“Nếu chữ Hy sinh có ở đời…” (thơ Hồ Dzếnh)
* Tản văn của Huỳnh Kim Bửu
Bà nội hỏi cưới mẹ về cho ba, vì bà chọn “môn đăng hộ đối”, ba lấy mẹ vì ba thương cô gái cùng làng, thương cô gái quê có cái duyên má lúm đồng tiền, con một ông Tú tài nghèo. Mười tám tuổi, mẹ lấy chồng, mười chín tuổi mẹ sinh con đầu lòng.
|
Mẹ còn gom lá vườn quê. Ảnh: Phạm Kim Sơn
|
Mẹ là thợ cấy, thợ gặt, từ thuở là con gái bên nhà ngoại. Về nhà chồng, nội giao mẹ làm mấy sào ruộng nhà và một mảnh vườn rậm rạp cây trái, chật chội ngỗng ngan gà vịt… Ba chuyên đọc sách ngâm thơ, ngẫm nghĩ thời cuộc, chẳng giúp được gì cho mẹ, nhưng nhờ có bà nội góp sức, cho nên công việc của mẹ cũng khá thanh nhàn, trôi chảy. Dù sao, nội thấy cũng cần động viên mẹ, nhất là những khi mùa màng đến, nội thường nói “làm ruộng ăn cơm nằm, để tằm ăn cơm đứng”. Từ khi sinh chị Hai rồi tiếp chị Ba, kinh tế gia đình gặp khó khăn, mẹ bắt đầu bươn chải bằng cách cấy thuê, gặt lúa mướn cho người ta. Nhà nào có đám ruộng cấy cũng thích kêu công mẹ, vì mẹ tẻ cây mạ đều tay, cấy thẳng hàng; chủ ruộng nào có đám ruộng thu hoạch cũng thích kêu công mẹ, vì mẹ cắt cây lúa bằng chân rạ, đập lúa chín, giê lúa sạch, khiến chủ ruộng ưng bụng, không tiếc giạ lúa trả hồi. Mẹ còn biết thêm nhiều nghề phụ: thêu thùa, vá may, chằm nón, làm bánh… Tính mẹ hay lam hay làm, không khi nào chịu nghỉ tay. Người ta bảo, làm nông có lúc nông nhàn, nhưng đối với mẹ, thì lúc nào cũng bận rộn, cũng công ăn việc làm. Hôm kia, đồng ruộng làng An Định mới gặt xong, cấy lại mùa sau xong, sáng qua, người ta đã thấy mẹ buôn nhãn bán trăm ở chợ Gò, chiều nay người ta gặp mẹ đội trên đầu liễn nón trắng cao vời vợi đi vào chợ Gò Găng, ngồi bán sỉ bán lẻ…
Mẹ vừa làm lụng vừa sinh nở, vừa nuôi con mọn vừa ốm nghén hết đứa nọ đến đứa kia. Những con của mẹ, 4 trai 6 gái, sinh ra cách năm đôi. Mẹ chịu thương chịu khó là vì gánh nặng gia đình: Nỗi cha mẹ chồng già yếu, chồng học chữ Nho lỡ vận; nỗi đàn con 10 đứa còn phải nuôi phải dạy 7 đứa, 3 đứa lớn đã sớm nghỉ học trường tổng, đi làm thuê, nhưng bữa có bữa không.
