Thời
gian qua, trên địa bàn thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn xảy ra nhiều vụ việc gây
bất ổn về trật tự xã hội, trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Phần
lớn những vụ việc đó do đối tượng chậm tiến đã hoặc đang được quản lý, giáo dục
tại cộng đồng theo NĐ 163/CP, trong đó phần lớn đang ở tuổi thanh - thiếu niên
gây ra…
|
Công
an thị trấn Đập Đá giáo dục đối tượng chậm tiến. Ảnh:V.Q.H
|
Đầu năm 2009, trên địa bàn thị trấn Đập Đá
xảy ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận và ảnh hưởng xấu đến
trật tự xã hội. Kẻ gây án là Lê Tấn Đạt (SN 1993, ở Nam Phương Danh, thị trấn
Đập Đá)- một đối tượng chậm tiến đang được quản lý, giáo dục tại cộng đồng theo
NĐ 163/CP. Hôm đó, khoảng 20 giờ 45 ngày 10.3, sau khi nhậu xong, Lê Tấn Đạt
cùng một người bạn đến quán Lệ Hiền (ở cùng khu phố) để hát karaoke nhưng bị chủ
quán là chị Đặng Thị Lệ từ chối.
Vốn hung hăng lại vừa uống rượu nên Đạt gây chuyện với chị Lệ, sau đó về nhà gần
đó lấy dao để hăm dọa. Khi Đạt quay lại
thì anh Trần Văn Hiền - chồng chị Lệ - cũng vừa đi công việc về.
Hai bên gặp nhau và xảy ra cãi vã ngay trước cửa quán. Vụ xô xát giữa anh Hiền
với Lê Tấn Đạt ngay sau đó đã được anh Trần Văn Thiện, em ruột anh Hiền và Lê
Văn Hoàng, cha của Lê Tấn Đạt tham gia. Và trong lúc ẩu đả, Lê Tấn Đạt đã dùng
dao đâm anh Hiền và anh Thiện bị thương, tuy được đưa đi cấp cứu ngay lúc đó,
nhưng đến sáng 11.3, anh Hiền đã chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Ngay
trong đêm xảy ra vụ án, Lê Văn Hoàng đã đưa con trốn lên Gia Lai, đến ngày hôm
sau thì bị CA huyện An Nhơn truy bắt được.
Gần
đây nhất, đêm 27.6, cũng tại thị trấn Đập Đá, lại xảy ra một vụ án đặc biệt
nghiêm trọng và đau lòng, đó là vụ con trai đâm chết cha ruột. Thủ phạm là Nguyễn Xuân Tùng (SN 1984, ở
Tây Phương Danh), là một đối tượng thuộc diện chậm tiến, đã từng bị quản lý giáo
dục tại cộng đồng theo NĐ163/CP. Sau khi gây án, Tùng đã bị CA huyện An Nhơn bắt
tạm giam và y đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Tối
27.6, Nguyễn Xuân Tùng đi chơi về
thấy cha là ông Nguyễn Văn Giác (SN 1966) trong trạng thái say rượu đang la mắng
mẹ, nên đã phản ứng, từ đó giữa hai cha con xảy ra cãi vã. Ông Giác đã đẩy Tùng ngã xuống bàn kính, làm
tấm kính vỡ ra và lấy mảnh kính vỡ đó bổ vào đầu con mình làm chảy máu. Tùng
vùng dậy được, chạy xuống nhà dưới lấy con dao thái rau phóng vào người ông Giác
nhưng không trúng, sau đó y lấy con dao thứ hai rượt đuổi ông Giác chạy ra ngoài
và đâm một nhát trúng vào ngực ông. Nhát dao oan nghiệt đó đã làm thủng phổi,
khiến ông Giác gục xuống tại chỗ và chết sau đó một tiếng đồng hồ tại Trung tâm
Y tế huyện An Nhơn.
Trước
đó, năm 2008, Đặng Văn Trung (SN 1991, ở Phương Danh) trong lúc ăn nhậu đã dùng
dao đâm Cao Văn Lộc (ở xã Nhơn Hưng, An Nhơn) bị thương nặng và chết trong lúc
cấp cứu tại Bệnh viện huyện An Nhơn.
