Mùa Hè dấu yêu
16:20', 7/7/ 2009 (GMT+7)

* Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

Ai từng là một trang niên thiếu cắp sách đến trường mà chẳng đợi trông Hè về. Một sớm mai, cậu học sinh trường làng An Định đang trên con đường quen thuộc dẫn đến trường, cậu cảm giác bao điều lạ: Màu nắng chói chang hơn so với màu nắng dịu mọi hôm, tiếng ve râm ran, tiếng tu hú vang vọng… Cậu chợt nhớ câu nói của người lớn: “Ve ve, tu hú gọi Hè về”, và lòng mừng thầm, vậy là mùa Hè đã về thực sự rồi!

 

Ngày hè. Ảnh: H.V

 

Cũng vào một sớm mai nắng chói chang, sau kỳ thi Đệ nhị lục cá nguyệt (tức thi học kỳ II bây giờ) vừa xong, học sinh trường làng An Định (trong đó có cậu) tập trung lại dự lễ phát phần thưởng cuối năm học…Thầy Đốc trường tổng kết niên khóa, đích thân phát phần thưởng cho những học sinh giỏi, rồi tuyên bố: “Từ hôm nay, các em được nghỉ Hè, nghỉ Grandes vacances. Nghỉ Grandes vacances, các em được tha hồ vui chơi nhưng không được quên rèn luyện thân thể và trau dồi hạnh kiểm để chuẩn bị trước cho niên khóa mới. Đó là điều mong muốn của thầy Đốc trường và quý thầy trợ giáo đây. Các em có làm được không?”. Thầy Đốc trường vừa nói xong, tức thì có tiếng “Dạ” rân, vang động cả sân trường.

Mấy tháng Hè, con sông Gò Chàm luôn đầy ắp nước cho cậu cùng với chúng bạn vẫy vùng đua bơi. Bầu trời luôn cao xanh cho các cậu thả diều. Cậu có những buổi chiều thả trâu ra giữa đồng, ngồi lưng trâu thổi sáo, ngắm lọn khói đốt đồng trong ngọn nam cồ. Mấy hôm nay, cậu đi trên đường làng quen thuộc không cặp sách đeo trên vai như mọi khi, chân cậu hấp tấp đuổi theo những chú bướm vàng, bướm trắng nhởn nhơ bay trước mắt. Người ta thấy có hôm, cậu đến đứng trước cổng trường đóng kín, nhìn rất lâu những mái ngói rêu phong và màu phượng đỏ trong sân trường. Ngày nào, cậu cũng ra ao làng ngắm sen nở đỏ rực mặt ao, rủ bạn lối xóm đi câu cá dọc theo con mương xanh uốn lượn quanh làng. Gặp khúc bờ mương đất sét, các cậu moi đất, nhào nặn những con tu hú, con trâu đất, đem phơi nắng rồi vùi vào tro bếp nóng cho khô sành, thành những món đồ chơi ngộ nghĩnh.

Má bảo, má chuẩn bị cho ngày Tết Đoan Ngọ (tức Tết mùng Năm tháng Năm âm lịch) còn vài ngày nữa là đến. Cậu mừng rỡ, reo lên. Ôi chao, mùa Hè có một cái Tết thật vui. Các chợ quê bày bán những “núi” trái cây gồm đủ xoài thơm, mít chín, bưởi, cam, ổi, mận ngọt- chua…với đông đúc người mua sắm. Làng trên xóm dưới ăn Tết. Người bảo Tết Đoan Ngọ là Tết tưởng nhớ ông Khuất Nguyên, người nói Tết Đoan ngọ là Tết Trái cây. Ba má cậu dâng cúng lên bàn thờ gia tiên những mâm cỗ đầy, nhiều nhất là trái cây. Gia đình cậu ăn Tết Đoan Ngọ to, chẳng khác gì Tết Nguyên Đán. Nhưng có những thứ trái cây hoang dã hấp dẫn tuổi thơ hơn. Cậu đã nhiều phen đi theo lũ bạn nhỏ leo hòn Mò O, hòn Núi Đất, hòn Tháp Bánh Ít … để hái trâm, sim, chà là …chín; vác khèo nèo dài đi hái quả me xanh, quả keo chín đỏ ở mấy vườn hoang. Đó là những nơi được các cậu gọi là “vườn Địa đàng của chúng mình”. Những đêm trăng sáng tỏ, cậu cùng chúng bạn ra sân đình bày trò chơi, thường thì Đập chuồn chuồn xỏ luồn bánh ú, Trồng cây bông, Bịt mắt bắt dê…Các cậu vừa chơi, vừa ngắm trăng, rồi cứ bảo: “Ông Trăng đang chơi với mình”, “Ông Trăng đang nhoẻn miệng cười chúng mình đó”. Dù sao, ba tháng Hè cũng đã trôi qua nhanh quá.

