“Bà - nước - cơm !”
21:22', 3/8/ 2009 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Xuân

- “Bà- nước- cơm” đến rồi kìa, mẹ tôi bảo, con vào lấy thùng nước cơm ra cho bà.

Tôi chưa kịp vào thì “bà- nước- cơm” đã nhanh nhẹn đặt cái xô lớn phía ngoài cửa, rồi khoát tay: “Cô cứ để tôi...”.

Ngay mẹ tôi cũng không biết bà tên gì. Trước gọi bà là bà Cả - vì chồng bà là con cả trong gia đình, và bà là vợ lớn. Bà không có con với ông nên ông lấy thêm bà bé. Biết phận mình, bà Cả chẳng thèm ghen chi cho mệt, bà chỉ giữ lại cái nhà cũ. “Ông ấy muốn đi đâu thì đi, lúc nào muốn về thì về”, bà nói với hàng xóm như vậy.

Lúc bà Hai sinh con, bà cả đích thân đi thăm, lại có vẻ mừng.

Hơn mười năm nay, bà Cả ở một mình, nuôi heo làm vườn. Khu phố tôi ở giờ chỉ còn mỗi bà nuôi heo nên hầu như nhà nào cũng là mối nước cơm của bà. Nhà nào bà cũng đặt sẵn một cái xô nhỏ, một cái chậu hay một cái can nhựa… ngay chỗ rửa chén bát. “Cơm thừa canh cặn ông bà cứ trút cả vào đây cho cháu. Đừng đổ xuống cống, phải tội!”. Bà nhiều lần nói với mẹ tôi như vậy.

Một hôm bà vào nhà tôi, thấy tôi đang nhặt rau, bà sà xuống nhặt hộ, xuýt xoa: “Cô phí quá! Những cái cô bỏ đi tôi nhặt lại ăn cũng còn dư hai bữa…”.

Bà Cả có tay nuôi heo lắm! Bà nuôi những hai heo nái, con nào cũng một năm đẻ hai lứa, lứa nào ít cũng 8 con. Bà giữ nuôi tất. Vì nuôi nhiều heo nên bà phải lân la đặt mối nước cơm cả khu phố trên. Ngay xe phở đầu ngã ba cũng có xô nước cơm của bà. Còn rau hư, cá ươn ở chợ thì khỏi nói…

Hầu như lúc nào cũng thấy bà tất bật, lam lũ. Cái áo nâu bà mặc vá chằng vá đụp. Cái quần đen còn thê thảm hơn. Ngay đến bây giờ tôi cũng chưa thấy cái quần nào tệ hại, dơ bẩn và xấu xí đến như thế! Nó vừa ngắn vừa rộng, trước sau vá hằng chục mảnh vải đủ màu đủ cỡ, nó dày cộm lên vì bết cái thứ nước cơm vừa khê vừa nhão. Nói phải tội, bà xách xô nước cơm đi đến đâu ruồi bâu theo đến đấy. Thú thật, khi bà đi ngang qua, tôi phải khẽ quay đi và nín thở. Ngay cái khăn cuộn tóc của bà cũng vá mấy mảng lớn. Bà lại ăn trầu nữa chứ! Bã trầu bà cho luôn vào xô nước heo. “Heo nó ăn hết cô ạ! Nó nghiện nữa đấy. Càng chắc, càng cứng xương” - Bà giải thích với tôi như vậy. Có nghĩa là những thứ gì heo ăn được bà đều tận dụng.

Bà Cả chăm sóc đàn heo chu đáo lắm. Người bà luộm thuộm bê bối dơ dáy chừng nào, thì chuồng trại và đàn heo của bà lại sạch chừng nấy! Mỗi lần nhìn bà gầy gò lem luốc, cầm cái chổi xể đứng giữa bầy heo mập ú sáng bóng, tôi cứ phải thầm so sánh… Bà khoe với tôi là thằng Tuấn - con út của ông Cả và bà Hai - cuối năm nay sẽ về đóng thêm chuồng trại cho bà. Tôi nhìn vào dãy máng heo hỏi bà: “Bà không pha thêm cám à?” - “Thi thoảng thôi cô ạ! Chỉ hôm nào tôi mệt không đi xin thêm được mới phải pha cám… Ở quê tôi làm gì heo được ăn ngon như ở đây. Thành phố họ phí của lắm! Chỉ cần mình chịu khó nhặt nhạnh thì tha hồ… Cô bảo mua cám cũng khối tiền đấy chứ!”.