Ngoài
những vụ án giết người trên, ở thị trấn Đập Đá số đối tượng chậm tiến, phần lớn
là thanh- thiếu niên còn gây ra những vụ việc khác, ảnh hưởng xấu đến an ninh
trật tự. Nguyễn Văn Thiện – thường gọi là Búa (SN 1990, ở Đông Phương Danh)
nhiều lần quậy phá, được đưa vào diện quản lý giáo dục tại cộng đồng nhưng hiện
chưa tiến bộ. Đối tượng này đã từng vào quán bida Happy Land ở Nam Phương Danh, đập phá tài sản,
CA thị trấn đến đưa về trụ sở để lập biên bản thì y tiếp tục gây mất trật tự, làm ảnh
hưởng đến bà con xung quanh. Trần Tiến Phát (SN 1992, ở Nam Phương Danh), thường
xuyên say rượu và mỗi lần say, nếu không quậy hàng xóm thì cũng chưởi cha mẹ,
thậm chí dùng dao rượt chém những người sinh thành, nhưng rất may chưa lần nào
kẻ bất hiếu này đuổi kịp cha mẹ mình.
Những
đối tượng chậm tiến ngày càng lún sâu vào những vi phạm về trật tự xã hội, một
mặt do thiếu sự quan tâm của gia đình, có trường hợp những người trong gia đình
là đối tượng hình sự nên không giáo dục được con, em họ. Mặt khác, tác động từ những hiện tượng
tiêu cực của xã hội chưa được các cấp, các ngành chức năng và đoàn thể có biện
pháp ngăn chặn hữu hiệu. Tình trạng trẻ em say rượu, mê game dẫn đến trộm cắp
ngày càng gia tăng một cách đáng lo ngại. Những đối tượng trong bài này không
nằm ngoài số đó. Lê Tấn Đạt có cha là Lê Văn Hoàng vốn là một đối tượng hình sự
đã từng bị kiểm điểm trước dân, 2 cha con đã từng bị đưa vào diện quản lý giáo
dục tại cộng đồng theo NĐ163/CP nhưng cả hai đều không tiến bộ và cùng phạm tội,
hiện nay đã trả giá với mức án 11 năm tù về tội “Giết người” đối với Đạt và 4
năm tù về tội “Che giấu tội phạm” đối với Hoàng. Ông Nguyễn Văn Giác – nạn nhân
của chính con trai mình - là một người thường xuyên say sưa và là một người
chồng vũ phu, người cha thiếu trách nhiệm. Có một người cha như vậy nên các con
ông có đến hai người thuộc diện
chậm tiến phải đưa vào diện quản lý giáo dục theo NĐ163/CP, trong đó có Nguyễn
Xuân Tùng. Hôm đó, khi Tùng đi uống rượu về thấy ông Giác cũng trong tình trạng
say rượu và đang đánh vợ (mẹ của Tùng) nên đã phản ứng. Vốn hung hăng, đã từng
đánh người, gây rối trật tự công cộng bị xử lý hành chính và đưa vào diện quản
lý, giáo dục tại cộng đồng nên trước cảnh đó, phản ứng của Tùng hoàn toàn theo
kiểu côn đồ và hậu quả xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Ở
thị trấn Đập Đá, với một số trường hợp điển hình nêu trên đã cho thấy phần nào
nguyên nhân làm gia tăng số thanh - thiếu niên chậm tiến và hậu quả nghiêm trọng
do đối tượng này gây ra. Giải quyết tình trạng này, trước hết phải từ gia đình,
sau đó là cộng đồng. Tấm gương của cha mẹ, sự quan tâm của mọi người sẽ làm thay
đổi những suy nghĩ lệch lạc của thanh - thiếu niên đang bước vào tuổi trưởng
thành. Tuy nhiên, chính quyền cũng
phải kiên quyết đối với những trường hợp không chịu sửa chữa. Sự phối hợp giữa 3
môi trường: gia đình, học đường và xã hội sẽ góp phần làm giảm dần số thanh-
thiếu niên chậm tiến và phòng ngừa tội phạm hiệu quả nhất.
|