KỶ NIỆM 84 NĂM, NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21.6.1925- 21.6.2009)
Bác Hồ với báo Đảng
11:11', 7/7/ 2009 (GMT+7)

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, bước chân từng in dấu khắp năm châu bốn biển, làm rất nhiều nghề khác nhau, nhưng có một nghề Bác Hồ rất quan tâm, không rời bỏ suốt cả cuộc đời, đó là nghề viết báo. Bác luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén đấu tranh chống kẻ thù và là một phương tiện quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng.

 

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu

 

Khi còn hoạt động ở nước ngoài, Bác đã từng sáng lập ra những tờ báo lớn để tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, lên án chế độ thực dân, đòi quyền lợi cho các dân tộc thuộc địa, như báo “Người cùng khổ” (1.4.1922) tại Pháp; báo “Thanh niên” (21.6.1925) tại Trung Quốc. Bác cũng đã viết hàng nghìn bài báo với hàng chục bút danh khác nhau cho nhiều tờ báo lớn từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Cho đến những năm cuối đời, Bác vẫn không ngừng viết báo.

Riêng đối với báo Đảng, Bác Hồ càng đặc biệt quan tâm. Từ khi báo Nhân Dân xuất bản số đầu tiên (tháng 3.1951) đến lúc Bác qua đời (tháng 9.1969), Bác Hồ đã viết bài đều đặn cho báo. Bài báo đầu tiên Bác viết cho báo Nhân Dân là bài “Phong trào mua công trái”, đăng báo Nhân Dân số 01 ra ngày 11.3.1951; bài báo cuối cùng của Bác là bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng”, đăng báo Nhân Dân số 5526 ngày 1.6.1969. Trong 18 năm ấy, Bác Hồ đã viết cho báo Nhân Dân tổng cộng 1.205 bài, gồm những bài dài, bài vừa và bài ngắn, đề cập đến hầu hết những việc xảy ra trong và ngoài nước. Đọc các bài trong mỗi thời kỳ, người ta thấy đấy là những vấn đề thời sự, là ký sự ghi lại những sự kiện và sự việc cần nói và có thể nói, là những tài liệu giáo dục về tình hình và nhiệm vụ. Đối với đảng viên, cán bộ và nhân dân thì những bài báo của Bác Hồ tuyên truyền giải thích chủ trương, chính sách; hướng dẫn công tác, biểu dương cái tốt và phê bình uốn nắn những lệch lạc. Đối với tình hình thế giới thì các bài báo của Bác nêu rõ bản chất sự việc, tố cáo âm mưu thủ đoạn của kẻ thù đế quốc; giới thiệu tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và chỉ ra xu thế tất thắng của cách mạng. Bác từng nói: “Về nội dung viết mà các cô các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí như vậy đó!”. Ngoài những bài báo ký tên Hồ Chí Minh, Bác Hồ còn dùng 23 bút danh khác nhau nữa để ký các bài đăng báo Nhân Dân. Những bài viết của Bác đều nêu ra các vấn đề vừa cụ thể vừa đúng lúc; văn phong của Bác trong các bài báo đều trong sáng, cách viết rõ ràng, dễ hiểu.

Ngoài việc viết bài cho báo Đảng, Bác Hồ còn khuyên mọi người phải xem báo Đảng. Trong một bài viết ký bút danh CB trên báo Nhân Dân ngày 22.6, 24.6.1945 với tựa đề “Cần phải xem báo Đảng”, Bác viết: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí suốt từ trên xuống dưới. Vì báo Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt, thống nhất”. Sau khi nêu những nội dung chủ yếu mà báo Đảng cần đề cập, Bác viết: “Tờ báo Đảng là lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần thiết về tuyên truyền, tổ chức lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu cứ cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc… Có những đồng chí mượn cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa ngay. Vô luận công việc bận đến thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời gian xem báo”.

Những lời nhắc nhở của Bác cách đây 55 năm từ thế kỷ trước cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị thời sự nóng hổi đối với người đọc, người xem và đặc biệt đối với những người làm báo cách mạng trong thế kỷ 21 này.

  • Mai Hiên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ảnh hưởng của El Nino đến biến đổi khí hậu và sản xuất ở Bình Định  (07/07/2009)
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp  (07/07/2009)
Nhiều khả quan nhưng phải có thời gian đối chứng  (07/07/2009)
Nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em miền núi  (07/07/2009)
Chung tay vì người khuyết tật  (06/07/2009)
Hàng si, tồn tại nhờ vị thế riêng  (06/07/2009)
Vợ là… “đàn ông”  (06/07/2009)
Thơ  (06/07/2009)
Ngàn dặm xa  (07/07/2009)
Xử lý nghiêm việc chống người thi hành công vụ  (06/07/2009)
Từ chiếc áo quan văn trưng bày tại Bảo tàng Bình Định  (06/07/2009)
Cần thêm những nỗ lực đổi mới  (06/07/2009)
Tiếng trống chầu trong những đêm hát bội  (06/07/2009)
Ghi nhận từ một ngày giỗ Tổ  (06/07/2009)
Thực trạng đáng lo ngại  (06/07/2009)