Trong số các hội viên của Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định, chỉ có hội viên ở huyện Phù Mỹ là đang sinh sống ở các xã. Chơi ảnh là một môn chơi khá tốn kém nhưng bằng cách tìm tòi sáng tác theo kiểu “hương đồng gió nội”, họ vẫn có được nhiều tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao…
|
Nhiếp ảnh gia Trà Thanh (bên trái) và Ngọc Trì.
|
* Chân dung nhiếp ảnh gia “cấp xã”
Trước tiên cần phải nói với nhau rằng “nhiếp ảnh gia cấp xã” là một cách nói cho vui với nhau chứ thật ra không có kiểu phân cách kỳ khôi này. Ngôi nhà nhỏ Phan Ngọc Trì (năm nay 55 tuổi) ở thôn Đông An, xã Mỹ Chánh nằm giữa một vườn cây bông giấy rực rỡ sắc màu. Ngọc Trì vốn là thầy giáo nhưng đam mê chụp ảnh nên ngay từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đã gom góp sắm máy ảnh để trở thành thợ chụp ảnh dạo ở huyện Phù Mỹ khi ấy.
Ngọc Trì đã nuôi dưỡng niềm đam mê và rèn luyện kỹ năng chụp ảnh liên tục từ đó đến nay, nhất là từ khi anh quyết định nghỉ dạy học và mở tiệm chụp ảnh ở nhà. Ngọc Trì cho biết: “Tôi mê cái đẹp nên trước đây hễ thấy cái gì đẹp đều chụp, sáng tác theo ý mình. Từ khi vô tham gia sinh hoạt trong Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định năm 2002, tôi bắt đầu chú trọng hơn đến việc trau chuốt tính tư tưởng trong tác phẩm…”.
Từ nhà của nhiếp ảnh gia Ngọc Trì đi khoảng nửa cây số là đến nhà nhiếp ảnh gia Trà Thanh (49 tuổi) ở thôn Chánh Hội, xã Mỹ Cát. Đã gọi điện hẹn trước nhưng khi chúng tôi đến nhà cũng phải đợi đến nửa tiếng sau mới thấy anh chân lấm tay bùn đi về, rồi cười hà hà phân bua: “Nhà có 4 sào ruộng đang trong thời điểm sạ nên phải tranh thủ làm cho kịp. Trong giới nhiếp ảnh Bình Định hiện nay, chỉ có mình tôi là có “chuyên môn” làm ruộng chính hiệu thôi…”.
|
Trà Thanh và Ngọc Trì đang sáng tác ngay trong vườn nhà.
|
Là nông dân nhưng có máu nghệ sĩ, Trà Thanh đã tìm đến nhờ Ngọc Trì hướng dẫn chụp ảnh từ cách đây hơn 20 năm. Sau đó Trà Thanh cũng đến với nghề chụp ảnh dạo, đồng thời tự học thêm nghề vẽ chân dung. Những lúc nông nhàn, Trà Thanh lại cưỡi chiếc xe đạp cà tàng cột giá vẽ phía sau, trên vai đeo máy ảnh rong ruổi qua nhiều xã lân cận ở huyện Phù Mỹ, Phù Cát để hành nghề. Và rồi thành quả lớn nhất mà nghề chụp ảnh dạo đã đem lại cho Trà Thanh chính là… bà xã bây giờ.
Cũng như Ngọc Trì, Trà Thanh mới thực sự đến với nhiếp ảnh nghệ thuật một cách bài bản gần chục năm nay. Sau khi đạt một số giải thưởng ảnh nghệ thuật của Bình Định và khu vực, Trà Thanh đã được kết nạp vào Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định vào năm 2006.
Nhiếp ảnh gia “cấp xã” ở Phù Mỹ còn có Hậu Đình Tường ở xã Mỹ Quang, nhưng thật đáng tiếc anh đã mất năm ngoái vì bệnh hiểm nghèo. Hậu Đình Tường rất yêu vẻ đẹp không khí lao động trên quê hương, nên nỗ lực sáng tạo để lại cho đời nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật có chất lượng cao như Đồng cói tinh sương (Huy chương Đồng Liên hoan Ảnh nghệ thuật Nam Miền Trung - Tây Nguyên 2003), Triều lên ven đầm (giải ba Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Bình Định 2004), Già làng (giải nhì Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Bình Định 2005)…
* Sáng tác theo phong cách “hương đồng gió nội”
NSNA Ngọc Lối, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định, nhận xét: “Các nhiếp ảnh gia ở Phù Mỹ mặc dù không có được điều kiện thuận lợi, nhưng bằng niềm đam mê đã nỗ lực xây dựng được phong cách sáng tạo riêng, thể hiện qua nhiều tác phẩm có giá trị…”.