Những năm sau, cậu lên học trường Phủ xa nhà. Thể xác cậu nhổ giò lên; trí óc, tâm hồn cậu mở mang thêm. Mỗi năm một kỳ nghỉ Hè, một cuộc chia tay thầy bạn. Cuộc chia tay nào cũng làm cho cậu nước mắt lưng tròng, cậu mải mê viết lưu bút ngày xanh cho bạn bè bằng tình cảm chứa chan nhất như các bạn đã viết cho cậu. Cậu biết, ngoài cái làng quê An Định, còn có một vùng quê Phủ An. Cậu đã về nghỉ Hè với gia đình như mọi người trông chờ. Cậu có thêm một kỳ nghỉ Hè nữa được ăn Tết Mồng Năm tháng Năm cùng với người thân.

Những vùng đất, cảnh vật, con người quê hương thôi thúc cậu ra đi. Cậu lên thượng nguồn Sông Côn, thấy tận mắt cái hùng vĩ của dòng sông; đi thăm những tháp cổ Chămpa đứng u buồn trầm mặc ngàn năm… Nghe ở đâu có tiếng trống tuồng, tiếng sanh cắc…cụp… cắc đêm hô bài chòi, là cậu tìm đến. Nhưng như vậy chưa đủ. Cậu đã lần lượt đặt bước chân tới làng An Thái thủ phủ một thời; trèo vài chục bậc thềm lên chánh điện chùa Thập Tháp A Di Đà. Cậu đã đến bến đò Trường Thi nối quê Nội và quê Ngoại của nhà thơ Yến Lan, đi tháp Cánh Tiên, leo chùa Ông Núi với lòng rạo rực tìm hiểu những danh lam thắng cảnh của quê mình … Những hôm cậu về nhà nghỉ ngơi, không bữa nào ông Thừa Phái Hỷ ở làng trên không đến chơi để hai bác cháu cùng nói chuyện bằng tiếng Pháp, cùng ngâm đọc Đường Thi, thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Cao Bá Quát... Đêm nào, người xóm Miễu Tây cũng nghe tiếng đàn Mandoline réo rắt, tiếng sáo trúc dìu dặt của cậu. Rồi thời gian trôi qua, một kỳ nghỉ nắng (tiếng người miền quê gọi kỳ nghỉ Hè) nữa sắp hết, ngày mai cậu phải giã biệt đồng quê để trở lại với sách đèn, với thầy bạn.

Những năm sau nữa, cậu tiếp tục con đường học vấn của mình. Cậu không còn là một thiếu niên vô tư lự, mà là một thanh niên đang chuẩn bị vào đời, định hướng và tìm nghề nghiệp. Ba tháng Hè, cậu muốn dành trọn cho quê lắm, nhưng không được,vì cậu còn có một mùa thi, và bao nhiêu công việc khác nữa. Dù sao, cậu cũng có được mấy ngày Hè ngắn ngủi ở quê. Hè nào, cậu cũng dắt theo mấy người bạn đồng song cùng về quê với mình. Họ là những chàng trai thành phố muốn trốn sự ồn ào, ngột ngạt khao khát miền đồng quê, muốn tìm ở đó sự đổi gió, đổi khí trời, một không gian khoáng đãng, hào phóng, vô tư dành cho con người. Cậu đã đưa các bạn đi nhiều nơi và thích được nghe bạn nói về quê mình. Bạn vẫn nói về quê cậu đó: Con sông Côn làm nên sự trù phú và bề dày văn hóa, lịch sử cho một vùng đất; thành quách cổ thi gan cùng tuế nguyệt, trăng trên đồng quê đã làm nên trăng diễm ảo, kỳ bí, lẳng lơ trong thơ Hàn Mặc Tử, Yến Lan… Và không thể nào bạn không nói về bà mẹ quê Bình Định tần tảo nuôi con ăn học thành tài. Rồi cậu vội vàng theo bạn cùng lên tỉnh, đi thành phố, lao vào ôn tập, thi cử để trả món nợ sách đèn…

