Tác hại của El Nino đối với nước ta nói chung và Bình Định nói riêng khá nghiêm trọng. El Nino không những làm biến đổi thời tiết, khí hậu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, phát triển KT-XH...
|
Sự biến đổi khí hậu đã gây mưa lũ, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Ảnh: Văn Lưu
|
* Ảnh hưởng của El Nino đến biến đổi khí hậu
El Nino đã kéo theo sự biến đổi khác thường của nhiệt độ và lượng mưa ở nhiều vùng, hạn hán kéo dài, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trái quy luật với cường độ mạnh, đường đi của bão lắc léo, phức tạp và có thể đổ bộ vào những vùng vốn dĩ ít khi có bão. Mặt khác, năm có El Nino xuất hiện, số đợt gió mùa đông bắc tác động đến miền Bắc nước ta sẽ ít hơn và kết thúc sớm hơn; vào mùa hè, cường độ gió mùa tây nam cũng yếu và muộn hơn bình thường, đồng nghĩa với việc mùa mưa sẽ đến muộn và kết thúc sớm hơn. Do vậy, khô hạn xảy ra làm mùa màng bị thiệt hại nặng nề, đời sống sản xuất của nhân dân vô cùng khó khăn.
Riêng ở Bình Định, năm có El Nino xuất hiện, nhiệt độ không khí cao hơn so với nhiệt độ trung bình nhiều năm, có tháng nhiệt độ lên đến 30 - 330C, trong đó liên tiếp có những ngày nhiệt độ lên đến 37 - 390C; mùa mưa đến muộn nhưng kết thúc sớm, lượng mưa rất thấp, có thời kỳ 3 - 4 tháng liên tục không có mưa, đã gây ra tình trạng nắng nóng gay gắt và khô hạn kéo dài diễn ra trên diện rộng.
Số liệu quan trắc tại Trạm Khí tượng - Thủy văn Quy Nhơn cho thấy, chu kỳ tác động của El Nino có xu hướng tăng dần trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI (trung bình từ 2 đến 4 năm) so với tình hình chung của nửa thế kỷ XX trở về trước. Các giá trị cực đại về nhiệt độ trung bình của một số tháng mùa hè trong các năm 1986, 1987, 1992, 1998, 2003, 2005, 2007 vượt quá giá trị trung bình các tháng tương ứng nhiều năm từ 1 - 1,50C và vượt xa nhiệt độ trung bình năm từ 3,2 - 4,70C. Lượng mưa trên địa bàn TP Quy Nhơn có sự biến động mạnh. So với lượng mưa trung bình nhiều năm, lượng mưa có xu hướng tăng trong giai đoạn 1955 - 1964, sau đó giảm rõ rệt giai đoạn 1965 -1984, và tăng trở lại trong giai đoạn 1985 - 2004. Thông thường mưa bão và lũ chính ở Bình Định diễn ra vào cuối tháng 10, nhưng gần đây có năm lũ đến rất sớm (2000, 2005); có năm lũ rất muộn (2001)...; mực nước biển và đỉnh lũ lần sau thường cao hơn lần trước. Đặc biệt, là những đột biến từ 2005 - 2007.
Trong các thời kỳ có El Nino hoạt động, thấy rõ có sự biến động của các yếu tố thời tiết rất phức tạp và bất thường, nhưng đều phản ánh một xu hướng chung là nhiệt độ không khí tăng cao, số giờ nắng lớn, lượng mưa trung bình rất thấp và độ ẩm không khí giảm mạnh. Do vậy, hạn hán nghiêm trọng và kéo dài, tình trạng thiếu nước diễn ra gay gắt, các lưu vực sông trên địa bàn toàn tỉnh đều “khát” trầm trọng. Sau khi El Nino ngừng hoạt động, khí hậu thay đổi ngược lại: Độ ẩm không khí tăng cao, mưa lớn kéo dài kèm theo lũ lụt và gió bão…, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh và sản xuất phát triển kinh tế của tỉnh ta.
* Ảnh hưởng của El Nino đối với sản xuất và đời sống
Tỉnh Bình Định có tổng diện tích tự nhiên là 602.555 ha, trong đó quỹ đất sử dụng cho nông nghiệp là 102.970 ha (chiếm 17,09% diện tích tự nhiên). Nhìn chung, đất ở Bình Định có khả năng phát triển nông nghiệp toàn diện với nhiều loại cây trồng năng suất cao. Ngoài nguồn cung cấp nước tưới trực tiếp từ hệ thống các sông suối như sông Kôn, La Tinh, Lại Giang, Hà Thanh… (đảm bảo tưới khoảng 55 - 60% diện tích canh tác), tỉnh ta còn có nhiều công trình thủy lợi lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp như: hồ Định Bình, hồ Núi Một, hồ Thuận Ninh, hồ Hội Sơn, hồ Vạn Hội... và hàng trăm các hồ chứa nước nhỏ khác.
