Trong thời gian qua, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) trên lĩnh vực nông nghiệp đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tế bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa…
|
Đề tài nghiên cứu tuyển chọn giống đậu phụng L14 và quy trình sản xuất thâm canh đã được chuyển giao cho nông dân huyện Phù Cát.
|
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động NCKH, tỉnh ta đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị phục vụ cho công tác NCKH; ban hành chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và nhân lực…, đã kích thích các tổ chức, cá nhân tham gia NCKH. Riêng năm 2008, có 38 đề tài, dự án được thực hiện, trong đó có nhiều đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, mang đến nhiều mô hình, quy trình sản xuất mới, khả năng ứng dụng tốt, cho hiệu quả cao.
Tiêu biểu là đề tài nghiên cứu chọn lọc được 2 giống lúa thuần ĐB6, ĐB5 và 2 giống lúa lai Nhị ưu 69, Nghi hương 2308 có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo tốt, phục vụ cho chương trình chuyển đổi từ 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ lúa/năm của tỉnh.
Đề tài nghiên cứu tuyển chọn giống lúa QNT1, SH2, 24SS và kỹ thuật canh tác phù hợp đã nâng cao năng suất từ 47 tạ/ha lên 65 tạ/ha cho vùng khó khăn về nước tưới, vùng đất chua phèn, nhiễm mặn.
Đề tài nghiên cứu tuyển chọn giống đậu phụng L14, LDH01 và quy trình thâm canh đưa năng suất tăng từ 25 tạ/ha lên 35 tạ/ha.
Đề tài nghiên cứu ứng dụng mô hình nhân giống đậu phụng vụ Thu Đông trên đất đồi gò đạt năng suất 25 tạ/ha.
Đề tài nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thực hiện chương trình 5 giảm, 3 tăng trong sản xuất lúa.
Đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học nuôi cấy mô từ tế bào thực vật đã cung cấp hàng triệu cây giống lâm nghiệp sạch bệnh phục vụ nhu cầu sản xuất nông, lâm nghiệp trong tỉnh.
Trên lĩnh vực chăn nuôi cũng đã có nhiều đề tài NCKH đã được áp dụng vào thực tế, bước đầu mang lại hiệu quả.
Đáng kể là đề tài nghiên cứu chọn lọc các giống gia cầm, gia súc hiệu quả kinh tế cao ứng dụng vào thực tế chăn nuôi, như: gà sao (Hungari) hướng thịt, gà Ai Cập hướng trứng; Đề tài nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển và sản xuất thịt bê lai F1 giữa bò thịt Crimousine và bò cái lai nền Zebu; Đề tài nghiên cứu một số đặc điểm thích nghi và khả năng sản xuất thịt con lai F1 giữa dê đực thuần Boer (Mỹ) với dê cái lai trên địa bàn tỉnh.
Trên lĩnh vực thủy sản có đề tài NCKH thực nghiệm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nuôi cá rô phi vằn đơn tính dòng Gift; giải pháp kỹ thuật ương nuôi cá măng bột, nuôi cua xanh thương phẩm, cá bống tượng… đã tạo thêm ngành nghề mới, góp tăng nguồn thu, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nông dân.
Bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Sở KHCN tỉnh, cho biết: Định hướng hoạt động NCKH trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh từ nay đến năm 2010 là tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng và nhân nhanh tập đoàn giống lúa cấp 1 có chất lượng gạo ngon và khảo nghiệm giống lúa mới để bổ sung, thay thế các loại giống cũ, tạo bộ giống thích hợp cho từng vùng sinh thái khác nhau. Bên cạnh đó, nghiên cứu khảo nghiệm giống đậu phụng mới có năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và giống điều đầu dòng thích nghi với điều kiện đất đai, thời tiết… tỉnh ta. Mặt khác, phát triển hệ thống canh tác tiến bộ đối với loại cây trồng đã có đủ luận cứ khoa học xây dựng vùng nguyên liệu… Trên lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi sẽ tập trung nghiên cứu phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ở các vùng nước ngọt, mặn, lợ, đồng thời bảo vệ và khôi phục các loại hải sản đặc sản và phòng trừ dịch bệnh tôm. Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển năng lực sản xuất giống heo chất lượng cao; cải tạo giống bò nội; nghiên cứu khả năng phát triển chăn nuôi một số giống vật nuôi mới…
|