Ra trường từ một trường Cao đẳng - của cái thời “Phi Cao đẳng bất thành phu phụ” - đem kiến thức học hành của mình để kiếm sống ở một thành phố lớn. Rồi như bao người, cậu lập nên một mái gia đình. Cậu biết, đó chỉ là một mái gia đình nhỏ bé, vì cậu còn có “thầy mẹ đợi em trông” ở một miền quê xa lắc. Từ khi có gia đình, cậu sắp xếp mỗi năm vài chuyến về quê, thường là dịp Hè và Tết Nguyên Đán với mong muốn cho các con cậu biết đâu là quê cha đất tổ như cây có cội, nước có nguồn. Mỗi chuyến Hè về quê, cậu được má dành cho cả một “vựa” trái cây xoài thơm, mít ngọt, mận chín… Đó là chưa kể mấy cây vú sữa trong sân nhà được ba chăm kỹ, năm nào cũng lúc lỉu những quả tròn trĩnh chín bói, căng sữa ngọt, chờ bàn tay cậu trẩy quả. Việc đầu tiên của cậu khi có dịp về quê là thăm lại trường cũ. Ở đó, còn giữ bao kỷ niệm của cậu, thầy bạn ngày trước dành cho cậu không biết bao tình yêu dấu. Cậu đã dành thời gian đưa vợ con đi thăm thú nhiều nơi: chùa chiền, thành quách, điện thờ Tam kiệt nhà Tây Sơn… Cậu luôn chờ đợi những lời trầm trồ ngợi ca của vợ về quê mình. Vợ cậu vẫn bảo: “Quê mình ấn tượng nhất là cánh đồng lúa non, những đêm trăng rải, những đầm sen rực rỡ, những vườn cây xanh trái ngọt, ngọn gió nam cồ thổi vi vút những đêm khuya… Rồi còn có bữa bánh xèo tôm nhảy thơm lừng, nóng hổi bên bờ sông Gò Bồi - quê Ngoại của nhà thơ Xuân Diệu; cái nem chua chợ Huyện, chung rượu Bàu Đá ba vẫn thường đưa vào mỗi bữa ăn là tuyệt ngon; rồi câu hát tuồng Nam, Khách, câu bài chòi Xuân nữ, Xàng xê những đêm liền chúng mình được xem thật khó quên…”.

*

**

Con người tôi gọi bằng “cậu” đó, chính là tôi bây giờ. Bây giờ tuổi tôi ở Thu hay Đông mà hồn thì vẫn mong ở Xuân, Hè. Mỗi Hè về, tôi thường ôn lại những kỷ niệm cũ, nhất là những kỷ niệm học trò, kỷ niệm mùa thi, giấc mơ lập thân lập danh vào đời…Tôi ít di chuyển hơn: Hè ít về quê (vì ông bà, cha mẹ đã lần lượt quy tiên), không đi nghỉ mát Đà Lạt, đi tắm biển Nha Trang, Vũng Tàu như mọi năm... Tôi hay nhìn chung quanh, xem đàn cháu con của mình “nghỉ nắng” như thế nào, để rồi lòng buồn xiết bao: Không thấy gì ngoài cảnh chúng chúi mũi vô những phòng học Hè chật chội, thiếu không khí, thiếu ánh sáng…7 – 8 tiếng mỗi ngày. Trái lại, cũng thấy những trẻ khác, vì thiếu sự quản lý và chăm sóc của cha mẹ, đã quẳng trọn ba tháng Hè vào những trò chơi điện tử hay lêu lổng đường phố, từ đó không ít trẻ sa vào cạm bẫy đời, thật tội nghiệp, chỉ còn có chờ đợi một ngày hối tiếc. Tôi có hỏi chúng hiểu gì hai câu thơ: “Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê / Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ” (Xuân Tâm), không cháu nào trả lời được!

  • H.K.B
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bác Hồ với báo Đảng  (07/07/2009)
Ảnh hưởng của El Nino đến biến đổi khí hậu và sản xuất ở Bình Định  (07/07/2009)
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp  (07/07/2009)
Nhiều khả quan nhưng phải có thời gian đối chứng  (07/07/2009)
Nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em miền núi  (07/07/2009)
Chung tay vì người khuyết tật  (06/07/2009)
Hàng si, tồn tại nhờ vị thế riêng  (06/07/2009)
Vợ là… “đàn ông”  (06/07/2009)
Thơ  (06/07/2009)
Ngàn dặm xa  (07/07/2009)
Xử lý nghiêm việc chống người thi hành công vụ  (06/07/2009)
Từ chiếc áo quan văn trưng bày tại Bảo tàng Bình Định  (06/07/2009)
Cần thêm những nỗ lực đổi mới  (06/07/2009)
Tiếng trống chầu trong những đêm hát bội  (07/07/2009)
Ghi nhận từ một ngày giỗ Tổ  (06/07/2009)