Cái thời nhan sắc của mẹ không bền, kéo dài không lâu. Sinh đứa con đầu lòng, ai cũng khen mẹ là “gái một con trông mòn con mắt”; có đứa thứ hai, mẹ phát tướng bà “mệnh phụ phu nhân”, đi xệ đường bờ ruộng; có đứa thứ 3, sức khỏe mẹ giảm sút; đẻ tiếp những đứa sau, mẹ ốm như con cò nhang. Mẹ không có thời gian soi gương để nhìn thấy cái nhan sắc sớm tàn phai của mình. Cái còn lại cho tới lúc này là tiếng hát ru của mẹ, mỗi khi mẹ bồng đứa con nhỏ nhất lên võng ru cho nó ngủ để mẹ rảnh tay làm công việc. Mẹ mỗi ngày có thêm nhiều bài hát ru, mà lời ru của mẹ thì buồn theo mỗi ngày: “À ơi… Chiều nay ra đứng nhìn mây/ Mây bay chóp núi, ngọn cây à ơi đậu con chim bay về / Phận em như cỏ mọc chân đê/ Mùa nắng nó cháy, mưa lê thê nó rục bùn. À ơi… Ơi à”… “Lảnh lót tiếng con chim kêu/ Lời ru rớt xuống ngọn chiều xót xa/ Ngọn gió xanh nó thổi qua sông Côn/ Mình có thương ráng đợi, đừng bồn chồn rớt xuống sông. À ơi… Ơi à”… Điều đó cũng có lý do. Ba vì thời cuộc, đi biền biệt theo ngọn cờ khởi nghĩa Văn Thân, bà nội quá già, mẹ một thân một mình nuôi dạy con. Năm tháng trôi qua, lần lượt, mẹ dựng vợ gả chồng cho đứa lớn, nuôi đứa nhỏ chờ ngày nó lớn khôn, bù lợp cho đứa có gia đình nhưng gặp phải hoàn cảnh khó khăn.
Có một hôm, chị Hai tay bồng tay mang từ bên chồng trở về, trông thấy mẹ trên đường làng, dáng mẹ đi liêu xiêu, không còn cái vẻ vững chãi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh như mới ngày nào. Từ hôm đó, ba thương mẹ, từ đâu không biết, nhắn tin về bảo mẹ không được làm lụng nhiều nữa; chị Hai, chị Ba thương mẹ, bắt đầu giảm sự lười biếng mà thay mẹ làm một số việc nhà; bà nội thương mẹ bảo mẹ đừng làm việc quá sức, nên dành thời gian nghỉ ngơi. Nghe lời khuyên, mẹ ít ra đồng hơn. Hay có ra đồng thì cũng chỉ để làm mấy chuyện nhỏ nhoi, nhẹ nhàng: thăm chừng cái trổ ruộng, dện mội dọc bờ mấy cái lỗ chuột đào, lươn rúc, đỡ dậy cây lúa ngã… Rồi mẹ đứng ngắm đồng, ngắm ruộng, không biết lòng mẹ vui hay buồn, hồi lâu mẹ mới chịu ra về. Lần nào ở đồng về, mẹ cũng có một nắm rau má đựng trong vạt áo, một mớ cua đồng đựng trong cái đụt nan tre đeo ở bên hông. Mẹ vẫn bảo, ba chúng bay thích những bữa cơm ăn với bát canh cua đồng nấu rau má, vì nó đậm đà, thơm ngát hương vị của đồng ruộng quê mình. Mẹ thường ở nhà làm vườn, chăm chút cây nọ vật kia ở trong vườn. Ba rò ngò cải, năm luống rau muống, một giàn đậu ngự lên xanh, vài con heo ú tốt, đàn gà béo tròn… tất cả, từ bàn tay của mẹ. Mẹ làm một mình, khi nào cần có sự góp sức của con cháu, mẹ mới gọi chúng. Buổi trưa, buổi tối lũ cháu nội ngoại của mẹ thường bu lại, thi nhau đòi nghe bà kể chuyện đời xưa, bóp chân, têm trầu cho bà. Lũ cháu thường thắc mắc, hỏi bà: Tại sao bà thường ra ngõ ngồi một mình? Hình như bà trông ngóng ai? Có phải bà trông ngóng ông về chăng? Tại sao bà vẫn thường đọc một câu mà lũ cháu nghe đến nỗi thuộc lòng: “Rau sam vẫn mọc chân rào trước/ Son sắt lòng cô vẫn đợi chờ” (thơ Hồ DZếnh). Bà cười dịu dàng rồi nói trại ra rằng, bà trông chúng cháu về đông đủ đấy.