|
Tác phẩm “Tung hứng” của Ngọc Trì.
|
Ngọc Trì khi lần đầu tiên tham dự Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Bình Định năm 2003 đã làm nên một “hiện tượng” khi giành được hầu hết các giải thưởng lớn nhỏ của cuộc thi. Đặc biệt, hai tác phẩm đạt giải cao nhất của Ngọc Trì đều chụp về loài lông vũ. Tác phẩm Tình mẫu tử (giải nhất) thể hiện cảnh chim mẹ đang cho chim con ăn, được Ngọc Trì lấy bối cảnh từ chính ổ chim trên cây trước sân nhà. Tác phẩm Tung hứng (giải nhì) lại là một kỷ niệm đáng nhớ đối với Ngọc Trì, khi anh ra ngồi cạnh bờ sông gần nhà để rình chụp cảnh âu yếm của hai con vịt dưới sông. Ngồi chờ hàng giờ bị kiến cắn hết chịu nổi mà chẳng thấy cặp vịt “yêu” nhau, đến lúc anh chuẩn bị đứng dậy ra về thì bỗng đâu một con vịt thứ ba bơi đến tung cánh trên mặt nước rất đẹp. Thế là vô tình Ngọc Trì chụp được khoảnh khắc vàng này trong niềm sung sướng…
Trà Thanh thì khai thác “cây nhà lá vườn” một cách độc đáo hơn, khi huy động cả vợ con, người thân, hàng xóm tham gia làm người mẫu cho các tác phẩm của mình. Giới nhiếp ảnh phải bái phục sự chịu chơi của Trà Thanh với tác phẩm Tóc thơm, chụp cảnh con trai nhỏ của mình dội nước gội đầu cho mẹ đang… khỏa thân. Chị Đinh Thị Vinh, vợ Trà Thanh, kể: “Bữa đó tôi đang bị cảm lại vừa mới sáng sớm thức dậy, nhưng ổng chạy vào nói vợ nhanh nhanh…cởi áo ra giếng tắm. Lúc đầu tưởng ổng bị “chạm”, nhưng rồi thấy cứ năn nỉ ỉ ôi rằng ánh nắng ban mai rất đẹp không thể bỏ lỡ khiến tôi cũng xiêu lòng…”.
Tác phẩm Tóc thơm sau đó đã được chọn dự treo triển lãm ảnh “Phụ nữ và cuộc sống” tại TP HCM năm 2003. Có lần Trà Thanh đã huy động con gái rủ bạn mặc áo dài, đội nón lá đến… đồi cát Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành) đi đứng tạo dáng cho mình chụp ảnh. Chụp mãi vẫn chưa có được hình ảnh ưng ý, thì bất ngờ con gái Trà Thanh bị gió thổi bay nón liền chạy theo… thế là Trà Thanh chụp lia lịa hết 3 cuộn phim. Tác phẩm Gió bay đạt giải Nhì Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Bình Định năm 2005 là một kiểu ảnh trong 3 cuộn phim này.
|
Tác phẩm “Tóc thơm” của Trà Thanh.
|
Liên tiếp trong những năm gần đây, Trà Thanh đều đạt giải cao trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật của tỉnh và khu vực. Góp phần quan trọng vào sự thành công này của Trà Thanh, chính là sự hậu thuẫn rất lớn từ người vợ đồng cảm với niềm đam mê tốn kém của chồng. Chị Vinh cho biết: “Cứ mỗi lần đến cuộc thi ảnh nào là ổng suốt ngày đờ đẫn suy nghĩ đề tài cả tháng trời, tối đến nằm ngủ cũng nói mớ chuyện chụp ảnh. 14 năm trước đã bán cả tấn lúa lấy tiền để mua máy ảnh cơ tốt cho ổng. Nhưng cách đây 2 tháng, tôi lại tiếp tục “xảm mặt” bán lúa bán gà để mua lại máy ảnh kỹ thuật số nhằm giúp ổng thuận tiện hơn trong sáng tác ...”.
Từ nhiều năm nay, Hậu Đình Tường, Ngọc Trì, Trà Thanh luôn cùng nhau chia sẻ niềm đam mê và nung nấu ý định tổ chức triển lãm ảnh chung tại Phù Mỹ. Nhưng cho đến giờ, mong muốn giới thiệu quảng bá về vẻ đẹp quê hương này của họ vẫn chưa thực hiện được vì không có kinh phí. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực sáng tác và hy vọng sẽ nhận được sự trợ giúp để tổ chức triển lãm chung trong thời gian tới. Chỉ thương cho anh Hậu Đình Tường đột ngột mất đi khi mong ước này còn chưa trọn…” - Ngọc Trì và Trà Thanh cùng bùi ngùi tâm sự.
|