Nghề trồng mai thâm canh hiện nay phải gắn liền với việc dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón để đảm bảo cho sự sinh trưởng của cây mai. Thế nhưng, sử dụng thuốc BVTV và phân bón như thế nào cho hợp lý, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất, vừa bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường… là điều mà nhiều người quan tâm.
Vừa qua, ở tỉnh ta triển khai mô hình thí điểm trồng mai thâm canh sạch hơn ở một số hộ, với phương châm dùng các chế phẩm sinh học, bước đầu có dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để kiểm chứng mô hình này, chí ít chu kỳ phải diễn ra hơn một năm.
|
Vườn mai thí điểm của anh Phan Văn Sáu ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An phát triển xanh tốt bình thường trong thời gian thực hiện Chương trình SEMLA.
|
* Các làng mai phát triển: Mừng và lo
Khoảng 10 năm trở lại đây, việc hình thành các hộ gia đình trồng mai kinh doanh, với số lượng tập trung từ vài trăm đến vài nghìn chậu mai trong một vườn. Chỉ tính riêng xã Nhơn An (An Nhơn) có khoảng hơn 2.500 hộ, với gần 11 nghìn nhân khẩu thì đã có khoảng 1.500 hộ trồng mai chuyên nghiệp, chiếm khoảng 65% số hộ trong toàn xã. Trong số này, có đến 95% sống nhờ vào cây mai. Cho nên tất cả các khoảng trống quanh nhà đều trở thành vườn mai, với mật độ khá dày; thậm chí nhiều hộ tự động sử dụng ruộng lúa để canh tác cây mai. Cho dù phần lớn các hộ trồng mai xuất bán vào dịp Tết với giá còn rất thấp, bởi cạnh tranh, nhưng so với sản xuất vật nuôi, cây trồng khác thì nguồn lợi thu được lớn hơn hàng chục lần, nên hầu như ai cũng muốn phát triển thêm cây mai. Tuy nhiên diện tích đất trồng không đổi, nên mật độ cây mai tăng theo cấp số nhân.
Nhờ cây mai, nhiều hộ ở các thôn Háo Đức, Thuận Thái, Thanh Liêm … của xã Nhơn An đã trở nên giàu có, hàng năm có thể thu được hàng trăm triệu đồng. Nhưng chính vì phát triển cây mai thâm canh một cách ào ạt, đã làm ảnh hưởng đến hệ cân bằng sinh thái, dẫn đến các loại sâu bệnh phát sinh, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây mai, … buộc lòng người trồng mai phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Nhưng, do thiếu kiến thức về sử dụng thuốc BVTV, hoặc vì nguồn lợi trước mắt mà người làm vườn đã lạm dụng dư thừa các hóa chất độc hại để bảo vệ cây mai, bất chấp những hậu quả xấu đang và sẽ xảy ra. Nhiều hậu quả khó lường đang tiềm ẩn tại các vùng chuyên canh cây mai ở các địa phương trong tỉnh, như: gây ô nhiễm môi trường, tăng khả năng chống thuốc của sâu hại, tiêu diệt thiên địch, phá vỡ mối cân bằng sinh thái của ruộng vườn, gây ra sự bùng phát của nhiều loại sâu bệnh. Đặc biệt là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, gây ra các loại bệnh tật khó lường.
|
Lấn cả ruộng lúa để trồng mai.
|
* Giấc mơ trồng mai sạch: Đã “hiện thực hóa”?
Trong các loại cây cảnh, cây mai tuy có những thời điểm có sức sống bùng phát mãnh liệt (sau khi cắt cành đâm chồi và các đợt phát lộc non giữa năm), nhưng nó cũng là loại cây dễ bị tổn thương do nhiều loại sâu bệnh. Các loại sâu bệnh thường thấy ở cây mai tại Bình Định, như: sâu đục thân, sâu cuốn lá; nhện đỏ; rệp sáp; tuyến trùng rễ; bọ xít; đốm đồng tiền; bệnh thán thư; bệnh cháy lá; bệnh rỉ sắt; bệnh nấm hồng; bệnh vàng lá sinh lý… Nhưng có thể nói bọ trĩ gây hại cho cây mai nhiều lần nhất trong năm; bởi vậy người trồng phải thường xuyên bơm các loại thuốc độc hại mới diệt được bọ trĩ, bảo vệ cây mai. Người trồng mai, người tiêu thụ và cộng đồng sống tại khu vực thâm canh cây mai mơ ước một phương pháp trồng mai thâm canh sạch hơn, nhưng đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Bà Lê Thị Kim Đào- Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bình Định- cho biết mục tiêu của dự án là: “Nhằm duy trì sự phát triển bền vững của làng nghề trồng mai, hài hòa lợi ích kinh tế với việc hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người trồng mai, cộng đồng vùng chuyên canh, cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Việc xây dựng và áp dụng quy trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) dựa trên kiến thức về sinh thái học là điều hết sức cần thiết. Các nguyên tắc cơ bản của quy trình IPM là nhằm: Trồng cây khỏe, cây có sức chống chịu cao; làm giàu thiên địch, tạo điều kiện cho thiên địch phát triển; thường xuyên theo dõi, kiểm tra vùng sản xuất để có biện pháp cụ thể, kịp thời; nông dân trở thành chuyên gia đồng ruộng, chuyên gia sản xuất mai”. |
Năm 2006, triển khai Chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển về tăng cường quản lý đất đai và môi trường (SEMLA). Từ tháng 11.2008 đến tháng 6.2009, Ban quản lý chương trình SEMLA Bình Định phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bình Định triển khai mô hình ứng dụng KHKT cho 5 hộ thuộc xã Nhơn An, huyện An Nhơn thí điểm trồng 520 chậu mai thâm canh sạch hơn. Trong đó, Chương trình SEMLA Bình Định chú trọng trang bị kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc mai xuân, cách dùng phân bón, thuốc trừ sâu thuộc chế phẩm sinh học, vi sinh hoặc hóa chất ít độc hại hơn nhằm đảm bảo trong sạch môi trường, tránh tác hại sức khỏe cộng đồng nơi sản xuất và kinh doanh mai xuân. Chương trình đã hỗ trợ người sản xuất toàn bộ chi phí dùng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh cho cây mai trồng thí điểm, theo nhật ký theo dõi tình hình sử dụng thuốc BVTV.