Cứ vài tháng lại thấy lái heo đến nhà bà. Bà Cả bán heo cũng nhanh và gần như bí mật. Mẹ tôi bảo bà phải có vàng đống. Nhưng lúc nào cũng thấy bà than nghèo than khổ!? Bà phân bua với mọi người: “Tôi cứ phải lo tiền cho ông nhà tôi. Ở với tôi thì sao cũng được rồi. Ở với bà ấy không có tiền không được đâu! Lại còn đàn con ông ấy nữa… Dù sao cũng… Với lại cái nhà này, ông ấy cũng có phần…”. Nhiều người không ưa bà thì xầm xì sau lưng: “Bà ấy keo kiết, sợ mình mượn đấy. Ngữ ấy ăn còn chẳng dám ăn thì đời nào thí cho ai”; “Phải rồi! Có thấy bà ấy chợ búa gì đâu. Nhớ cái năm cả nước phải ăn độn khoai sắn với bo bo, tôi thấy bà ấy bẫy cả chuột cống để ăn. Tôi mà nói sai tôi chết liền!”. Tôi nghe chuyện ấy mà rùng mình. Ừ, cũng có thể lắm. Chính mắt tôi có lần trông thấy bà Cả lựa trong đống cơm thừa ra những gì chưa thiu, đem nấu lại và ăn ngon lành. Bà còn nói thực với tôi: “Hạt ngọc trời cho đấy cô ạ! Tôi không nỡ phí hoài…”.

Sau giải phóng vài năm, nhà bên cạnh nhà bà Cả dọn đi kinh tế mới. Họ định tháo tôn và cửa mang đi. Bà Cả thấy tiếc, tiện hỏi mua luôn để nới rộng chuồng trại. Lúc ấy mua rẻ lắm, gần như vừa bán vừa cho. Nghe đâu bà trả tiền làm mấy bận, lần cuối là cặp heo con. “Để ông bà ấy về quê nuôi, dưới quê sẵn lương thực”- Bà Cả vừa nhai trầu vừa kể vậy.

Trong khu phố tôi, phải nói là không nhà ai rộng bằng nhà bà, cũng không nhà ai bê bối tối tăm như nhà bà. Nhà rộng như vậy nhưng bà chỉ thắp mỗi bóng điện tròn, không phải trong buồng ngủ mà là ở ngay chuồng heo. Nhà bà hầu như đóng cửa trước suốt ngày. Nhà tôi kế cận nên tôi thường mang nước cơm sang cho bà. Khi đã thân với bà, có lần tôi thổ lộ ước ao của mình: “Phải chi nhà cháu rộng như nhà bà. Cha cháu nhất định sẽ ngăn cho chị em cháu cái phòng riêng”. Bà cười: “Kể ra tôi gặp may thôi! Nhưng nhà rộng ở mỗi mình tôi cũng buồn lắm. Hay cô qua ở với tôi cho vui? Để tôi nói với ông bà cho…”. Tôi lắc đầu cười: “Cháu không dám đâu…”. Bà cũng cười, nhóp nhép nhai trầu: “Mà chắc cô không quen chịu khổ đâu…”. Bà sờ vải áo tôi đang mặc: “Con gái bây giờ sướng thật! Vải này bằng loại gì mà đẹp thế cô?” - “Dạ, ca-tê Việt Nam thôi bà ạ!”. Rồi tôi hỏi: “Hình như năm ngoái anh Tuấn về phép, có biếu bà xấp vải hoa mà. Loại vải ấy còn tốt hơn loại này nhiều” - “Thế à cô?...”- “Vâng! Sao bà không may lấy một bộ?” - “À, à… Tôi nghe nói tiền công đắt lắm!” - “Nếu bà không chê, bà đưa cháu cắt may cho” - “Ôi! Thật cảm ơn cô! Cô tốt quá… Nhưng tôi nghĩ thấy tiếc… Tôi cũng có một bộ để mặc đi chùa rồi…” - “Cháu thấy bộ ấy cũ rồi. Bà phải có bộ mới để thay đổi chứ” - “Ừ… ừ… Để khi nào cô thật rảnh rang đã… Hình như năm nay cô thi mà… Với lại tôi nghĩ mình cũng chẳng cần. Cốt là ở cái lòng mình… Chưa chắc ăn mặc đẹp người ta đã nhìn, cô nhỉ? Hơn nữa tôi cũng già rồi…” - “Thời buổi này các cụ cũng ăn diện đẹp lắm, bà ạ!” - “Nhưng tôi khác. Tôi không quen, không dám…”. Tôi cười, nói luôn: “Bà tiện quá đó mà!”. Bà gật đầu xác nhận: “Phải tiện chứ cô. Tôi còn bao nhiêu việc phải lo”. Tôi nắm tay bà: “Cháu nói thật bà đừng buồn nhé! Hàng xóm ai cũng bảo bà tiện quá, ăn chẳng dám ăn. Chẳng dại bà ạ!”. Bà trầm ngâm: “Tôi biết!... Tôi biết!... Nhưng tôi nghĩ không lẽ đời người chỉ lo nhất cái ăn sao? Miếng ăn là miếng nhục! Tôi đói khổ rồi, tôi biết…” - “Nhưng bà có một mình. Nhất là bà cũng lớn tuổi rồi. Theo cháu, bà cứ việc bồi dưỡng nghỉ ngơi, đi chùa, hành hương nơi này nơi khác cho sướng thân. Bà có điều kiện mà”. Bà Cả gật gù: “Cô nói cũng đúng… Tôi định đến năm lăm, sáu mươi tuổi đã… Nhưng sao cô biết tôi chỉ có một mình? Còn ông nhà tôi, còn các con ông ấy…” - “Cháu thấy bác trai mê vợ bé có ngó ngàng gì tới bà đâu? Mà bà ta thì… Ngay mấy đứa con của bà ta cũng toàn rút ruột của bà thôi”. Bà Cả gật đầu: “Tôi biết… Nhưng dù sao vợ chồng một ngày cũng là nghĩa. Dù sao chúng cũng là giọt máu của ông ấy…”. Rồi bỗng dưng bà chợt hỏi tôi: “Cô năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?” - “Dạ… Cháu mười tám…”. Bà bấm ngón tay: “Mười tám… Tuổi Hợi. Thằng Tuấn tuổi Thân, nó hơn cô ba tuổi…”. Tôi đỏ bừng mặt! Bà lại nói thêm: “Trong đám con ông ấy, chỉ thằng Tuấn là được…”.

