HỌC VIỆN BÓNG ĐÁ HOÀNG ANH GIA LAI - ARSENAL JMG:
Nơi ươm mầm tài năng bóng đá trẻ
20:35', 3/8/ 2009 (GMT+7)

Mới đây, nhân chuyến tham dự Hội thảo “Học tập quan điểm và tác phong làm báo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Hội Nhà báo Gia Lai tổ chức,  đoàn nhà báo, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Bình Định được đồng nghiệp tạo điều kiện viếng thăm Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL), nơi được xem là ngôi nhà bóng đá số  một của  Đông Nam Á.

 

Anh Huỳnh Mậu, Giám đốc điều hành (người đứng) trình bày về chương trình đào tạo của học viện.

 

Học viện được thành lập vào những tháng đầu năm 2007 tại thôn Hàm Rồng thuộc xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai từ sự phối hợp của CLB Hoàng Anh Gia Lai với đội bóng Arsenal (Anh quốc) nổi tiếng thế giới và Học viện đào tạo bóng đá trẻ JMG của cựu tuyển thủ bóng đá Pháp, ông Jean Mare Guillou. Học viện (còn được gọi là Trung tâm huấn luyện Hàm Rồng) có tất cả 5 sân tập bóng ngoài trời, 1 sân trong nhà, 2 bể bơi, 2 nhà ăn, 1 quầy giải khát, 1 sân tennis, 1 hội trường, 11 block nhà ở và phòng làm việc, 1 nhà tập thể lực, phòng tắm hơi, tắm thủy lực…

Mùa hè năm 2007, Học viện HA.GL tiến hành sát hạch khóa đầu tiên với gần 7.000 thí sinh độ tuổi 11 và 12 ở khắp mọi miền đất nước; có 40 em lọt vào vòng chung khảo, 18 em trong số đó được các chuyên gia nước ngoài chọn đào tạo chính thức (số còn lại được giữ học lớp năng khiếu của CLB). Thời gian mỗi khóa học kéo dài 7 năm,  học viên được chính các chuyên gia nước ngoài trực tiếp đào tạo.

Trung tâm huấn luyện Hàm Rồng có diện tích trên 10 ha, được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 120 tỉ đồng. Hiện nay cơ ngơi đạt tiêu chuẩn 5 sao này đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng: xây dựng thêm sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thêm hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước. Tương lai không xa, nơi này không chỉ ươm mầm tài năng bóng đá trẻ mà còn là khu du lịch sinh thái, nghỉ ngơi của những người mê môn thể thao “vua” này.

Theo giáo trình, 2 năm đầu các em (kể cả HLV) phải tập chơi bóng bằng chân trần, từ năm thứ 3 trở đi các em mới được đá bóng bằng giày. Anh Huỳnh Mậu, Giám đốc điều hành học viện, cho biết: Không ai được mang giày vào sân cỏ, đây là quy định của JMG trên toàn cầu. Bởi lý do “ở độ tuổi 11 và 12 của các em, việc bàn chân được tiếp xúc trực tiếp với trái bóng sẽ giúp tạo cảm giác đầy đủ và trọn vẹn nhất”. Các em được đào tạo, rèn luyện trong môi trường hiện đại theo công nghệ tiên tiến của Học viện bóng đá Arsenal JMG; được chăm sóc, nuôi dưỡng theo một chế độ đặc biệt và nghiêm khắc. Ban ngày tập bóng, rèn luyện thể lực và học văn hóa theo thời khóa biểu của học viện; ban đêm các em học ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) và sinh hoạt nhóm. Các dãy phòng ăn, phòng ở và phòng giải trí của học viên đều được xây theo hướng đối diện và gần kề với sân bóng (ăn, ngủ và nghỉ ngơi đều nghĩ về bóng đá). Hàng tuần, vào các ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, các em được người bảo dưỡng đưa trả điện thoại di động để thăm hỏi sức khỏe người thân ở xa hoặc liên lạc, trò chuyện với bạn bè. Đầu tuần, số điện thoại trên phải nộp lại cho người quản lý. Mỗi năm 2 lần, gia đình học viên được đến học viện để gặp gỡ, thăm hỏi con em mình. Mọi chi phí tàu, xe và nơi ăn, nghỉ đều được đơn vị thanh toán. Mỗi ngày, ngoài các bữa ăn nhẹ, các em được bố trí 3 bữa ăn chính với tiêu chuẩn 250.000đ/người/ngày, khẩu phần ăn được thay đổi liên tục với phương châm: đủ dinh dưỡng để rèn luyện và chơi bóng (giò heo giả cầy, cá đồng chiên, chả ram, sườn nướng, tôm sú luộc, canh bí đỏ, cải thìa sốt dầu hào và tráng miệng bằng dưa hấu, sữa chua, chè… đó là thực đơn của một bữa ăn được ghi trên bảng trong phòng bếp). Trong các dịp nghỉ hè, lễ, Tết Nguyên đán, các em được xe của  học viện chở về giao trả tận nhà cho phụ huynh.