Ngày 11.6.2009, Ban quản lý chương trình SEMLA Bình Định phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bình Định tổ chức buổi sơ kết quá trình thực hiện thí điểm 5 hộ trồng mai sạch và tập huấn mô hình trồng mai thâm canh sạch hơn cho 100 hộ trồng mai chuyên nghiệp xã Nhơn An. Các hộ trồng thí điểm mai sạch theo công nghệ sinh học đều thừa nhận: Hiện nay cây mai vẫn phát triển bình thường, gần tương đương cây mai phòng trừ sâu bệnh bằng hóa chất. Anh Phan Văn Sáu (1965), Chi hội trưởng SVC thôn Thanh Liêm, vườn có hơn 3.000 chậu mai từ 4 đến 35 năm tuổi, trồng thí điểm mai sạch 350 chậu mai 5 năm tuổi, cây mai phát triển bình thường, có cán bộ kỹ thuật của dự án mỗi tuần đến kiểm tra, tư vấn 2 lần. Anh Sáu phát biểu: “Đánh giá bây giờ quá sớm. Cây mai là cây thương phẩm nên phải hài hòa giữa năng suất, giá trị hàng hóa và bảo vệ môi trường. Mặc dù chương trình SEMLA kết thúc sớm, nhưng chúng tôi ráng theo phương pháp này cho đến cuối năm mới biết được hiệu quả hay không hiệu quả; vì đây sẽ là bài học kinh nghiệm rút ra cho bản thân mình và vì sự an toàn của cộng đồng”. Tương tự với anh Phan Văn Sáu, ông Đỗ Văn Khoa (1945) ở thôn Háo Đức, Chủ tịch Hội SVC xã Nhơn An, trồng 500 chậu trong vườn 1.500 m2, thí điểm 30 chậu. Ông Khoa nhận xét: Dùng chế phẩm sinh học và phân bón theo chỉ dẫn, thấy độ phát triển của cây mai tốt hơn, da thân cây nuột hơn, bộ rễ ít đen hơn. Chu kỳ dùng thuốc (thường là 12 đến 15 ngày) có ngắn hơn từ 3 đến 5 ngày, liều lượng dùng cần đậm đặc hơn chỉ dẫn một ít thì hiệu quả đạt như dùng hóa chất. Tuy nhiên, dùng chế phẩm sinh học cho cây mai sẽ tốn thêm phí chăm sóc từ 30 đến 40% chi phí so với dùng thuốc BVTV bằng hóa chất. Theo ông Khoa và hầu hết bà con trồng mai ở Nhơn An thì dự án thí điểm trồng mai thâm canh sạch hơn của 5 hộ ở Nhơn An kết thúc hãy còn sớm; bởi chu kỳ sinh trưởng, cho hoa của cây mai phải là một năm, trong khi dự án chỉ kéo dài có mấy tháng. Dấu hiệu phát triển của cây mai dùng chế phẩm sinh học có khả quan, nhưng cần phải có thời gian đủ để kiểm chứng.
* Theo danh mục thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học của Bộ NN&PTNT, thì năm 2000 chỉ có 2 sản phẩm trừ sâu sinh học được đăng ký; năm 2005 có 57 sản phẩm và 6 tháng đầu năm 2007 có 193 sản phẩm được cấp phép. Đến nay đã có 479 chế phẩm sinh học. Các sản phẩm này góp phần không nhỏ vào công tác phòng trừ dịch hại, thay thế và hạn chế dần nguy cơ độc hại do sử dụng thuốc BVTV nguồn gốc hóa chất.
* Các chế phẩm sinh học được chiết xuất từ 4 nguồn gốc chính, như: thảo mộc, vi sinh, nấm, virus và nhóm Pheromone. |
|