Với việc đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục, nhận thức của người dân trong chăm sóc trẻ và bà mẹ mang thai đã có nhiều chuyển biến, góp phần hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở các xã miền núi.
|
Mẹ con, đồng bào dân tộc thiểu số xã Ân Sơn (Hoài Ân). Ảnh: Trang Xuân Chi
|
* Tăng cường tuyên truyền, vận động
Với nỗ lực tuyên truyền, giáo dục của đội ngũ nhân viên y tế, những năm qua, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở các xã miền núi đã được cải thiện đáng kể. Với xã miền núi cao An Dũng (An Lão), dù tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em hiện vẫn còn cao 37,5% nhưng đã có chuyển biến tích cực so với năm 2007 là 38,24%. Để có được thành công này, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các Trạm Y tế.
Tại xã Bình Nghi (Tây Sơn), năm 2007, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em chiếm 20,1% thì đến năm 2008 đã giảm còn 19,2%. Còn với xã Tây An, suy dinh dưỡng ở trẻ em năm 2007 là 430 cháu, chiếm 17,3% thì đến nay cũng chỉ còn 392 trẻ, chiếm 16,14%.
Chị Thảo ở thôn 3, xã Bình Nghi, cho biết: “Cháu bé nhà tôi đã được 6 tháng tuổi nhưng tôi chỉ cho cháu bú sữa mẹ vì sữa mẹ tốt cho bé trong những tháng đầu”. Những năm qua, Trạm Y tế Bình Nghi tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ có con dưới hai tuổi và bà mẹ có thai. Chị Bùi Thị Thùy Linh, chuyên trách dinh dưỡng, cho biết: “Đời sống người dân ngày một nâng cao. Hầu hết bà con trong xã đều làm gạch ngói và trồng dưa hấu, thu nhập ổn định đã giúp cho người dân có điều kiện quan tâm chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng của trẻ. Do vậy, tình hình suy dinh dưỡng ở trẻ em đã có những bước chuyển biến rõ rệt”.
Từ ngày có Chương trình dinh dưỡng, trạm đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hành dinh dưỡng cho tất cả các bà mẹ có con dưới hai tuổi; nói chuyện chuyên đề hàng tháng. Nhờ đó, tình trạng bà mẹ sau sinh ăn uống kiêng khem hay cho trẻ ăn dặm sớm không còn. Tình trạng bà mẹ bị suy dinh dưỡng trong quá trình mang thai cũng giảm đáng kể. Hàng tháng, trạm còn tổ chức cân trẻ dưới hai bốn tháng và tiêm chủng, uống vitamin A.
Còn xã Tây An có 7 cộng tác viên dinh dưỡng phụ trách 5 thôn. Hàng tháng, trạm đều họp y tế thôn để triển khai công việc, tổ chức tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân trong việc chăm sóc trẻ và cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu; tổ chức tư vấn trực tiếp về dinh dưỡng cho các bà mẹ mang thai và có con nhỏ.
* Còn nhiều khó khăn
Dù tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở các huyện miền núi đã được cải thiện đáng kể. Song, thực tế tỷ lệ này vẫn còn cao. Điển hình như xã An Dũng, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em chỉ giảm được 0,2% đến 0,3%. Chị Đinh Thị Ngút, Trưởng trạm Y tế xã An Dũng, phân tích: “Ý thức bà mẹ trong chăm sóc và nuôi con nhỏ đã thay đổi, nhưng chưa thật sự chuyển biến thành hành vi. Hiện, vẫn còn nhiều bà mẹ cho con ăn dặm sớm, thậm chí có bà mẹ còn cho trẻ ăn cơm trong mấy tháng đầu. Mặt khác, do điều kiện sản xuất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nên nhiều trẻ không được bú mẹ đầy đủ trong 6 tháng đầu tiên, dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng”.
Ngay cả Trạm Y tế xã Bình Nghi vẫn còn một số trẻ nằm trong tình trạng suy dinh dưỡng, bởi vì hầu hết các bà mẹ đều đi làm và thiếu quan tâm, khi sinh con xong họ đi làm liền nên không thể cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Mặc dù họ đều nhận thức được việc không cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ.
Chị Hoàng Thị Minh Khuê, Đội Kế hoạch hóa gia đình huyện An Lão, cũng cho rằng: “Được sự giúp đỡ của dự án phòng chống suy dinh dưỡng nên hàng năm Đội kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức hai đợt thực hành và hướng dẫn về dinh dưỡng cho các bà mẹ có thai và các bà mẹ có con nhỏ dưới 24 tháng. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục lồng ghép, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em vào hoạt động của các ban ngành đoàn thể”.
|