trọng. Không ai để ý đến bãi cát bên này với những hàng quán nghèo nàn, những đứa bé đen nhẻm đang bám theo du khách với những rổ đậu phụng khô quắt. Tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình: “Biển quê em đẹp hơn, từ ngày xưa đã như thế!”.

- Còn bây giờ?

Tôi không trả lời mà nhìn ra khơi xa, chỉ thấy trùng trùng sóng nước, mắt tôi không vấp phải những hòn đảo lớn nhỏ như biển quê nhà. Bây giờ ư? Lâu lắm tôi không trở về, làm theo anh cách đây 30 năm như là một cuộc đào thoát mà những năm tháng sau này lòng tôi vẫn đau nhói lên mỗi khi nhớ về nơi mình đã bỏ lại.

Anh xếp mấy đĩa thức ăn phục vụ vừa đặt lên bàn, so đũa, lau chén cho tôi. Mấy mươi năm nay anh vẫn như thế, chu đáo trong mọi thứ đủ để tôi tin cậy dựa dẫm vào anh. Anh nói: Mai mình về ngoài đó đi. Về rồi em sẽ thấy không có gì ghê gớm lắm đâu. Tôi khều một con ốc, chấm vào chén nước mắm gừng rồi bỏ vào miệng. Thịt ốc dai dai quyện với vị mặn mặn ngọt ngọt, cay cay của ớt và gừng, thơm đậm đà, chỉ hơi the the ở đầu lưỡi mà sao nước mắt cứ muốn ứa ra.

- Có còn ai ở đó đâu mà về?

- Vậy sao em cứ đau đáu mà nhớ rồi đau lòng. Em à, can đảm một chút nữa.

Tôi đã từng rất can đảm, ngày xưa khi quyết định ra đi cùng anh, tôi đã từng hùng hồn thề với lòng mình nhất định không bao giờ tôi trở lại nơi đó. Sau này tôi mới hiểu điều ấy chỉ có nghĩa là tôi không bao giờ tha thứ cho cha tôi chứ còn thành phố biển hiền hòa ấy nào có tội lỗi gì đâu… Tôi mất mẹ năm mới 12 tuổi. Mẹ tôi ra đi khi còn rất trẻ, bỏ lại ba chị em chúng tôi bơ vơ, chưa hiểu được hết nỗi bất hạnh của mình. Vài năm sau đó, ba tôi đi bước nữa. Không biết vì ba cũng chỉ là người đàn ông còn trẻ không chịu được cô đơn, không chăm nom nổi ba đứa trẻ còn quá đỗi dại khờ hay là ba tôi xiêu lòng trước một tấm nhan sắc mà nhanh chóng quên mẹ tôi! Người vợ sau này của ba tôi là người phụ nữ đẹp sắc sảo, đài các và sang trọng. Về nhà tôi không lâu bà đã thay đổi được tất cả, xóa bỏ bóng dáng mẹ tôi trong từng ngóc ngách của ngôi nhà. Mẹ tôi chỉ còn là tấm ảnh nhỏ buồn ngơ ngác trên bức tường trắng cô quạnh của căn phòng đọc sách mà lâu rồi hình như ba tôi không còn ra vào nơi ấy nữa. Tôi bắt đầu ý thức được từ “mẹ ghẻ” khi mấy đứa em sau này ra đời. Với ba tôi, bà ta vẫn là người thay thế tuyệt vời của mẹ tôi để săn sóc, lo toan cho ba đứa con mồ côi. Khi chỉ có một mình bà với mấy chị em thì bà ta đúng là bà mẹ ghẻ của công chúa Bạch Tuyết. Có lúc tôi nghĩ, chị em chúng tôi giống như Nghi Xuân, Tấn Lực trong chuyện “Phạm Công” những lúc trông thấy thằng em út của mình thèm thuồng nhìn đứa em cùng cha khác mẹ chơi đùa với những món đồ chơi đắt tiền hay phải nhường nhịn dù bị ức hiếp, tôi đau khổ vô cùng. Thương cha, chị em chúng tôi phải vờ vui vẻ, vờ sung sướng, giả vờ đang hạnh phúc. Bạn bè tôi ít ai biết được người nào thực có uy quyền trong gia đình tôi. Tình thương đối với cha dường như cũng mai một ít nhiều trong lòng chị em chúng tôi.