 

Một buổi học tâng bóng của học viên U13.

 

Khi được hỏi về quyền lợi của các em sau đào tạo, anh Mậu cho biết: Điều quan trọng nhất mà học viện quy định là để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, cầu thủ sau khi tốt nghiệp học viện đều phải tốt nghiệp THPT và phải nói, viết tiếng Anh thành thạo. Học viện bảo đảm 100% số học viên sau khi ra trường đều trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và có khả năng khoác áo đội tuyển Quốc gia. Học viên nào được chuyển nhượng cho các Câu lạc bộ bóng đá nước ngoài thì gia đình được hưởng 20% trên tổng số tiền chuyển nhượng. Mới đây, trong một đợt khảo sát chất lượng của các cầu thủ nhí, Giám đốc kỹ thuật của CLB Arsenal, ông Stephen Morrow nhận xét: Các cầu thủ đều có kỹ thuật tốt, cách chơi bóng thông minh. Sau 7 năm, trong số này sẽ có từ 2-3 cầu thủ đủ trình dộ khoác áo đội tuyển Arsenal, và khoảng 4 đến 6 em có thể xuất khẩu sang một số nền bóng đá tiên tiến khác.

 

Nhà tập thể lực dành cho học viên.

 

Đợt tuyển sinh khóa II của học viện đã và đang được tiến hành trong 2 tháng 6 và 7.2009 tại 15 điểm trên cả nước, do chính chuyên gia Guillaume Graechen và Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Vinh phụ trách. Sau vòng sơ khảo, các thí sinh tốt nhất sẽ về tại Trung tâm thể thao Hàm Rồng thi đấu vòng chung kết nhằm chọn ra các cầu thủ lọt vào khóa học 7 năm của học viện, do chính Giám đốc toàn cầu Học viện Arsenal JMG Jean Mare Guillou sát hạch. Công tác tuyển sinh lần này có nhiều thay đổi. Số lượng đầu vào không hạn chế mà phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng dự tuyển của các thí sinh. Độ tuổi tuyển sinh được nới rộng lên 12-14, thay vì 11-12 như khóa đầu. Tại điểm sân vận động Quy Nhơn, đợt tuyển sinh khóa II diễn ra vào ngày 2.6.2009 với 300 thí sinh tranh tài; và, cũng theo anh Mậu, tỉnh Bình Định có… 1 em lọt vào vòng chung khảo.

Bình quân mỗi năm CLB HA.GL được đầu tư 30 tỉ đồng từ công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai Group. Hiện nay, HA.GL Group đã và đang đầu tư  60 tỉ đồng để nâng cấp và xây dựng lại sân vận động Pleiku theo mô hình của một tiểu Emirates của CLB Arsenal và 115 tỉ đồng thành lập mới Công ty cổ phần thể thao HA.GL. Nâng tổng số 8 năm qua (2002-2009), CLB HA.GL được Cty mẹ đầu tư với số tiền khổng lồ trên 500 tỉ đồng. Bởi theo bầu Đức: …đầu tư vào bóng đá là để quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, lợi ích của nó đem lại là vô hạn.

  • Xuân Thành
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/08/2009)
Mùa Hè dấu yêu  (07/07/2009)
Bác Hồ với báo Đảng  (07/07/2009)
Ảnh hưởng của El Nino đến biến đổi khí hậu và sản xuất ở Bình Định  (07/07/2009)
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp  (07/07/2009)
Nhiều khả quan nhưng phải có thời gian đối chứng  (07/07/2009)
Nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em miền núi  (07/07/2009)
Chung tay vì người khuyết tật  (06/07/2009)
Hàng si, tồn tại nhờ vị thế riêng  (06/07/2009)
Vợ là… “đàn ông”  (06/07/2009)
Thơ  (06/07/2009)
Ngàn dặm xa  (07/07/2009)
Xử lý nghiêm việc chống người thi hành công vụ  (06/07/2009)
Từ chiếc áo quan văn trưng bày tại Bảo tàng Bình Định  (06/07/2009)
Cần thêm những nỗ lực đổi mới  (06/07/2009)