Tuy nhiên, do tác động El Nino, lượng mưa giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm nên hạn hán diễn ra gay gắt trên diện rộng. Lượng mưa những năm có El Nino có thể giảm từ 60 - 70% so với cùng kỳ nhiều năm, lượng nước trong các sông và hồ chứa cũng thiếu hụt nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn và thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt từ năm 2002 trở đi, El Nino hoạt động với cường độ mạnh và tần suất lớn hơn nên đã xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài. Năm 2004, hạn hán không chỉ diễn ra ở Bình Định mà còn lan rộng toàn Nam Trung bộ. El Nino xảy ra vào những tháng cuối năm 2006 đầu 2007 cũng làm cho lượng nước trong các hồ chứa cạn kiệt ở mức báo động, một số hồ đã khô tới đáy; tỉnh ta phải mất một nguồn kinh phí hơn 3 tỉ đồng để chống hạn cho vụ Hè Thu 2007. Ngoài ra, những năm hạn hán có sự hỗ trợ của El Nino đã làm tăng hiện tượng nhiễm mặn, nhiễm phèn vào diện tích đất đồng bằng vốn đã nhỏ hẹp và kém phì nhiêu, càng gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
Với sản xuất công nghiệp, nhìn chung, phần lớn các nhà máy ở tỉnh ta đều phân bố ở những nơi đáp ứng đủ nguồn nước cho sản xuất, nhưng do tác động của El Nino đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước, nhất là thiếu hụt nước cho sản xuất điện. Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn không thể đủ nước hoạt động để đảm bảo công suất, cộng với sự thiếu hụt từ đường truyền tải điện Bắc - Nam và từ các nhà máy thủy điện nhỏ khác, đã gây khó khăn về nguồn năng lượng cho hoạt động của nhiều ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, một số cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm cũng gặp khó khăn và hoạt động thiếu ổn định do phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ sản xuất nông nghiệp. Vì thế, khi hạn hán xảy ra, sản lượng nông nghiệp giảm, chất lượng nguyên liệu cũng không được đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, hiệu quả kinh tế của các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
El Nino không những ảnh hưởng đến thời tiết khí hậu, đến sản xuất phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống dân sinh. Trong những đợt El Nino 1997 - 1998, 2002 - 2003, 2006 - 2007 đã có hàng trăm hộ gia đình ở các vùng nông thôn Bình Định lâm vào hoàn cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, hàng ngàn giếng nước khoan - đào của các hộ nông thôn đã hoàn toàn khô kiệt. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do nhiễm mặn, phèn… đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Sau lũ lụt thường xảy ra các dịch bệnh như bệnh đường ruột, dịch cúm, viêm hô hấp cấp … các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát. Ngoài ra, trong các tháng có El Nino hoạt động, nhiệt độ không khí tăng cao, thời gian nắng nóng kéo dài nên dòng thăng của không khí rất mạnh, đó là điều kiện hình thành các kiểu thời tiết cực đoan như: giông, sấm sét, lốc xoáy, mưa đá…, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân.
Để phòng tránh, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do El Nino gây ra, cần thiết phải có những nghiên cứu đầy đủ, chi tiết về hiện tượng này; đồng thời tích cực tổ chức thực hiện đồng bộ một số giải pháp về nghiên cứu, dự báo; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của El Nino cho cộng đồng. Tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật; tăng cường khả năng đáp ứng các nguồn cung cấp cơ bản, chủ động đối phó với thiên tai do El Nino gây ra. Xây dựng và hoàn thiện các hồ chứa nước đa chức năng; bê tông hóa kênh mương, tăng cường khả năng thoát lũ; nghiên cứu lựa chọn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với sự thay đổi của thời tiết khí hậu do El Nino gây ra.
El Nino là hiện tượng dị thường của tự nhiên với đặc điểm quan trọng là nước biển ở khu vực Xích đạo - Thái Bình Dương nóng lên so với trị số nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 0,5 - 10C và hiện tượng nóng lên của vùng nước này kéo dài liên tục ít nhất từ 5 - 6 tháng. Trước đây một vài thế kỷ, trên phạm vi toàn cầu, hiện tượng El Nino đã xảy ra nhưng với thời gian ngắn và tần suất rất thấp, trung bình là từ 15 đến 20 năm, có khi vài chục năm mới xuất hiện một lần, mỗi lần chỉ một vài tháng. Đến đầu thế kỷ XX, El Nino kéo dài hàng năm trời với chu kỳ lặp lại trung bình từ 3 - 10 năm/lần. Đặc biệt vào nửa cuối thế kỷ, chu kỳ của El Nino rút ngắn dần và phổ biến từ 2 - 5 năm với thời gian hoạt động kéo dài hơn rất nhiều.
Riêng ở nước ta, theo số liệu thống kê của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ năm 1950 đến nay, thời gian bắt đầu, tồn tại và kết thúc của El Nino rất không đều nhau, có những đợt El Nino tồn tại 6 - 7 tháng, nhưng cũng có những đợt kéo dài 10 - 12 tháng, thậm chí có đợt kéo dài đến 14 - 15 tháng... |
|