Tôi dịch chiếc ghế về phía bóng mát đã thu hẹp lại vì mặt trời lúc này đã ở trên đầu những ngọn dương. Bãi biển cũng đã thưa người rất nhiều. Thật ra cũng chỉ một ít người như chúng tôi đến đây vì tò mò, vì nghe người ta đồn về một bãi biển rất đẹp, nhưng đến nơi rồi tôi lại thất vọng. Cũng những hàng dương và bãi cát trắng ngà, cũng màu biển xanh và những đợt sóng đuổi nhau khoan thai, từ tốn. Nhưng vẫn thiếu một cái gì đó khiến cho tôi nhìn nơi này mà lòng nghĩ về nơi khác. Biển quê tôi như một nàng thiếu nữ tự biết mình có nhan sắc, biết làm đỏm một chút để nổi bật lên, đẹp vừa phải và duyên dáng khiến giờ nghe nói biển quê tôi còn lộng lẫy hơn, người thiếu nữ năm xưa đã lớn lên nhiều lắm.

Nhiều lần nghe khiến cho tôi cứ thắc thỏm một lần trở về nhưng mỗi lần như thế tự nhiên tôi lại nhớ: Một đêm cuối tháng nào đó, sau nhà tôi tối đen, hình như cái bóng đèn ngoài cổng bị hư mà ba chưa sửa. Trời không có trăng nên sân nhà không có bóng lung lay của nhiều bông hoa hoàng anh đang nở vàng rực. Chúng tôi ngồi trên bậc thềm, trong bóng tối đẫm mùi hoa nguyệt quế nồng nàn. Ba tôi nói rằng ông cần bán căn nhà để có tiền lo cho tương lai của những đứa em. Rằng, ông già rồi không thể làm ra nhiều tiền, rằng chúng tôi cũng đã lớn khôn, cũng phải biết chia sẻ với cha mẹ. Nghĩa là đã đến lúc chúng tôi phải biết tự đứng trên đôi chân của mình. Ba nói nhiều lắm nhưng tôi chỉ nhớ một điều là chúng tôi sẽ phải rời bỏ ngôi nhà, rời bỏ nơi thương yêu nhất đầy ắp những kỷ niệm của người mẹ quá cố. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày như thế. Tôi không nói được một lời vì biết rằng tính ba tôi từ xưa nay không thích con cái cãi lại mình.

Tôi đã khóc ngất trên vai anh, người chồng bây giờ của tôi, giây phút ấy chỉ có anh là người có thể chia sẻ với tôi mọi điều. Nhưng gánh nặng trên vai anh nặng gấp nhiều lần, sau cái đám cưới đơn sơ vội vã, tôi cùng hai đứa em chưa qua hết tuổi thơ theo anh. Ba tôi đã bán xong ngôi nhà và cùng vợ con sau của ông ra nước ngoài. Tôi đứng trước ngôi nhà cũ, lòng đầy căm giận sự vô tình, vô nghĩa của ba. Tôi không còn nước mắt để khóc, lòng cứ phải khăng khăng trấn an mình rằng ngôi nhà cũng chỉ là một đồ vật, quan trọng là hình ảnh của mẹ sẽ mãi theo tôi. Thế nào thì cũng phải sống. Tôi chỉ có mẹ trong cái ký ức buồn bã của mình để mang theo cùng với lời thề không bao giờ tôi trở lại. Không bao giờ tôi gặp lại ba. Không bao giờ nữa.

- Em lại nghĩ đến chuyện ngày xưa rồi phải không? Chuyện cũ quá rồi em, chúng ta cũng đã già, cứ mở lòng mình ra em sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Ngày mai anh đưa em về ngoài đó, bạn bè cũng còn dăm người, gặp mình chắc bọn họ vui lắm.

Tôi cười với anh, nụ cười gượng chắc là méo mó nên anh trêu: “Em cười còn tệ hơn là khóc”. Tôi bóp nhẹ cái lon không trong tay, anh không biết là tôi yêu anh như thế nào. Ngày ấy nếu không có anh tôi không biết xoay xở làm sao để nuôi em. Lúc ra khỏi nhà, tôi tự ái không lấy một đồng tiền nào của ba. Sau này có lúc nghĩ lại tôi biết mình dại khờ, nếu lỡ có điều không may nào thì thiệt thòi cho hai đứa em biết bao. Cũng may chồng tôi là người đàn ông tuyệt vời, anh nói: “Các em cố gắng chịu khó một chút sẽ qua hết thôi”.