Khi thằng Út đã chịu lấy vợ, cháu nội cháu ngoại của mẹ đã hơn mươi đứa, thì mẹ đã già lắm. Mấy đứa cháu gọi lưng của bà chúng có cái nét cong hình chữ C, tóc của bà chúng bạc trắng như đội bông trên đầu, đứa nào cũng bảo thương bà nhiều lắm. Tối ngày mẹ lủi thủi, hết trong nhà lại ra vườn, mẹ siêng năng quét dọn. Mẹ chống cây gậy trúc quét sân trước, vườn sau, nhóm lá tre khô thành đống dành cho bữa nấu cơm chiều trong bếp, bữa nấu cháo heo ngày mai nơi góc vườn. Mẹ cũng chống cây gậy trúc nhặt những tàu cau rụng đây đó, rồi kéo vô hè, ngồi lặng lẽ tước từng cọng sống tàu cau, cắt từng cái mo cau để dành đó. Rồi có một ngày, mẹ mang ra hết thảy, bó món nọ thành chổi, chằm món kia thành gàu xách nước. Mẹ bảo, thế cho đỡ ra chợ mua tốn tiền, uống nước giếng khơi xách gàu mo cau, nó vừa trong vừa mát, đã khát lắm. Mẹ chống gậy trúc, sục sạo khắp vườn, tìm nắm rau má, rau dền, rau sam, mồng tơi… cho bữa ăn gia đình. Mẹ không bắc nổi nồi gạo mới vo lên bếp, nhưng mẹ ngồi đẩy lửa (lửa rơm, lửa lá tre khô) cho cơm sôi, cơm chín được. Chị dâu trưởng nam ở chung với mẹ, muốn mẹ nghỉ, không cho mẹ làm lụng gì, nhưng đâu có được. Đến ngày giỗ ông bà nội, ngày giỗ ba, mẹ thức đêm cùng làm bánh với con cái, ngồi têm trầu để sáng ngày sắp lên hộp, đặt sớm trên bàn thờ gia tiên. Ngày Tết, ngày giỗ, mẹ mặc áo dài lụa đào để cúng lạy và tiếp khách. Những hôm lên chùa, mẹ mặc áo thụng lam, mẹ bảo đó là áo lễ. Những lúc rảnh, mẹ ngồi ăn trầu và gọi con cháu lại, nghe mẹ kể chuyện đời xưa. Mẹ nói, hồi mẹ còn nhỏ, ông kể chuyện đời xưa cho mẹ nghe, nghe chuyện nào mẹ nhớ chuyện nấy. Cho nên bây giờ mẹ có cả một kho cổ tích mà chuyện nào cũng hay. Học đạo hiếu, có chuyện Mục Kiền Liên; học đạo nghĩa anh em, chồng vợ thủy chung có Sự tích Trầu Cau… Tuổi già, mẹ thích ngồi ôn lại quá khứ, quá khứ xa lắc mà mẹ còn nhớ như in. Mẹ nhớ lại, một buổi chiều mưa ba gặp mẹ trên bến đò Trường Thi, trăng non vừa mọc trên đầu ngọn tre, đó là lần đầu hai người gặp nhau, làm quen nhau. Mẹ vẫn thích kể cho con cháu nghe đám cưới ba mẹ có mười đôi bầu xiểng đậy khăn thêu đỏ gánh đi trước, hai họ đưa dâu rước dâu đi sau sáng rỡ hai bờ con Mương Đôi. Làm sao mẹ quên được những cảnh “bên anh đọc sách bên nàng quay tơ” dưới trăng thanh, trước đèn mờ tỏ với chồng, những ngày lỡ vận, lận đận của chồng khi “cái học nhà Nho đã hỏng rồi/ Mười người đi học chín người thôi” (thơ Trần Tế Xương)… Nhiều khi mẹ u buồn kể rằng, ông ngoại Tú tài có dạy cho mẹ học sách thánh hiền, sống chung với ba đến chục mặt con, mẹ được cái “gần đèn thì sáng”, nhưng rồi đời mẹ thì vẫn chân lấm tay bùn, hết thời cô thôn nữ đến thời một mẹ quê, một bà già nhà quê.
Mười người con của mẹ đã làm cỗ giỗ mẹ mình lần thứ 30 rồi. Có người giỗ mẹ ở Đà Lạt, có người giỗ mẹ ở Nha Trang… Người con dâu trưởng giỗ mẹ ở quê. Chị Hai ở Quy Nhơn, năm ngoái về chùa dự lễ Vu Lan (ngày Rằm tháng Bảy), gặp mấy gia đình Phật tử, họ hỏi: “Thưa, chị có còn mẹ không?”, nghe chị trả lời, họ gắn trên ngực áo của chị một bông hồng trắng. Chị ngắm bông hồng trắng tinh nằm im trên ngực áo mình tỏa hương thơm dịu. Đó là lần chị biết mình mất mẹ thực sự.
|