Xây dựng thêm “thương hiệu võ” cho đất Võ
20:48', 3/8/ 2009 (GMT+7)

Cuộc thi Hoa hậu các miền đất Võ và Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam đã được Cục Bản quyền tác giả công nhận chủ sở hữu cho tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, để phát huy tốt giá trị thương hiệu này thì chứng nhận trên chỉ là bước đi đầu tiên…

 

Thí sinh tham gia cuộc thi Hoa hậu những miền đất Võ biểu diễn võ trước tượng đài Quang Trung.

 

* Những mặt hạn chế

Trong lần đầu tiên tổ chức, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Cuộc thi Hoa hậu những miền đất Võ (CTHHĐV) Lê Quý Dương muốn hướng đến việc tôn vinh vẻ đẹp thể lực, thần lực và đặc biệt là vẻ đẹp trí lực của người phụ nữ. Đây là ý tưởng hay nhằm tạo nên bản sắc riêng cho CTHHĐV, nhưng tiếc thay, nó lại được thể hiện hết sức nhạt nhòa.

Đánh giá một cách khách quan, CTHHĐV chỉ thành công ở sân khấu và chương trình hoành tráng đêm chung kết, cũng như sự mới lạ khi các người đẹp “múa” võ. Còn chất lượng các hoạt động của CTHHĐV thì chỉ ở mức độ trung bình. Chuyện hậu CTHHĐV cũng có nhiều vấn đề đáng nói, khi cho đến bây giờ tất cả các thí sinh đạt giải đều chưa có được một tấm giấy chứng nhận danh hiệu. CTHHĐV có quy mô và kinh phí tổ chức rất lớn, nhưng sau đó lại không có kế hoạch phát huy trách nhiệm của “Hoa hậu những miền đất Võ” trong các hoạt động cộng đồng, cũng như tham gia quảng bá cho đất nước và con người Bình Định.

Gần một năm sau CTHHĐV, tìm đến căn nhà nhỏ của Hoa hậu Bùi Thị Thanh Thảo, nhìn khắp chỉ thấy vật chứng tỏ chủ nhân từng đăng quang là… Giấy khen của Trường Đại học Quang Trung cho thành tích của sinh viên. Hoa hậu Thanh Thảo tâm sự: “Sau khi đạt ngôi vị Hoa hậu, em chờ đợi các chương trình hoạt động của Ban tổ chức để tham gia đóng góp cho quê hương. Nhưng đến giờ vẫn không thấy động tĩnh gì nên cảm thấy buồn và thất vọng…”.

 

Việc đưa các đoàn võ quốc tế về giao lưu tại các làng võ Bình Định nổi tiếng cần được đầu tư nhiều hơn trong LHQTV lần III. - Trong ảnh: Võ sư Trần Dần hướng dẫn học trò tập luyện tại làng võ An Vinh.

 

Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam (LHQTV) sau hai lần tổ chức thì nội dung các chương trình hoạt động vẫn không có nhiều thay đổi, chủ yếu vẫn là cho các đoàn luân phiên nhau ra biểu diễn quyền, binh khí, đối kháng với một thời lượng ngắn. Điều này không giới thiệu được hết tinh hoa của từng môn phái, đồng thời dễ gây cảm giác đơn điệu. Trong LHQTV lần II thì Ban tổ chức đã đưa vào hoạt động mới, đó là “khôi phục” các làng võ của Bình Định và đưa các đoàn về giao lưu. Đáng lẽ đây phải là một trong những hoạt động chính được đầu tư nhiều cả về kinh phí lẫn chuyên môn, qua đó khẳng định được bản sắc riêng độc đáo của địa danh “đất võ”. Nhưng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động giao lưu này rất ít, nên phần nào thành công chủ yếu nhờ vào nội lực sẵn có của các võ đường. Ngược lại phần rất lớn kinh phí tổ chức của LHQTV lần II lại được dồn vào lễ khai mạc hoành tráng, trong khi chỉ sau đó một ngày các đoàn võ thuật lại tiếp tục được thưởng thức chương trình nghệ thuật tổng hợp khai mạc Festival Tây Sơn – Bình Định 2008 hoành tráng và đặc sắc hơn. Chính vì sự đầu tư xây dựng chương trình còn chưa hợp lý như thế, nên LHQTV lần II tổ chức vẫn còn đơn điệu và chưa phát huy được hiệu quả tương xứng với tầm vóc.

