Cả năm “cày” lo cho con ăn học. Đến kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhiều người lo “quắn đít” mới có nổi tiền đưa con đi thi. Rồi lại lo cho con đi học.
|
Để các con được ngồi trên giảng đường đại học...
|
* “Chống chọi” ngoài phòng thi
Bỏ bát cơm xuống mâm, ông Năm trầm ngâm: Vậy là ngày mai con út phải đi vào TP. HCM thi đại học. Đến đêm hôm qua, ông mới vay được 5 triệu của cậu em vợ, đặng ngày mai hai cha con cùng khăn gói vào Nam. Ngần ấy, góp với tiền bán “non” con heo thịt cũng chỉ có 5,5 triệu đồng. Tiền tàu xe đi lại, rồi ăn uống, nghỉ trọ… 3 ngày liền ở đất Sài thành không phải dễ…
Mới ngày nào đứa con gái lớn vào đại học, ông bà cũng phải vay mượn anh em trong họ mới đủ tiền cho con nhập học. Năm sau, thằng hai cũng bước chân vào giảng đường. Cầm tờ giấy báo của con trên tay mà ông lo đến xót ruột. Nhà nghèo, mấy đứa con đều có chí và ham học, hơn hẳn nhiều bạn cùng trang lứa nhà khá giả. Ông lo nhiều thứ, từ công việc hàng ngày, các khoản chi phí thường ngày của gia đình. Ông bảo hai ông bà thế nào cũng được, cơm rau rồi cũng qua bữa nhưng tiền cho mấy đứa nhỏ ăn học phải xoay cho có để con không phải lỡ nghiệp như mình… Mỗi lần có dịp gặp đông đủ các con, ông thường động viên con đừng vì thấy gia đình khó khăn, bố mẹ vất vả mà nhụt chí.
Kỳ thi đại học, cao đẳng vừa rồi, trong khi các thí sinh “vã mồ hôi” với các đề thi thì bên ngoài, các ông bố bà mẹ cũng chẳng khác gì. Cuộc nói chuyện của những người mới gặp gỡ lần đầu cũng chỉ xoay quanh tiền nong lo cho con ăn học. Chị Nguyễn Thị Mai (huyện Tuy Phước) mở đầu bằng một câu gọn lỏn: “Nói thật, con học dở thì buồn, nhưng học giỏi cũng chẳng vui được. Tui có kinh nghiệm con bé lớn đã đi học đại học xa nhà, tốn lắm”.
Còn anh Trần Văn Minh, ở TP Pleiku (Gia Lai), chờ con thi ở Hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương (TP. Quy Nhơn), cũng kể chuyện cậu con trai: “Hôm đi mua hồ sơ đăng ký tuyển sinh, hai vợ chồng hỏi thằng Út định thi ở đâu. Ý nó muốn thi vào Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nhưng hai vợ chồng đã “rào” trước thằng Út nên thi vào Trường Đại học Quy Nhơn vừa gần nhà vừa đỡ tốn tiền. Nghe xong, nó chỉ ậm ừ mà mặt buồn xo. Đến khi thấy con cứ trù trừ mãi cái ô trống ghi trường thi, vợ chồng tui đành “bấm bụng” bảo nhau thôi thì cố!”. Vậy là, mỗi ngày chồng thêm vài cuốc xe ôm, vợ nán thêm vài giờ ngoài chợ để bán được nhiều rau. Hôm đưa con đi thi, anh tính chi li: “Tiền xe từ Gia Lai xuống TP. Quy Nhơn hai cha con mất hơn trăm ngàn, vậy là tui bảo để tui làm xe ôm, dành tiền đó mà ăn uống, rồi bồi dưỡng chút đỉnh cho con có sức thi cử”.
|
...thì bên ngoài, nhiều bậc cha mẹ cũng phải nặng gánh lo. Ảnh: T.H
|
* Niềm vui thành đạt
Vừa uống chén nước xong thì có chuông điện thoại reo, cầm điện thoại trên tay, ông Năm chẳng dám nghe. Ông thoáng nghĩ, nếu chuyện tiền nong thì ông vừa mới gửi xong chẳng lẽ hai chị em chưa nhận được, hay thi cử nhiều quá nên số tiền đó không đủ… Nhưng ngược với nỗi lo, lần này ông Năm nhận được tin vui của con gái đã tốt nghiệp loại xuất sắc và được một công ty ở TP. HCM mời về làm việc với thu nhập khá cao. Cô con gái còn bảo, từ nay bố mẹ hết vất vả rồi, không cần phải lo tiền ăn học cho hai đứa em nữa. Nghe xong, ông như được cởi bỏ một gánh lo.
“Nếu sống bằng đồng lương giáo viên thời bao cấp thì tui không thể nuôi nổi ba đứa con, chính nghề mua phế liệu đã giúp tôi thực hiện được điều đó” - chị Mai nói một cách chân thành.
Công sức của những ngày không quản nắng mưa đã giúp chị nuôi cô con gái đầu đậu đại học. Ngày tốt nghiệp, con gái chị được một ngân hàng tuyển dụng. Bây giờ đến lượt thằng thứ hai một mực xin thi vào Đại học Giao thông vận tải. Trong lúc con ngồi trên ghế nhà trường, chị Mai ráng “cày” cật lực để kiếm tiền mua giáo trình, đóng học phí… cho con.
Còn anh Minh cũng hào hứng: “Ừ, con người ta mất cái này thì được cái kia. Mấy đứa nhỏ con nhà nghèo thường biết thương cha mẹ khổ nên ham học lắm. Như nhà tui đây, có lúc khổ quá không nuôi nổi 3 đứa cùng lúc ăn học, tưởng đã phải “đứt gánh” giữa đường, nhưng nó một mực một buổi đi học, một buổi đi làm rẫy, hái cà phê thuê cho người ta. Nó bảo ba mẹ khổ nhiều rồi, nó phải ráng kiếm được cái chữ đi làm, phụ giúp gia đình, chứ chẳng lẽ chạy xe ôm hay bán rau cả đời sao. Thằng nhỏ vậy mà có lý. Đời mình đã khổ chẳng lẽ đến nó cũng không khá”.
|