Chúng tôi đến một nông trường mới mở, cách phố núi khá xa. Đứng giữa bạt ngàn rừng cỏ hoang sơ tôi không tưởng tượng được mình sẽ bắt đầu như thế nào. Nhưng hai đứa em khiến tôi không có quyền tỏ ra nản chí. Anh dạy cho tôi đủ thứ, cuốc đất trồng khoai, cả nuôi cá, nuôi heo. Mồ hôi đổ xuống trộn lẫn với nước mắt mặn chát. Lâu rồi cũng quen, đôi tay mềm mại hóa chai sần, lòng cũng chai theo. Tôi không nghĩ đến thời gian trôi qua, cứ cùng anh cặm cụi làm việc cho hai em ăn học. Trong tận cùng đáy lòng tôi vẫn đau đáu một sự trả thù, tôi sẽ nuôi dạy hai em đàng hoàng để trả thù sự bạc ác của cha. Rồi tôi cũng có đủ thứ, nhà cửa, đất đai, những đứa con ngoan. May mắn là hai đứa em tôi không phụ lòng anh chị, chúng cũng lớn khôn và có gia đình hạnh phúc.

Gần đây, mấy người bà con ở quê cũ, không biết nhờ đâu mà biết địa chỉ của tôi, họ nhắn tin là ba tôi về và đi tìm chị em tôi. Mấy lần như thế nhưng tôi làm ngơ, tôi không thể nào đối diện với chuyện cũ mà không đau lòng. Chồng tôi hiểu vợ nên anh chỉ nói xa gần cho tôi quên chuyện cũ. Tháng trước, tôi cưới vợ cho thằng con đầu lòng. Khi nhận ly rượu từ tay đứa con dâu tôi mới thấy quả thật mình đã già. Tôi còn già thì chắc ba tôi cũng đã già nhiều lắm. Tôi mất ngủ mấy đêm liền, chuyện cũ mới cứ trộn lẫn vào nhau, đau khổ và hạnh phúc, tôi nghĩ tới mọi thứ với đầy hờn tủi.

Chồng tôi nói rằng, khi tuổi già đến người ta thường hay nghĩ về quá khứ, ai cũng muốn tìm lại những điều đã qua vì cảm thấy mất mát quá nhiều. Lòng tôi cũng đang xốn xang như thế, qua mấy đêm thức trắng điểm lại cuộc đời mình, tôi cũng ngạc nhiên khi thấy trong lòng tịnh không còn sự thù ghét giận hờn. Có điều tôi lại sợ, tôi bỏ đi lâu rồi bây giờ trở về liệu không may những điều gặp lại không như ý mình tôi sẽ làm sao!

Nắng trưa nhảy nhót trên mặt bàn vì mấy ngọn dương thưa không đủ che bóng mát. Anh nâng ly cụng vào chiếc ly của tôi, đá đã tan nên bia nhạt thếch, dù vậy lòng tôi lại bâng khuâng khi anh cười.

- Uống cạn ly đi em, rồi về. Ngày mai chúng ta đi tiếp về biển của em, nhé?

Tôi uống cạn ly như uống đến tận cùng những điều cay đắng để rồi trải lòng mình ra. Ngày mai tôi sẽ theo anh về quê cũ, ở đó tôi sẽ gặp lại bạn bè để ôn lại những kỷ niệm ngọt ngào với biển. Tôi sẽ theo anh về con đường cũ xem thử sau bao nhiêu năm ngôi nhà xưa có còn ở đó với giàn hoa hoàng anh ở đâu đó, chắc mẹ tôi sẽ vui khi tôi bắt đầu đi tìm tin tức về cha.

Đường về nhà còn xa ngút mắt nhưng tôi vẫn an tâm vì bên cạnh tôi, anh vẫn là người bạn đồng hành trên cả tuyệt vời.

  • L.C.V
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xử lý nghiêm việc chống người thi hành công vụ  (06/07/2009)
Từ chiếc áo quan văn trưng bày tại Bảo tàng Bình Định  (06/07/2009)
Cần thêm những nỗ lực đổi mới  (06/07/2009)
Tiếng trống chầu trong những đêm hát bội  (06/07/2009)
Ghi nhận từ một ngày giỗ Tổ  (06/07/2009)
Thực trạng đáng lo ngại  (06/07/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/07/2009)
Nhớ mãi lời Bác dạy  (04/06/2009)
Đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo TTATGT  (04/06/2009)
Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”  (04/06/2009)
Bài học từ lẽ sống của Người  (04/06/2009)
Đình làng  (04/06/2009)
Kết quả bước đầu và những tồn tại cần khắc phục  (04/06/2009)
Hội chứng… siêu nhân  (04/06/2009)
“Xì trét” vì… công việc  (04/06/2009)