                                                            *  *  *

Năm 69 tuổi, bà cả đột nhiên bệnh nặng. Bệnh như chưa từng bệnh! Chỉ trong một tuần bà gầy rộc đi. Mẹ con bà Hai nghe tin chỉ loáng qua, đảo mắt nhìn quanh nhà và đàn heo rồi biến mất. Mẹ tôi thương hại bà cô độc, bảo tôi tối tối mang ghế bố qua bà ngủ, hầu chăm nom bà. Hàng xóm cũng lần lượt đến thăm…

Bà Cả húp bát canh rau đay nấu thịt băm mà rơm rớm nước mắt: “Trời ơi! Cả đời tôi giờ mới được nếm bát canh ngon này. Không ngờ nó lại ngon đến thế!!! Thật cảm ơn bà, cảm ơn cháu…”. Nói rồi toát mồ hôi, nằm vật ra, khóc! Tôi vừa thương vừa thầm trách bà. Bát canh có đáng gì đâu, sao bà cứ phải chịu nhịn kham khổ cho đến nỗi này?! Khi mẹ tôi về rồi, bà nắm tay tôi, ứa nước mắt: “Cháu đã điện cho thằng Tuấn chưa?”. Tôi gật đầu. Bà lại bảo: “Điện thêm cho nó đi… Cháu điện cho ông nhà tôi nữa nhé…”. Rồi bà lẩm bẩm: “Chắc gì họ đã điện cho ông ấy rằng tôi bệnh nặng…”. Tôi gật đầu: “Vâng, bà nằm nghỉ, cháu đi ngay bây giờ” - “Tiền trong gối đây… Cháu lấy hộ…” - “Cháu có tiền rồi…”. Tôi vừa nói vừa chạy đi.

Khi tôi vừa ở bưu điện về thì gặp Tuấn đang ở trong nhà bà. Anh trong bộ quân phục đang quỳ bên giường, chiếc ba-lô quăng một góc. Đôi mắt Tuấn đỏ hoe. Bà Cả nắm chặt tay Tuấn có vẻ vui lắm, rồi thấy tôi đứng sựng giữa cửa, bà vẫy tay…