* Hướng đến việc xây dựng thương hiệu

Muốn xây dựng được thương hiệu cho CTHHĐV, trước tiên phải xác định rõ chủ đề trọng tâm mà cuộc thi muốn hướng đến là người đẹp hay võ thuật. Tránh tình trạng như lần tổ chức đầu tiên là có nhiều người đẹp thì rất kém võ, còn người thực sự có trình độ võ thì không đẹp. Phải ý thức được rằng, CTHHĐV không thể tạo dựng được thương hiệu riêng, nếu đặt nặng yếu tố sắc đẹp giống như rất nhiều các cuộc thi khác. Thay vào đó cần chú trọng nêu bật được “vẽ đẹp võ” từ các thí sinh, được thể hiện qua các hoạt động trong cuộc thi gắn liền với việc quảng bá hình ảnh của đơn vị đăng cai “đất võ”. Chẳng hạn như cho thí sinh thể hiện mình thông qua việc về thực tế và tham gia luyện võ tại các làng võ nổi tiếng của Bình Định…Từ đó có được định hướng đúng cho việc xây dựng kịch bản và triển khai dàn dựng các hoạt động. Đây chính là vấn đề quan trọng nhất quyết định đến việc xây dựng thương hiệu cho CTHHĐV lần II.

 

Hoa hậu Bùi Thị Thanh Thảo giới thiệu chiếc áo choàng và Vương miện hoa hậu, từ khi đăng quang đến nay chưa có dịp sử dụng lại.

 

Theo kế hoạch chính thức đã được công bố, LHQTV lần thứ III có trọng tâm vẫn là các hoạt động biểu diễn võ thuật không khác nhiều hai lần trước, chỉ thêm vào các hoạt động phụ trợ để giới thiệu quảng bá về bản sắc văn hóa Bình Định. Võ sư Phi Long Vịnh (huyện Tuy Phước) đề xuất: “Trong lần tổ chức tới, cần tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các võ đường Bình Định và quốc tế có điều kiện giao lưu, trao đổi võ thuật nhiều hơn. Ngoài việc chỉ mỗi bên cử đại diện ra biểu diễn, cũng cần nghiên cứu cho các đoàn quốc tế được thi đấu giao lưu quyền, binh khí tại các võ đường nổi tiếng của Bình Định. Kết quả thắng thua của các cuộc đấu giao lưu này không thành vấn đề, quan trọng là giới thiệu rõ hơn trình độ và tinh hoa của từng môn phái…”. Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam là một hoạt động ý nghĩa và độc đáo, nhưng sau hai lần tổ chức vẫn chưa thực sự xây dựng được thương hiệu. Điều này xuất phát từ  nguyên nhân quan trọng là do chúng ta ở khâu tổ chức và quảng bá vẫn theo kiểu “cây nhà lá vườn” là chính. Nên trong LHQTV lần III, chúng ta cần có được một êkip tổ chức sự kiện chuyên nghiệp có tầm cỡ quốc gia để tạo nên sự mới lạ, đặc sắc hơn các chương trình hoạt động…

Điều cuối cùng cần nói đến trong việc hướng đến xây dựng thương hiệu cho LHQTV và CTHHĐV, là tại sao không nghĩ đến việc gắn kết hai hoạt động này với nhau. Bởi nếu được tổ chức trong LHQTV, CTHHĐV sẽ thu hút được các nữ võ sinh quốc tế tham gia, giúp nâng tầm quy mô và “chất võ” của các hoạt động. Ngược lại, CTHHĐV sẽ góp phần tạo nên sự sinh động và lôi cuốn hơn cho LHQTV. Điều quan trọng hơn cả là sự gắn kết trong việc xây dựng thương hiệu  giữa hai hoạt động này, sẽ đem đến hiệu quả hơn cho việc xây dựng thêm “thương hiệu võ” cho đất Võ.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhơn Hải: Cái khó không bó cái vui  (03/08/2009)
Nơi ươm mầm tài năng bóng đá trẻ  (03/08/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/08/2009)
Mùa Hè dấu yêu  (07/07/2009)
Bác Hồ với báo Đảng  (07/07/2009)
Ảnh hưởng của El Nino đến biến đổi khí hậu và sản xuất ở Bình Định  (07/07/2009)
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp  (07/07/2009)
Nhiều khả quan nhưng phải có thời gian đối chứng  (07/07/2009)
Nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em miền núi  (07/07/2009)
Chung tay vì người khuyết tật  (06/07/2009)
Hàng si, tồn tại nhờ vị thế riêng  (06/07/2009)
Vợ là… “đàn ông”  (06/07/2009)
Thơ  (06/07/2009)
Ngàn dặm xa  (07/07/2009)
Xử lý nghiêm việc chống người thi hành công vụ  (06/07/2009)