Tối hôm ấy, bà đòi Tuấn đỡ ngồi dậy, ăn hết bát cháo hành nóng, rồi nói một cách rất tỉnh táo: “Tuấn, Thúy… lại đây…”. Tôi và Tuấn đều hồi hộp. Tuấn nắm tay bà: “Mẹ Cả ơi!...”. Bà gật đầu nhìn chúng tôi: “Mẹ mừng là các con yêu nhau… Mẹ đã viết sẵn di chúc dành căn nhà này cho hai con… Hai đứa đều tốt, đều có hiếu… Không đứa nào khác có thể giành nhà được… Mẹ đã bảo bố con viết chủ quyền cho mẹ lâu rồi… Mẹ đã đưa cho ông ấy nhiều tiền. Ông ấy phá của quá! Mải ăn chơi… Nhưng rồi ông ấy cũng hiểu… Kể ra số ông ấy sướng thật!” - bà thở dài - “Phải chi mẹ đừng lo cho ông ấy về Bắc lần này thì vợ chồng đã gặp nhau… Mà thôi, số phận cả! Mẹ chỉ tiếc là không kịp về quê… Mẹ biết mình sắp chết… Các con đừng buồn! Ai mà chẳng có lúc phải chết… Mẹ lo liệu cả rồi. Tất cả chi phí đám tang mẹ, mẹ đã gởi tiền nhờ các thầy đưa mẹ vào chùa… Các con không phải lo gì nữa…” - Rồi bà chỉ vào góc giường: “Sau khi mẹ mất, các con chẻ ống chân giường tre đó ra… Trong đó còn ba lượng vàng, lấy mà sửa sang lại nhà rồi làm đám cưới…”. Bà nhìn tôi dịu dàng: “Mẹ cho con xấp vải trong tủ… Chẳng cần đợi đủ năm… Sau trăm ngày là được rồi… Mẹ cho phép…”. Tuấn ôm mặt nức lên: “Mẹ Cả ơi! Mẹ đừng bỏ chúng con…”. Bà gượng cười: “Bố mày! Con trai gì mà…! Đừng có hoang đàng như bố mày… Phải thương vợ thương con… Con Thúy nó ngoan lắm!...”. Rồi bà vật ra. Tôi ôm chầm lấy bà khóc nức nở… Bà còn nói nhiều nữa, không quên dặn tôi cho heo ăn. Đến nửa đêm, bà bắt đầu mê man, gần sáng thì đi…

                                                            *  *  *

Sau này, khi tôi và Tuấn đã lấy nhau, anh nhiều lần nhắc đến bà Cả, lắc đầu buồn bã: “Thương mẹ thật! Thà không có thì thôi, ai lại chịu nhịn ăn nhịn mặc đến như thế! Mẹ đúng là thần giữ của cho người khác. Anh nghĩ làm thế thì khổ chứ đâu có sướng…”. Nhưng mặc ai muốn nghĩ sao thì nghĩ, với bản tính phụ nữ luôn lo lắng và giữ gìn, càng ngày tôi càng nhận thấy rằng: Bà Cả, giờ là mẹ tôi - tôi sung sướng và hãnh diện xưng ra như thế - Mẹ đã chịu bao khổ cực, hy sinh, tận tụy làm việc, chịu dại chịu hèn, để giành giữ căn nhà này lại cho vợ chồng tôi. Lại còn dành dụm mua thêm, dù chỉ là xác nhà cũ nhưng thật rộng rãi. Ở thành phố này nhiều người phải mơ mới có nổi một diện tích như thế! Gia tài mà mẹ để lại cho chúng tôi thực lớn. Đâu chỉ là giá trị vật chất! Ít ra mẹ cũng đã để lại cho đời một cái gì đó có ích. Chúng tôi còn trẻ, chúng tôi chỉ còn lo làm ăn và xây dựng sao cho nhà mình ngày càng thêm đẹp. Tôi nghĩ, đó chính là mong muốn của mẹ tôi, và giờ đây ở dưới suối vàng chắc mẹ cũng chỉ trông mong như vậy… Hạnh phúc của chúng tôi chính là hạnh phúc của mẹ.

  • N.T.X
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Di tích Chiến thắng Chợ Cát  (03/08/2009)
Mãi xanh một thời tuổi trẻ  (03/08/2009)
Đối tượng chậm tiến và những bất ổn về trật tự xã hội  (03/08/2009)
Nhiếp ảnh gia “cấp xã”  (03/08/2009)
Xây dựng thêm “thương hiệu võ” cho đất Võ  (03/08/2009)
Nhơn Hải: Cái khó không bó cái vui  (03/08/2009)
Nơi ươm mầm tài năng bóng đá trẻ  (03/08/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/08/2009)
Mùa Hè dấu yêu  (07/07/2009)
Bác Hồ với báo Đảng  (07/07/2009)
Ảnh hưởng của El Nino đến biến đổi khí hậu và sản xuất ở Bình Định  (07/07/2009)
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp  (07/07/2009)
Nhiều khả quan nhưng phải có thời gian đối chứng  (07/07/2009)
Nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em miền núi  (07/07/2009)
Chung tay vì người khuyết tật  (06/07/2009)